Đường đến trường |
- Mong các nhà giáo tích cực chủ động tận dụng mọi giờ lên lớp và các buổi sinh hoạt ngoại khoá thường xuyên giáo dục cho học sinh ý thức và ý chí bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc Việt Nam. Trong thực tế hiện nay và còn rất lâu về sau, ý thức và ý chí bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc ở mỗi người Việt Nam ta luôn phải gắn chặt với việc nhận rõ âm mưu và thủ đoạn bành trướng xâm lược của thế lực cầm quyền Đại Hán Trung Quốc là kẻ đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của chúng ta, đồng thời liên tục có những hành động vừa leo thang gây hấn công khai vừa ngấm ngầm xúc tiến ngày càng sâu độc hoạt động thù địch trong hầu khắp các lãnh vực từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, chính trị trên toàn cõi Việt Nam, nhất là ở một số vùng và ngành trọng yếu nhằm làm ta suy yếu để thôn tính nước ta, đồng hóa giống nòi ta.
- Mong các nhà giáo tích cực chủ động tận dụng mọi giờ lên lớp và các buổi sinh hoạt ngoại khoá thường xuyên giáo dục cho học sinh ý thức về các quyền công dân đã được ghi rõ trong Hiến pháp.Việc giáo dục ý thức về các quyền ấy đương nhiên phải đi liền với việc bồi dưỡng ý chí và phương pháp đấu tranh để biến các quyền ấy từ trang giấy của Hiến pháp thành hiện thực trong đời sống hàng ngày của mỗi công dân. Quyền Dân là sức mạnh Phù Đổng đưa cả dân tộc Việt Nam, từng con người Việt Nam vụt lớn từ thân phận nô lệ thành con người tự do đạp bằng mọi trở lực để bảo vệ xây dựng đất nước, để mỗi người mưu cầu hạnh phúc cho bản thân đồng thời góp phần vào việc mưu cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người.Trong ba giá trị Độc lập Tự do Hạnh phúc thì Tự do là gốc. Khi nhắc lại tư tưởng đúng đắn của người xưa xác định dân là gốc thì từ Cách mạng Tháng Tám 1945 liền phải xác định cụ thể dân đó là “dân ta được hoàn toàn tự do" (ham muốn tột bậc của Hồ chủ tịch), trước hết người dân phải có các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận/ thông tin, báo chí xuất bản, tự do hội họp, lập hội, lập nghiệp đoàn, tự do biểu tình, tự do ứng cử bầu cử.Không thể có hạnh phúc trong nô lệ, chỉ có một thứ hạnh phúc đích thực xứng đáng để chúng ta mưu cầu là hạnh phúc trong tự do, hạnh phúc ngay khi ta dấn thân vào con đường đầy chông gai chiến đấu cho Tự do.
Việc giáo dục cho học sinh 2 nội dung cực kỳ hệ trọng nêu trên là việc hoàn toàn nằm trong tầm tay, trong trách nhiệm chính thức công khai của các nhà giáo.Tuy vậy, theo chỗ tôi biết thì không ít các nhà giáo chúng ta vẫn đang tỏ ra e ngại đối với công việc đó dù thâm tâm rất muốn làm.Sở dĩ có tình trạng trớ trêu như vậy bởi vì "một bộ phận không nhỏ" trong giới cầm quyền chóp bu ngoài miệng thì lớn lối tuyên bố về Tổ Quốc và Quyền Dân để tự đánh bóng tên tuổi mà hành động thì liên tục dùng bộ máy độc tài cướp lột đất nước, tước đoạt Quyền Dân. Nhưng tôi nghĩ cái trò lớn lối đầu lưỡi để đánh bóng tên tuổi của họ lại chính là con dao 2 lưỡi, và nay đã đến lúc các nhà giáo có thể trao ngay con dao ấy vào tay học sinh để các công dân trẻ đầy sinh lực của chúng ta trở hướng lưỡi dao bén ngọt nhất cùng nhau chặn đứng những bàn tay đen đúa đang hàng ngày tàn hại đất nước tước đoạt Quyền Dân.
Liệu có thể chăng, bắt đầu bằng một phong trào không đến nỗi khó làm như thế này :
Các hiệu trưởng, các nhà giáo tích cực chủ động tiếp cận hoặc gửi thư công khai mời các cán bộ chóp bu, các đại biểu Quốc hội đến trường mình giao lưu với học sinh về chủ đề Tổ Quốc và Quyền Dân ?
Tôi tin rằng, bằng tinh thần tích cực chủ động nỗ lực hành động của các hiệu trưởng và các nhà giáo yêu nước tôn dân, với vô vàn sáng kiến, trong một thời gian không lâu, lực lượng nhà giáo của chúng ta sẽ đào tạo được cho đất nước hàng triệu, hàng chục triệu học sinh khi đủ 18 tuổi thì cũng trở thành người công dân hiện đại văn minh : người công dân có ý thức rõ rệt về các quyền tự do cơ bản của mình, có ý chí và phương pháp đấu tranh để giành và giữ chắc các quyền ấy, có kỹ năng sống của người làm chủ ; lấy sự tự do tự chủ trong mọi lời nói và việc làm là niềm vui sống hàng ngày và suốt đời của mình.
Đà lạt 17.11.2014
BMQ