17 décembre 2014

Vì sao có quần chúng tố giác và bắt quả tang?

Nguyễn Văn Thạnh




Thời gian qua, cộng đồng mạng chấn động bởi hai vụ bắt liên tiếp hai blogger nổi tiếng là Hồng Lê Thọ và Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập). Trong sự kiện chấn động đó có điều làm nhiều người ngạc nhiên về lý do bắt. Đối với blogger Hồng Lê Thọ thì bắt từ nguồn tin tố giác của quần chúng và bắt quả tang, còn Bọ Lập thì không thấy nói quần chúng tố giác mà chỉ thấy nói bắt quả tang. Cái lý do bắt quả tang làm nhiều người ngạc nhiên và rất khó hiểu, đến mức vợ ông Nguyễn Quang Lập phải thốt lên "Bắt quả tang cái gì, đang viết văn thì bắt quả tang viết văn à?...".


Chúng ta biết rằng, an ninh VN có thể bắt bất cứ ai viết lách với cáo buộc vi phạm điều 258 BLHS, tại sao lần này họ đưa ra lý do có vẻ lạ lẫm và khôi hài như vậy?
Một trong những vấn nạn mà người dân thấp cổ bé miệng phải chịu là nạn bắt người tùy tiện của nhà cầm quyền. Xưa có Thúy Kiều tan nát cuộc đời vì một chuyện rất ất ơ. Từ sự vu oan của thằng bán tơ mà "Người nách thước, kẻ tay đao Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi" khám xét, bắt bớ, tra tấn,... làm tan nát một gia đình.
Vấn nạn lạm quyền bắt người tùy tiện không chỉ diễn ra ở chế độ phong kiến và diễn ra ở khắp nơi, nhất là ở những xứ độc tài. Những ai đọc tác phẩm Quần đảo ngục tù của nhà văn Solzhenitsyn thì thấy cảnh bắt tùy tiện một cách kinh hoàng thời Liên Xô. Có thời ở VN chúng ta cũng diễn ra cảnh bắt bớ, giam cầm người dân hết sức tùy tiện.
Trước thực trạng này, trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Điều 9 nêu rõ: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán. Quy định này sau đó được cụ thể hóa trong Điều 9 ICCPR (Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị), trong đó nêu rõ rằng: Mọi người đều có quyền hưởng tự do và an toàn cá nhân. Không ai bị bắt hoặc bị giam giữ vô cớ. Không ai bị tước quyền tự do trừ trường hợp việc tước quyền đó là có lý do và theo đúng những thủ tục mà luật pháp đã quy định. Viêt Nam đã tham gia ICCPR vào năm 1982 nên có trách nhiệm tuân thủ công ước trên.
Trong pháp luật Việt Nam, tương ứng với nội dung Điều 9 (và cả các Điều 7, 8, 10, 11, 14, 15 ICCPR), Điều 71 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chusẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”. Điều 72 Hiến pháp nêu rõ, không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khoản Điều này quy định: “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”. Các quy định kể trên được cụ thể hoá trong BLHS, BLTTHS, BLDS và nhiều văn bản pháp luật khác. Theo Điều 6 BLTTHS, không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Điều 7 Bộ luật này quy định: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật...” Cũng theo Điều này, người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật. BLHS bao gồm một chương quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (Chương XXII), trong đó bao gồm các tội: Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 293); Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 295); Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 296); Tội dùng nhục hình (Điều 298); Tội bức cung (Điều 299)... (Trích câu 75: Quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện được quy định như thế nào trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam? Sách "Hỏi đáp về quyền con người" -NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI).
Như vậy, cả tuyên ngôn quốc tế, công ước quốc tế, hiến pháp, các bộ luật Việt Nam thừa nhận quyền tự do của công dân chống lại việc bị bắt, giam giữ tùy tiện. Theo qui định này, cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là cơ quan công an chỉ có thể bắt người không hai trường hợp là phạm tội quả tang hoặc có lệnh của của Tòa án hay có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Tức là phải có nguyên cớ, lý do cho việc bắt giữ chứ không thể bắt giữ tùy tiện được.
Trong vụ án Cù Huy Hà Vũ thì lý lo đưa đến việc bắt giữ là có người phụ nữ lạ ở trong khách sạn với tang chứng là hai bao cao su đã qua sử dụng. Tất nhiên lý do này hết sức buồn cười, đã làm cho cộng đồng mạng thấy ghê tởm còn một vị giáo sư thì nói cẩu thả. Còn trong cáo trạng của vụ án Trương Duy Nhất thì lý do đưa đến việc bắt giữ là sự cung cấp thông tin từ công ty cung cấp dịch vụ mạng FPT, điều này đã dấy lên sự phản đối từ người tiêu dùng vì nó vi phạm đến quyền lợi khách hàng, đạo đức kinh doanh. Lý do này đụng chạm đến lợi ích kinh doanh các công ty nên chắc họ cũng không chịu giơ đầu chịu báng nữa.
Có lẽ không thể dùng các lý do "chính đáng' như trên nữa nên gần đây cơ quan chức năng sử dụng lý do chính đáng cho việc bắt giữ là theo nguồn tin tố giác của quần chúng và việc bắt giữ là quả tang. Theo loogic của luật pháp thì có vẻ nó đáp ứng được nhưng trong thực tế thì lại lố bịch và không bảo đảm trong một số trường hợp. Cứ bắt người theo tin tố giác của quần chung thì sẽ rất dễ đưa đến lạm quyền, bắt bớ tràn lan. Quần chúng là một đối tượng rất nặc danh. Đọc tin bắt giữ của cơ quan an ninh đối với blogger Hồng Lê Thọ, hẳn mọi người rất hoang mang kiểu bắt người như vậy. Sự nực cười, vô lý được đẩy lên mức cao hơn trong vụ bắt giữ blogger Bọ Lập với lý do bắt quả tang khi ông ngồi trong nhà của mình và đang viết văn. Sự nực cười đến mức bà Hồng vợ ông phải thốt lên như trên.
Dù lý do rất buồn cười nhưng cũng có phần hoan nghênh cơ quan chức năng VN vì ít ra họ cũng hiểu luật, hiểu quyền công dân. Họ không còn xem trời bằng vung, họ cũng đã cố ép mình hành xử theo luật dù rằng nhiều khi rất gượng gạo. Cơ quan chức năng bắt đầu thừa nhận sự chuẩn mực của luật pháp cũng là điều đáng mừng (mừng rơi nước mắt và thấp thỏm hy vọng!).
Thực tế, Luật pháp VN nhiều điểm không theo chuẩn thế giới, nhất là việc qui tội trong việc công dân thể hiện chính kiến trên mạng-blogger, facebooker,... - nên quá trình bắt giữ cũng khó mà chuẩn mực được. Có lẽ vì vậy mà việc sáng tạo ra lý do "hợp lý" cho việc bắt giữ cũng rất Việt Nam.