20 avril 2017

Màn tấu hài ngô nghê và lạc điệu!



 
Con đường xưa em đi và 4 ca khúc tạm dừng lưu hành được cấp phép trở lại

Trách nhiệm của bộ máy Tổ chức nhân sự như thế nào khi chọn vào vị trí trách nhiệm cao một người không thực thi trách nhiệm? Bộ máy này có lỗi không? Nếu có thì lỗi do triết lý tổ chức nhân sự? Do kế hoạch nhân sự? Do mô tả trách nhiệm không đầy đủ? Do xác định yêu cầu vị trí chưa đúng?

Tạm dừng rồi thu hồi quyết định “vì chưa đủ cơ sở tạm dừng”




Năm tác phẩm âm nhạc đang được người dân ưa thích và có mặt trên kệ nhạc thường xuyên trong gia đình. Năm tác phẩm thường được chọn hát trong các buổi karaoke tập thể. Năm tác phẩm đã in dấu trong lòng công chúng như những bài hát trữ tình, dễ thương và có tính văn học…

Đùng một cái, vào một ngày đẹp trời, cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) ra thông báo cấm lưu hành. Công chúng phản đối và đặt câu hỏi về quyền hạn của cục Nghệ thuật Biểu diễn, về nguyên tắc quản lý “không cấm nghĩa là có quyền”. Cục Nghệ thuật Biểu diễn tiếp tục yêu cầu Sở VH-TT TP.HCM lên danh sách các ca khúc ra đời trước năm 1975 để xem xét.

Công chúng càng lên tiếng phản đối. Cục Nghệ thuật Biểu ra tuyên bố lý do của sự dừng lưu hành là vì “sai lời”! Người nóng tính chửi thề, người trầm tĩnh cười mỉm vì cái lý do trời ơi đất hỡi! Chuyện “sai lời” là chuyện giữa tác giả và người phổ biến, ăn thua gì tới bên thứ ba chưa ai mời là Cục Nghệ thuật Biểu diễn? Hơn nữa, bao tác phẩm sai lời khác, mỗi tác phẩm có rất nhiều dị bản, có tác phẩm nào đã từng bị cấm với cái lý do đó như là tiền lệ đâu?           

Sau những biểu hiện quyết tâm đi tới, ngày 14.4, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã ký văn bản thu hồi quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trên. Trong văn bản nêu rõ lý do là “chưa đủ cơ sở tạm dừng phổ biến 5 bài hát: Con đường xưa em đi, Rừng xưa, Cánh thiệp đầu xuân, Chuyện buồn ngày xuân Đừng gọi anh bằng chú” (dantri.com.vn, ngày 15.4.2017). 


Màn tấu hài ngô nghê, lạc điệu
 

Cảm nhận của tôi về sự việc xảy ra là bị ép phải xem một màn tấu hài ngô nghê, lạc điệu! Ngô nghê bởi vì tính “ấu trĩ”, và lạc điệu vì nhắc lại, vô tình hay hữu ý, sự phân biệt hai miền trong khi tâm tình dân tộc đã là Nam - Bắc một nhà từ 40 năm nay! Chắc môt phần không nhỏ của công chúng cũng có cùng cảm nhận. Cục chỉ  “thu hồi” quyết định gây xôn xao dư luận sau khi bị cấp trên là Bộ ra lệnh vì “việc tạm dừng 5 ca khúc là chưa đủ căn cứ, gây phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội”. Phản chăng Bộ cũng thấy sự việc đã đi quá ngưỡng ngô nghê, lạc điệu?

Qua sự việc, một lần nữa công chúng thấy rằng những sự kiện gây náo động tâm lý dân chúng và làm giảm hình ảnh của chính quyền trong mắt dân sao mà được quyết định quá hời hợt và nông nổi! Hơn nữa, dân chúng cảm nhận quyết định không hề tôn trọng họ và mang tính đàn áp tư tưởng. Bất kỳ một công ty có tầm vóc nào cũng xem rất trọng việc quản lý mối quan hệ với công chúng và xây dựng hình ảnh, thương hiệu. Chính quyền Việt Nam là một thương hiệu đã được xây dựng, không thể coi nhẹ việc bảo vệ và phát triển nó. Cho dù có ráng thông cảm với cục Nghệ thuật Biểu diễn tới đâu đi nữa, tôi cũng vẫn cho rằng quyết định vừa rồi thiếu tính chuyên môn, thất nhân tâm, thất chính trị và góp phần làm thương tổn hình ảnh chính phủ. Ở tầm vóc đó, mỗi quyết định cần mang ý nghĩa chính trị. Nghĩa là nó phải góp phần khiến dân chúng vui hơn, hài lòng hơn, yêu mến và quý trọng chính phủ, chính quyền hơn. Quyết định này gây tác dụng ngược lại, phải được xem là thất bại!  


Vấn đề trách nhiệm: vài đề nghị
 

Để hình ảnh, thương hiệu của chính quyền được nâng lên, tôi nghĩ các câu hỏi như dưới đây cần/nên được đặt ra để tìm phương hướng giải pháp hữu hiệu và xác định chương trình làm việc sắp tới:

1) Người mang trách nhiệm có thực thi trách nhiệm hay không? Khi trả lời phỏng vấn, thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng: “Phải nói rằng, cho đến giờ thì cơ quan nhà nước như Cục thì không thể quét hết được, đề nghị các nơi gửi về mà người ta cũng chưa gửi về, có nơi gửi về có nơi không [gởi về danh sách các bài hát được phổ biến - NV]”. Cho nên ông đề nghị “ở một góc độ nào đó cũng phải thông cảm cho cái khó của công tác quản lý này”. (Vietnamnet, 14.4.2017)

Cá nhân tôi lại cho rằng khó mà “thông cảm cho cái khó” này. Việc là việc phải làm, và cái khó là cái khó phải giải quyết! Không làm được thì một là không chịu làm việc, hai là không có năng lực. Nghĩa là hoặc không siêng năng mẫn cán, hoặc không đủ năng lực. Một vị trí được đặt ra là để thực thi một trách nhiệm, không làm được việc thì không nên, không được ngồi ở vi trí đó!

2) Nếu đồng ý với nhau rằng người không hoàn thành trách nhiệm thì không nên ngồi ở vị trí trách nhiệm, thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: vậy thì người có trách nhiệm mà không hoàn thành đó cần/nên được xử lý như thế nào? Để cho dân chúng tin rằng chính quyền thực tâm muốn nâng cao đạo đức và năng lực của bộ máy hành chánh công. Để cho dân chúng tin rằng chính quyền thực tâm xem đạo đức và năng lực của cán bộ là trọng yếu và không thể dễ dàng thỏa hiệp, đánh đổi vì một điều gì khác. Đây là một động thái cần thiết để sửa chữa tổn hại (control damage) về hình ảnh trong lòng dân chúng.

3) Và như vậy thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: Trách nhiệm của bộ máy Tổ chức nhân sự như thế nào khi chọn vào vị trí trách nhiệm cao một người không thực thi trách nhiệm? Bộ máy này có lỗi không? Nếu có thì lỗi do triết lý tổ chức nhân sự? Do kế hoạch nhân sự? Do mô tả trách nhiệm không đầy đủ? Do xác định yêu cầu vị trí chưa đúng?

Tôi nghĩ các câu hỏi như trên được đặt ra nghiêm túc, được trả lời nghiêm túc, được tìm ra các giải pháp hữu hiệu và các giải pháp đó được tiến hành nghiêm túc là những bước đầu tiên cải tổ bộ máy nâng cao đạo đức và năng lực hệ thống hành chánh công. Điều này sẽ đặt nền móng cho một sự cải tổ rộng rãi và toàn diện tiếp theo.

Lời thảo luận và đề nghị này có bị xem là quá tầm của một người dân thường hay không? 


Lê Học Lãnh Vân