Xã luận Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận số 238 ngày 1/3/2016
Ngày 4-1-2016, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Chỉ thị số 51 về việc lèo lái cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Để thể hiện câu nói đầy đắc chí khi đại hội đảng kết thúc: “Dân chủ đến thế là cùng”, Trọng Lú đã chỉ thị như sau: “2. Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân…. 4. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp…”.
Chỉ riêng qua hai khoản ngắn ấy thôi, chúng ta đã thấy thế nào là “dân chủ”, “phát huy dân chủ” và “bầu cử dân chủ” của Việt cộng (VC). Chỉ thị của Nguyễn Phú Trọng chỉ bộc lộ mưu đồ xưa nay của Ba Đình là “Đảng hóa Quốc hội” và xác nhận lần nữa một thực tế lịch sử là kể từ khi dùng vũ lực cướp chính quyền từ tay chính phủ hợp pháp và hợp hiến của Thủ tướng Trần Trọng Kim rồi của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, VC đã tước đoạt quyền làm chủ đất nước của nhân dân để tự đặt mình làm chính đảng lãnh đạo duy nhất, lực lượng cai trị độc quyền trên toàn lãnh thổ.
Tuy nhiên, để cho quốc dân ăn bánh vẽ và quốc tế ăn cháo lú, VC đã đặt ra tam quyền: lập pháp, tư pháp, hành pháp như ai, nhưng cả 3 không phân lập mà lại ở dưới sự phân công, điều khiển của đảng. Riêng Quốc hội là định chế lập pháp số một, cơ quan quyền lực cao nhất theo nguyên tắc (như VC thường lu loa với nhân dân và thế giới), thì thực tế đã bị đảng biến thành cơ quan gia nô, định chế bù nhìn. Bằng cách nào? Bằng cách tổ chức những cuộc bầu cử Quốc hội với nhiều thủ đoạn gian manh và bạo lực. Trước hết là dùng “hiệp thương” (một mánh lới vi hiến và phi pháp) của Mặt trận Tổ quốc là cơ quan ngoại vi của đảng để chọn lựa những ứng cử viên là thành viên hay cảm tình viên của đảng và để loại trừ những ai muốn sử dụng quyền công dân của mình mà ứng cử cách độc lập. Tiếp đến là hăm dọa, cưỡng bức toàn dân đi bầu (ai tẩy chay sẽ bị trả thù bằng nhiều biện pháp hành chánh sau đó) và phải bầu những người mà đảng đã cử (phiếu bất hợp lệ vì có gạch bỏ hết mọi ứng cử viên hay vì có viết thêm câu phản đối sẽ bị điều tra cho tới cùng). Hậu quả là Quốc hội trở thành đảng hội và dân biểu trở thành đảng biểu.
Trong những kỳ bầu cử Quốc hội trước đây, có rất ít ứng cử viên độc lập tham dự và càng ít người trúng cử. Kết quả ba cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội gần nhất đã cho ra những con số quá thấp về họ. Quốc hội khóa XI cả nước có 67 người tự ứng cử, kết quả chỉ có 2 trúng cử. Quốc hội khóa XII cả nước có 238 người tự ứng cử, chỉ duy nhất 1 người trúng cử. Còn đến khóa XIII, dù không khí phản biện đã dâng cao trong dân chúng, công tác vận động của đảng vẫn “thành công” đến mức số người tự ứng cử chỉ còn có 15, trúng cử chỉ 4. Với rất nhiều mánh lới, trong đó có việc tận dụng các tiểu xảo về thủ tục ứng cử, nhất là trò “đấu tố” bẩn thỉu tại vòng “hiệp thương”, cơ quan tổ chức bầu cử đã loại bỏ các ứng cử viên độc lập ngay từ giai đoạn đầu. Thậm chí một trong họ như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Lê Thăng Long, Lê Công Định… sau khi tự ứng cử đã tiến thẳng vào nhà tù. Còn những người tự ứng cử mà trúng cử thì sau đó như chìm đi trong đám gia nô lúc nhúc tại Đảng hội, í quên, Quốc hội. Lý do chủ quan hay khách quan?
Tuy nhiên, với cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI sắp tới thì bầu khí đã đổi khác. Tác nhân của sự thay đổi tình hình này, trước hết phải kể đến sự ra đời của Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam ngày 08-04-2006 (nay sắp đến kỷ niệm 10 năm). Tuyên ngôn đó có khẳng định “Quyền tự do hội họp, lập hội, lập đảng, bầu cử và ứng cử theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, điều 21: “Mọi Công dân… đều có quyền và cơ hội để (a) tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện được họ tự do lựa chọn”; (b) bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình”. Nghĩa là các đảng phái thuộc mọi khuynh hướng cùng nhau cạnh tranh lành mạnh trong một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng chân chính”… Từ đó, Dân tộc sẽ tìm được những con người tốt nhất, những lực lượng chính trị giỏi nhất sau mỗi kỳ bầu cử để lãnh đạo Đất nước. Nguyên tắc “lẽ phải toàn thắng” sẽ được thiết lập và cuộc sống cá nhân sẽ trở nên tốt hơn, xã hội sẽ trở nên nhân bản hơn và Đồng bào sẽ sống với nhau thân thiện hơn”. Thứ đến là sự lớn mạnh của phong trào đòi nhân quyền và dân chủ vốn đã được thúc đẩy bởi tinh thần của Tuyên ngôn đó. Phong trào này được cụ thể hóa trong giới công nhân vốn ngày càng ý thức về quyền lợi của mình (cuộc biểu tình của 20 ngàn công nhân thuộc công ty Pouchen ở Biên Hòa Đồng Nai thời gian gần đây là một ví dụ); trong giới nông dân vốn ngày càng đòi quyền sở hữu đất đai phải thuộc về mỗi người (cuộc xuống đường rộng rãi của họ hôm 27-02 nhân Ngày Quốc tế Đồng hành cùng Dân oan VN là bằng chứng mới nhất); trong giới tín đồ vốn ngày càng yêu cầu tôn giáo phải được độc lập trong tổ chức, được tự do trong sinh hoạt, được lên tiếng trước các vấn đề xã hội (bao cuộc tập trung cầu nguyện cho công lý tại nhiều nơi thờ phượng của các Giáo hội là những sự kiện điển hình); nhất là trong việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự độc lập mà ngày càng liên kết với nhau, liên kết với quốc tế (khối ASEAN chẳng hạn), ngày càng cùng chung tiếng nói và hành động để không những đấu tranh cho quyền con người, mà cả quyền công dân và quyền đất nước.
Quả là nay dân trí đã lên cao và dân khí đã bừng dậy. Thành thử hơn hẳn trước đây, nhân cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV sắp tới, để vạch trần thủ đoạn “đảng cử dân bầu”, để đập tan âm mưu “đảng hóa Quốc hội”, để thách thức quyền lực “đảng trị độc tài”, để thức tỉnh người dân về quyền bầu cử và ứng cử, để tập dượt cho những cuộc bầu cử tự do, đa đảng trong tương lai, để khẳng định quyền tối thượng của nhân dân trên đất nước và trên các định chế nhà nước, phong trào ứng cử tự do và độc lập đã xuất hiện. Một trận đấu pháp lý và một cuộc chiến chính trị giữa dân với đảng đã khởi đầu. Nhiều nhân vật đối kháng dân chủ hay hoạt động nhân quyền từ lâu dân chúng biết tiếng đã nộp đơn ứng cử với nhà cầm quyền và tuyên bố lập trường tranh cử trước nhân dân. Họ đã lập ra trang Facebook Vận động Ứng cử Đại biểu QH 2016. Không có lý do gì để nghi ngờ thiện chí hay đầu óc của họ, mà cho rằng “Người nào tự ứng cử là “dân chủ cuội”, “Tay nào nhào vô thì tay đó một là không có đầu óc, hai là quyết tâm nhập bọn với bọn chó đẻ Việt cộng để tàn hại nhân dân chứ không có chống lại chúng gì hết”, tự ứng cử “để được làm quan lớn”, để “ấm thế, phì gia”, “công nhận tính chính danh của VC”, “xác nhận hệ thống đó có tính hợp pháp”, “giúp VC báo cáo với Hoa Kỳ khi vào TPP để tránh bị phản đối bởi dân Hoa Kỳ, chỉ có ngu mới đâm vào” v.v…” (trích Tạ Phong Tần, Nhận xét về phong trào tự ứng cử). Trái lại hãy nghe nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tường Thụy trần tình: “Tôi không ứng cử để chơi mà là một việc nghiêm túc, với mong muốn có thêm cơ hội để cống hiến cho Đất nước, cho Dân tộc. Nếu không trúng thì cũng không thể gọi là thất bại. Nó có tác dụng đánh thức người dân vốn xưa nay bàng quan với chính trị biết được quyền và nghĩa vụ công dân, biết được thực trạng dân chủ ở VN hiện nay… Việc ứng cử vào QH không có nghĩa là tôi chấp nhận sự lãnh đạo của đảng CS…” Hay luật sư nhân quyền Võ An Đôn: “Tôi tự ứng cử đại biểu QH lần trước và lần này không phải để được hưởng nhiều bổng lộc, mà tôi muốn thực hiện quyền ứng cử của một công dân theo hiến định và muốn mọi người dân nhận thức được rằng bầu cử QH [từ xưa tới nay] chỉ là trò diễn kịch vụng về, lộ liễu, lâu năm đã lỗi thời”.
Trước mắt, nhiều ứng viên này đã gặp khó khăn cản trở ngay từ bước xác nhận lý lịch, đệ nạp hồ sơ. Rồi đây, với bước “lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và làm việc” rồi bước “hiệp thương tại Mặt trận Tổ quốc tỉnh”, chắc chắn sẽ có nhiều màn “đấu tố”, đe dọa hòng gạt bỏ những ứng cử viên không được đảng chọn, như nhiều lần trước đây trong quá khứ. Bằng chứng là báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 22-02 có bài viết: “Cần tỉnh táo trước những thủ đoạn phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV” tập trung lên án các cá nhân tự ứng cử vào quốc hội khóa này.
Tuy nhiên, chúng ta không vì thế mà không nhiệt liệt hoan nghênh việc tự ứng cử đầy thiện chí và can đảm của họ nhân cuộc bầu cử tháng 5 tới, nhằm khẳng định quyền làm chủ QH, quyền tự do ứng cử và quyền xây dựng đất nước của nhân dân. Trong chế độ toàn trị độc tài cộng sản này, dĩ nhiên họ sẽ gặp nhiều khó khăn và ít hy vọng thắng cử, nếu có cơ may thắng cử thì cũng gặp rủi ro bị lấn át đè bẹp. Nhưng không lên đường thì chẳng biết lúc nào tới đích. Thành thử cùng với họ và với toàn dân, chúng ta –đặc biệt các tổ chức xhds- hãy lên án những trò gian manh, những màn đấu tố chực nhắm các ứng cử viên độc lập, hãy đòi xóa bỏ việc “hiệp thương” vi hiến vô luật và cả sự tồn tại của cái gọi là “Mặt trận Tổ quốc”. Toàn thể Đồng bào VN nhất là trong nước, hãy thức tỉnh, vượt qua dửng dưng và sợ hãi, cùng nhau đứng lên đập tan mưu đồ “đảng hóa QH” từ xưa đến rày của đcs, bằng một trong những cách thức như sau: a- Bất hợp tác, nghĩa là tẩy chay không tham gia cuộc “đảng cử dân phải bầu”; b- Bất hợp lệ hóa: gạch bỏ hết tên những người ứng cử hay ghi thêm tên người danh sách hoặc ghi thêm nội dung khác; c- Bất tuân ý đảng: bầu cho những ứng cử viên độc lập, ứng cử viên ngoài đảng hay ứng cử viên thuộc đảng song có tên chỉ bị gạch.
Cần quyết liệt đòi hỏi cuộc bầu cử và cuộc kiểm phiếu phải được sự giám sát của quốc tế và của nhân dân, cụ thể là của các tổ chức chính trị và xhds độc lập. Cuộc bầu cử QH tới đây là cơ hội ngàn năm một thuở cho chúng ta thực hiện quyền dân và giành lại dân quyền. Nếu chúng ta không tận dụng thời cơ này thì đời con cháu chúng ta cũng sẽ mãi lầm than dưới chế độ độc tài đảng trị. “Chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà chúng ta khinh bỉ.” (Ayn Rand).
BAN BIÊN TẬP
_____
KỶ NIỆM 10 NĂM BẢN TUYÊN NGÔN LỊCH SỬ
Nguyễn Minh Cần
1-3-2016
Thấm thoắt thế mà đã 10 năm rồi, kể từ ngày bản “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006” được 118 chiến sĩ dân chủ trong nước công bố. Lần đầu tiên dưới chế độ khắc nghiệt của đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), các chiến sĩ dân chủ trong nước đã can đảm công khai vạch rõthực chất của thể chế chính trị ở nước ta là chế độ độc tài toàn trị của ĐCSVN và đã đề ra mục tiêu đấu tranh cho phong trào dân chủ nước ta là nhằm chuyển hóa thể chế nước ta sang thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, có cạnh tranh lành mạnh.
Tuyên ngôn 8406 đã xác định: “Trong cuộc Cách mạng tháng 8.1945, sự lựa chọn của toàn Dân tộc ta là Độc lập Dân tộc, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội…” “…Rõ ràng mục tiêu của cuộc cách mạng ấy đã bị đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đánh tráo. Và dĩ nhiên,Quyền Dân tộc tự quyết cũng hoàn toàn bị thủ tiêu… Vì một khi nền chuyên chính vô sản đã được thiết lập, thì theo Lênin, chức năng đầu tiên của nó chính là: bạo lực và khủng bố trấn áp!”. Vì ĐCSVN lấy chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, nên ngay sau khi cướp được chính quyền năm 1945, và nhất là sau năm 1954 ở miền Bắc và sau tháng 4 năm 1975 ở toàn quốc, “bóng ma của chủ nghĩa cộng sản đã luôn đè ám lên đầu, lên cổ toàn Dân Việt Nam. Chính cái bóng ma ấy chứ không phải là cái gì khác đã triệt tiêu hầu hết những quyền con người của Nhân dân Việt Nam. Và hôm nay, nó vẫn đang tạm đô hộ, chiếm đóng lên cả hai mặt tinh thần và thể chất của toàn Dân tộc Việt Nam.” Tuyên ngôn đã khẳng định: “Dân tộc Việt Nam… bị cai trị bởi chế độ độc đảng toàn trị cộng sản. Điều này thể hiện cụ thể tại Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành, rằng: ”Đảng Cộng sản Việt Nam…theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Chính vì điều này mà các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân đã hoàn toàn bị triệt tiêu…”.
Đúng vậy! Ngày nay, khi chủ nghĩa Marx-Lenin không còn sức sống, đã bị thế giới văn minh vứt vào sọt rác, và chủ nghĩa xã hội bị nhân dân ở nhiều nước từ bỏ đã trên 25 năm rồi, kể cả trên cái nôi của nó là nước Nga, thế mà cho đến nay (2016) ĐCSVN vẫn “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin”, vẫn “kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì thế, chẳng những các quyền tự do, dân chủ của nhân dân bị chà đạp thô bạo mà mọi mặt kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế và xã hội đều bị trì trệ, và nước ta bị tụt hậu rất xa so với các nước láng giềng.
Tuyên ngôn 8406 đã đưa ra “mục tiêu cao nhất trong cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ cho Dân tộc hôm nay là làm chothể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để,chứ không phải được “đổi mới” từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh như đang xảy ra. Cụ thể là phải chuyển từ thể chế chính trị nhất nguyên, độc đảng, không có cạnh tranh trên chính trường, sang thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, có cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với những đòi hỏi chính đáng của Đất nước, trong đó hệ thống tam quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp phải được phân lập rõ ràng…”. Tiếp theo, Tuyên ngôn đưa ra những mục tiêu cụ thể là đòi hỏi thực hiện các quyền tự do thông tin, ngôn luận, quyền tự do hội họp, lập hội, lập đàng, bầu cử, ứng cử, quyền tự do hoạt động công đoàn độc lập và quyền đình công chính đáng, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo theo đúng các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Có thể nói, những điều rất đúng này bạn đọc ngày nay coi như là chuyện đương nhiên, nhưng 10 năm trước đây, ở trong nước mà dám tuyên bố công khai, thẳng thừng như vậy trong một tuyên ngôn có tính cương lĩnh là chuyện hiếm thấy.
Cuối cùng, Tuyên ngôn nhấn mạnh là “phương pháp của cuộc đấu tranh này là hòa bình, bất bạo động. Và chính Dân tộc Việt Nam chủ động thực hiện cuộc đấu tranh này.”
Với những nhận định chính xác và những mục tiêu đấu tranh đúng đắn như vậy, nên ngay sau khi được công bố, Tuyên ngôn 8406 đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt chưa từng thấy của đồng bào trong nước và hải ngoại. Theo Danh sáchCông bố lần 14 ngày 8.2.2007 vào dịp kỷ niệm 10 tháng Tuyên Ngôn 8406 thì đã có: 2.217 người & 420 gia đình người Việt ở khắp các miền đất nước, và 20 ngàn tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm, 483 gia đình nông dân Nam Bộ, 3.000 tín hữu Tin Lành Tây Nguyên, 3.876 người Việt ở hầu hết các nước hải ngoại & 9 Đại diện Cộng đồng người Việt Tự do hải ngoại (gồm có 3.885 người) đã ký tên. Đó là chưa kể hơn mấy chục ngàn người ký tên ủng hộ trên các trang Web hoặc trong các cuộc biểu tình mà Khối 8406 không thể thống kê hết.
Điều đặc biệt đáng nói là đã có 175 nhà hoạt động chính trị, các nhân sĩ, trí thức… nước ngoài đã ghi tên ủng hộ Tuyên ngôn 8406; trong số đó 8 Chính khách bảo trợ Tuyên ngôn với tư cách Đại diện Tổ chức hoặc cá nhân:
1- Thierry Oppikofer, Chủ tịch Uỷ ban Thụy Sĩ – Việt Nam COSUNAM (19-04-2006),
- Congressman Radomir Thomas Tylecote, Conservative Party, United Kingdom (1-08-2006),
- Drs. Willem Koetsier, Secretary-General Universal Peace Federation The Nether lands (10-08-2006),
- Congressman Frank R. Wolf, 10thDistrict, Virginia, USA (26-09-2006),
- Trần Dụng Lâm, Bí thư I Toà Đại sứ Trung Quốc (phản tỉnh), Australia,
- Cựu Tổng thống Mông Cổ Natsagiin Bagabandi (05-01-2007),
- GS TS danh dự Wimmer, Viện trưởng viện đại học Eichstätt, Germany,
- LM GS TS Joop Bergsma, GS Thần học các đại học Germany;
25 Chính khách đại diện các Tổ chức tại Hội Nghị Quốc Tế tại Berlin (14-18/05-2006) về dân chủ hóa Trung Quốc và các nước Á Châu đã tuyên bố ủng hộ Tuyên Ngôn 8406;
50 Nhân sĩ Hiến chương 77 Tiệp Khắc trong đó có Tổng thống Vaclav Havel ngày 23 May 2006 đã tuyên bố ủng hộ Tuyên Ngôn 8406;
50 Dân biểu Hoa Kỳ (30-05-2006) trong đó có những vị như Loretta Sanchez, Tom Davis, Chris Smith, Zoe Lofgren, Major Owens, Linda Sanchez… đã tuyên bố ủng hộ Tuyên Ngôn 8406;
40 Dân biểu Thượng Nghị sĩ Australia đã đồng ký tên ủng hộ Tuyên Ngôn 8406 tại Trụ sở Quốc hội Australia ngày 6-12-2006.
Đúng là từ trước đến nay chưa từng thấy một văn kiện nào của phong trào dân chủ VN được hưởng ứng và hoan nghênh nhiệt liệt như vậy. Đây là niềm tự hào rất xứng đáng của các chiến sĩ dân chủ trong nước.
Tuy nhiên, sau 10 năm nhìn lại, chúng ta thấy rõ nhược điểm của các chiến sĩ dân chủ trong nước hồi đó là đã soạn thảo được bản Tuyên ngôn rất có giá trị, nhưng về mặt tổ chức tiếp theo thì lại bất cập. Thực ra, đây không phải là lỗi của các chiến sĩ dân chủ, mà chủ yếu do sự đàn áp rất quyết liệt của giới cầm quyền CSVN, họ rất sợ các lực lượng dân chủ có tổ chức, nên các chiến sĩ dân chủ đã không thể công khai đặt vấn đề tập hợp lực lượng chung quanh bản Tuyên ngôn có tính cương lĩnh đấu tranh đó trong một tổ chức dân chủ chặt chẽ, có hệ thống rõ ràng để lãnh đạo phong trào. Mà họ chỉ có thể lập ra một hình thức gọi làKhối 8406, một tổ chức gần như vô định hình với một Ban điều hành nhỏ nhoi khó có thể bao quát công việc lớn lao trong cả nước.
Dù vậy, các chiến sĩ dân chủ của Khối 8406 và Ban điều hành của Khối vẫn thường xuyên bị kẻ cầm quyền CS cho công an theo dõi, ngăn cản, khủng bố, bao vây kinh tế, bắt bớ, cầm tù… nên hoạt động của của Khối bị hạn chế rất nhiều. Tuy thế, trong 10 năm qua, Khối 8406 cũng đã thực hiện những công việc đáng kể:
– Thường xuyên bám sát tình hình Đất nước để kịp thời đưa ra trước công luận những “Lời kêu gọi” đồng bào, những “Tuyên bố” quan điểm, lập trường của Khối về các vấn đề quan trọng, những “Kháng thư” phản đối hành động sai trái của nhà cầm quyền cộng sản. Từ khi trong nước đã xuất hiện nhiều tổ chức dân sự thì Khối đã cùng phối hợp với các tổ chức dân sự đó gần như trong một mặt trận chung đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
– Liên tục trong suốt 10 năm qua, Khối 8406 đã ra đều kỳ bán nguyệt san “Tự Do Ngôn Luận”, 32 trang trên mạng, đồng thời Ban biên tập cũng cho ra báo in (mỗi số thường in 2.000 bản) để phát miễn phí trong nước, đó là không kể những số báo in thêm của các nhóm ủng hộ Khối 8406 ở Úc châu và Hoa Kỳ. Cho đến ngày 1.3.2016 “Tự Do Ngôn Luận” đã ra được 238 số. Đó là một cố gắng rất lớn của nhiều thành viên Khối và Ban biên tập bán nguyệt san “Tự Do Ngôn Luận” trong 10 năm qua.
– Ngoài tờ bán nguyệt san, từ năm 2007 đến nay, Khối 8406 còn có một chương trình phát thanh hàng tuần, một Diễn đàn Paltalk hàng tuần từ năm 2008 đến nay và một Tủ sách Tranh đấugần 20 cuốn.
– Khối 8406 có một bộ phận ở hải ngoại đang hoạt động ở Bắc Mỹ châu (Hoa Kỳ, Canada), Úc châu, Âu châu. Kể từ năm 2006, Khối 8406 đã tạo nên được ba Khối thân hữu là Khối 1706 và1906 tại Úc châu, Khối 101206 tại Anh Quốc.
– Từ Khối 8406 đã phát sinh ra Đảng Thăng Tiến VN, Hội Dân oan VN, Công đoàn Độc lập VN. Và hiện nay, nhiều thành viên Khối 8406 đã đứng ra thành lập hay tham gia các tổ chức xã hội dân sự, như Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo (với Thượng Tọa Thích Thiện Minh, anh Nguyễn Bắc Truyển), Hội Cựu Tù nhân Lương tâm (thạc sĩ Phạm Bá Hải, Linh mục Phan Văn Lợi), Hội Anh em Dân chủ (LS Nguyễn Văn Đài, MS Nguyễn Trung Tôn), Hội đồng Liên tôn VN (cụ Lê Quang Liêm, đã mất, ông Lê Văn Sóc, PGHH, MS Nguyễn Trung Tôn, Tin lành, LM Phan Văn Lợi, Công giáo), Mạng lưới Blogger VN (chị Phạm Thanh Nghiên), Lao động Việt (cô Đỗ Thị Minh Hạnh)…
– Vì hoạt động dân chủ và nhân quyền cho Đất nước và Dân tộc, trong 10 năm qua đã có 50 thành viên của Khối 8406 bị tù, tổng cộng 231 năm tù ở (không kể các án quản chế). Nặng nhất là LM Nguyễn Văn Lý: 8 năm sau khi vào Khối. Trước đó LM đã có 3 lần tù, tổng cộng 14 năm (tất cả là 22 năm, hiện còn ở tù). Mục sư Nguyễn Công Chính: 11 năm (hiện còn ở tù); sinh viên Nguyễn Hoàng Quốc Hùng: 9 năm (hiện còn ở tù), tín đồ Hòa Hảo Dương Thị Tròn: 9 năm (đã ra tù), Hồ Thị Bích Khương: 7 năm rưỡi (3 lần tù, mới ra tù)… Đó là chưa kể các chiến sĩ dân chù cùa Khối 8406 mới bị bắt lại, còn đang giam giữ, chưa ra tòa, như LS Nguyễn Văn Đài, Trung tá QĐND Trần Anh Kim, ông Lê Thanh Tùng…
– Sự cống hiến của các chiến sĩ dân chủ Khối 8406 đã được các tổ chức nhân quyền người Việt cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá cao. Cho đến nay, các thành viên Khối 8406 đã nhận được 37 giải nhân quyền của người Việt, trong đó nhiều nhất là giải Nhân quyền Việt Nam của Mạng lưới Nhân quyền VN (24 giải) và 31 giải quốc tế, trong đó nhiều nhất là giải Hellman-Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – Human Rights Watch (HRW) ở Hoa Kỳ(24 giải).
Các chiến sĩ dân chủ không bao giờ thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được vì trước mắt chúng ta tình hình trong nước đang đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ rất lớn, đòi hỏi mọi người dân chủ phải có nhận thức đúng và cố gắng hết sức để đưa Đất nước đến “mục tiêu cao nhất trong cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ là “làm cho thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để”, cụ thể là làm cho chế độ độc tài toàn trị của ĐCSVN phải bị thay thế bởi “chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng có cạnh tranh lành mạnh”, như đã ghi rõ Tuyên ngôn 8406.
ĐẤT NƯỚC ĐỨNG TRƯỚC MỘT TÌNH THẾ MỚI
Gần đây có những sự kiện quan trọng đã xảy ra sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình Đất nước ta:
1/ Ngày 4.2.2016, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) tại Aukland, New Zealand cùng với 11 thành viên khác, là: Canada, Hoa kỳ, Mexico, Peru, Chile, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Australia và New Zealand. TPP là một hình thức hợp tác quốc tế quan trọng, rất mới và bao quát gần như hầu hết các mặt, chẳng những về kinh tế mà cả về nhân quyền, dân quyền, quyền công đoàn… nữa. Theo dự đoán, Hiệp định TPP đến đầu năm 2017 sẽ được Quốc hội các nước đối tác phê chuẩn. Trong 12 nước, theo các nhà nghiên cứu thì VN sẽ là quốc gia có lợi nhất khi gia nhập TPP, nhưng VN lại là nước tồi tệ nhất, vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất, hơn nữa các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, nhân quyền dân quyền… dưới chế độ độc tài toàn trị đều có những vấn đề lớn, phải cải đổi triệt để mới có thể chơi chung với 11 nước kia được. Khi đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định rồi, tập đoàn thống trị CSVN sẽ bị ràng buộc bởi những quy định trong hiệp định đó về trách nhiệm thực thi các quyền con người, các quyền công dân, quyền công đoàn độc lập và tự do, v.v… cũng như trách nhiệm phải sửa đổi thể chế hay chính sách cho phù hợp với các điều khoản trong Hiệp định. Chẳng hạn, trong TPP có những điều khoản sẽ rất gay go đối với VN, như tôn trọng quyền lợi và điều kiện lao động của công nhân viên qua công đoàn độc lập, hay triệt để giải trừ nạn buôn người, hay tránh nạn cạnh tranh bất công nhờ sự ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp tư nhân có sân chơi bình đẳng, v.v…. Đó là những điều mà hiện nay đang là chính sách lớn của ĐCSVN, chẳng hạn, công đoàn phải là của ĐCS, chính sách «xuất khẩu lao động», doanh nghiệp quốc doanh đóng vai trò chủ đạo, v.v… Dĩ nhiên, giống như bao thập niên đã qua, tập đoàn thống trị CSVN sẽ tìm mọi cách lươn lẹo, dối trá, lừa bịp và vi phạm các điều mà họ đã cam kết. Nhưng, chúng ta có thể tin chắc là trong «cuộc chơi» lần này, các đối tác khác trong TPP vì quyền lợi của nước họ, dân họ, nhất định họ phải kiểm tra chặt chẽ, không dễ dàng để cho VN «chơi xấu» hay «xỏ mũi» họ. Vì thế tập đoàn thống trị CSVN sẽ rơi vào một tình thế rất khó xử, trong thâm tâm không muốn thực thi nhân quyền, dân quyền và quyền công đoàn… không muốn thay đổi chính sách, đường lối, nhưng rồi vẫn bị bắt buộc phải thực hiện «phần nào» những trách nhiệm mà họ đã cam kết, nhất là khi tình trạng nguy cấp của ngân sách quốc gia và kinh tế quốc dân lụn bại thúc bách, bắt buộc họ phải thực hiện để hưởng được món lợi về kinh tế. Cái “phần nào” ấy lớn hay nhỏ là do cuộc đấu tranh giữa các đối tác với VN và do cuộc đấu tranh của lực lượng dân chủ đối lập VN với tập đoàn cầm quyền VN quyết định. “Phần nào” đó chính là khe hở (hẹp hay rộng tùy tình thế) mà những người dân chủ phải biết khéo léo lợi dụng để vươn lên. Chính lúc này, những người dân chủ phải biết mạnh dạn sử dụng chiến thuật “xé rào” và chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”, nghĩa là can đảm vượt qua “hàng rào” pháp luật của kẻ cầm quyền mà cứ thực thi các quyền con người, các quyền công dân, quyền công đoàn độc lập và tự do, quyền tự do ngôn luận, hội họp, tổ chức, v.v… không cần đợi phải xin phép chính quyền, đồng thời phải biết dựa vào các điều khoản giả dối về các quyền con người, các quyền công dân trong Hiến pháp VN, cũng như dựa vào các Công ước quốc tế mà VN đã ký kết, dựa vào các điều khoản trong Hiệp định TPP để đấu tranh đòi thực thi các quyền con người, các quyền công dân, quyền công đoàn độc lập và tự do, v.v… Phải dựa vào các điều khoản trong Hiệp định TPP để kịp thời tố cáo những vi phạm của giới cầm quyền, kiện lên các cơ quan của TPP, như Ủy ban TPP, bộ ngoại giao các nước TPP, nhất là Hoa Kỳ nhằm ép buộc tập đoàn thống trị phải thực hiện những đòi hỏi chính đáng của người dân. Gậy ông đập lưng ông là thế!
Khối 8406 cũng như các tổ chức dân sự trước tiên, cần cân nhắc thời điểm “xé rào” để thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, kể cả việc thành lập công đoàn độc lập hay nghiệp đoàn tự do. Sau đó, Khối 8406 cùng các tổ chức dân sự nên suy tính, cùng nhau bàn bạc lập nên một tổ chức chung gì có khả năng phối hợp hay điều phối cuộc đấu tranh chung của xã hội dân sự cho tự do, dân chủ để trong tương lai có thể động viên được quảng đại quần chúng trong cuộc đấu tranh chung. Cần có tinh thần mạnh dạn, chủ động đứng ra tự tổ chức nhau lại khi thấy có điều kiện. Còn những tổ chức dân sự đã thành hình mà chưa hoạt động vì còn chờ quyết định của cơ quan nhà nước thì nay cứ mạnh dạn hoạt động không chờ đợi gì nữa, đó cũng là cách “xé rào” có hiệu quả nhất khi tình hình cho phép.
TPP là một cơ hội tốt đồng thời cũng là một thử thách lớn cho VN, cả cho nhân dân và các lực lượng dân chủ VN, cả cho giới cầm quyền VN. Nhân dân ta, nhất là lực lượng dân chủ, và giới cầm quyền VN có tận dụng được cơ hội tốt đó và có quyết tâm vượt qua thử thách lớn đó để đưa Đất nước và Dân tộc tiến lên giàu có hơn, tự do hơn, văn minh hơn hay không? Cái đó tùy ý chí của mỗi bên. Muốn có ý chí tích cực thì cả hai bên đều phải thay đổi tư duy. Có nghĩa là nhân dân phải bỏ thái độ vô cảm, sợ hãi và ỷ lại vào đảng và nhà nước, không quan tâm đến chính trị, không dám đấu tranh. Còn giới cầm quyền – nếu thực tâm vì dân! – thì phải bỏ thói dối trá, lừa mị, gian tham, độc đoán, nói xạo, nói mép… Thay đổi tư duy xét cho cùng là việc nâng cao chẳng những dân trí mà cả “quan trí”, một cuộc cách mạng văn hóa thật sự.
Nhân đây, để thấy rõ cái thói quen nói xạo, nói mép, nói dối của các quan chức CSVN còn nặng lắm, chúng tôi xin ghi lại đây chuyện này: ngày 5.10.2015, người đại diện Việt Nam, ông bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong cuộc họp báo chung với đại diện của các nước khác về TPP, đã tuyên bố rằng: lâu nay Việt Nam từng là thành viên của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) và những điều kiện về lao động đưa ra trong thỏa thuận TPP không phải chỉ riêng của Hoa Kỳ hay bất cứ nước nào mà là của ILO. Ông Hoàng nói có ý khoe rằng: Việt Nam là thành viên của ILO và cam kết thực hiện các quyền và nghĩa vụ với các điều kiện của ILO. Ông nói thêm: đó là cam kết và sự sẵn sàng mà Việt Nam sẽ thực hiện liên quan đến các vấn đề lao động (ý nói trong Hiệp định TPP). Nói ngon lành như vậy, nhưng thực tế thì… – theo tin của Ha Tran thứ Tư, ngày 11.11.2015 – vào cuối tuần trước, báo chí nhà nước Việt Nam ồn ào thông tin “Công bố toàn văn Hiệp định TPP”. Rất nhiều nội dung của bản văn cực kỳ quan trọng về kinh tế này đã được Bộ Công Thương – cơ quan chủ trì đàm phán TPP – công bố. Tuy nhiên, không có bất cứ thông tin nào về công đoàn độc lập trên các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước (chữ in đậm của người viết). Những tin tức về nội hàm của công đoàn độc lập như một thành phần không thể thiếu trong TPP lại vẫn chỉ được đăng tải bởi các hãng báo đài quốc tế và mạng xã hội. Ha Tran kết luận: Cố tình không công bố thông tin về Công đoàn độc lập không chỉ là một thủ thuật xấu chơi của giới lãnh đạo Việt Nam, mà hành vi này còn vi phạm chính cam kết về việc phải công khai toàn bộ thông tin mà đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã hứa hẹn và ký kết.
Lời nói của ông bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm cho người nghe ngoại quốc tưởng rằng là thành viên của ILO, từ trước đến nay VN đã thực thi nghiêm chỉnh những cam kết của mình với ILO. Thế thì ta thử xem sơ qua kể từ năm 1993, khi VN tái gia nhập ILO thì trong 22 năm qua, VN đã thực thi Hiến chương của ILO như thế nào? Đã “tôn trọng, xúc tiến và công nhận các quyền tự do nghiệp đoàn” chưa? Đã bảo đảm “an toàn và an sinh xã hội trong công việc” chưa? Đã “tôn trọng nhân phẩm người lao động” chưa? Đã triệt để thực hiện chế độ ngày làm việc 8 giờ chưa hay vẫn còn có nơi bắt công nhân làm việc đến 10, thậm chí 12 giờ? Đã bảo đảm quyền biểu tình và đình công cho người lao động chưa? V.v. và v.v… Đáng buồn là trả lời câu hỏi đó chỉ có một lời đáp duy nhất là: Chưa, chưa hề! Chỉ nói riêng cái chính sách “xuất khẩu lao động” mà bao năm qua đã liên tục xúc phạm nặng nề nhân phẩm của chính công dân mình vì đã coi họ chỉ như một mặt hàng xuất khẩu, gây ra thảm nạn công nhân đi lao động nước ngoài đã và đang bị bóc lột bởi các công ty môi giới quốc nội và các công ty tuyển dụng ngoại quốc, bị đẩy vàokiếp nô lệ lao công hay nô lệ tình dục hết sức thê thảm ở xứ người… thì cũng đủ thấy chính quyền CSVN đã chà đạp lên tinh thần và mục đích cao cả của ILO bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của người lao động như thế nào rồi!Chúng ta còn nhớ cuối tháng 10.2006, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam đã ra đời ở trong nước. Hiệp Hội công khai tuyên bố sứ mệnh của mình là đấu tranh chống ách áp bức bóc lột và bảo vệ quyền lợi công nhân, lao động… thì lập tức bị chính quyền VN cho công an đàn áp ngay, và những sáng lập viên Hiệp Hội đứng đầu là anh Nguyễn Tấn Hoành, cùng với Luật sư Trần Quốc Hiền, phát ngôn viên của Hiệp Hội, đã bị đưa ra xử án tại Sài Gòn và tống ngay vào tù. Lý do: trong nước chỉ duy nhất một tổ chức công đoàn của ĐCS được phép tồn tại, đó là Tổng Liên đoàn Lao động VN, một tổ chức công đoàn ăn tiền phần trăm của công nhân, lao động nhưng không bao giờ đứng về phía công nhân, lao động mà lại bảo vệ quyền lợi cho giới chủ. Còn người công nhân, lao động muốn biểu tình, đình công thì trước hết phải xin phép công đoàn của đảng, nếu được đồng ý thì mới được tiến hành, còn nếu người công nhân, lao động cứ biểu tình, đình công thì bị coi là hành động bất hợp pháp có thể bị truy tố trước pháp luật… Chỉ mới đây thôi, báo chí đưa tin ngày 26.2.2016 trong lúc hàng ngàn công nhân công ty Pouchen đang đình công, đã xảy ra vụ viên công an chìm (công nhân nói là cảnh sát hình sự) tên là Nguyễn Thanh Hải đã bất ngờ cầm dao chém tán loạn làm bốn công nhân bị thương! (Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.ru/2016/02/ca-cam-dao-chem-nguoi-cong-nhan-pouchen.html) Đấy, cam kết và sự sẵn sàng mà Việt Nam sẽ thực hiện liên quan đến các vấn đề lao động (trong Hiệp định TPP) là như thế đó, như thực tiễn 22 năm VN đã thực thi Hiến chương của ILO vừa nói ở trên. Chẳng có ai ngây thơ, cả tin là tập đoàn thống trị sẽ dễ dàng và trung thực thực hiện mọi điều khoản trong TPP, nhất là về nhân quyền, dân quyền và quyền của công nhân, lao động nếu các đối tác và các nhà hoạt động công đoàn và các chiến sĩ dân chủ không kiên quyết đấu tranh với họ.
2/ Cuối tháng 1.2016 vừa rồi, đại hội 12 của ĐCSVN đã kết thúc sau một trận đấu đá, xâu xé rất ác liệt và bỉ ổi giữa các phe nhóm đều cùng là tay sai của Tàu Cộng. Tập đoàn thống trị trong Bộ chính trị (BCT) đưa ra nghị quyết 244 cực kỳ phản dân chủ, trắng trợn vi phạm Điều lệ đảng, thế mà cả 1510 đại biểu đại hội im re không một lời phản đối. Chính cái nghị quyết 244 đã là đòn bẩy đẩy một tổng bí thư vừa giáo điều nặng căn, vừa xảo quyệt, lại vừa thân Tàu Cộng được tái cử, là Nguyễn Phú Trọng. Đại hội còn chỉ định làm chủ tịch nước một viên đại tướng bộ trưởng công an độc ác, tàn bạo khét tiếng trong việc đàn áp các dân tộc Tây Nguyên, dân oan, tín đồ các tôn giáo cũng như đồng bào yêu nước biểu tình chống Trung Cộng xâm lược là Trần Đại Quang, chỉ định một viên phó thủ tướng kiêm phó trưởng ban phòng chống tham nhũng nhưng lại là tên trùm tham nhũng khét tiếng Nguyễn Xuân Phúc lên làm thủ tướng. Những sự kiện đó báo hiệu một thời đại tối tăm của Đất nước.
Trước ngày khai mạc đại hội 12, BCT đã phái chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sang Bắc Kinh chầu Thiên triều và nhận chỉ lệnh của Hoàng đế đỏ họ Tập, rồi sau đó chính họ Tập đã thân chinh đến tận Hà Nội hồi tháng 11.2015 để phủ dụ và chỉ giáo cho đám thái thú, cầm đầu là Trọng Lú. Giàn lãnh đạo mới của ĐCSVN là bảo đảm chắc chắn rằng VN sẽ thực hiện triệt để mật ước của Hội nghị Thành Đô 1990. Điều đó làm cho họ Tập yên tâm về đám thái thú «xứ An Nam» và vững tin là đám thái thúnày sẽ càng bám chặt vào Tàu Cộng. Và thực tế là từ sau mật nghị Thành Đô (1990), qua các đời TBT CSVN, từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cho đến Nguyễn Phú Trọng, tập đoàn thống trị nước ta đã hèn nhát đầu hàng, thần phục Tàu Cộng, kẻ thì cấm quân ta dùng súng để quân Tàu giết 64 quân ta và chiếm Gạc Ma, kẻ thì nhượng hàng ngàn km2đất liền và trên 11 ngàn km2 biển Vịnh Bắc Bộ, kẻ thì để 18 tỉnh biên giới phía Bắc cho Tàu Cộng thuê trên 300 ngàn hec-ta rừng đầu nguồn trong thời hạn từ 50 đến 70 năm với giá rất rẻ, kẻ thì mở toang cửa cho TQ vào Tây Nguyên, nơi xung yếu nhất của Tổ quốc ta để khai thác bô-xít, lập làng lập phố ở đấy, kẻ thì cho TQ trúng thầu xây dựng các ngành trọng yếu nơi xung yếu về an ninh, quốc phòng, như điện lực, xi măng ở Bình Thuận, Khu gang thép Formosa ở Vũng Áng. Khi TQ hạ đặt giàn khoan HD-891 hồi tháng 5.2014 ở trong vùng lãnh hải nước ta, Tổng Trọng đã câm miệng rất lâu, không thốt lên một lời, còn khi tàu TQ đâm chìm tàu cá của ngư dân ta, bắn giết ngư dân ta thì không dám nói thẳng là tàu TQ mà chỉ gọi là «tàu lạ»… Trong lúc đó, mọi cuộc biểu tình yêu nước của dân ta phản đối Tàu Cộng xâm lấn chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của ta đều bị đàn áp tàn bạo, mọi cuộc tưởng niệm các chiến sĩ của ta đã hy sinh trong cuộc chiến Hoàng Sa, Trường Sa mà những người yêu nước tổ chức đều bị phá, thậm chí bia tưởng niệm các tử sĩ của ta đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cũng bị đục bỏ. Đấy, đám thái thú «xứ An Nam» hèn với giặc, ác với dân như vậy đó, trung thành với Thiên triều như vậy đó, nên nguy cơ mất nước với Tàu Cộng là một điều rất hiện thực nếu nhân dân ta cứ thờ ơ, vô cảm mãi với việc nước mà không đồng tâm nhất trí đứng lên chống nội xâm và ngoại xâm để bảo vệ Tổ Quốc.
3/ Nhưng – mọi người đều biết – tình thế hiện nay của Tàu Cộng cũng không sáng sủa gì. Kinh tế và tài chính đang bị chao đảo mạnh. Thị trường chứng khoán bị tuột dốc, mấy lần sụp đổnặng nề từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2016, làm cho TQthiệt mất khoảng 3600 tỷ USD. Trong lúcđó, nền sản xuất của TQ bị giảm sút; trên giấy tờ nhà nước ghi là tăng trưởng 6,9%, nhưng các nhà kinh tế tính ra chỉ tăng 3 – 4%, vì thế nguy cơ bùng nổ xã hội rất lớn. Trong tình hình đó, từ năm 2015 đã diễn ra nhiều vụ tháo chạy người và chuyển ngoại tệ ra ngoại quốc một số tiền rất lớn: trong vòng một năm rưỡi đã có gần 1000 tỷ USDthoát ra nước ngoài. Xu hướng phổ biến là phần đông dân giàu có và các quan chức đều muốn ra nước ngoài sinh sống, đều muốn gửi con và người nhà ra ngoại quốc trước, rồi có dịp sẽ theo sau. Nhiều người đã mua nhà cửa, đất đai ở Hoa Kỳ, Australia, v.v… chuẩn bị sẵn sàng “bãi đáp”. Các chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu về Trung Cộng đã báo trước Trung Cộng đang gặp phải những khó khăn nan giải cả về sinh thái, cả về kinh tế, tài chính, cả về chính trị, xã hội, đặc biệt là sự bất mãn của quần chúng cần lao lên cao sẽ có ngày bột phát thành những bùng nổ xã hội mãnh liệt, và trong thời gian không xa Trung Cộng sẽ sụp đổ.
Mặc dù đang lún sâu dần vào cuộc khủng hoảng, nhưng Trung Cộng vẫn giữ thói hung hăng bành trướng trên Biển Đông. Sau khi bồi đắp mấy bãi đá thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của VN, TQ liền ráo riết xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo đó, và gần đây đã trắng trợn triển khai tên lửa đạn đạo địa đối không, chiến đấu cơ và radar đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa gia tăng sự hiện diện quân sự của TQ ở Biển Đông, mưu toan kiểm soát không phận và hải phân ở vùng này, đồng thời uy hiếp an ninh của VN.
4/ Với “truyền thống” sống dựa, sống bám tiếp thụ từ thời Hồ Chí Minh, khi thấy chỗ dựa Tàu Cộng bắt đầu chao đảo, tập đoàn thống trị CSVN ngày nay đang cố tìm thêm chỗ dựa mới cả ở Nga, cả ở Hoa Kỳ, cả ở châu Âu. Họ dùng thủ đoạn “bắt cá hai tay”, không chỉ ký kết TPP với 11 nước khác, và cũng đã đàm phán xong EVFTA (Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU) với Liên minh Châu Âu, hòng tự cứu bản thân và gia đình, cứu vãn đảng và chế độ toàn trị của họ. Do đó, trong thời gian tới tình hình nước ta sẽ có những chuyển biến, thậm chí những biến động, và ĐCSVN khó tránh khỏi sụp đổ.
Họ phải hành động như thế vì chế độ hiện hành ở Việt Nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện rất nặng nề, cả về kinh tế, tài chính, cả về giáo dục, y tế, xã hội, cả về chính trị. Cụ thể trước mắt là tập đoàn thống trị đang đứng trước một núi nợ cao ngất, mà theo báo cáo của bộ Tài chính VN trước Quốc hội: nợ công của VN đến cuối năm 2014, ước tính là 2346 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 110 tỷ USD. (Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/no-cong-cua-viet-nam-la-110-ty-usd-chinh-phu-noi-gi-a104347.html). Các nhà kinh tế tính ra tất cả mọi người dân VN, già trẻ lớn bé, đều phải gánhmột món nợ công lớn tới 1200 USD, và mỗi người hàng năm phải trả cả vốn lẫn lãi hàng trăm USD! Tập đoàn thống trị CS hiện đang lúng túng, không biết lấy gì trả nợ, và nguy cơ vỡ nợ đã rất rõ rệt. Trước đây, vay nợ đáng lẽ phải đầu tư vào sự nghiệp hữu ích phát triển con người, như xây dựng trường học, bệnh viện, tăng chi phí về giáo dục, y tế, phát triển nông nghiệp… thì người ta lại đầu tư vào các công trình to lớn không mang lại lợi ích thiết thực, như nhà máy lọc dầu Dung Quất, các đập thủy điện không có nghiên cứu cẩn thận, các tòa nhà đồ sộ, cao ngất dành cho các cơ quan hành chính của tỉnh, thành phố, các viện bảo tàng Hồ Chí Minh và các tượng đài Hồ Chí Minh ngốn hàng ngàn tỷ đồng, đó là không kể những số tiền lớn đã chui vào túi các quan tham… trong khi nhân dân còn đói ăn, thiếu trường học cho trẻ con, trường ốc thì tồi tàn, các địa phương đều thiếu bệnh viện, tình trạng quá tải trong các bệnh viện thật là khủng khiếp… Tại đại hội 12 của đảng, chính bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đãthổ lộ trong cuộc thảo luận tổ: “Ngân sách trung ương hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả”. Một số quan chức nhà nước cũng đã phải thừa nhận là “ngân sách quốc gia đã cạn kiệt.”
Về mặt xã hội tình hình ngày càng nghiêm trọng do nạn tham nhũng tràn lan ở mọi cấp, mọi ngành, do nạn cưỡng chế thu hồi đất, nói thẳng là cướp đoạt đất nhà của dân, tạo ra thảm trạng “dân oan” kéo dài hàng mấy chục năm rồi không được giải quyết. Do đó, lòng uất hận, căm ghét của người dân đối với ĐCSVN ngày càng bị dồn nén, đến một mức nào đấy khó tránh khỏinhững bùng nổ xã hội. Cái não trạng ù lì, vô cảm của người dân VN, kể cả trong giới gọi là trí thức, hiện còn nặng, nhưng đến một mức nào đó – nhất là lúc thời cơ đến – số đông trong đại chúng chắc chắn sẽ “tỉnh ngộ” do đó sẽ bùng lên một cao trào đấu tranh rất mạnh mẽ. Những người dân chủ VN cần thấy trước tình thế để kịp thời nắm lấy thời cơ đẩy mạnh phong trào lên nhằm đạt được mục tiêu đấu tranh của mình.
Chính vì lo sợ cái viễn cảnh đó, nên trong nhiệm kỳ tới, Nguyễn Phú Trọng đã đưa vào cơ cấu TƯ đảng một số lượng chỉ huy quân đội và công an nhiều chưa từng thấy. Trong số 200 ủy viên TƯ thì có đến 20 tướng lĩnh và cán bộ chỉ huy quân đội và 5tướng lĩnh công an, gồm 1 bộ trưởng, 4 thứ trưởng. Ở một số tỉnh thành, nhiều tướng lĩnh công an đã được đưa lên nắm chính quyền, như ở thủ đô, thiếu tướng công an Nguyễn Đức Chung làm chủ tịch UBND Hà Nội. Như vậy, tập đoàn thống trị có ý đồ sẽ mạnh tay đàn áp, khủng bố để cứu vãn chế độ đã lung lay tận gốc. Đó là ý muốn của kẻ thống trị, nhưng có thực hiện được ý đồđó hay không lại là một chuyện khác. Mọi người đều biết VN còn bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ khác, như TPP với Hoa Kỳ và các đối tác khác, FTA với Liên minh Châu Âu, WTO, ILO, v.v… Hơn nữa, trong thời đại ngày nay, khi xu hướng chung trên toàn cầu là tự do, dân chủ thì thế giới văn minh không để yên cho những chính quyền độc tài độc ác muốn làm gì cũng được.
SÁCH LƯỢC ĐỐI VỚI CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI
Trước mắt chúng ta, đang có một vấn đề đòi hỏi những người dân chủ sớm xác định cho mình một thái độ rõ rệt. Đó là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa thứ 14 (nhiệm kỳ 2016-2021) vào ngày 22 tháng 5 sắp tới.
Theo thiển ý của chúng tôi, cũng như đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa thứ 13 lần trước, chúng tôi cho rằngsách lược của những người dân chủ vẫn là tẩy chay trò hề dân chủ giả hiệu của tập đoàn thống trị, tẩy chay trò ma quái phản dân chủ «đảng cử dân bầu», tẩychay lối bầu cử gian lận của ĐCSVN.
Tẩy chay trò hề bầu cử của ĐCSVN là công khai không công nhận tính chính danh (légitimité) của chế độ độc tài toàn trị CS, vì trên thực tế từ trước đến nay CS đã tiếm đoạt quyền làm chủ của người dân bằng cách không cho người dân được tự do bầu cử và tự do ứng cử. Tẩy chay trò hề bầu cử, nếu vận động tốt thành phong trào, là một cách nâng cao dân trí tích cực nhất, vì nó rèn luyện cho người dân biết bất tuân dân sự trước những chủ trương, chính sách của đảng cầm quyền không hợp lòng dân. Muốn có hiệu quả tốt, những người dân chủ phải chịu khó đi sâu vào dân chúng giải thích cho họ hiểu rõ quyền bầu cử, ứng cử tự do của công dân mà ĐCS đã chà đạp lên quyền đó và họ cần có thái độ dứt khoát. Cần nói rõ, hiện nay chưa có luật nào bắt buộc người dân phải đi bầu để người dân không sợ khi họ tẩy chay bầu cử. Họ có nhiều cách để tẩy chay bầu cử đại biểu Quốc hội: hoặc âm thầm không đến hòm phiếu, hoặc vắng nhà hôm bầu cử mà không cần không nói lý do với ai, hoặc bạo dạn hơn nói rõ vì sao mình không đi bỏ phiếu. Nếu bị các tổ trưởng dân phố, công an khu vực thúc ép, giục giã đi bầu có thể cãi lý với họ, chẳng hạn, người dân oan hay người nhà các tù nhân lương tâm có thể nói thẳng là bao giờ chính quyền giải quyết nỗi oan của chúng tôi hay nỗi oan của thân nhân chúng tôi đang ngồi tù thì chúng tôi đi bầu… Nếu thấy không cần cãi lý thì cứ đi nhưng kiên quyết không bầu các quan chức CS, không bầu những ứng cử viên trong danh sách ĐCS đưa ra (thường do các tổ trưởng dân phố rỉ tai). Hoặc cũng có thể bỏ phiếu trắng hay gạch xóa tất cả các tên trong phiếu bầu, nhưng cách này không hay bằng cách không bầu vừa nói. Tất cả các hình thức tẩy chay bầu cử đều có thể áp dụng, tùy hoàn cảnh, ý muốn và sáng kiến của từng người. Anh chị em đã từng là tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị thì còn sợ gì mà không dám công khai nói rõ thái độ tẩy chay của mình để cổ vũ những người khác theo gương mình. Khẩu hiệu tẩy chay cuộc bầu cử giả hiệu có thể lôi cuốn rất nhiều người tham gia. Xin các bạn nghĩ xem, cứ tạm ước tính số người mà các chiến sĩ dân chủ có khả năng vận động được trong số dân oan, công nhân đấu tranh, tín đồ các tôn giáo bị đàn áp, bị cướp đất nhà thờ, chùa chiền, thánh thất, các gia đình tù nhân lương tâm, các thanh niên, trí thức tiên tiến, v.v… thì thấy con số đó sẽ không nhỏ. Cố nhiên, dù phong trào tẩy chay có rộng bao nhiêu đi nữa, cuối cùng ĐCS vẫn «bầu» (!) được một quốc hội bù nhìn theo ý họ, vì chế độ bầu cử của ĐCS là gian lận, ban bầu cử, các người kiểm phiếu, công an canh gác… đều là người của họ, họ muốn làm gì cũng được, muốn cho tỷ lệ đi bầu bao nhiêu phần trăm cũng được. Căn cứ vào số người tẩy chay cuộc bầu cử nhiều hay ít người dân chủ đánh giá được ý thức dân chủ và thái độ bất tuân dân sự của quần chúng. Chúng ta cần phải tập dần cho người dân quen có thái độ này, vì vào những thời điểm quan trọng của lịch sử nó sẽ rất cần thiết.
Lần này, có một sự kiện mới là TS Nguyễn Quang A đã đề xướng phong trào tự ứng cử của những trí thức dân chủ đối lập. TS Quang A biết rõ những thủ đoạn gian manh của giới cầm quyền để loại bỏ những người tự ứng cử bằng những cuộc “hội nghị” của địa phương, những cuộc “hiệp thương” với Mặt trận Tổ quốc thường là những màn kịch để vu khống, bôi nhọ, làm nhục, đấu tốnhững người tự ứng cử và cuối cùng không công nhận họ là ứng cử viên. Ông biết rõ như vậy, nhưng ông cho rằng những trí thức dân chủ đối lập khi ra tự ứng cử sẽ là dịp để nâng cao dân trí, cụ thể là gây ý thức dân chủ cho quần chúng, làm cho họ hiểu được quyền công dân của họ là được ứng cử, bầu cử tự do, làm cho họ nhận thức được sự bất công và phản dân chủ của lối «đảng cử dân bầu» hiện nay. Những người tự ứng cử biết chắc là sẽ không trúng cử và họ sẽ chịu nhiều điều khó chịu, nhiều nỗi ê chề do đảng cầm quyền đạo diễn, nhưng họ không hề sợ và sẵn sàng chịu đựng tất cả những điều đó vì sự nghiệp nâng cao dân trí. Theo chúng tôi, đó là một điều đáng phục. Hiện nay đã có khoảng mười người tuyên bố sẽ tự ra ứng cử. Ngoài TS Nguyễn Quang A, còn cónhà văn Phạm Thành, ông Nguyễn Tường Thụy, kỹ sư Hoàng Chương, bà Nguyễn Thúy Hạnh, bà Đặng Bích Phượng, LS Lê Văn Luân, LS Võ An Đôn, doanh nhân Nguyễn Kim Môn…
Theo thiển ý của chúng tôi, những người can đảm tự ứng cử dưới cái chế độ tuyển cử cực kỳ phản dân chủ của tập đoàn thống trị CSVN muốn đạt được ít nhiều hiệu quả mà họ mong muốn thì phải mạnh dạn «xé rào» để thực hiện những việc sau đây:
1/ không chờ đợi được công nhận là ứng cử viên, ngay khi tuyên bố tự ứng cử, phải lập được một nhóm vận động bầu cử cho mình để phổ biến tin tức về người tự ứng cử, mục đích, chương trình của người tự ứng cử và làm mọi việc để ủng hộ người đó. «Nhóm vận động bầu cử» sẽ là một hình thức tự phát vận động dân chủ;
2/ trước hoặc ngay sau khi nộp đơn tự ứng cử cần công bố rộng rãi tiểu sử, mục đích và chương trình ứng cử của mình trên các phương tiện thông tin, như báo mạng, facebook… hoặc in thành tờ rơi để tán phát nếu điều kiện cho phép. Về chương trình hành động thì nên nêu những vấn đề mà người dân rất quan tâm, dính dáng đến quyền lợi thiết thân của họ, những vấn đề mà kẻ cầm quyền thường tránh né;
3/ cố gắng vận động các đảng viên CS đã «tỉnh thức» có vai trò quan trọng trước đây trong đảng và chính quyền giới thiệu, ủng hộ người tự ứng cử trên phương tiện thông tin, báo mạng hay trong các buổi nói chuyện thân mật với dân chúng;
4/ vận động một vài người cảm tình có tiếng tăm, có uy tín trong dân chúng sẵn sàng phát biểu bênh vực cho người tự ứng cử trong các cuộc họp dân chúng, các cuộc «hiệp thương» với Mặt trận Tổ quốc để phản bác những kẻ nói xấu, vu khống, bôi nhọ người tự ứng cử;
5/ các nhà báo trung thực, các facebooker, các báo mạng lề trái nên có những tường thuật khách quan và sinh động các cuộc họp dân chúng, các cuộc «hiệp thương» của Mặt trận Tổ quốc với những người tự ứng cử để đông đảo quần chúng được biết.
Có làm được như vậy, mới hy vọng phong trào tự ứng cử có tác dụng giáo dục, nâng cao dân trí cho đại chúng. Nhưng, cũng nên thấy trước phong trào tự ứng cử có mặt tiêu cực của nó, trước tiên là tập đoàn thống trị CS sẽ có cớ để rêu rao trước dư luận thế giới là: «Chế độ của chúng tôi thật sự dân chủ và tự do như thế đấy, có cả một phong trào tự ứng cử.» Nếu có người hỏi : «Thế có ai trúng cử không?» Tập đoàn thống trị sẽ trả lời ngay: «Họ không được nhân dân ủng hộ thì trúng cử làm sao được?» Thế là trước mắt dư luận quốc tế «lẽ phải» lại thuộc về kẻ cướp quyền của công dân!
Nhưng, theo thiển ý chúng tôi, cách ứng xử như thế nào đối với cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới là tùy sự cân nhắc của mỗi người dân chủ. Những người yêu nước tự ứng cử cũng nhằm giúp người dân hiểu rõ quyền tự do, dân chủ để có ý thức chống lại độc đoán và chuyên chế, chống đối chế độ độc tài toàn trị CS. Vì thế không nên và không thể coi việc làm của họ là chấp nhận chế độ toàn trị CSVN, chấp nhận hiến pháp phản dân chủ hiện hành với điều 4. Xin nói rõ, dù chúng tôi cho rằng sách lược tẩy chay trò hề bầu cử Quốc hội sắp tới là hợp lý nhất, nhưng chúng tôi vẫn chủ trương những người dân chủ cần ủng hộ hành động can trường của những người tự ứng cử. Không nên vì quan điểm khác nhau trên vấn đề này mà gây chia rẽ trong phong trào dân chủ. Vì tẩy chay cuộc bầu cử hay tự ứng cử đều cùng mục đích nâng cao dân trí, và thực chất của hai quan điểm đều nhằm chống chế độ độc tài toàn trị CS. Xin mọi người hãy suy ngẫm xem!
o0o
Dân tộc ta đang đứng trước một thời điểm rất quan trọng, đòi hỏi một sự cố gắng lớn lao của mọi người tha thiết yêu nước thương dân, lo lắng cho vận mệnh của Đất nước và Dân tộc, của mọi người yêu tự do, dân chủ mong muốn Nước nhà sớm thoát khỏi chế độ độc tài toàn trị của CSVN để vươn lên thành một Đất nước độc lập, văn minh, tự do, dân chủ, giàu mạnh, thịnh vượng. Để đáp ứng đòi hỏi của tình thế mới, mỗi chiến sĩ dân chủ cần đi sâu vào quần chúng, kiên trì giải thích cho quần chúng nhận thức rõ tình hình Đất nước, động viên quần chúng tham gia những cuộc đấu tranh chung. Chúng ta rất mừng là qua phong trào đấu tranh ngày càng mạnh của dân oan, của công nhân, lao động, của tín hữu các tôn giáo bị chèn ép, của giới trẻ… đã nảy sinh nhiều chiến sĩ dân chủ rất kiên cường, dày dạn và có năng lực. Đó là lực lượng xung kích năng động nhất của phong trào. Điều quan trọng hiện nay là đoàn kết và tập hợp những lực lượng đó trong những tổ chức tương đối chặt chẽ để kịp ứng phó với tình hình khi thời cơ đến.
Ngày 1.3.2016
Nguyễn Minh Cần