Nguồn: Theo Việt Nam Thời Báo
Tọa đàm về người bảo vệ nhân quyền ở VN
Một buổi tọa đàm về chủ đề bảo vệ 'Người bảo vệ nhân quyền' đã được hai nhóm xã hội dân sự trong nước hợp tác tổ chức tại nhà thờ Thái Hà, Hà Nội sáng 26/11.
Trong thông cáo về nội dung chương trình, hai tổ chức Diễn đàn Xã hội Dân sự và Vietnam UPR Working Group cũng mời cả đại diện từ phía Bộ Công an Việt Nam và công an TP. Hà Nội đến tham dự.
Tuy nhiên, trả lời BBC ngày 26/11, một trong các diễn giả chính tại buổi tọa đàm, cho biết chỉ có một số an ninh được cử theo để theo dõi và gây khó khăn cho ông trên đường đến buổi tọa đàm.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A cũng nhận định tình hình nhân quyền tại Việt Nam trở nên "tồi tệ hơn" sau kỳ UPR.
Mục tiêu của buổi tọa đàm là nhằm "phổ biến và giám sát" quá trình thực thi những khuyến nghị trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) hồi tháng Sáu, thông cáo viết.
Trong kỳ UPR hồi giữa năm nay, phía Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị từ Luxembourg, Na Uy và Tunisia về việc "công nhận, bảo vệ và bảo đảm môi trường hoạt động cho những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam", thông cáo cho biết thêm.
BBC: Xin ông cho biết một số diễn biến chính trong buổi tọa đàm sáng nay?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Số người dự cuộc tọa đàm sáng nay là trên 70 người, trong đó có một đại diện của khối Liên hiệp châu Âu, bảy đại diện từ các đại sứ quán của Hoa Kỳ, Anh quốc, Úc và nhiều nước khác.
Khi tôi chuẩn bị lên xe buýt thì có 10 an ninh quận Long Biên xúm lại ngăn chặn. Tôi vẫy taxi thì họ đuổi taxi đi.
Tôi chỉ còn cách duy nhất là đi bộ và họ bám theo tôi suốt từ nhà đến nhà thờ Thái Hà.
Tuy nhiên diễn biến trong phòng tọa đàm rất suôn sẻ. Chương trình đã bắt đầu đúng giờ và kết thúc vào lúc 12 giờ trưa theo kế hoạch.
BBC: Mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn của những buổi tọa đàm thế này là gì, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Mục tiêu cuộc tọa đàm thực chất là để giới thiệu cho công chúng Việt Nam, những người trong bộ máy công quyền hiểu rõ những người bảo vệ nhân quyền là ai, có những quyền gì và nghĩa vụ của nhà nước là ra sao.
Mục tiêu dài hạn của chúng tôi là giúp những cuộc tọa đàm ôn hòa, mang tính xây dựng và phổ biến kiến thức được tổ chức nhiều hơn nhằm củng cố sức mạnh cho xã hội dân sự tại Việt Nam.
Khi xã hội dân sự phát triển lên và có nhiều hoạt động như thế thì chính quyền sẽ hiểu rằng các hoạt động này là tốt cho đất nước, không phải do các thế lực thù địch xúi giục để làm hại đất nước.
Khi đã hiểu ra thì người ta có thể sửa đổi các quy định pháp luật để những hoạt động như vậy không còn gặp những trở ngại như ngày hôm nay.
BBC: Khi chính quyền không công nhận những tổ chức dân sự độc lập thì điều đó gây những khó khăn gì cho những 'Người bảo vệ nhân quyền' trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Có nhiều loại nhân quyền, như quyền của người khuyết tật, quyền người nhiễm HIV, quyền phụ nữ, dân tộc thiểu số, quyền làm kinh tế.
Nếu là những tổ chức bảo vệ cho các quyền đó thì họ có thể đăng ký hoạt động đàng hoàng ở Việt Nam.
Tuy nhiên những người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, bảo vệ quyền tù nhân thì bị chính quyền coi là nhạy cảm và gây khó khăn, có muốn đăng ký cũng không được.
Những lời nói của Thủ tướng trong đầu năm và suốt thời gian vừa qua thì có nhiều điểm nghe rất hay. Nếu làm được những gì đã nói thì rất tốt.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A |
Trong khi đó quy định của Liên Hiệp Quốc quy định không phân biệt giữa các tổ chức đăng ký hay không đăng ký và nhà nước phải tạo thuận lợi cho bất cứ tổ chức nhân quyền nào.
Tại phiên UPR vừa rồi, chúng tôi đã gặp Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và đại diện các nước EU, tất cả đều tôn trọng và công nhận chúng tôi, rất đáng tiếc chúng tôi lại không được công nhận ở chính nước mình.
Tuy nhiên theo đúng như tinh thần chung thì chúng tôi coi chúng tôi là những tổ chức hợp pháp, không quan trọng là có đăng ký hay không.
Chúng tôi sẽ kiên trì đấu tranh ôn hòa để thuyết phục họ rằng nếu họ để các tổ chức dân sự như chúng tôi được đăng ký thì điều đó sẽ chỉ có lợi cho đất nước và cho chính bản thân họ.
Tất nhiên là trong thời gian vẫn bị xem là bất hợp pháp thì hoạt động của chúng tôi sẽ còn nhiều khó khăn.
BBC: Ông có thấy những cải thiện đáng kể nào về nhân quyền tại Việt Nam kể từ sau kỳ UPR vừa qua hay không?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Những lời nói của Thủ tướng trong đầu năm và suốt thời gian vừa qua thì có nhiều điểm nghe rất hay. Nếu làm được những gì đã nói thì rất tốt.
Nhưng tôi vẫn chưa thấy có chuyển động có ý nghĩa gì về mặt nhân quyền cả.
Trước phiên kiểm điểm họ mềm dẻo đi một chút, và sau đó thì đâu lại hoàn đấy.
Vừa qua chúng ta chứng kiến việc bắt giữ ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Ngay cả Điếu Cày và Cù Huy Hà Vũ có được thả cũng bị đẩy sang Mỹ.
Bên cạnh đó, còn các vụ mới đây như phiên xử phúc thẩm các nông dân Dương Nội và hành hung ông Dương Minh Đức và nhiều người khác.
Tôi thấy rằng lời nói hay nhưng không đi đôi với việc làm, và dường như tình hình nhân quyền sau phiên UPR lại tồi đi.
BBC
Lúc 8 giờ 30 ngày 26/11/2014, tại Hội trường Nhà thờ Thái Hà đã diễn ra buổi Tọa đàm chuyên đề "Cơ chế của Liên Hợp Quốc về bảo vệ người bảo vệ nhân quyền". Trong Thông cáo báo chí trước khi diễn ra buổi Toạ đàm, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết: "Những người bảo vệ nhân quyền (NBVNQ) đóng vai trò thiết yếu trong việc hiện thực hóa các quyền con người được ghi nhận trong luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn theo luật quốc tế. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, NBVNQ tại Việt Nam đã không được thừa nhận đúng mức với vai trò cao cả này, không những thế họ phải luôn gánh chịu rất nhiều rủi ro trong các hoạt động của mình. Vì thế Tọa đàm nhằm mục đích tôn vinh những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam và tìm kiếm một cơ chế hữu hiệu để bảo vệ họ, cũng như qua đó phổ biến ý thức tôn trọng nhân quyền và khuyến kích tất cả mọi người trở thành những người bảo vệ nhân quyền".
Đến tham dự buổi nói chuyện ngày hôm nay có khoảng năm mươi nhà hoạt động về lĩnh vực nhân quyền trong và ngoài nước, các nhân sĩ trí thức, nhận viên các đại sứ quán nước ngoài yêu chuộng nhân quyền. Trong các hình ảnh lan truyền trên Internet chúng tôi nhân thấy có những nhà hoạt động nổi tiếng như: Nguyễn Hồ Nhật Thành, Phạm Lê Vương Các, Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Quang A, Nguyễn Kim Chi...
Tăng cường trấn áp trước buổi Toạ đàm
Tối 25/11/2014, nhà thờ Thái Hà, nơi sẽ diễn ra buổi nói chuyện đã bị 1 viên cảnh sát và hai dân phòng, cùng những người lạ mặt xông vào đòi gặp Linh mục Phượng. Giáo dân tại đây đã khoá trái cửa, gióng chuông để kêu gọi sự giúp đỡ của các giáo dân khác. Sau khi thấy không thể nào gặp được các vị linh mục, những nhân viên công lực này đã yêu cầu được ra về. Sự việc này xảy ra khi trước đó có 2 người đem Bưu phẩm của Uỷ ban nhân dân quận Đống Đa đến nhà thờ nhưng không có người nhận.
Theo FB Tao Vo Van cho biết:
Lúc 5 giờ sáng 26/11/2014, TS Nguyễn Quang A đi bộ ra khỏi nhà để đến nhà thờ Thái Hà tham dự Toạ đàm, nhưng đã có khoảng 10 người mặc thường phục bám theo sau hòng ngăn cản ông đi. Khi ông đón xe bus để đi cũng bị những người này ngăn cản không cho lên xe.
Lúc 9 giờ TS Nguyễn Quang A đến được đầu phố Nguyễn Lương Bằng, thì bị hơn 30 nhân viên an ninh, công an, dân phòng ngăn cản với vẻ hùng hổ và đe doạ. Khoảng 10 nhà hoạt động và 3 người nước ngoài là thuộc các Đại sứ quán đã ra để "giải thoát" cho ông, và cuối cùng ông cũng đến được buổi nói chuyện.
Đông đảo nhân viên công lực ngăn cản TS Nguyễn Quang A. Ảnh: Peter Lâm Bùi |
Thời gian qua, những nhà hoạt động nhân quyền liên tục bị sách nhiễu và tấn công bởi những người lạ mặt nghi là nhân viên an ninh. Nạn nhân mới nhất là ký giả Trương Minh Đức đã bị những người lạ tấn công một cách dã man, trong số đó ông nhận ra 1 người đã từng "làm việc" với ông ở đồn công an.
Trong thư mời Bộ công an và Sở công an Hà Nội ghi rõ:
"Những người bảo vệ nhân quyền (NBVNQ) đóng vai trò thiết yếu trong việc hiện thực hóa các quyền con người được ghi nhận trong luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn theo luật quốc tế, và là thành trì cuối cùng trong cuộc chiến chống lại phân biệt đối xử. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, NBVNQ tại Việt Nam đã không được thừa nhận đúng mức với vai trò cao cả của mình, không những thế, họ phải luôn gánh chịu rất nhiều rủi ro trong các hoạt động của mình.
Trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) tại Genève vào tháng 6/ 2014 vừa qua, Việt Nam đã chấp nhận một số khuyến nghị về việc công nhận, bảo vệ, và đảm bảo môi trường hoạt động cho những NBVNQ tại Việt Nam, mà cụ thể là khuyến nghị số 143.149 của Luxembourg,143.162 của Na Uy, 143.167 của Tunisia."
Dân Luận tổng hợp -----------------------
THÔNG TIN LIÊN QUAN (trong ngày 25-11-2014) từ TS. Nguyễn Quang A:
Thưa quý vị, Diễn đàn xã hội dân sự (CSF) và nhóm công tác UPRVietnam kính mời quý vị đến dự tọa đàm về "Cơ chế của Liên Hiệp Quốc về Bảo vệ Những người bảo vệ Nhân quyền" vào buổi sáng ngày 26-11-2014. Vì không thể làm giấy mời cho từng vị, chúng tôi xin đính kèm giấy mời Bộ CA để quý vị biết thời gian, chủ đề, chương trình. Kính mời các vị nào có khả năng và thời gian đến dự.
Nguyễn Quang A
Lúc 10g01 phút tôi nhận được điện thoại từ số 0903431322 của một anh xưng tên đường hoàng (mà tôi không nhớ, chắc chiều nay phải ghi lại), nói rằng anh ta từ A83. Anh ấy nói đã nhận được giấy mời nên muốn trao đổi. Tôi vui vẻ mời các anh ấy đến Highland cà phê (gần nhà hát lớn) lúc 14h ngày 25-11-2014 uống cà phê trao đổi. Tôi sẽ cố thuyết phục họ đến dự tọa đàm vì như thế sẽ rất tốt cho chính quyền Việt Nam và cho nước Việt Nam. Quý vị nào rỗi lúc đó tôi mời đến uống cà phê cho vui.
Tôi cũng nhận được khẳng định của các đại diện của sứ quán Thụy Điển, Đức, Australia rằng họ sẽ dự tọa đàm Kính báo để quý vị được rõ.
Nguyễn Quang A
Tôi đã có cuộc trao đổi với 2 anh tự giới thiệu là từ A83; - Anh Dương Văn Cừ giới thiệu là cục phó Cục A83 là người đã gọi điện lúc 10.01 ban sáng
- Anh Nguyễn Xuân Nam, phó phòng NGO của A83.
Cuộc nói chuyện vui vẻ từ 14h đến 15h20. Tôi chủ động mời các anh đó uống nước. A) Vấn đề chính là tọa đàm ngày mai. Tôi cố khuyên các anh ấy đến dự và phát biểu cũng như thuyết phục đại diện của CA Hà Nội tham gia.
1) Các anh ấy trả lời rằng đã nhận được giấy mời, thế nhưng họ là công an nên phải tuân thủ pháp luật. Dư luận (không biết dư luận nào?) cho rằng chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra tại tọa đàm, liệu có tuyên bố gì đó, liệu có là diễn đàn dân chủ rồi có thể dẫn đến cái gì đó. Họ không thể dự được, vì nếu dự là phạm pháp. Vì theo Quyết định số 76 năm 2010 của Thủ tướng chính phủ, Luật an ninh (tụ tập đông người), Quyết định 28 của UNND Tp. Hà Nội và việc tổ chức tọa đàm ngày mai là trái với các quyết định ấy. Chưa được phép, tức là trái pháp luật. Vì lý do đó họ không thể dự. Chính vì thế, họ yêu cầu nên hoãn lại chờ giấy phép. Vả lại, tọa đàm diễn ra tại Thái Hà là một địa điểm nhạy cảm. Họ yêu cầu tôi can thiệp để hoãn tọa đàm và nếu vẫn tổ chức thì CA vẫn phải thi hành luật pháp.
2) Tôi trao đổi với họ: a) Các quy định mà các anh nói tới đều vi hiến, cản trở quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận của người dân. Việc tổ chức tọa đàm là hoàn toàn hợp hiến. Và vì thế, tôi không khuyên và không thể khuyên hoãn lại khi khác. Giấy mời bên các anh đã nhận được, và chắc bên CA Hà Nội cũng vậy. Các anh nói tuân thủ pháp luật hiện hành nên không thể dự, chúng tôi thông cảm và lấy làm tiếc. Cho nên, các anh hãy kêu cấp trên sửa quy định đi. Còn nếu các anh cản trở thì tùy, nhưng tôi nghĩ nếu làm thế, các anh sẽ là người làm bẩn bộ mặt Việt Nam trước quốc tế, trước cả gần chục nhà ngoại giao sẽ đến dự ngày mai. Tôi hy vọng CA không dại đến vậy (và chỉ đến trưa mai mới rõ xem họ có can thiệp, cản trở các vị đến dự hay không) b) Về địa điểm: chúng tôi đã muốn tổ chức ở nơi công cộng, trung lập (New World Hotel ở Sài Gòn lần trước) nhưng chính CA đã cản trở, và may là chúng tôi nhờ được sự giúp đỡ của Dòng chúa cứu thế. Nếu các anh ngại nơi đó, xin đừng can thiệp. Để các khách sạn, các quán cà phê hoạt động bình thường, chứ không cản trở, thì sẽ có chỗ mà các anh có thể coi là không "nhạy cảm". Thực sự vấn đề là ở phía các anh, không phải chúng tôi. Hy vọng các lần sau các anh để yên cho họ làm ăn. Các anh có thể coi việc tọa đàm như vậy là bất hợp pháp. Chúng tôi coi là hợp pháp và yêu cầu nhà nước ra luật đường hoàng, chứ không cấm đoán như hiện nay. c) Tôi đưa danh thiếp có 4 khẩu hiệu của CSF và giải thích rõ "thực thi dân quyền" và triết lý "cứ như" của CSF: quyền của dân, dân cứ thế thực thi mà không đợi, không xin nhà nước. Cho nên việc tọa đàm cũng thế. Đấy là quyền của dân, dân cứ làm. Nếu có luật mà luật cản trở thực thi dân quyền, dân vẫn thực thi quyền của mình. Chỉ có thế, mới buộc nhà nước phải tạo khung pháp luật thuận tiện cho dân. Họ bảo, nhưng khi chưa thay đổi thì vẫn phải tuân thủ quy định hiện hành. Tôi bảo các anh vin cớ đó, không đi dự, tôi thông cảm tuy lấy làm tiếc. Nhưng dân không chấp nhận cái đuôi "theo quy định của pháp luật" ấy và chúng tôi sẽ đấu tranh để thay đổi điều đó.
Đấy là nội dung chính. B) Các nội dung khác như gia đình, kinh doanh 3C, ngân hàng, Thụy Sĩ, Myammar chỉ để trám chỗ mà thôi. Họ hỏi tôi có ai tài trợ hay ngỏ ý tài trợ? Tôi bảo, cá nhân tôi chỉ có cho, chứ không xin ai cả, kể cả nhà nước Việt Nam. Lúc 10g anh Cừ ngỏ ý cho xe đón, tôi khéo léo từ chối. Lúc ra về, các anh ấy lại muốn đưa về. Tôi từ chối và nói thẳng: vì tôi không muốn tiêu đến tiền thuế của dân. Họ bảo bác nói thế thì chịu. Tôi chia tay họ ra về và hẹn sẽ tiếp tục đối thoại với họ (tôi đã nghi lại số điện thoại của cả 2 anh).
Xin báo để quý vị rõ.
Nguyễn Quang A
***
Cảnh sát khu vực vừa gọi muốn gặp tôi bảo không có chuyện gì để nói đâu. Rồi từ UB Phường lại gọi điện muốn đến nhà trao đổi. Tôi nói tôi đã nói chuyện với cục phó Cục A82 buổi chiều hỏi ông ấy thì rõ. Chuông điện để bàn réo tiếp. Tôi nghĩ chính quyền đã không biết điều. Xem sáng mai họ cản ra sao. Báo để quý vị rõ.
Nguyễn Quang A
Theo Facebook nhà báo Võ Văn Tạo
------------------------------
Công an và dân phòng lại xâm nhập Nhà thờ Thái Hà ban đêm bất hợp pháp. |
Vào lúc 21g15 tối nay, 25/11/2014, công an viên phường Quang Trung tên Phóng cùng một số dân phòng đường đột vào Nhà thờ Thái Hà.
Khi đó, giáo dân đang sinh hoạt yêu cầu những người này ra khỏi nhà thờ vì ban đêm các ông không có lí do gì để vào đây cả. Họ khăng khăng đòi kiểm tra tạm trú, tạm vắng của những người đang ở trong tu viện. Công an Phóng còn nói thế này: "Anh là cảnh sát khu vực tại đây, anh có quyền vào bất cứ lúc nào cũng được". Ngồi xổm trên pháp luật à???
Giáo dân một mực yêu cầu công an, dân phòng ra khỏi Nhà thờ.
https://www.youtube.com/watch?v=veRhSN8Vxoc&feature=youtu.be
Theo Facebook của Linh Mục Đinh Hữu Thoại
------------------------------
THƯ MỜI BỘ CÔNG AN DỰ TỌA ĐÀM NHÂN QUYỀN
Kính gửi bộ Công an
Những người bảo vệ nhân quyền (NBVNQ) đóng vai trò thiết yếu trong việc hiện thực hóa các quyền con người được ghi nhận trong luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn theo luật quốc tế, và là thành trì cuối cùng trong cuộc chiến chống lại phân biệt đối xử. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, NBVNQ tại Việt Nam không được thừa nhận đúng mức với vai trò cao cả của mình. Không những thế, họ phải luôn gánh chịu rất nhiều rủi ro trong các hoạt động của mình. Trong kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) tại Genève vào tháng 6/ 2014 vừa qua, Việt Nam đã chấp nhận một số khuyến nghị về việc công nhận, bảo vệ, và đảm bảo môi trường hoạt động cho những NBVNQ tại Việt Nam, mà cụ thể là khuyến nghị số 143.149 của Luxembourg,143.162 của Na Uy, 143.167 của Tunisia.
Trong bối cảnh đó, nhằm thực hiện sứ mệnh phổ biến và giám sát việc thực thi kết quả UPR của Việt Nam, liên minh 2 tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam là Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự và VietnamUPR Working Group sẽ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Cơ chế của Liên Hợp Quốc về bảo vệ Người bảo vệ Nhân quyền".
Thời gian: Từ 8h đến 12h, ngày 26 tháng 11 năm 2014.
Địa điềm: Hội trường tầng 3, Nhà thờ Thái Hà
180/2 Đường Nguyễn Lương Bằng, Quận Đống Đa, Hà Nội. Thông qua buổi tọa đàm với sự góp mặt của đại diện của Bộ Công An và Công an Hà Nội, đại diện các Đại sứ quán các nước, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, và những người bảo vệ nhân quyền độc lập tại Việt Nam chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho nhân viên công quyền và công chúng Việt Nam hiểu hơn về những NBVNQ - họ là ai? công việc của họ là gì? tầm quan trọng của họ trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam, để từ đó thúc đẩy sự quan tâm của nhà nước và công chúng đối với những NBVNQ, cũng như phổ biến ý thức tôn trọng quyền con người của mỗi cá nhân và khuyến kích mọi người trở thành những NBVNQ.
Chúng tôi chân thành kính mời một đại diện của Quý Bộ tham dự buổi tọa đàm và đóng góp ý kiến để tọa đàm thành công nhằm góp phần để Việt Nam thực hiện tốt những cam kết của mình vừa qua về nhân quyền, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế xứng đáng với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền
Trân trọng,
Civil Society Forum
Vietnam UPR Working Group
Chương trình nghị sự đính kèm
8h - 8h30: Ghi danh, đón khách 8h30 - 9h00: Khai mạc Tọa đàm (trình bày Nguyễn Hồ Nhật Thành)
9h00 – 9h30: Tìm hiểu về những NBVNQ (trình bày Nguyễn Quang A)
9h30 - 10h00: Giới thiệu "Tuyên ngôn về NBVNQ" năm 1998 của LHQ (trình bày Phạm Lê Vương Các)
10h00 – 10h15: Giải lao
10h15 – 10h50: Thảo luận về tình trạng của NBVNQ ở Việt Nam hiện nay (Nguyễn Hồ Nhật Thành)
10h50 – 11h20: Hướng dẫn viết đơn khiếu tố theo thủ tục Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng NBVNQ (Phạm Lê Vương Các)
11h20 – 12h00: UPR-Một cơ hội tăng cường bảo vệ NBVNQ (Nguyễn Quang A) Sau 12h00: Ăn trưa và giao lưu 11h20 – 12h00: UPR-Một cơ hội tăng cường bảo vệ NBVNQ (Nguyễn Quang A) Sau 12h00: Ăn trưa và giao lưu