28 novembre 2014

TQ vào 'giai đoạn đau đớn':VN 'đau đớn" hàng chục năm, nếu...

Nguồn: Theo Đất Việt


Thành Luân 


TS Đỗ Đức Bình : "Kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ tiếp tục khó khăn và còn kéo dài nếu cứ giữ cách làm như hiện nay. Nợ xấu, nợ công đều cao trong khi số liệu công bố lại rất đẹp. Khoa học nghiên cứu của Việt Nam, đặc biệt là khoa học về đường lối chính sách không hiệu quả vì số liệu dởm nhiều quá. Báo cáo hay thì làm dễ không, vấn đề là phải có số liệu thật thì mới tháo gỡ được khó khăn".


(Thị trường) - "Giai đoạn đau đớn" của Việt Nam có thể kéo dài hàng chục năm nếu vẫn giữ cách làm hiện nay.

Đó là ý kiến của GS.TS Đỗ Đức Bình (Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân) khi bàn về "giai đoạn đau đớn" mà Trung Quốc và Việt Nam đang trải qua.

Nỗi đau đớn thành bãi rác công nghiệp của Trung Quốc
Nhìn vào sự chuyển mình của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua, GS.TS Đỗ Đức Bình cho rằng, Trung Quốc đang phải hấp thụ hậu quả của những đợt kích thích quy mô lớn đưa ra trước đây với nền công nghệ thấp và bậc trung.

Biểu hiện dễ thấy nhất là sự ô nhiễm không khí, nước và đất. Bốn thành phố lớn ở Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Tây An, trong năm 2012 đã chi ra ngân sách hơn một tỷ đô la để đối phó với nạn ô nhiễm không khí. Theo các thống kê chính thức, tình trạng môi trường xuống cấp làm thất thoát khoảng 3% GDP của Trung Quốc. Nhưng nhiều cơ quan tư vấn độc lập cho rằng thiệt hại vật chất cao hơn nhiều so với thống kê được Bắc Kinh đưa ra.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2007 thẩm định, ô nhiễm là nguyên nhân gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc khoảng 100 tỷ đô la, tương đương với hơn 5% GDP của quốc gia này.



Việt Nam cũng đang trải qua "giai đoạn đau đớn" để tiến lên nền kinh tế thị trường đúng nghĩa

Điều nguy hiểm hơn, theo GS.TS Đỗ Đức Bình, trong quá trình chuyển sang nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn, đã có hiện tượng Trung Quốc tuồn công nghệ lạc hậu sang các nước kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam và đã có những bằng chứng cho thấy Việt Nam đang trở thành bãi rác công nghiệp của Trung Quốc. Đây cũng chính là một nỗi "đau đớn" của Việt Nam.

"Mục tiêu ưu tiên số một của Việt Nam hiện nay chính là nền công nghiệp xanh, hiện đại, đó cũng là xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Các nhà quản lý đã xác định không thể chấp nhận Việt Nam là nơi hứng công nghệ lạc hậu của nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, mà phải tiến lên công nghệ hiện đại hơn.

Bản thân Việt Nam có đủ cơ hội để làm việc này khi sắp ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan)... hay Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiện nhiều người cứ đổ lỗi rằng vì Việt Nam ít tiền nên phải chạy sau Trung Quốc, xài công nghệ lạc hậu của họ. Nhưng nói thế thì vô cùng quá! Khi nền kinh tế cạnh tranh mạnh mẽ, Việt Nam muốn tiến lên thì không thể làm ăn lôm côm như trước. Một mặt Việt Nam phải tận dụng tốt các hiệp định ký kết với nước ngoài để lĩnh hội công nghệ tiên tiến, mặt khác, trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan chức năng là phải ra lệnh kiểm soát chặt trong việc nhập khẩu công nghệ, kiên quyết không cho công nghệ cũ, lạc hậu vào chứ không phải tranh cãi lằng nhằng như trước", ông Bình chỉ rõ.

Để làm được điều này, theo GS.TS Đỗ Đức Bình cần có lộ trình và cần có sự đột phá về tư duy chiến lược, chủ trương của Nhà nước, nhưng quan trọng nhất là sự thay đổi của doanh nghiệp. Chủ trương của Nhà nước bao giờ cũng không khuyến khích nhập khẩu công nghệ đã qua sử dụng của các nước và có thể hỗ trợ doanh nghiệp qua thủ tục hải quan, thuế, xuất khẩu..., tuy nhiên làm thế nào lại là việc của doanh nghiệp. Tham gia vào kinh tế thị trường, doanh nghiệp muốn tồn tại phải liên kết với nhau, sử dụng công nghệ hiện đại.

GS.TS Đỗ Đức Bình cho rằng, trước đây, vấn đề nhập rác công nghệ vào Việt Nam có thể gây nên nhiều tranh cãi xung quanh doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước vì sử dụng tiền ngân sách nên dễ dãi nhập về những công nghệ lạc hậu hơn doanh nghiệp tư nhân và khó tránh khỏi có tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo ông, đã đến lúc Nhà nước đưa ra các tiêu chuẩn để buộc các doanh nghiệp, không phân biệt lớn nhỏ, tư nhân hay nhà nước, tuân theo.

"Nhà nước phải đặt ra các tiêu chuẩn để các doanh nghiệp thực hiện, trong đó phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, cả về xã hội, môi trường và kinh tế, không thể mãi tư duy Việt Nam là bãi rác công nghệ của các nước. Doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều phải tuân theo luật chung. Còn vai trò của Nhà nước là phải đứng ra quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện này", ông nói.

Dù vậy, ông Bình cũng thừa nhận, những biện pháp Nhà nước đưa ra để ngăn chặn rác công nghệ còn rất hạn chế, chế tài chưa đủ mạnh, đặc biệt là sự đùng đẩy trách nhiệm giữa các bộ. "Việt Nam có chính sách nhưng lại không cụ thể, có đề án nhiều bên tham gia nhưng chẳng ai nhận trách nhiệm".


Đau đớn vài chục năm nếu...

GS.TS Đỗ Đức Bình cho rằng, Việt Nam cũng đang phải trải qua "giai đoạn đau đớn" để tiến lên một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa và cái giá phải trả là không thể tránh khỏi.

"Việt Nam phải chấp nhận sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp, kéo theo đó là thất nghiệp của người lao động. Việt Nam phải chuẩn bị cho điều này", ông lưu ý.

"Giai đoạn đau đớn" này của Việt Nam kéo dài bao lâu, theo ông Bình, là tùy thuộc vào sự đổi mới của Việt Nam có đột phá hay không, thậm chí nó có thể kéo dài vài chục năm và Việt Nam không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

"Kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ tiếp tục khó khăn và còn kéo dài nếu cứ giữ cách làm như hiện nay. Nợ xấu, nợ công đều cao trong khi số liệu công bố lại rất đẹp. Khoa học nghiên cứu của Việt Nam, đặc biệt là khoa học về đường lối chính sách không hiệu quả vì số liệu dởm nhiều quá. Báo cáo hay thì làm dễ không, vấn đề là phải có số liệu thật thì mới tháo gỡ được khó khăn".

Việt Nam có gì để ứng phó với "giai đoạn đau đớn" này, theo ông Bình, đó là cần phải có nội lực mới bởi nội lực trước đây đã hết sạch, những tư duy về đổi mới khoán, mô hình sản xuất kiểu như trang trại, mô hình liên kết... đã không còn phù hợp. Do đó, phải có sự đổi mới về tư duy, chính sách, phải có công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường.



  • Thành Luân