29 novembre 2014

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Nghèo cũng đừng 'cho thuê bàn thờ'

 

Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới 


Từ dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân


Đại biểu quốc hội
Dương Trung Quốc
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, để xảy ra việc cấp phép dự án cho nhà đầu tư nước ngoài tại địa điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng là bài học đắt giá và đặt ra vấn đề về ý thức của cán bộ Thừa Thiên - Huế.


Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định như vậy xoay quanh chuyện dừng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế tại khu vực mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển) từ chiều 26/11.

Thưa ông, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao về việc quyết định dừng thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế tại khu vực mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển) từ chiều 26/11. Ông nhận định như thế nào về quyết định trên?

Tôi cho rằng chắc chắn là phải dừng. Sự việc cho đến bây giờ đã có kết luận cuối cùng, đặc biệt của Bộ Quốc phòng. Điều tôi muốn nói rằng, không có những người lãnh đạo cấp cao nào của các tỉnh, mà không tham dự lớp học về quốc phòng toàn dân. Vậy mà tại sao vẫn để lặp lại chuyện này?

Tôi nhớ cách đây vài năm khi Quốc hội đang bàn về vấn đề cho thuê đất, thuê rừng, thuê biển thì đã có một lần chấn chỉnh rồi. Vậy thì quan trọng không phải là vấn đề luật pháp thuần túy mà quan trọng là ý thức vận dụng luật pháp bằng ý thức cảnh giác.

Theo ông bài học kinh nghiệm mà các tỉnh, thành địa phương rút ra từ sự việc trên là gì?


Một câu hỏi đặt ra là, vì sao muốn thu hút đầu tư Thừa Thiên – Huế không trao phần đất đó cho các doanh nghiệp trong nước mà lại là doanh nghiệp nước ngoài, và lại là doanh nghiệp Trung Quốc? Các cụ nói rồi, "nhà nghèo thì cho thuê mặt tiền, chứ không thể cho thuê bàn thờ".

Tôi cho rằng trước hết là vấn đề ý thức của mỗi cán bộ, cần phải xem lại. Ở đây có bài học mất cảnh giác, bài học bị các lợi ích khác chi phối, bài học quản lý không chặt chẽ và cuối cùng là bài học về chất lượng cán bộ.

Đến người thường dân có thể nhận thức ra khu vực này là khu vực "nhạy cảm" thì tại sao lãnh đạo, mà lại là lãnh đạo cấp cao của tỉnh không nhận ra chuyện đó? Chúng ta phải trả giá vì mất lòng tin của người dân, đồng thời trả giá mất uy tín đối với các đối tác nước ngoài.

Còn nếu nói về câu chuyện thu hút đầu tư, dù chúng ta vẫn nói việc thu hút đầu tư nước ngoài rất quan trọng nhưng không bằng mọi giá, thì với những gì đã xảy ra vừa qua thì rõ ràng đã bộc lộ vấn đề đầu tư bằng mọi giá rồi.

Từ vị trí của dự án World Shine - Huế có thể bao quát toàn bộ khu vực phòng thủ TP Đà Nẵng (Ảnh: HC)
 
Việc Thừa Thiên – Huế bất chấp tất cả, phê duyệt dự án này, để rồi khi dư luận phản ứng dữ dội thì lại quyết định thương lượng với chủ đầu tư để dừng thực hiện dự án. Phải chăng có lợi ích nhóm trong chuyện này?

Có lợi ích nhóm hay không tôi chưa bàn đến, nhưng cũng có thể là lợi ích của địa phương, họ muốn “ghi điểm”. Từ đây đặt ra vấn đề, lâu nay chúng ta có sự phân quyền cho các địa phương, nhưng đồng thời cũng phải phân vùng: chỗ nào ai được quyền? được quyền làm gì?.... Chứ không phải cứ đất nằm trong ranh giới của tỉnh tôi là tôi "độc quyền" với nó mà không cần màng tới có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hay không.

Vì thế, đây rõ ràng là trách nhiệm chung chứ không phải của riêng Thừa Thiên - Huế. Nếu như ngay từ đầu Chính phủ có quy định khu vực này là khu vực phân cấp, phân vùng và địa phương không được tự quyết do liên quan tới an ninh quốc phòng đất nước. Bộ Quốc phòng nghiên cứu, thẩm định vị trí và đưa ra lệnh “cấm” xây dựng các dự án đầu tư kinh doanh thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua.

Xảy ra chuyện như vậy rõ ràng chúng ta đã phải trả cái giá khá đắt về uy tín đối với nhà đầu tư, dù họ là ai.

Vậy theo ông cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?

 
Người nào làm sai phải chịu trách nhiệm, còn trách nhiệm đến mức độ nào và cách giải quyết thì do quy định của pháp luật. Chắc chắn phải đền bù, bây giờ xử án sai cũng phải đền bù cơ mà.

Trước đây, Thừa Thiên - Huế vẫn khẳng định mình cấp giấy chứng nhận đầu tư là đúng quy trình và thủ tục, nhưng giờ lại rút quyết định? Ông có bình luận gì về hành động thay đổi “180 độ” của Thừa Thiên - Huế?

Câu chuyện đầu tiên chỉ là tranh chấp đất giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, nhưng họ quên mất rằng, cái lớn lao hơn là Tổ quốc, an ninh quốc phòng chứ đâu phải của một tỉnh.

Nói đơn giản, lúc mình nghèo thì có thể cho thuê mặt tiền, nhưng phải có lối đi và đừng bao giờ cho thuê bàn thờ của mình, bởi linh thiêng là chủ quyền quốc gia.

Và ý thức của người cầm quyền, được trang bị rất nhiều thứ, đào tạo nhiều nhưng vẫn ấu trĩ, người dân có quyền đặt câu hỏi. Đến lúc này giải quyết hậu quả mới lộ ra tất cả mọi chuyện, tôi cho rằng phải có hình thức xử lý nghiêm với những người biết những vẫn cố ý làm sai.


Theo Trường Giang / Theo Infonet/BizLive