Hoàng Quốc Hải:"Hiện nay, trong
lòng thành phố Hà Nội, có gần 40 trường phổ thông tư thục các cấp, từ chối
giảng dạy theo chương trình giáo khoa của Bộ giáo dục, mà họ giảng dạy bằng
chương trình giáo khoa của các nước tiên tiến.Vì vậy thu hút khá đông con em
các nhà không có khả năng cho con cái đi du học.
Đó là thất bại
nhãn tiền ngay trên sân nhà, ngay trước cửa Bộ giáo dục, ngay tại trung tâm văn
hóa tiêu biểu của cả nước."
Nền giáo dục
Việt Nam đến nay vừa tròn 75 năm, bằng tuổi thọ trung bình cao của một đời
người.
Trong 75 năm
qua, xã hội Việt Nam đã thâu nhận được những gì từ nền giáo dục đó đem lại.
Giang sơn mà
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có được từ năm 1945, thật là thê thảm. Nó vừa
trải qua nạn đói thiên niên kỷ, làm chết hơn 2 triệu người ở ngay chính vựa lúa
đồng bằng Bắc Bộ. Đó là tội ác ghê tởm của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Cả dân tộc chưa
hoàn hồn, đã phải nhận 20 vạn quân Tàu Tưởng (thực chất là đội quân ốm đói) rải
suốt nửa nước ta, với sứ mệnh do đồng minh sai vào tước khí giới của 5 vạn quân
Nhật đã đầu hàng.
Đội quân này
nhũng nhiễu không giới hạn. Chúng cướp của dân từ mớ rau, củ tỏi, con gà, quả
trứng cho tới của cải quý hiếm. Nghĩa là chúng không từ một thứ gì. Chúng là
đội quân đói khát đúng nghĩa. Có khi chỉ qua một bữa ăn, cả đại đội chết tới
quá nửa vì bội thực.
Tuy nhiên, bọn
tướng lĩnh cao cấp của đội quân này, có âm mưu muốn ở lại làm lực lượng chiếm
đóng.
Trong khi đó, 5
vạn quân Pháp đang rập rình ngoài khơi Hải Phòng, lăm le đổ quân vào cùng với
âm mưu xâm lược nước ta.
Một bất hạnh
nữa, là với chính sách cai trị ngu dân của thực dân Pháp, khiến trên 90% dân số
Việt Nam bị mù chữ.
Nên nhớ, cả
Đông Dương gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, chính quyền thực dân Pháp chỉ cho mở
một trường cấp III, tức trường Bưởi, nay là trường Chu Văn An. Và sau đó, cũng
chỉ có một trường đại học.
Nhiệm vụ nặng
nề của ngành giáo dục lúc này được Nhà nước giao cho, là phải mau chóng xóa nạn
mù chữ, để khai dân trí.
Trước muôn vàn
khó khăn,nhưng Nhà nước xác định có ba thứ đang vây bủa, được xem như 3 loại
giặc.Đó là: - giặc đói - giặc dốt - giặc ngoại xâm.
Không giải
quyết được nạn đói còn âm ỉ, thì dân sẽ tiếp tục chết. Nhưng nếu sống mà dốt
nát thì có khác gì đã chết. Vì vậy coi dốt nát là một thứ giặc, cần phải thanh
toán cấp bách.
Chính quyền
cách mạng bắt đúng mạch của xã hội, phù hợp lòng dân. Vì chỉ có chữ nghĩa mới
khai được dân trí.
Khai trí là
nâng tầm nhận thức. Từ nhận thức đó mới phân biệt được đúng sai, tức là khai
minh.
Cho nên khoảng
cuối 1945 sang 1946, từ thành thị tới nông thôn, nơi nơi đều mọc lên các lớp
học “Bình dân học vụ”.Trường học, công sở, đình chùa và các gia đình có nhà
cửa rộng rãi, đều biến thành lớp học.
Công sở vừa hết
giờ làm việc, là bà con ùa vào học. Tất cả những người biết chữ đều trở thành
thầy giáo. Trong đó, từ giáo sư, giáo viên, công chức, viên chức, sinh viên,
học sinh, bộ đội ... đều là giáo viên “Bình dân học vụ”. Lớp học mở mọi
lúc, mọi nơi. Ngay cả khi cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp bùng nổ, sự
nghiệp “Bình dân học vụ” vẫn không hề gián đoạn. Vì thế trong thời gian
rất ngắn, khoảng 1950, tại các vùng do chính quyền cách mạng kiểm soát, hầu hết
các thanh niên nam nữ, kể cả trung niên và một số người cao tuổi đều đã biết
đọc, biết viết.
Việc nhiều
người biết chữ, đã nâng các thành tựu kháng chiến lên ghê gớm. Cho tới năm
1960, thì Bộ giáo dục đã công bố xóa xong nạn mù chữ trong cả nước (thực chất
là miền Bắc).
Đó là thành tựu
vĩ đại của ngành giáo dục Việt Nam, không phải trên thế giới đã có nhiều nước
làm được việc này chỉ trong vòng 15 năm(trong đó đã có 8 năm kháng chiến).
Ngành giáo dục
còn mở hệ phổ thông các cấp tại vùng tự do rất sôi nổi. Nhiều nhân tài tiếp nối
sau này, đều được đào tạo cơ bản từ nguồn giáo dục phổ thông thời kháng chiến.
Ngành giáo dục
Việt Nam đã có một khởi đầu tốt đẹp như thế, tại sao bây giờ nó lại rối như
canh hẹ và nát như tương Bần?
Chắc chắn có
nhiều nguyên nhân làm cho nền giáo dục Việt Nam suy thoái, nhưng nếu nói cho
sát với thực trạng, phải dùng từ “Suy đồi”.
Đương nhiên, có
nhiều nguyên nhân, song tôi tạm đưa ra hai nguyên nhân chính:
1/ Ngành giáo
dục Việt Nam phát triển quá nóng.
2/ Ngành giáo
dục Việt Nam đã đi chệch hướng.
Vào cuối thập
niên 50 đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Nhà nước nôn nóng phát triển giáo
dục theo bề rộng, nên thiếu giáo viên trầm trọng.
Lúc đó, học
sinh tốt nghiệp cấp II, vào học trường sư phạm trung cấp, 18 tháng sau ra
trường, được dạy toàn cấp II. Hoặc học sinh lớp 8, lớp 9 học một khóa sư phạm
cấp tốc trong dịp hè độ 2 tháng cũng ra dạy toàn cấp II. Học sinh tốt nghiệp
cấp III, học hai năm đại học, hệ sư phạm ra dạy cấp III.
Ngoài ra còn
lấy giáo viên cấp I cấp II lên dạy các năm đầu của cấp II, cấp III, rồi cho học
bổ túc qua vài kỳ hè,thế là đủ tiêu chuẩn dạy toàn cấp.
Tới năm 1958,
hệ thống trường tư thục bị sáp nhập vào hệ công lập do Nhà nước bao cấp. Tất cả
các giáo viên tư thục và giáo viên lưu dụng dạy các môn xã hội, đều phải chuyển
sang ngành khác.
Vậy là chất
lượng giáo dục cứ suy giảm theo từng năm. Các thế hệ thầy giáo không được đào
tạo bài bản, học sinh của họ sẽ trở thành những đứa trẻ khiếm khuyết về tri
thức. Lại đến lượt học sinh khuyết hãm về tri thức ấy, trở thành các thầy cô
đứng lớp.
Và từ khi xuất
hiện hệ bổ túc văn hóa các cấp học phổ thông, và hệ đại học tại chức. Bằng cấp
của hai hệ này có giá trị như bằng cấp học hệ chính quy, cùng với việc ưu tiên
cộng điểm cho các thí sinh thuộc diện chính sách như: con em thương binh liệt
sĩ, gia đình có công với cách mạng, học sinh miền núi, học sinh là dân tộc
thiểu số v.v... Lại có những năm bỏ thi đại học, chỉ xét tuyển qua lý lịch và
học bạ.
Tới đây thì
chất lượng đào tạo của ngành giáo dục từ phổ thông đến đại học sa sút hết
phương cứu chữa.
Tiếp đến thời
kỳ mở cửa, giáo dục cũng là mặt hàng kinh doanh béo bở, thì sự sa sút không chỉ
là chất lượng tri thức mà lan sang cả phần phẩm hạnh, đạo đức nhà giáo.
Ngành giáo dục
trở nên hoang mang, kể như đã mất phương hướng từ đây.Chính sự mất phương hướng
này là hệ quả trực tiếp của sự phát triển nóng.Mà sự phát triển nóng lại chính
là bệnh thành tích,bệnh duy ý chí.
Chẳng biết có
phải là triết lý không, nhưng vào thập niên 60 của thế kỷ 20, người ta hay nhắc
tới phương châm giáo dục là đào tạo con người toàn diện gồm: Trí - Đức - Thể -
Mỹ.
Sau này, không
thấy ai nhắc lại nữa. Nhưng với hiện trạng giáo dục khiến toàn dân hoang mang.
Và dường như không còn mấy ai đặt niềm tin vào nền giáo dục nước nhà nữa. Các
tầng lớp trung lưu đã tìm hướng khác cho con cái học hành. Từ mẫu giáo đến các
cấp I, II, III, họ gửi con vào các trường tư thục danh tiếng hoặc trường quốc
tế mở tại Việt Nam. Còn tầng lớp giàu có như quan chức cấp cao hoặc thương gia,
lại gửi con du học tận Hòa Kỳ hoặc Tây Âu. Có nghĩa là họ chạy trốn khỏi nền
giáo dục nước nhà.
Hiện nay, trong
lòng thành phố Hà Nội, có gần 40 trường phổ thông tư thục các cấp, từ chối
giảng dạy theo chương trình giáo khoa của Bộ giáo dục, mà họ giảng dạy bằng
chương trình giáo khoa của các nước tiên tiến.Vì vậy thu hút khá đông con em
các nhà không có khả năng cho con cái đi du học.
Đó là thất bại
nhãn tiền ngay trên sân nhà, ngay trước cửa Bộ giáo dục, ngay tại trung tâm văn
hóa tiêu biểu của cả nước.
Những chuyên
gia giáo dục giỏi, cỡ như các giáo sư: Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy,
Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Sính v.v... trên
thế giới cũng không có nhiều đâu. Nhưng họ cứ bị loại dần ra khỏi ngành hoặc
không được sử dụng đúng chức năng. Và tất cả những đề xuất tâm huyết của họ cho
cải cách giáo dục, không ai thèm nhìn nhận, để rồi công việc lãnh đạo ngành
trao vào tay những kẻ bất tài, bẻm mép, vô đạo đức.
Những ai còn
ngồi trên ghế các trường đại học ngày nay, hầu hết thuộc lớp con nhà nghèo hoặc
cận nghèo. Cũng có một số người học giỏi, tạm nán học năm thứ nhất, thứ hai tại
các trường Đại học trong nước, chờ săn được học bổng nước ngoài, sẽ lập tức rời
khỏi xứ sở mà họ vô cùng yêu mến.
Suy cho cùng
thì mọi người đều phải lo cho bản thân mình. Vì rằng một người tốt nghiệp cử
nhân, là phải học ròng rã ít nhất 15 năm, có ngành tới 17, 18 năm. Để rồi ra
trường đi xin việc, phải dấu nhẹm tấm bằng suốt đời mình phấn đấu gian nan vì
nó. Bởi những nơi tuyển dụng lao động hoặc nhân viên, đều yết bảng từ chối “
Ở đây không tuyển những người có bằng cử nhân”.
Có một thực tế
phũ phàng: các cử nhân không được trang bị một chuyên môn nào khả dĩ đáp ứng
yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đơn giản, là người ta không đào tạo nghề cho các cử
nhân. Hầu hết các nhà tuyển dụng, nếu nhận các cử nhân vào làm việc, họ đều
phải đào tạo lại.
Sự thật đau
lòng này đã kéo lê thê nhiều chục năm, nhưng ngành giáo dục đào tạo vẫn cứ thản
nhiên cho qua.
Cấp Đại học đã
vậy, còn cấp phổ thông lại bỏ qua những môn chính yếu để giáo dục con người trở
thành con người có đạo đức,biết yêu Tổ quốc mình; có khiếu năng mỹ cảm, có khát
vọng vươn tới cái đẹp, biết sống vị tha và cao thượng. Đó là hai môn lịch sử và
văn học.
Đáng tiếc, nhà
trường, mà cụ thể là chương trình giáo khoa và cách truyền đạt tri thức, đã làm
con em chúng ta chán ngấy hai môn học này.
Về lịch sử, có
năm có trường chỉ có vài ba em đăng ký thi môn lịch sử. Số điểm thi môn lịch sử
có năm trên 80% đạt dưới mức trung bình, phần lớn trong số này chỉ đạt điểm 1,
điểm 2.
Báo chí phàn
nàn, ông Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo lúc đó là Phạm Vũ Luận, trả lời hết sức
nhẹ nhõm: “ Trên 80% số điểm thi môn lịch sử dưới trung bình là chuyện bình
thường”.
Nhân chuyện này
nhớ đoạn ghi nhật ký năm 1941 của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: “Người không
biết lịch sử nước mình, chẳng khác một con trâu đi cầy; nó cầy với bất cứ ông
chủ nào, trên bất cứ thửa ruộng nào cũng thế thôi”.
Lại kỳ thi năm
nay, niên khóa 2018 - 2019, kết quả môn ngữ văn có tới 27,84% số bài thi có
điểm dưới trung bình.Và số điểm liệt môn này chiếm 45% số điểm liệt trong toàn
bộ 9 môn thi; cao gấp 2,5 lần năm 2017, gấp 1,6 lần năm 2018.
Vậy là hai môn
học, giúp người ta biết yêu giang sơn, nòi giống, yêu Tổ quốc mình và biết ước
mơ, biết nuôi khát vọng vươn tới đỉnh cao trí tuệ, đều rơi vào điểm liệt; hèn
chi đạo đức xã hội không xuống cấp trầm trọng. Tiêu biểu cho sự xuống cấp này,
đáng buồn nhất nó lại diễn ra trong trường học.
Ta còn nhớ năm
nào, báo chí lên tiếng gay gắt việc thầy Sầm Đức Xương, Hiệu trưởng trường cấp
III xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang, mua dâm học trò vị thành niên,
và môi giới bán dâm học sinh vị thành niên của trường minh cho cấp trên. Việc
môi giới mua bán dâm,sau Tòa xử kín, bác tố cáo vì không đủ chứng cứ.
Tệ hại hơn là
việc đương kim Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ, lại tiêu chuẩn hóa
việc bán dâm.Theo như Bộ trưởng nói thì:“Các nữ sinh viên đại học chỉ bị kỷ
luật khi đã bán dâm tới lần thứ 3”.
Còn việc thầy
trò giết nhau ngay trong trường học, phụ huynh làm nhục thầy cô giáo không phải
chuyện hiếm.
Thử hỏi có ở
đâu trên thế gian này, tồn tại một nền giáo dục vô luân như vậy?
Nguyên nhân nào
khiến ngành giáo dục của chúng ta suy sụp? Tạm nêu vài nguyên nhân mà ai ai
cũng nhìn thấy :
- Trong nhiều
chục năm ngành giáo dục mất dần vai trò là quốc sách hàng đầu.
- Không đặt mục
tiêu đào tạo cụ thể cho từng cấp học, và không thường xuyên kiểm tra kết quả
đào tạo.
- Bệnh thành
tích.Và từ bệnh này đẻ ra bệnh dối trá kinh niên.
- Những người
quản lý ngành ngạo mạn, không chịu nghe sự góp ý của các chuyên gia giáo dục đầu
ngành, không đếm xỉa đến phản ứng xã hội.
- Trong việc
sản xuất bộ đề luyện thi đại học và xuất bản sách giáo khoa, cùng việc viện cớ
tái bản hằng năm, gây lãng phí lớn cho xã hội và đau khổ cho người nghèo,đã tạo
ra lợi ích nhóm, tạo tiền đề xấu, khiến kìm hãm sự phát triển lành mạnh của
ngành giáo dục.
- Đặt người
không đủ chuyên môn, không có khả năng quy tụ nhân tài, không đủ phẩm hạnh của
một nhà sư phạm vào vị trí lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo.
Do đó, họ chỉ
loay hoay công việc xử lý nội bộ, về những vấn đề vụn vặt, không đủ khả năng
bao quát toàn ngành, không đủ trình độ nhìn ra thế giới và tiếp thụ tinh hoa
giáo dục của nhân loại.
- Tới nay cần
phải chấm dứt ngay nạn lạm thu của nhà trường; nạn bạo lực học đường và nạn
gian lận trong thi cử.
-Sau rốt là
lương giáo viên quá thấp, không đủ chi trả cho mức sống tối thiểu,khiến họ phải
làm đủ các công việc khác(kể cả buôn lậu) để đắp đổi cho cuộc sống thường
ngày.Vì vậy,họ không có thì giờ tự học để nâng cao nghiệp vụ,không có cơ hội dù
rằng rất khiêm tốn,để thể hiện vai trò sư phạm và gìn giữ nhân cách một người
thầy.V.v…
Thiết nghĩ,nếu
ta khắc phục được những lỗ hổng khổng lồ trên, có nghĩa là ta đã bước đầu tìm
ra giải pháp đổi mới triệt để công việc cải cách giáo dục về thực chất.
Hà nội, ngày 02
tháng 9 năm 2019
H Q H
Nguồn: Báo Văn nghệ