Nguồn: Theo TBKTSG Online
Tư Hoàng
NSNN được cho là kém minh bạch. ảnh TL SGT. |
Bản kiến nghị này, hoàn thành với sự hỗ trợ của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội sau khi tham vấn với 1.147 người dân và 408 cán bộ chính quyền tại 5 tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa-Vũng Tàu, được công bố nhằm kiến nghị vào Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi mà Quốc hội sẽ xem xét trong tuần tới.
Kiến nghị thứ nhất là, luật cần làm rõ về đối tượng thực hiện công khai. Nội dung và phương thức công khai phải giúp người dân có thể hiểu được, biết được và tham gia được vào các quy trình ngân sách, đặc biệt là bảo đảm sự thuận tiện và hiệu quả trong việc tiếp cận thông tin công khai.
Thứ hai, Luật ngân sách sửa đổi cần tiếp tục quy định cụ thể về quyền tham gia trực tiếp và gián tiếp của người dân trong phân bổ ngân sách.
Thứ ba, luật cũng cần tiếp tục quy đ?nh rõ quyền tham gia giám sát của người dân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, luật cần quy định rõ các hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ công khai NSNN và trách nhiệm giải trình.
Để đưa ra các khuyến nghị vừa nêu, các tổ chức phát triển trên đã tổ chức tham vấn cộng đồng ở một số địa phương.
Kết quả tham vấn đưa ra nhiều minh chứng về việc quản lý, sử dụng NSNN chưa hiệu quả, chưa phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của người dân; chưa bảo đảm được sự tham gia đầy đủ vào các hoạt động ngân sách của người dân; tình trạng lãng phí trong phân bổ và sử dụng NSNN cho các hoạt động đầu tư phát triển; việc thực hiện quyền giám sát của người dân trong các hoạt động ngân sách vẫn còn thiếu cơ chế bảo đảm thi hành.
Việc thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động ngân sách ở các cấp trong nhiều trường hợp còn mang tính hình thức, chưa thuận lợi để người dân hiểu và bày tỏ ý kiến của mình. Cách cung cấp thông tin, kênh chuyển tải thông tin chưa phù hợp, nội dung thông tin vừa thiếu, vừa khó hiểu và thiếu các biện pháp hỗ trợ người dân khi tiếp cận với các thông tin mà họ quan tâm.
Người dân không biết và không hiểu về các thông tin liên quan đến ngân sách nhà nước nói chung và việc phân bổ NSNN nói riêng (phương án phân bổ, ưu tiên trong phân bổ...), không biết thông tin về kế hoạch và ngân sách của những công trình hạ tầng tại địa phương sẽ hoặc đang được xây dựng bằng vốn nhà nước, cũng như chi tiết ngân sách chi thường xuyên cho các ban ngành, đoàn thể hoặc chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại một số địa phương, thông tin chi tiết về thu, chi ngân sách không được niêm yết hoặc không được công bố trực tiếp đến người dân mà chỉ thông báo tổng thu, tổng chi ngân sách cấp xã qua Hội đồng nhân dân (HĐND) chứ không thông báo chi tiết tới người dân.
Theo khảo sát của các tổ chức này trên hai tờ báo điện tử là Vietnamnet và Vnexpress trong 5 ngày, có 12.000 lượt ủng hộ cho việc phải công khai dự thảo dự toán ngân sách ở tất cả các cấp (chiếm 95% tổng trả lời), 7.300 lượt ủng hộ công khai ngân sách chi thường xuyên (ít nhất với hạng mục lớn, chiếm 96% tổng trả lời) và 8.600 lượt ủng hộ công khai danh mục nợ công (chiếm 96% tổng trả lời).
"Chúng tôi trân trọng sự cởi mở và những nỗ lực của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm định luật trong việc tiếp thu ý kiến cộng đồng và đưa vào bản dự thảo Luật ngân sách, dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội bàn thảo ngày 25 tháng 11 năm 2014. Việc Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm định Luật tiếp tục cân nhắc và tiếp thu những kiến nghị về sự tham gia và giám sát của người dân sẽ góp phần giúp Luật ngân sách sau khi được thông qua đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao," bản kiến nghị nêu.
Các tổ chức phát triển Việt Nam bao gồm Oxfam, Trung tâm Hành động Phát triển vì Cộng đồng (ACDC), Trung tâm Nâng cao Năng lực Cộng đồng (CECEM), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ (CEPEW), Nhóm hợp tác Thúc đẩy Quản trị và Cải cách Hành chính công (GPAR).