Nguyễn Đình Cống
Ngày 23/2 trang Dân Quyền đăng bài của ông Phạm Trần : “Lý do sinh viên, cán bộ chán học Mác và học Đảng”. Bài báo đã trình bày khá đầy đủ các hiện tượng điển hình, nêu ra nhiều lý do được Tuyên giáo Đảng công nhận và ông Trần đã tóm tắt lại vào một số điều như là : Lý thuyết của Mác khô khan, cứng nhắc, Đảng nói một đằng, làm một nẻo, phủ nhận trách nhiệm trong những thất bại lớn gây tai họa cho dân tộc, mắc món nợ xương máu đối với số đông dân Việt, đàn áp những người đấu tranh dân chủ, độc tài cai trị.
Tất cả những điều Phạm Trần viết ra đều đúng, nhưng chưa được thật chính xác vì còn thiếu một phần quan trọng của bản chất. Đó là Chủ nghĩa Mác sai ngay từ gốc. Đem nó áp dụng Mác vào thực tế có thể mang lại một ít quyền lợi vật chất cho tầng lớp vô sản, lừa dối được những người nhẹ dạ cả tin vào tương lai tươi sáng của Chủ nghĩa Xã hội và Cộng sản, nhưng mang lại nhiều tai họa và đổ nát cho nhân loại. Chủ nghĩa Mác phạm phải sai lầm từ các tiên đề, từ phương pháp luận nghiên cứu, chứa đựng nhiều dối trá, nhiều ngụy biện. Nó tạo nên một “Giai cấp mới” với nhiều đặc quyền đặc lợi, nó là kẻ thù của Nhân loại tiến bộ.
Tôi đã viết và công bố bài “ Phản biện học thuyết của Mác” trong đó vạch ra những sai lầm cơ bản của ông. Để tránh dài dòng chỉ xin nhắc lại các ý chính. Sai cơ bản là học thuyết tôn sùng vật chất, phản bác tôn giáo, sai ở đánh giá bản chất con người, về đấu tranh giai cấp, về quy luật phát triển của xã hội, về vai trò của vô sản, sai ở phương pháp tạo ra quy luật.
Khá nhiều người vì dân trí thấp nên bị mê hoặc bởi những điều tốt đẹp dối trá đã được tiếp nhận một cách máy móc từ bé nên cho rằng vào thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20 thì Mác vẫn đúng, chỉ gần đây Mác mới không còn đúng nữa. Xin khẳng định rằng không phải thế đâu mà Mác đã sai ngay từ năm 1848, lúc cùng với Enghel viết Tuyên ngôn đảng Cộng sản.
Ngày nay dân trí được nâng cao dần, nhiều người thấy rõ những sai lầm của Mác và lý thuyết cộng sản. Thế mà vẫn dùng quyền lực, đem những thứ đó áp đặt, cưỡng bức người ta học thì làm sao mà không chán. Không phải là tìm biện pháp này, quy định nọ, cải tiến kia để cho người ta thích thú học Mác mà vứt ngay nó vào rọt rác, tìm dạy những điều tiến bộ thay thế nó và để cho người học tự do lựa chọn thì mới biết đâu là thứ cần dạy và học.
Qua việc đọc được nhiều bài của Phạm Trần, tôi đoán rằng ông cũng thừa biết những điều sai cơ bản của Mác, nhưng còn ngại một chút gì đó mà chưa viết ra thôi. Tôi nghĩ rằng đối với Mác thì nên chọn con đường đánh đổ hơn là chọn cách bổ sung, sửa chữa, hoàn thiện. Không thể sửa chữa một thứ đã sai ngay từ gốc rễ.