Minh
Anh
Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Viện : "Phan Châu Trinh là người đầu tiên đã nhận ra rằng mối họa lớn nhất của dân tộc lúc bấy giờ không chỉ là mất độc lập, mà còn nguy cấp hơn nhiều, là lạc hậu nặng nề về văn hóa và văn minh đối với đối thủ mới của mình và với thế giới, bởi chính lạc hậu là nguyên nhân khiến nước ta mất độc lập, dân ta lâm vào vòng nô lệ thảm khốc. Phan Châu Trinh đã thống thiết nói: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, đó là ‘chi bằng học’”. Ông chủ trương một cuộc khai dân trí rộng lớn và căn bản trong điều kiện toàn cầu hóa mà ông cũng là người đầu tiên nhận ra."
(TBKTSG Online)- Viện Phan Châu Trinh (Phan Chau Trinh Institute-
PCTI) vừa chính thức làm lễ ra mắt sáng nay (7-2-2016) ngay trên chính quê
hương của nhà khai sáng, Hội An, Quảng Nam.
Trong diễn từ ra mắt PCTI, nhà
văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Viện đã nhắc lại câu chuyện hơn 100 năm
trước, trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo và trăn trở tìm đường cứu nước,
Phan Châu Trinh là người đầu tiên đã nhận ra rằng mối họa lớn nhất của dân
tộc lúc bấy giờ không chỉ là mất độc lập, mà còn nguy cấp hơn nhiều, là lạc
hậu nặng nề về văn hóa và văn minh đối với đối thủ mới của mình và với thế
giới, bởi chính lạc hậu là nguyên nhân khiến nước ta mất độc lập, dân ta
lâm vào vòng nô lệ thảm khốc. Phan Châu Trinh đã thống thiết nói: “Đồng bào
ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi có một vật rất quý báu tặng cho
đồng bào, đó là ‘chi bằng học’”. Ông chủ trương một cuộc khai dân trí rộng
lớn và căn bản trong điều kiện toàn cầu hóa mà ông cũng là người đầu tiên
nhận ra.
“Chúng tôi nghĩ cần hiểu, dù chỉ
vắn tắt nhất về điều được gọi là “Triết học Phan Châu Trinh” như vậy,
để thấy rằng ngày nay ta đã có được độc lập sau mấy cuộc chiến tranh khốc
liệt và anh hùng, song nhận thức sáng rõ và mạnh mẽ của vị tiền bối anh
minh của chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, những nan đề sinh tử ông từng
sáng suốt phát hiện và báo động cho dân tộc vẫn còn nguyên tính thời sự,
thậm chí theo cách nào đó càng nóng bỏng cấp thiết hơn. Viện Phan Châu
Trinh được thành lập hôm nay chính là trên và vì ý hướng đó,” nhà văn
Nguyên Ngọc chia sẻ.
Mục tiêu của PCTI là trở thành
một viện nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, tập trung vào các lĩnh
vực xã hội và văn hóa, với chiến lược là thu hút các nhà khoa học có uy tín
trong và ngoài nước để cùng giải quyết những vấn đề cụ thể, tạo ra những
công trình thực sự có giá trị.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết
trong buổi làm việc đầu tiên của PCTI với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thường
vụ Tỉnh ủy đã giao cho viện biên soạn bộ Toàn chí Quảng Nam-một bộ bách
khoa toàn diện về tỉnh. Dự kiến bộ sách sẽ có trên 20 tập và được biên soạn
trong 5 năm.
Song song với bộ Toàn chí, bước
đầu viện cũng sẽ triển khai công trình nghiên cứu về vai trò của tư tưởng
Phan Châu Trinh trong lịch sử tư tưởng cận đại và hiện đại Việt Nam, công
trình tổng kết 30 năm phát triển của Hội An và những thách thức mới của Hội
An hiện nay… “Về lâu dài, sẽ có thể có những công trình nghiên cứu tập
trung chủ yếu vào khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, cùng một số công trình
về văn hóa xã hội và về con người Việt Nam nói chung,” Chủ tịch hội đồng
PCTI, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết.
Các thành viên của Hội đồng
khoa học Viện Phan Châu Trinh
Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch;
PGS.TS Chu Hảo, Phó Chủ tịch; Các ủy viên gồm: TS. Vũ Thành Tự Anh, TS.
Lê Tiến Công; PGS.TS Phạm Vĩnh Cư, TS. Trịnh Văn Định, TS. Phan Hồng
Giang, TS. Vũ Ngọc Hoàng, TS. Nguyễn Đức Lộc, nhà báo Võ Thị Mai Nhung,
GS.TS. Huỳnh Như Phương, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, nhà nghiên cứu
Phan Cẩm Thượng và GS.TS Nguyễn Văn Trọng.
|
Nguồn: Theo Một Thế Giới