18 novembre 2014

Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc: Mình kém, họ cao tay?

Nguồn: Theo Đất Việt

 

Thành Luân

 

(Thị trường) - Trung Quốc cố biến Việt Nam thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa chất lượng trung bình, thậm chí chất lượng kém của họ.



PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nói như vậy khi trao đổi về vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc.

PV: - Bộ Công thương vừa cho biết, tính đến 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 20,17 tỷ USD. Nếu đà nhập siêu này vẫn duy trì ở mức này, hết năm nay, còn số nhập siêu từ Trung Quốc có thể chạm hoặc vượt mốc 27 tỷ USD, tăng gần 3,3 tỷ USD so với mức nhập siêu cả năm 2013.

Thưa ông, trong khi vấn đề xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã được chỉ rõ là do đối tác làm khó, việc nhập khẩu vẫn tăng mạnh như vậy biểu hiện mối quan hệ của nền kinh tế Việt Nam - Trung Quốc như thế nào? Lựa chọn hiện nay của Việt Nam có phù hợp không và vì sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đã từ lâu và mức độ ngày càng tăng. Các doanh nghiệp nhập siêu từ Trung Quốc chủ yếu là doanh nghiệp trong nước chứ không phải doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các sản phẩm Việt Nam nhập từ Trung Quốc bao gồm hàng tiêu dùng và một lượng lớn phụ tùng, nguyên phụ liệu, đặc biệt là các thiết bị toàn bộ của các dự án nhà máy, công trình Việt Nam mà Trung Quốc đấu thầu được, từ nhiệt điện đến hóa chất, nhà máy đường, thép, xi măng... Thậm chí, Việt Nam còn chủ động đi mua thiết bị toàn bộ, nói là hàng EU nhưng thực ra toàn là hàng Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa nền kinh tế Việt Nam-Trung Quốc, nói theo kiểu thế giới, là mối quan hệ bắc-nam, giữa một nước phát triển và một nước kém phát triển. Xét về kinh tế hiện nay, mặc dù Trung Quốc, Việt Nam đều gọi là những nước đang phát triển nhưng so với Việt Nam, Trung Quốc trình độ phát triển cao hơn rất nhiều. Trong mối quan hệ này Việt Nam ở thế yếu.

Đó là điều người ta vẫn hay nói. Còn một điều mà người ta ít nói đó là chính sách, thủ đoạn ngoại thương của Trung Quốc cao tay hơn Việt Nam nhiều. Trung Quốc cố biến Việt Nam thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa chất lượng trung bình, thậm chí chất lượng kém của họ. Bởi vậy, cả một thời kỳ dài Việt Nam nhập thép, xe máy... Trung Quốc và giờ là nhập đồ điện, điện tử Trung Quốc. Ô tô Trung Quốc trước đây không vào nổi Việt Nam nhưng một hai năm trở lại đây tăng mạnh. Trong 10 tháng qua, lượng ô tô Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu nhìn bề ngoài chỉ thấy đấy là các doanh nghiệp Trung Quốc rất giỏi kinh doanh nhưng thực chất ở đây có hẳn chủ trương, chính sách của chính quyền Trung Quốc. Dĩ nhiên các cơ quan chức năng Việt Nam không thể nào chứng minh được vì làm việc với Trung Quốc không bao giờ biết được văn bản của họ. Họ luôn bảo đó là do địa phương, cơ sở làm, họ không biết.

Ô tô nguyên chiếc nhập từ Trung Quốc tăng mạnh

 Nói đi thì phải nói lại, bản thân doanh nghiệp Việt Nam ăn xổi ở thì, chỉ biết lợi ích trước mắt, không có chiến lược phát triển lâu dài, cho nên cứ thấy mua hàng Trung Quốc vừa rẻ vừa lợi, lại có nhiều khuyến mại, được ưu ái nên cứ rước về.

Đằng sau đó, các nhà quản lý Việt Nam gần như vô trách nhiệm, bất lực, các bộ, ngành dù biết nhưng không hề có chủ trương, chính sách gì cụ thể để ngăn chặn, thậm chí còn tiếp tay. Vấn đề nhập thiết bị đồng bộ Trung Quốc để làm các dự án cầu đường, các dự án nhà máy nọ kia không có sự phê duyệt từ bên trên làm sao mà vào được.

Khi dư luận căng thẳng, báo chí nói nhiều thì bao giờ cơ quan quản lý Việt Nam đều có phản ứng bằng một chỉ thị hay một công văn và coi như thế là hết trách nhiệm. Công văn có ý nghĩa gì đâu, có công văn đâu phải đã xong chuyện? Vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào, có chương trình, kế hoạch cụ thể để ngăn chặn nhập khẩu những công nghệ lạc hậu.

Nhiều người cho rằng tiềm lực kinh tế Việt Nam còn yếu, không có tiền, công nghệ kém nên buộc phải lựa chọn như thế. Đấy chỉ là cách nói mà thôi, là cách để giải thích sự tham lam, tiêu cực của bộ máy. Đây là quan hệ bắc-nam giữa 1 người giàu và 1 người nghèo. Nhưng người nghèo khi làm cái gì cũng phải tính toán kỹ lưỡng để phát triển lên chứ không phải đi hót rác cho người khác.

PV: - Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, cùng với việc chuyển đầu tư dệt may, giày da từ Trung Quốc sang Việt Nam, đang có một làn sóng nhập công nghệ rác thứ hai từ Trung Quốc. Điều đó liệu có lý giải cho con số nhập siêu nói trên hay không? Ông bình luận như thế nào về thực tế này?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Sự chuyển hướng này không phải do Trung Quốc mà là những nhà đầu tư nước ngoài như Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc... Trước đây họ đầu tư vào các lĩnh vực dệt may, giày da ở Trung Quốc nhưng bây giờ lương công nhân Trung Quốc đã tăng cao lên còn Việt Nam vẫn rẻ hơn 1/3, 1/4 lần nên họ chuyển hướng sang đầu tư vào Việt Nam.

Không chỉ vậy, các nhà đầu tư nước ngoài còn có được xuất xứ của Việt Nam. Việt Nam sắp vào TPP, ký hiệp định với Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan, ký với EU hiệp định thương mại tự do... Hàng Việt Nam vào các thị trường này sẽ được dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Đấy là lý do các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và đó là một xu hướng.

Đối với Trung Quốc, họ không đầu tư thực sự vào Việt Nam. Họ biết được lợi thế của xuất xứ thị trường Việt Nam nên lợi dụng làm những đầu tư ảo để dán mác, dán nhãn Việt Nam vào hàng của họ để xuất đi Mỹ, EU... Cái này đã có từ lâu, Mỹ, EU có một thời kỳ phản đối Việt Nam xuất hộ hàng cho Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc biến Việt Nam thành một anh chuyên đi xuất khẩu hộ.

Một "lợi thế" khác của Việt Nam khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng là môi trường quản lý của Việt Nam rất lỏng lẻo nên họ làm được nhiều trò như trốn thuế, chuyển giá...

Những điều này rất nguy hiểm nhưng các nhà quản lý của Việt Nam hầu như chưa có biện pháp xử lý nào rõ ràng, đúng mực để ngăn chặn ngoài chuyện hô hào, nào là kiểm soát, nào là đừng bỏ trứng vào một giỏ. Doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu tầm nhìn, ham lợi ích trước mắt cứ lao vào để mà nhập.

PV: - Xét về lợi ích, Việt Nam đang là đối tác "vàng" của Trung Quốc khi đang có dự định nhập về những sản phẩm Trung Quốc muốn thải đi trong quá trình tiến lên nền sản xuất phát triển hơn của họ. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với nền kinh tế này, Việt Nam dường như lại luôn chịu lép vế. Để xảy ra tình trạng đó, lỗi là do phía doanh nghiệp Việt Nam hay từ phía nào, thưa ông? Xin ông phân tích cụ thể về vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Đấy là lỗi của các nhà quản lý Việt Nam và đây mới là yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp Việt Nam dẫu có thế nào, nếu quản lý nghiêm thì họ có dám làm không?

PV: - Trong khi đó, đứng từ góc độ của Việt Nam, chỉ đi sau tiếp nhận công nghệ Trung Quốc, hiện Việt Nam đang bó tay với những đơn hàng của các doanh nghiệp FDI lớn trên địa bàn, kết quả chỉ tham gia trong chuỗi sản xuất với vai trò gia công (vụ việc Samsung, doanh nghiệp ôtô Nhật, Hàn Quốc... đầu tư ở Thái Lan, Malaysia thay vì Việt Nam).

Điều này chứng tỏ năng lực sản xuất của Việt Nam đang ở mức nào thưa ông? Liệu Việt Nam có thể hội nhập được khi cứ mãi phụ thuộc vào Trung Quốc như vậy?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Việt Nam cứ hô hào công nghiệp hóa-hiện đại hóa nhưng làm lại rất ít hoặc không làm, không có chính sách cụ thể gì. Ngay cả mấy khu công nghiệp hỗ trợ cứ hô thế nhưng đã làm được khu nào ra hồn? Hay việc hô hào khi đầu tư ngoại vào phải đảm bảo tỉ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm đến nay cũng bó tay. Như công nghiệp ô tô, lúc đầu yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa 20, 30% nhưng thực chất chỉ làm được 7-8%.

Rõ ràng Việt Nam thiếu những chính sách cụ thể, thiết thực, khả thi để triển khai, có tác dụng rõ ràng. Chính vì vậy mà năng lực công nghiệp của Việt Nam không tăng lên được. Những sản phẩm làm được đều phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, còn trong nước chỉ là gia công, lắp ráp, từ ô tô đến dệt may, giày da, điện tử...

Do Việt Nam không có một chính sách nuôi dưỡng những công ty lớn chuyên sâu những lĩnh vực ấy, mà công ty Việt Nam hễ có tý tiền là bỏ tiền vào ngân hàng, đầu tư bất động sản tức đầu tư ngoài ngành, gọi là đa dạng hóa nhưng nghề của mình thì không nâng cao được.

Việt Nam cứ nói hội nhập nhưng hội nhập này mang lại lợi ích rất ít là vì tác động lan tỏa của đầu tư nước ngoài đối với công nghiệp Việt Nam rất thấp. Chưa nói công nghệ cao, khó như công nghiệp ô tô, điện thoại di động, những cái đơn giản nhất như dệt may thôi, Việt Nam cũng không tiến được bao nhiêu dù đã bao nhiêu năm đổi mới. Cái kém cỏi ở đây không phải từ doanh nghiệp mà từ chính sách nhà nước, từ quản lý nhà nước.

Bởi vậy, nếu hội nhập Việt Nam cũng chỉ là anh cửu vạn, kẻ bị bóc lột lao động chứ chẳng làm gì hơn được, chất xám ở Việt Nam cứ tiếp tục chảy máu bởi trong nước có dùng gì đến chất xám đâu, chỉ dùng lao động chân tay mà thôi. Việt Nam sẽ ngày càng kém cỏi đi, còn tăng trưởng chỉ tí ti, chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư công.

PV: - Cũng ý kiến trên cho rằng, Việt Nam dù đặt quyết tâm vẫn khó thoát khỏi việc nhập công nghệ lạc hậu bởi lẽ: về giá bán, Trung Quốc sẵn sàng bán giá siêu rẻ; về yêu cầu kỹ thuật để vận hành, công nghệ Trung Quốc rất dễ tính, phù hợp với trình độ nhân lực thấp như Việt Nam. Nếu đồng tình với quan điểm trên, liệu có thể hiểu, việc "thoát Trung" phải dựa vào nội lực của bản thân nền kinh tế mà điều này đang thiếu ở Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Trung Quốc bán rẻ là một chuyện, họ còn sẵn sàng đút lót. Cái "chết" của Việt Nam là biết thua lỗ vẫn cứ ngậm tăm mà làm vì đó là tiền chùa, tiền nhà nước, còn tiền 'hoa hồng' thì đút túi riêng.

Nước nào cũng phải dựa vào nội lực kinh tế để đi lên nhưng phải có chính sách cụ thể, sát sao. Vấn đề của Việt Nam là biết như thế nhưng không có một chính sách cụ thể nào, chỉ hô khẩu hiệu. Nước khác chỉ mất 10 năm là bứt lên được, còn Việt Nam 30 năm vẫn chưa thể bứt lên được.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!