19 novembre 2014

Thư ngỏ gửi “người khuất mặt khuất mày”

Lê Công Định





Hôm nay một vài bạn hữu gửi đến tôi đường dẫn bài viết công kích cá nhân tôi trên báo Nhân Dân. Tác giả tên Vũ Hợp Lân, có lẽ là bút danh của một người không dám lộ diện công khai. Vậy tôi xin mạn phép trò chuyện với “người khuất mặt khuất mày” ở đây.

Nội dung chính của bài viết nhằm chỉ trích việc tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với các chính khách và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, cụ thể là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Quả thật, tôi vô cùng kính trọng hai nhân vật lịch sử anh hùng đã ngã xuống vì quốc gia ấy. Nếu so sánh họ với các nguyên thủ và tướng lĩnh ngày nay trước mối đe dọa và hành vi xâm lấn của ngoại bang đối với lãnh thổ mà tổ tiên chúng ta để lại, thì lời ca ngợi của tôi dành cho hai vị e rằng chưa diễn đạt hết niềm cảm phục pha lẫn tiếc thương của tôi. Sự đời vẫn vậy, những người đáng sống thì lại chẳng may qua đời quá sớm!
Tướng Nguyễn Khoa Nam lúc quyết định tuẫn tiết, do không làm tròn bổn phận của một quân nhân, ắt hẳn đã không đến nỗi quá “tâm tư” vì không được thăng cấp bậc Trung Tướng trước khi xả thân bảo vệ lãnh thổ mà mình mang trọng trách. Một vị danh tướng không màng đến địa vị và bổng lộc, đã chọn cái chết oai hùng, không đáng để nhiều người trong đó có tôi kính trọng sao? Việc tôi “đứng về phía nào” chẳng lẽ cũng phải xin phép ai? Yêu ghét một con người, một nhân vật lịch sử, lẽ nào cũng phải theo “định hướng”? Luật pháp nào quy định thế? Thưa ông Vũ Hợp Lân, xã hội này có thể còn thiếu tự do, nhưng tôi không cho phép mình mất tự do trong tư tưởng của chính mình, vì tôi là Con Người! Ông có quyền trung thành với ai đó, nên dù vẫn tôn trọng ông, tôi không nhất thiết phải giống ông. Tôi khác.
Bày tỏ lòng kính trọng đối với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không có nghĩa là muốn tái lập trong tương lai một thể chế của quá khứ. Cũng tương tự, ngưỡng mộ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và chiến công vĩ đại của ngài, không đồng nghĩa với ý định thiết lập một vương triều quân chủ đời nhà Trần vào Việt Nam ở thế kỷ 21 này. Và nếu tôi tôn trọng cụ Hồ trong tư cách một nhân vật lịch sử, như tôi vẫn luôn bày tỏ bất kể ai phiền muộn, thì trừ phi tôi bị tâm thần mới có ý mong muốn chế độ mà cụ Hồ thiết lập từ năm 1945 mãi trường tồn cùng với bao vấn nạn tham nhũng và vi phạm nhân quyền thế này! Viết như vậy đã dễ hiểu chưa ông Vũ Hợp Lân? Suy nghĩ theo cách ấy liệu sẽ bị suy diễn là có ý đồ chống và lật đổ chế độ chăng? Thú thật, nếu ông cố tình suy diễn theo hướng đó, thì không việc gì tôi phải e ngại hay sợ ông cả.
Dù sao cũng phải cám ơn ông Vũ Hợp Lân đã trích đăng công khai những câu chính trong các bài viết của tôi, vì điều đó vô hình chung quảng bá suy nghĩ của tôi đến một số độc giả mà tôi không có dịp tiếp cận. Chỉ tiếc là tờ báo ông dùng để đăng ít người đọc quá! Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, hồi ở tù tôi rất thường đọc báo Nhân Dân, vì không một tờ báo nào khác được phép phổ biến trong khuôn khổ các trại giam ở Việt Nam dù là Thanh Niên hay Tuổi Trẻ của chính nhà nước này. Đọc để mỉm cười vui vẻ, thay vì xem hài kịch vốn không thể có trong tù.
Tôi chưa bao giờ tự xưng am tường sử học, vì đó là một lĩnh vực sâu rộng đòi hỏi nhiều năng lực và thời gian nghiên cứu, mà tôi thì chỉ dừng lại ở sự say mê học hỏi từ lịch sử cho riêng mình thôi. Tuy nhiên, có hồ đồ lắm không khi một “người khuất mặt khuất mày” viết vài ba dòng “vỗ mông ngựa” (mượn chữ của tác giả Kim Dung trong tác phẩm “Lộc Đỉnh Ký”) trên một tờ báo chuyên về tuyên truyền, chứ không chuyên ngành sử học, lại nhận định tôi “kém hiểu biết lịch sử” hoặc “xuyên tạc lịch sử”?
Để tránh tình trạng chụp mũ bừa bãi vô ích, tôi đề nghị ông Vũ Hợp Lân sớm tổ chức một mục đàm luận công khai và dân chủ với tôi về các vấn đề lịch sử Việt Nam hiện đại trên chính tờ báo Nhân Dân để độc giả rộng đường nhận định. Đây không phải là lời thách thức, mà là việc làm cần thiết để tránh tiếng “cả vú lấp miệng em” vốn thường dành cho những tay bồi bút, và cũng giúp tờ báo của ông nâng lên một tầm cao mới, thu hút thêm nhiều độc giả có đầu óc hơn. Ông đồng ý nhé?
Trân trọng,
Lê Công Định