Nguyễn Tường Thụy
Hội Bầu bí tương thân và Quĩ 50k đồng hành với gia đình TNLT Phạm Văn Trội,
Hồ Đức Hòa.
|
Đấy là nhận xét của TNLT Phạm Văn Trội nói về anh và những người TNLT trong
trại giam Ba Sao (Hà Nam) khi gia đình đến thăm nuôi.
Hiện nay, ở trại này đang giam giữ những TNLT mà nhiều người biết đến như
Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa, Lê Thanh Tùng, Vũ Quang Thuận, Phan Kim Khánh...
Hôm 9/12 vừa qua, Hội Bầu bí tương thân đồng hành cùng hai gia đình Phạm
Văn Trội và Hồ Đức Hòa đến thăm các anh.
Với gia đình Hòa, chúng tôi hẹn nhau
tại cổng trại, còn với gia đình Trội, chúng tôi đưa đón vợ và con anh đi thăm
chồng, thăm cha. Tất nhiên chúng tôi phải ngồi ngoài cổng trại trong thời gian
gia đình các anh vào thăm. Cô Nguyễn Huyền Trang vợ Phạm Văn Trội kể, khi em nói
anh và các anh chị đang ngồi ngoài cổng, anh vui lắm, biết anh chị em ở ngoài
không bao giờ quên những TNLT đang phải chịu đựng nhiều gian khổ trong trại
giam.
Phiên tòa xử các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ ở Hà Nội hôm 5/4/2018 AFP |
Trong câu chuyện với Trang trên đường về, có thể hình dung ra việc Trội và
những anh em TNLT trong trại này đang gặp phải sự đối xử khắc nghiệt. Trang
nói, mỗi lần gặp, gia đình được nói chuyện khoảng 1 giờ. Câu chuyện thì nhiều
lắm, em có ghi lại cho khỏi quên thì sau đó trại giam bắt hủy nên kể lại không
đầy đủ đâu.
Theo lời Trang kể thì những TNLT ở trại này đều bị cô lập, không được tiếp
xúc với những tù thường phạm khác vì họ sợ tinh thần của TNLT ảnh hưởng đến
toàn trại. Các anh không được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Giờ
giấc lao động cưỡng bức cũng rất căng, đúng 8 giờ 1 ngày. Hàng ngày đi làm sớm
nên các anh phải dậy từ rất sớm để còn tập thể dục, vệ sinh cá nhân. Công việc
là làm đồ mây tre đan. Việc này tuy không vất vả nhưng rất độc hại vì nguyên
liệu được ngâm tẩm chất hóa học. Nguyên liệu lại chất đầy trước buồng giam nên
không chỉ lúc làm mà suốt ngày các anh hít phải hơi độc. Phòng giam ẩm thấp,
bẩn thỉu và thiếu ánh sáng trầm trọng, vì nơi các anh đang ở bây giờ chính là
khu biệt giam trước đây
Về sinh hoạt rất vất vả. Mùa đông trại không cho nhận chăn, quần áo rét
người nhà gửi vào. Mỗi người chỉ được dùng 1 áo ấm. Đồ ăn cũng không được nhận
của gia đình gửi vào mà phải mua của trại rất đắt, gấp nhiều so với giá thị
trường. Đã phải mua đắt nhưng lại không ngon, chất lượng thế nào thì chịu thế.
Anh em rất bức xúc về qui định vô lý của trại nên đã viết đơn gửi ban giám
thị yêu cầu giải quyết nhưng 2 tháng tình hình vẫn thế và trại vẫn không có ý
kiến gì về lá đơn ấy cả.
Trang nhận xét: “Trại này rất có kinh nghiệm quản lý TNLT anh ạ. Nó hành hạ
về tinh thần là chủ yếu. Họ kiểm soát ý nghĩ con người rất gắt gao, từng ly
từng tí”. Tôi hỏi sao họ kiểm soát được và kiểm soát như thế nào? Cô kể tiếp:
Trại này rất có
kinh nghiệm quản lý TNLT anh ạ. Nó hành hạ về tinh thần là chủ yếu. Họ kiểm
soát ý nghĩ con người rất gắt gao, từng ly từng tí - Nguyễn Huyền Trang
Khi nói chuyện với anh Trội, anh luôn bị ngắt lời khi kể về tình hình sinh
hoạt trong tù như thế nào. Anh Trội tỏ thái độ phản đối rất gay gắt. Anh bảo:
“Tôi sẵn sàng hủy cuộc gặp hôm nay, tôi không cần gặp gia đình nữa nếu không
cho tôi nói”. Lúc ấy tay cán bộ đi kèm có nhiệm vụ canh chừng mới hạ giọng và
cuộc nói chuyện mới tiếp tục.
Trang kể tiếp: “Khi nói chuyện, em có ghi chép lại những gì anh ấy nói vì
em sợ không nhớ hết. Sau cuộc gặp, họ bắt em phải lên văn phòng gặp phó giám
thị về việc em sử dụng giấy bút ghi chép trong khi thăm gặp, buộc em phải đưa
cho họ xem nội dung ghi những gì và họ hủy trước khi em rời trại.
Em phản đối và nói không có quy định nào cấm ghi chép khi gia đình thăm gặp
tù nhân, các anh làm như thế là bất chấp mọi qui định.
Thực ra giấy ấy chỉ ghi lại những gì anh Trội nói rất bình thường thôi
nhưng họ làm rất gay gắt. Em ghi được nhiều nhưng chỉ nhớ được mấy ý thôi. Em
nghĩ là họ sợ tất cả thông tin này bị mang ra ngoài”.
Thì ra, lý do chúng tôi chờ mẹ con Trang rất lâu, từ 9 giờ 20’ tới gần 12
giờ mới thấy mẹ con cô ra là vì thế. Như vậy, việc thông tin giữa tù nhân và
gia đình phải chịu 2 lần kiểm soát, một là can thiệp ngay nếu tù nhân nói ngoài
ý muốn của họ, hai là không cho người nhà ghi chép lại để những chuyện trong
trại giam không lọt ra ngoài.
“Em nghĩ những người TNLT như anh Trội không chỉ là trong cảnh tù đầy đâu
mà tù trong tù luôn ấy anh ạ. Cho nên về mặt tinh thần của các anh ấy rất mệt
mỏi. Anh Trội muốn nhấn mạnh là các anh bị họ cô lập, không cho tiếp xúc với tù
thường phạm” - Trang nói.
*
Trại giam Ba Sao nằm ở một vùng núi đá thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
nên thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng hơn những
vùng bình thường khác, gọi là lam sơn chướng khí. Nơi đây đã từng giam hàng
nghìn tù chính trị và quân cán binh Việt Nam cộng hòa. Những câu chuyện bi
thương về số phận những người tù, Phạm Thanh Nghiên đã viết trong “Ba Sao chi
mộ” và Thanh Trúc với bài “Những vong linh tù cải tạo trại Ba Sao” đăng ở RFA.
Tuy không nên chỉ căn cứ vào “truyền thống” ấy để suy xét về những TNLT
đang bị giam ở trại giam này, nhưng những gì mà Phạm Văn Trội thông tin cho
thấy có nhiều điều rất đáng lo ngại cho các anh. Tôi đã tìm hiểu cuộc sống của
TNLT ở nhiều trại giam thông qua câu chuyện với gia đình họ, hoặc chính TNLT
khi ra tù kể. Mỗi trại giam có những khắc nghiệt khác nhau. Ở trại giam này, có
những khắc nghiệt và vô lý riêng của nó. Lối hành xử không theo những qui định
chung mà lại làm theo những gì họ muốn.
Các nhà ngoại giao ở Hà Nội ngồi xem màn hình buổi xét xử nhà hoạt động Phạm Văn Trội hôm 8/10/2009 AFP |
Mỗi bản án, trước đoạn tuyên án đều có câu cần phải cách ly phạm nhân ra
khỏi xã hội. Nếu chỉ hiểu theo như thế thì trong tù, quyền con người vẫn được
đảm bảo. Thế nhưng, trên thực tế, ngoài việc bị cầm tù, họ còn bị tước nhiều
quyền khác và bị hành xử cực kỳ vô lý mà không biết kêu ai, trừ kêu với chính
những kẻ đã hành hạ họ. Với trại giam Ba Sao, cơ sở nào mà họ ngăn cách TNLT
với tù thường phạm? Họ có quyền gì mà không cho tù nhân nhận đồ ăn từ gia đình
để buộc phải mua hàng căn tin của trại, dùng căn tin làm công cụ bóc lột tù
nhân, tùy ý định giá và chất lượng sản phẩm? Lương tâm họ để đâu mà không cho
tù nhân nhận quần áo chống rét từ gia đình? Nếu trại giam Ba Sao làm việc đàng
hoàng, tại sao phải cấm tù nhân kể thật về mọi việc diễn ra trong trại?. Phải
chăng, chuyện đày ải tù nhân là một bí mật quốc gia?
Mới rõ hơn rằng, các anh chị em TNLT không chỉ bị tách ra khỏi xã hội mà
còn bị trừng phạt, đày ải. Trong những ngày mưa phùn gió bấc với cái lạnh thấu
xương như mấy hôm nay, nghĩ về các anh trong trại giam Ba Sao không đủ đồ chống
rét mà rùng mình, thương các anh vô kể và cũng căm giận vô cùng những kẻ đang
đày đọa các anh. Việc hành hạ những tù nhân nói chung và TNLT nói riêng mà ở
đây là trại giam Ba Sao là những việc làm độc ác, cần phải có nhiều hơn sự lên
tiếng của lương tâm tất cả mọi người.