08 février 2017

Khi tuổi trẻ không hèn


       tuankhanh's blog


Trong lịch sử nước Mỹ, việc các sinh viên khởi kiện tổng thống Trump quả là một câu chuyện lịch sử đáng nhớ. Vụ kiện diễn ra nhanh chóng, kể từ lúc nộp đơn (ngày 28/1) cho đến lúc có phán quyết của Tòa với phần thắng thuộc về những người trẻ tuổi, chỉ trong vài tiếng đồng hồ.


Đứng trước bối cảnh hỗn loạn và trái ngang của hàng ngàn người bị chận tại các sân bay, bị xé bỏ giấy nhập cư, đuổi trả về nước… những sinh viên luật của Đại học Yale đã nhanh chóng cùng nhau soạn thảo một đơn kiện quyết định hành pháp (executive order) của tổng thống Donald Trump, về sắc lệnh cấm nhập cảnh dành cho 7 nước và cho nhiều trường hợp bị coi là kỳ thị. Quan trọng là đơn kiện nhận định rằng tân tổng thống đã vi hiến, cũng như đã phế bỏ quyền tự do và bình đẳng nhập cư vào đất Mỹ, được tổng thống Lyndon Johnson ký vào năm 1965 (The Immigration and Naturalization Act).
Tòa liên bang tại Brooklyn, New York đã nhanh chóng ra quyết định phần thắng bước đầu thuộc về các sinh viên Đại học Yale. Tác động từ vụ kiện cùng với tình hình nước Mỹ đang lâm vào khung cảnh bất thường khiến hàng loạt các bang của Mỹ cũng kháng lệnh của ông Trump, thậm chí bang Washington và Minnesota đã khởi kiện như các sinh viên Yale. Dẫn đến ngày 3 tháng 2/2017, Thẩm phán liên bang James Robart đã ra lệnh ngừng mọi hoạt động liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Donald Trump.
Hãy đặt qua một bên những cuộc tranh cãi về chính sách của ông Trump sai hay đúng. Điều có thể thấy rằng sự có mặt của giới sinh viên Mỹ, ở hàng đầu trong các phong trào về nhân quyền và dân quyền, là hết sức rõ ràng và đáng ngưỡng mộ.
Ngay từ trước khi ông Donald Trump nhậm chức, ý thức chính trị của sinh viên Mỹ hiện rõ ở các cuộc biểu tình phản đối, rầm rộ tại nhiều học khu. Hình ảnh những người rất trẻ xông vào tranh đấu bằng luật, xuống đường ở Boston, Seattle, New York… cho thấy một nước Mỹ với thế hệ trẻ ý thức rõ mình cần phải làm gì cho đất nước và con người chung quanh mình. Thậm chí, họ thẳng thắn từ chối sự cầm quyền của những người mà họ không đồng ý trên các khẩu hiệu, thậm chí ngay trên gương mặt mình: “Not my president” (không hề là tổng thống của tôi).
Đồng loạt như vậy, nhiều người rất trẻ ở rất xa nước Mỹ như Anh, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển… cũng xuống đường phản đối sắc lệnh của ông Donald Trump, ngay cả khi bản thân họ không liên can đến lệnh cấm đó. Nền văn minh địa cầu đã tôn vinh vị thế của loài ngoài qua nhiều ngàn năm, rằng nếu phớt lờ sự nguy nan của người khác, thản nhiên tận hưởng chỉ là lối sống của loài động vật thấp hèn. Con người cao quý hơn loài vật, chính là biết đứng lên vì công bằng của cuộc đời và biết nuôi dưỡng nhân cách cao quý hướng đến tha nhân.
Khác biệt chính kiến với người lãnh đạo, phản ứng lại hệ thống cầm quyền - ở đâu cũng vậy - đều là một giá trị của khát vọng đổi thay và sự biểu đạt của nhân quyền. Nhưng nhiều nơi trên thế giới, điều đó có nghĩa là phải đối diện với trấn áp, với bạo lực và âm mưu khủng bố của chế độ toàn trị.
Tuổi trẻ chính là những ngọn lửa thanh cao nhất, nồng nhiệt và tiên phong của lẽ phải và sự thật, để thắp lên những ánh sáng cho cuộc đời chung quanh họ. Ngay tại Châu Á, nơi các giá trị dân chủ đến muộn, so với phương Tây thì còn son trẻ hơn rất nhiều, nhưng vẫn có những câu chuyện về sinh viên Miến Điện, sinh viên Hồng Kông, Đài Loan… bước xuống đường, vận động thay đổi bằng luật pháp, và có thể bằng cả máu xương cho tương lai của quê hương mình.
Lịch sử đã ghi lại để có một Miến Điện hôm nay, đã có không ít sinh viên, những người trẻ tuổi đã hy sinh đời mình để nhân dân được thoát ách độc tài. Lịch sử cũng dõi theo những chuyển biến lạ thường khi thủ lĩnh chính trị trẻ tuổi Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) thành lập đảng Demosisto - Đảng vì dân - ở Hồng Kông để đòi quyền tự quyết cho nơi này sau năm 2047. Đây là một cái tát lớn vào mặt bộ máy cầm quyền cộng sản kiểu mẫu, sau nhiều năm tự tin dùng súng đạn và dùi cui để xây lâu đài cai trị của mình.
Có lần trong diễn biến cuộc cách mạng dù vàng ở Hồng Kông vào tháng 9/2014, nhiều người quan sát từ Việt Nam đã có chung bình luận rằng “Liệu Việt Nam có được một thế hệ tuổi trẻ như vậy không?”. Câu hỏi này đã tạo nên nhiều diễn đàn tranh cãi, và không ít bình luận nói rằng thế hệ sinh viên, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã hết, đã hèn.
Chắc cũng cần nhắc lại, cuối tháng 4/2016, có 44 sinh viên Việt Nam ở Hà Nội, đã làm đơn gửi đến văn phòng Chánh án tòa án Hà Nội, yêu cầu phải thực thi quyền của công dân và luật pháp đã hiến định. Thư ngỏ này yêu cầu chấm dứt tình trạng xử phạm nhân (phần lớn là tù chính trị) trong sự bao vây, khép kín đầy tính thù địch của công an, mật vụ. Thậm chí người nhà của bị cáo, luật sư của bị cáo cũng bị ngăn chận vào phiên xử một cách thô bỉ. Thư ngỏ này được ký bởi những sinh viên luật, mà người được nêu tên với chữ ký đầu tiên là nữ sinh viên Trương Thị Hà (sinh năm 1994).
Đây cũng là một sự kiện bất ngờ, vì kể từ vụ xử linh mục Nguyễn Văn Lý (năm 2007), hình ảnh bị cáo bị bịt miệng không cho nói, cho đến rất nhiều vụ xử chính trị khác ngăn cản người đi dự - dù tòa tuyên bố “xử công khai” - phản ứng của những sinh viên luật yêu công lý và sự thật này, được coi là đại diện cho suy nghĩ của người dân Việt Nam đã quá mệt mỏi trước một hệ thống tư pháp quốc gia bị nhồi nặn cho vừa bàn tay lông lá của kẻ có quyền.
Không có tin tức gì về những sinh viên này, kể từ sau sự kiện đó. Cũng không có tờ báo nhà nước nào dám đề cập đến sự kiện độc đáo này. Và dù những sinh viên này chỉ yêu cầu tòa án hành động đúng với luật pháp, với hiến pháp nhưng không có hệ thống truyền thông “chính thống” nào dám nhắc đến, dù chỉ là một con chữ hèn mọn nhất.
Ở đâu đó trên thế giới, có người trẻ tuổi dám công khai viết lên trán, từ chối quyền lãnh đạo của một tân tổng thống, thì ở đất Việt Nam nhỏ bé, cũng có những sinh viên đứng lên từ chối cách hành động vô pháp ở tòa án, và đòi xác lập những nguyên tắc đã được hiến pháp quy định.
Tuổi trẻ không ươn hèn. Dù nơi nào cũng vậy. Chỉ khác là ở các quốc gia tôn trọng nguyên khí của dân tộc thì tuổi trẻ như vậy được vinh danh, còn ở những quốc gia có những kẻ lãnh đạo hèn hạ và vô minh, thì sẽ tìm cách tiêu diệt họ. Có vô vàn những ví dụ như vậy với sinh viên Cuba và Trung Quốc.
Tuổi trẻ không có sự khác biệt về màu da và tổ quốc trong hành động yêu nước, yêu con người. Chỉ khác là ở các bản tin thời sự, người ta hay tấm tắc khen những người trẻ ở rất xa, và lãng quên những người trẻ ở ngay quê hương mình. Có thể vì thờ ơ, cũng có thể vì hèn.
Nhưng dù được nhớ hay không, được vinh danh hay bị lãng quên… tuổi trẻ Việt Nam cũng như Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Anh… vẫn luôn âm ỉ trong trái tim mình ngọn lửa của lẽ phải và sự thật, chờ một ngày tỏa sáng – tôi tin như vậy.
Và chắc chắn, Việt Nam cũng phải có một thế hệ tuổi trẻ không ươn hèn.
       tuankhanh's blog


·