(GDVN) - Nhà giáo Phạm Toàn kể cho bạn đọc nghe câu
chuyện một gia đình truyền thống làm thầy khiến ông luôn phải nghĩ và các việc
ông đang làm cho giáo dục nước nhà...
LTS – Nhà giáo Phạm
Toàn gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới của ông, giới thiệu
cách làm giáo dục của nhóm Cánh Buồm tiếp theo 5 bài trước đã được chúng tôi đăng tải.
Xin trân trọng giới
thiệu đến quý bạn đọc. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của
tác giả và nhóm Cánh Buồm.
Vậy là từ 1 tháng 1 năm 2017 cho đến 30 tháng 1 năm
2017, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi bạn đọc 5 bài trong loạt bài giới
thiệu Cách Suy nghĩ và Cách Hành động của Nhóm Cánh Buồm.
Nhà giáo Phạm Toàn (bên trái) kể câu chuyện về làm giáo dục của mình. Ảnh Hồng Thủy |
Bài thứ nhất “Cải cách
nhà cải cách …” giới thiệu chung về nhóm biên soạn sách giáo khoa xã
hội hóa này. Ý tưởng của bài này là: Muốn đổi mới thực sự nền Giáo dục, trước
hết cần thay đổi đầu óc nhà “cải cách”.
Ý tưởng này gợi ý cho nhiều hành động khác trong xã
hội, chẳng hạn như: đầu óc tiểu nông không thể làm ra một nền nông nghiệp phát
triển ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng.
Bài thứ hai “Định
nghĩa lại khái niệm Giáo dục …” giới thiệu quan điểm gốc cho mọi đổi
mới sự nghiệp Giáo dục phổ thông. Định nghĩa này xác định nhà trường là nơi tổ
chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân tộc.
Định nghĩa này mang tư tưởng tổ chức việc HỌC của
thanh thiếu niên thay cho việc DẠY các em.
Bài thứ ba “Giáo dục
tạo nên sự trưởng thành về tư duy …” nói về mục tiêu tạo ra sự
trưởng thành vào đời của người thanh niên.
Bài này nhói rõ phương thức nhà trường phải tạo ra một
trình độ tư duy trên đủ ba mặt: khoa học, nghệ thuật, và chính trị-xã hội cho
thanh niên, coi đó như là “sự ra đời lần thứ hai” về tinh thần của con người
sau cuộc ra đời lần thứ nhất mang tính sinh vật học.
Bài thứ tư “Bản chất
của việc học …” nói rõ quan điểm lý luận của nhóm Cánh Buồm: việc
học của con người có bản chất là TỰ HỌC.
Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm giới thiệu dần
những công trình nghiên cứu cho thấy tự học là hành động con người có từ phút
thứ nhất sau khi chào đời.
Nhóm Cánh Buồm lấy đó làm căn cứ lý giải con đường TỰ
HỌC – TỰ GIÁO DỤC của trẻ em và thanh thiếu niên.
Bài thứ năm “Cách tổ
chức tự học Văn và Tiếng Việt …” bắt đầu dưa ra những nguyên tắc
chỉ đạo việc tự học hai môn học khó nhất ở trường phổ thông là môn là Văn và
môn Tiếng Việt.
|
Nguyên tắc 1 liên quan đến người học: tự học là làm
lại những hành động của người đi trước (nhà khoa học, người nghệ sĩ, nhà hoạt
động chính trị-xã hội).
Nguyên tắc 2 liên quan đến nhà sư phạm là nghiên cứu
những việc làm và thao tác để học sinh làm lại đúng bản chất các hành động của
người đi trước.
Nguyên tắc 3 liên quan đến toàn xã hội: tôn trọng năng
lực tự đánh giá của học sinh thay cho những đòi hỏi về thi cử, điểm số, khen
chê…
Kỳ này, Cánh Buồm xin giới thiệu tiếp bài viết về Chương
trình học và nhiệm vụ từng bậc học.
Khi đọc bài này, kính mong bạn đọc chú ý đến việc nhóm
Cánh Buồm định nghĩa lại những khái niệm quen thuộc mà xưa nay nhiều “nhà cải
cách” và nhà sư phạm vẫn coi như chuyện hiển nhiên.
Chút lan man mở đầu
Cho tôi được kể câu chuyện vợ chồng bạn tôi, hai nhà
giáo dạy giỏi, sau này có cô con gái đầu lòng cũng là giáo viên dạy giỏi…
Chuyện một gia đình mà cứ buộc tôi ngẫm nghĩ, thấy nó
như một giọt nước mà hình như có thể giúp ta hình dung được sự vật lớn có tên
gọi là nước.
Hai vợ chồng dạy học ở một vùng quê Bắc Giang với
những đồi thông yên tĩnh. Anh khoe rằng nhà văn Nguyên Hồng từng dự giờ dạy Văn
của chị, và nhà văn này đã… khóc.
Tôi từng được nghe nhà văn Kim Lân thích kể giai thoại
ông Nguyên Hồng hay khóc và ông Thế Lữ hay cười.
Về ông Nguyên Hồng đây là chuyện tôi nhớ nhất. Một lần
phải phát biểu long trọng, anh em dặn không được khóc. Tác giả "Những ngày
thơ ấu" lên nói một lúc rồi dừng lại, mếu máo, “anh em dặn rồi, tôi vẫn
nhớ, nhưng cho tôi khóc tí …” và ông ngồi thụp xuống, khóc hu hu…
Thế mà vợ bạn tôi được ông Nguyên Hồng dự giờ và cũng
được ông khóc đấy!
Nói tiếp chuyện hai ông bà giáo từ những năm 1960 thế
kỷ trước.
Dạy học ở một vùng quê yên tĩnh nên hai ông bà rất
đông con. Năm đứa con theo nhau chào đời. Nên cô chị cả ở nhà bế em suốt. Cô
chị cả mầy mò tự học. Và rồi cô vào thẳng lớp 5. Học hết lớp 10, vào đại học,
cô sinh viên này mới 16 tuổi.
Cô nàng lại tiếp tục là sinh viên giỏi. Được học cao
học, được giữ lại trường. Rồi được làm tổ trưởng bộ môn – liên tục không xa
nghề dạy học, từ hiệu trưởng Mẫu giáo tư gia đến giảng viên chính Đại
học.
Nhà giáo Phạm Toàn chia sẻ với giáo viên Trường Olympia về bộ sách Cánh Buồm. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Có lần, tôi hỏi cô: “Mẹ cháu dạy giỏi, bố cháu dạy giỏi, vậy thế nào là
dạy giỏi? Khi cháu tự học hết lớp 4 rồi lên thẳng lớp 5, cháu thấy hai lớp học
đó khác nhau ở chỗ nào?
Suy ra nữa, Tiểu
học, Trung học, Đại học, Cao học… khác nhau ở chỗ nào?"
Và nhiều câu hỏi khác, cô tiến sĩ 50 tuổi đáp gọn lỏn “để ý làm gì!”
Nhiều năm sau, tôi đem câu trả lời của một “giọt nước”
đủ làm tràn ly ra bàn luận. Nhóm Cánh Buồm đã thảo luận chuyện này. Và nhóm
muốn cùng tìm ra câu trả lời có tính chất lý lẽ cốt lõi để mà thảnh thơi làm
những việc đang làm.
Từ giọt nước ấy, nhóm đã thảo luận và thử giải đáp
những câu hỏi hết sức quan trọng này: Tại sao đổi mới Giáo dục lại bắt đầu với
chương trình học và sách giáo khoa? Thế nào là một chương trình học đổi mới?
Thế nào là một bậc học đổi mới?
Chương trình giáo
dục
Xưa nay ta quen nói chương trình học, đó là thói quen
xuất phát từ nỗi lo tổ chức nắm bắt kiến thức.
Mối quan tâm đổi mới Giáo dục của Việt Nam có lẽ bắt
đầu với Hoàng Xuân Hãn. Chương trình học do Hoàng Xuân Hãn đề xuất gắn bó chặt
chẽ với công trình Danh từ khoa học của ông. [1]
Cuốn sách với gần 6 nghìn từ (tiếng Pháp) về Toán, Lý,
Hóa, Cơ, Thiên văn… được chuyển nghĩa sang tiếng Việt có giá trị phương pháp
luận hơn là một cuốn Từ điển.
Tác giả bàn nhiều đến cách dịch hơn là giải nghĩa các
từ kèm theo cách dùng trong văn cảnh, như đòi hỏi của một cuốn từ điển.
Nỗi lo chương trình học thời đó (kéo dài sang
nhiều thời gian về sau) gắn với việc tìm cách cho học sinh nắm bắt kiến
thức.
|
Nỗ lực học bằng tiếng Việt thay cho học bằng tiếng Tây
có phần mang khao khát dân tộc độc lập, nhưng có phần lo lắng tìm cách sao cho
học sinh dễ nắm vững kiến thức, để có nhiều kiến thức.
Kiến thức, kiến thức, kiến thức!
Nhóm Cánh Buồm chỉ thay đổi một chút: cách đi tìm kiến
thức.
Nên người, nên người, nên người!
Đó vẫn là cách kéo dài cách tư duy ngàn đời: Ai ơi muốn nên thân người, lắng tai nghe lấy những lời
mẹ ru … Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy … Bảy
mươi học bảy mốt … Nhất tự vi sư bán tự vi sư (Hơn ta một nửa chữ cũng là thày
dạy ta được)…
Nhóm Cánh Buồm chỉ thay đổi một chút: cách học để nên
người.
Chương trình giáo dục của nhóm Cánh Buồm làm công việc
tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên.
Chương trình giáo dục Cánh Buồm tổ chức sự trưởng
thành về tư duy cho thanh thiếu niên.
Một sự trưởng thành về tâm trí, như một sự ra đời lần
thứ hai của con người. Lần ra đới thứ nhất do Giời Đất và Cha Mẹ sinh ra. Lần
ra đới thứ hai do cách học – cách Tự học-Tự giáo dục – của một nhà trường kiểu
khác, sao cho mình tự sinh ra chính mình, mình tạo nên sự trưởng thành của
chính mình.
Như vậy là, nhóm Cánh Buồm cũng chỉ thay đổi một chút
đối với khái niệm chương tình giáo dục. Đó không thể và không còn là một “khung
kiến thức” nữa, dù là một “khung” chuẩn, hết chê!
Chương trình giáo dục sẽ gồm ba thành tố: Kiến thức –
Cách tìm kiến thức – Cách dùng kiến thức. Cái dễ đánh lừa ta, đó là cái yếu tố
Kiến thức.
Nhóm Cánh Buồm coi kiến thức chỉ như một phép thử. Tổ
chức cho người học đi tìm kiến thức.
Nhưng phải có cách tìm đúng thì được kiến thức đúng –
và phải có kiến thức đúng thì có cách dùng đúng, xứng đáng với con người trưởng
thành.
Như vậy, vẫn có cái trục là chương trình học, hoặc
chương trình “kiến thức”, nhưng tư tưởng bao trùm phải là một chương trình giáo
dục, hoặc một lý tưởng đào tạo.
Tùy theo trình độ tư duy và năng lực tổ chức của những
tác giả khác nhau mà lý tưởng đào tạo có thể khác nhau ngay trong một quốc
gia.
Chính vì thế mà chủ trương một chương trình nhiều bộ
sách tuy đã là một bước tiến lớn so với sự độc quyền một bộ sách. Song sẽ là
tiến bộ hơn rất nhiều nếu chủ trương nhiều chương trình nhiều bộ sách.
Bởi vì lý tưởng dào tạo của các tác giả khác nhau về
tầm nhìn và năng lực tổ chức thực hiện tầm nhìn của mình.
Nhiệm vụ của từng
bậc học
Ta hãy trở lại tiếp với câu hỏi đã từng đặt ra với cô
bé và sau là cô tiến sĩ 50 tuổi: giữa lớp 4 và lớp 5 có gì khác nhau?
Đây là một câu hỏi thường không được đặt ra, như ta
từng thấy trong lịch sử phát triển nền Giáo dục nước nhà.
Trong quá khứ, cả nhà sư phạm và người dạy thường chỉ
nhận ra chỗ khác nhau ở chỗ lớp 5 thì cao hơn lớp 4, học lớp 5 thì khó hơn lớp
4.
Nhiều người cũng chỉ nhìn câu hỏi như chuyện thoảng
qua: hết Tiểu học đến Trung học, hết Trung học thì đến Đại học, và cao hơn nữa.
Ít ai chú ý việc cầm quan và cách chiến trận của tiểu đoàn khác với cấp đại
đoàn như thế nào.
Nhóm Cánh Buồm ngay từ khi ra đời đã cùng nhau tự giải
đáp những câu hỏi đó, mà kết quả là xác định được nhiệm vụ từng bậc học.
Có xác định được nhiệm vụ bậc học thì mới xác định
được cách học (cách tìm kiến thức, như ở sơ đồ bên trên).
Cơ quan UNESCO từ những năm 1970 đã liên tiếp cho ra
đời những sách như Học cách học (Apprendre à apprendre, Learning to l earn),
rồi Học cách sống (Apprendre à être, Learning to be), và cả Học cách chết
(Apprendre à mourir, Learning to die).
Nhưng đó là những sách bàn về triết học giáo dục chứ
chưa đủ để là những sách về tổ chức cách học liên quan đến điều đang bàn trong
bài viết này: chương trình học và nhiệm vụ bậc học. [2]
Một cách ngắn gọn nhất, cách thức nhóm Cánh Buồm hiểu
để làm liên quan đến nhiệm vụ bậc học được phát biểu như sau.
Học sinh tiểu học, hình minh họa: Báo Nhân Dân. |
Bậc tiểu học là bậc học phương pháp học. Phương pháp
tự học (trong đó có yếu tố tự đánh giá) được hình thành dần trong suốt bậc tiểu
học. Cuối bậc tiểu học, người học đã đạt mức độ trưởng thành đầu tiên, biết
cách học.
Biết cách học là biết cách làm chủ từng đối tượng theo
cách tồn tại khác nhau của từng đối tượng đó:
Tiếng Việt có cách tồn tại ngôn ngữ học. Văn chương có
cách tồn tại ẩn dụ, đặc trưng của mọi tác phẩm nghệ thuật. Ngoại ngữ có cách
tồn tại của một công cụ để thâm nhập vào một nền văn hóa xa lạ.
Môn khoa học có cách tồn tại trong những thực nghiệm
khách quan đủ sức tạo ra tư duy thực chứng khi học tiếp ở cấp trên. v.v…[3]
Lấy thí dụ: môn Tiếng Việt bậc tiểu học Cánh Buồm cho
học sinh học cách nghiên cứu Ngữ âm học (lớp 1);
cách nghiên cứu sự phát sinh và phát triển của Từ vựng
(lớp 2) đi từ lời nói bằng tín hiệu sang lời nói thuần Việt với các dạng từ
ghép và từ láy, sang từ Hán Việt và từ mượn của phương Tây; [4]
Cách nghiên cứu lô gich của Cú pháp (lớp 3) sang cách
áp dụng lô gich cú pháp vào đoạn văn và bài văn (lớp 4)…
Để từ lớp 5 các em đã có điều kiện học những yếu tố cơ
bản của cách biểu đạt khoa học (dùng các khái niệm), hành chính (dùng các quy
định minh bạch), và xã giao (dùng từ đồng nghĩa và các biểu đạt động
nghĩa).
Bậc trung học cơ sở (dùng theo tên gọi hiện thời) là
bậc dùng phương pháp học đã được trang bị để tự tìm kiến thức.
Kiến thức tự tìm ra ở bậc học này phải vừa đủ về khối
lượng và cả chất lượng hành dụng để một trang thanh niên học xong lớp 9 đủ sức
vào đời.
Việc vào đời được giả định theo ba hướng. Có em sẽ vào
đời theo cách lao động để kiếm sống.
Đó là cách vào đời bình thường, lành mạnh, và con trai
con gái của cả dân tộc không thể chạy đua nhau vào đại học (và thất nghiệp sau
đại học).
Việc vào đời cũng có thể là vào học thêm ở trường nghề
(cũng là để được lao động “có giá” hơn).
Và sau nữa, có con đường vào đời cho những học sinh
lớp 9 có tư chất và có ước vọng đi theo con đường nghiên cứu.
Vậy là, theo lô gich đó, nhiệm vụ bậc trung học phổ
thông (theo cách gọi hiện nay) sẽ là bậc tập nghiên cứu.
Vì học lên đại học sẽ phải là bậc hoàn toàn tập độc
lập nghiên cứu. Nó cũng có nghĩa là điều bàn luận lâu nay về tổ chức đại học
nghiên cứu hình như hơi lạc đề – tách ra như vậy, chẳng hóa ra thừa nhận có
những trường đại học không nghiên cứu sao?
Nhóm Cánh Buồm mạnh dạn đề nghị bậc trung học phổ
thông này nên do các trường Đại học tự tổ chức, coi đó là bậc Dự bị đại học
chuyên ngành. Làm cách này sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc và nâng cao được
chất lượng cho “đại học nghiên cứu”.
Xin được nhắc lại ở đây sơ đồ tổ chức giáo dục [5] đã
có lần được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam giới thiệu: [6]
Có tự học được
không?
Nếu bạn đọc chú ý sẽ thấy tinh thần xuyên suốt của
nhóm Giáo dục Cánh Buồm là tinh thần tổ chức dần dần quy trình tự học – tự giáo
dục cho học sinh.
Đó có là ảo tưởng không? Hết tiểu học, con em chúng ta
sẽ biết cách tự học. Từ lớp 6 trở đi, việc học tiến hành hoàn toàn bằng con
đường tự học. Chủ trương như vậy có liều lĩnh quá không?
Nếu không bắt tay vào việc áp dụng sách Tiểu học Cánh
Buồm, nếu cứ quen nếp cũ và suy nghĩ miên man, thì chẳng có ý tưởng nào có thể
thành hiện thực hết.
Nhóm Cánh Buồm thông qua một vài cơ sở thực hành đã
cho những kết quả nhìn thấy được.
Học sinh lớp 2 làm thơ haiku – điều vẫn được coi là
khó ngay cả với sinh viên đại học khoa Ngữ Văn. Đúng là khó thật, nếu giáo sư
cứ giảng giải hoài về vẻ đẹp Thiền của thể thơ Nhật Bản đó. Đúng là bài thơ sau
mang dáng “thiền” thật:
Một đóa hoa rụng
đang bay trở về cành?
ô, không phải
Một con bướm trắng!
(Moritake)
đang bay trở về cành?
ô, không phải
Một con bướm trắng!
(Moritake)
Sách Văn lớp 2 Cánh Buồm dùng chính bài thơ mẫu ấy để
huấn luyện trẻ em thao tác tưởng tượng.
Sinh viên nếu từ bé chỉ học Văn theo lối nhồi nhét và
cùng chép bài văn mẫu “tả cây bàng trường em”, thì lấy đâu ra sức tưởng tượng
trong trẻo để nhìn con bướm và cành hoa như bài thơ kia?
Học sinh lớp 2 Cánh Buồm đua nhau tưởng tượng và có
những bài haiku tuyệt vời.
Học sinh lớp 4 trường Olympia Hà Nội của các cô giáo
Hải Hà, Thu Ngọc, … còn nhận thách thức của một nhà thơ “duy mỹ” cùng dịch một
số bài thơ của học sinh lớp 11 bên Mỹ thành thơ haiku (một em còn rủ cả mẹ cùng
dịch nữa).
Học sinh lớp 4 của cô Thu Ngọc có 20 em thì có đủ 20
bài tiểu luận bàn về những vấn đề do chính các em phát hiện và luận bàn:
Ý kiến của em về việc người lớn phá rào công viên nước
vào tắm miễn phí – Người lớn có nên khen con không? – Có nên so sánh con mình
với con hàng xóm không? – Vì sao phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông?
– Người già có nên suốt ngày lo giảm cân không? v.v…
Cô giáo Đinh Phương Thảo ở trường Gateway Hà Nội mới
gửi cho tác giả bài này một vài điều cảm nhận về thái độ độc lập và thói quen
tự học qua mấy dòng sau:
“Dạy phần này có
điều thích nhất, ấy là thường thì sau vài buổi thì kiểu gì cả lớp cũng lịch sự
mời cô giáo ngồi chơi để các bạn ấy làm việc.
Cô lon ton hỏi han
gợi ý sẽ bị chê là ồn ào, mất trật tự.
Có đề tài học trò
chọn xong, cô âm thầm hoảng hốt, hết nhờ cậy ông Google đến gọi điện cho người
thân, ỉ ôi trên facebook mà vẫn chưa kiếm đủ thông tin.
Thế rồi, đến lớp
thì trò mời cô ngồi, xòe ra một tập số liệu, ví dụ, rồi túm tụm với nhau tranh
cãi, viết bài, kệ cô ngơ ngác".
Cho phép tôi nói vài lời cùng bạn đọc bài này nhân dịp
xuân mới. Khi tôi đi dự giờ ở mấy trường đang tự chọn thực hành cách tổ chức
việc học Cánh Buồm, tôi hay hỏi như thế này: cách làm của Cánh Buồm đúng hay
sai? Còn chỗ nào chưa đúng không? Và tôi thường nhận được lời khích lệ.
Nhóm Cánh Buồm xin cam đoan không mảy may chạy theo
thành tích. Cánh Buồm chẳng có lợi lộc gì với những thành tích không có thật
cả.
Đời dài lắm và đời cũng ngắn lắm.
Hà Nội, mồng 6 Tết
Đinh Dậu.
Tài liệu tham khảo,
chú thích:
[1]Hoàng Xuân Hãn, Danh từ khoa học https://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/Danh_t%E1%BB%AB_Khoa_h%E1%BB%8Dc,_Gi%C3%A1o_s%C6%B0_Ho%C3%A0ng_Xu%C3%A2n_H%C3%A3n
[2]Chúng tôi sẽ đề cập tới điều này, phân biệt triết
học giáo dục và triết lý giáo dục, trong một bài khác.
[3]Các môn học khác nhau sẽ được nhóm Cánh Buồm báo
cáo vào dịp khác. Ở bài này, chúng tôi tạm dừng ở những thí dụ “làm mẫu” là môn
Tiếng Việt hoặc môn Văn.
[4]Chứ không học Từ Ngữ qua bài “văn” để cóp nhặt từng
từ theo lối “gỉải nghĩa từ” và thường bắt đầu bằng “từ khó” là những từ Hán
Việt theo quan điểm của nhà soạn sách (như sách Quốc Văn giáo khoa thư ra đời
năm 1920 và còn kéo dài khá lâu về sau).
[5]Một nền giáo dục Việt Nam hiện đại – Kỷ yếu hội
thảo “Tự học – Tự giáo dục”, nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2011, 232 trang. Có
thể đọc toàn văn trên mạng theo đường dẫn sau:
Nhà
giáo Phạm Toàn
Nguồn: Theo GDVN