06 février 2015

Liệu có chính quyền của dân, do dân, vì dân?

 
NGUYỄN TRẦN SÂM  


 


 Nhiều năm nay, cứ đọc báo, nghe đài, xem TV, lại thấy các vị có chức sắc cao nói đi nói lại cái cụm từ “chính quyền của dân, do dân, vì dân”.
Nghe mãi mà vẫn thấy lạ tai. Và chối. Đến mức chẳng mấy khi mở ba cái thứ ấy ra nữa.
Tuy vậy, thỉnh thoảng cái câu này vẫn văng vẳng trong đầu, đến mức tôi phải quyết định bàn về tính khả thi của nó.
 

Nhưng trước hết, muốn xem câu nói đó có đúng không thì phải hiểu từ “dân” ở đây nói về ai đã.
 
Trong bài “Nhân dân là những ai?” cũng đăng trên Lề Trái, tôi đã bàn về “nội hàm” của từ này. Ở đây xin không bàn lại nữa. Chỉ xin nói vắn tắt rằng từ “dân” mà các vị lãnh đạo hay dùng là nói về đám người không phải là các vị ấy.
Đám người không có vị trí trong hệ thống nhà-nước-đảng.
Đám người đông đảo nhất, làm nền đỡ cho cái thang quyền lực.
Đám người vì kém nhận thức và không biết làm ăn nên phải nhận sự “chăm sóc” của các vị lãnh đạo.
“Nhiệm vụ của chúng ta là phải chăm lo cho dân” – các vị ấy thường nói vậy. “Nếu các đồng chí làm vậy thì khi nhìn vào, dân sẽ nghĩ gì?” – các vị ấy bảo nhau.
 
Rõ ràng, trong những câu này, từ “dân” nói về một đám đông mà không có các vị lãnh đạo trong đó. Nói cách khác, xã hội được chia thành hai nhóm chính: lãnh đạo (hay tầng lớp thống trị) và “dân”. Hai nhóm này không có phần giao nhau.
 
Bây giờ xin hỏi: Trong hai nhóm trên, nhóm nào nắm quyền điều hành các hoạt động xã hội? Lãnh đạo hay “dân”?
Tôi, một người không có chức sắc, không có vị trí trong hệ thống nhà-nước-đảng, liệu có quyền ra lệnh cho một đám người phải thực thi một nhiệm vụ gì đó không?
Có quyền ký chi tiền nhà nước không?
Có quyền thò bút sửa một điều luật trong một bộ luật không?
 
… Ông anh tôi ngoài 70 kia, thân hình còm cõi ốm yếu, đang cố vật lộn để sống trong túp nhà thỉnh thoảng lại ngập trong nước lũ kia, liệu có được chi phối hoạt động của chính quyền? Cố nhiên là KHÔNG!
 
Chúng ta may lắm thì chỉ có quyền nói, nhưng phải THEO ĐỊNH HƯỚNG, THEO SỰ CHỈ ĐẠO. Mà cái quyền nói theo chỉ đạo thì không có ý nghĩa gì. Mà cũng phải thôi, nếu các ông dân, bà dân cũng được tham gia điều hành xã hội thì cần gì bộ máy nhà nước nữa?
 
Như vậy là nói “chính quyền của dân, do dân”, nhưng quyền điều hành lại thuộc cái nhóm không phải là dân. Vậy câu này là hoàn toàn sáo rỗng.
 
Nói như vậy thì Abraham Lincoln, tổng thống thứ 6 của Hoa Kỳ, cũng nói xạo sao, khi ông ta đưa ra công thức cho nền dân chủ là “government of the people, by the people, for the people”?
 
Đúng, Lincoln cũng có phần nói xạo. Nhưng vẫn có cả phần nói thật. Lý do để câu của ông này có phần thật, và phần này rất quan trọng, là vấn đề về nghĩa của từ “the people”.
 
Như tôi đã nói, khi các vị lãnh đạo của một nước như Mỹ nói đến “the people”, họ hiểu đó là “toàn dân”. “The American people” là tập thể gồm mọi người Mỹ, TRONG ĐÓ CÓ CÁC VỊ LÃNH ĐẠO. Abraham Lincoln cũng là “an American people”. Và “government of the people” của họ là chính quyền của toàn dân. Như thế mới có ý nghĩa. Còn nếu chính quyền lại là của đám người bị điều hành, tức là không hề thuộc về đám người đang điều hành, thì sai 100%!
 
Tiếp theo, cái sự “government by the people” (chính quyền do dân) được bảo đảm về mặt pháp luật (không chỉ ghi trên giấy, mà được thực thi gần như triệt để). Người dân, kể cả dân thường không chức sắc, có một cái quyền cực kỳ quan trọng, là quyền thể hiện ý chí, thông qua biểu tình, bãi công, tự do ngôn luận, trong đó có quyền được chỉ trích và chế giễu đích danh người ở vị trí quyền lực cao nhất (mà nhà nước không được dùng sức mạnh để trấn áp, hạn chế những quyền này). Những quyền này được bảo đảm bởi một nhân tố cực kỳ quan trọng là sự tồn tại của các tầng lớp đối lập và cơ chế phân quyền. Thiếu những quyền đó, câu nói “government by the people” không hề có một chút ý nghĩa thực tế nào.
 
Tóm lại, “chính quyền của dân, do dân, vì dân” với chữ “dân” hiểu là đám dân thường, hoàn toàn là xạo. Còn “government of the people, by the people, for the people” với “people” là toàn dân thì vẫn có phần xạo, nhưng cũng có phần thật.
 
 
NGUYỄN TRẦN SÂM

Nguồn: Theo Blog Đào Hiếu