04 février 2022

VIỆT NAM ĂN TẾT VỚI THAM NHŨNG



Những kẻ tham nhũng vẫn cứ trơ ra như đá ! Vì sao?
Vì chúng tìm được trong guồng máy Đảng lãnh đạo chỗ dựa an toàn, chỗ chống lưng vững vàng nên mới tự tung tự tác, tự do tung hoành.
Không lôi ra được những kẻ chống lưng thì lò chỉ đốt được những con sâu . Những con sâu bị đốt sẽ có những con sâu khác thay thế ngay. Và tham nhũng vẫn tiếp tục leo thang ngày càng lan rộng trong xã hội.

 Phạm Trần

Chưa bao giờ Tết nhất ở Việt Nam lại có nhiều Tham nhũng cùng vui Tết với người dân như măm Nhân Dần 2022 khiến Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng phải than: Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?"



Chúng cứ trơ mặt thớt ra giữa công chúng vì chúng là cán bộ, đảng viên có chức và có quyền trong hệ thống cai trị. Chúng là những kẻ tham ô có tổ chức từ trên xuống dưới, từ thành thị về thôn quê, cả hàng dọc lẫn hàng ngang dầy đặc trong cơ chế. Chúng cũng vênh mặt lên cao từ ngay trong các cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, và thi hành luật pháp.

Ngay cả trong ngành Ngoại giao và Y tế cũng tham nhũng đầy người.

Vì vậy, Tổng bí thư Trọng, đồng thời là Trưởng “ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” đã kết luận tại phiên họp thứ 21, ngày 20/01/2022:
Mặc dù các hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã bị xử lý nghiêm, nhưng vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh vi hơn, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn (như báo cáo các đồng chí đã nêu rất đầy đủ). Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực...”  (báo điện tử Đảng CSVN, ngày 20/01/2022)

LIÊN KẾT-LIÊN THÔNG

Nhưng công tác phòng, chống tham nhũng, từ Khóa đảng XI (2011-2016), đã trực thuộc Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu, đồng thời đích thân chỉ huy cuộc hành quân “đốt lò” mà sao những kẻ tham nhũng vẫn cứ trơ ra như đá ?

Phải chăng chúng đã có chỗ dựa an toàn, và được chống lưng vững vàng trong guồng máy cầm quyền nên mới tự do tung hoành như lời một thành viên Ban Chỉ đạo đặt vấn đề:Lò đầu tranh chống tham nhũng, tiêu cực "phừng phừng" như thế, nhưng hành vi tham nhũng, tiêu cực vẫn ngang nhiên, trắng trợn, quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng, có tổ chức thì có ai chống lưng, có ai là chỗ dựa không?” (theo báo Thanh Tra, ngày 20/01/2022)

Sự cấu kết liên thông của bè phái tham nhũng cũng đã được ông Trọng thừa nhận:Các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hoá cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng.”

Vì vậy, ông Trọng bảo:Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề nhức nhối, gây dư luận xấu khi mà vẫn có một số cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, ngành tư pháp... (kể cả cán bộ cấp cao) bị xử lý…Về tiến độ, chất lượng xử lý một số vụ án, vụ việc, việc giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo vẫn còn chậm tiến độ; hiệu quả chưa cao...Tình hình tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, có mặt còn phức tạp, tinh vi hơn.”

NHỮNG CON SỐ

Tuy vậy, theo báo cáo của Thanh tra, trong năm (2021) :
Đảng đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 26 cán bộ diện Trung ương quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: 4 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương; 2 nguyên Bộ trưởng, 1 bí thư tỉnh uỷ, 5 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng; 2 nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố; 3 nguyên phó bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; 13 sĩ quan đương chức cấp tướng trong lực lượng vũ trang.”

Ngoài ra cũng đã:Thi hành kỷ luật đối với 223 tổ chức đảng và 20.257 đảng viên (tăng 36 tổ chức đảng, 2.188 đảng viên so với năm 2020), trong đó có 618 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Ngành Thanh tra, Kiểm toán tăng cường thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 81.290 tỉ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân (tăng 175 tập thể so với năm 2020).”

Như vậy rõ ràng tình trạng tham nhũng năm sau đã cao hơn năm trước, lan rộng và càng ngày càng phức tạp khiến ông Trọng phải khuyến cáo toàn đảng:Không được chủ quan, thoả mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được, mà phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái. “ 

THỂ CHẾ ĐÂU ?

Người đứng đầu đảng còn chỉ thị phải:” Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng"; cụ thể hoá, thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, bảo đảm thực chất, hiệu quả.”

Nhưng ông Nguyễn Phú Trọng đã nói về việc xây dựng thể chế để "không thể tham nhũng"  từ hơn 10 năm rồi, bắt đầu từ Khóa đảng XI năm 2011. Đến nay, ông đã cầm quyền qua Khóa XIII, từ năm 2021, mà chưa thấy cái thể chế này được thành hình nên tham nhũng mới sinh sôi nẩy nở tinh vi và nghiêm trọng nhiều như thế.

Vì vậy, theo giải thích của  Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thì:Nói tham nhũng vẫn nghiêm trọng vì qua những vụ án, vụ việc thấy tài sản thất thoát rất lớn, thiệt hại rất lớn. Nếu như trước đây, vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Mobifone gây thất thoát 7-8 nghìn tỷ là rất lớn rồi thì các vụ án gần đây, số tiền thất thoát, thiệt hại còn lớn hơn nhiều lần.”

“Thêm vào đó”, ông Học nói tiếp,”trong nhiều vụ án, có nhiều cán bộ, đảng viên đóng vai trò “tiếp tay, bảo kê, giúp sức, thậm chí đồng phạm”, cho thấy trong đội ngũ cán bộ có nhiều người suy thoái, biến chất. 

"Nói tinh vi bởi có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhóm lợi ích, giữa các lực lượng. Có vụ việc, vụ án, doanh nghiệp, những người làm công tác khoa học, những người làm công tác quản lý liên kết với nhau để trục lợi nên thủ đoạn che đậy, tạo vỏ bọc để ngụy trang đối phó với các cơ quan chức năng càng ngày càng tinh vi hơn.” (Thanh Tra, ngày 20/01/2022)

Y TẾ VÀ NGOẠI GIAO

Đáng chú ý là khi diễn ra cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng ngày 20/01/2022 thì các cuộc điều tra tham nhũng lớn đang diễn ra tại hai Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao.

Vụ Bộ Y tế có liên quan đến “Kit xét nghiệm nhanh”  Covid-19 (SARS-CoV-2) của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nhập từ Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2021.

Giá khai báo mỗi Test Kit của Việt Á là 0,955 USA (khoảng 21.560 đồng. Nhưng Việt Á, được sự thông đồng của một số viên chức Bộ Y tế và 7 Bệnh viện đã nâng khống giá lên để tham nhũng

Những Bệnh viện này gồm:  Bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, Nhi trung ương, Trung ương Huế, Thống Nhất,.

Theo báo cáo của Công an thì:Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt khai nhận đã móc ngoặc với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và chi "hoa hồng" cho các đối tác khoảng 800 tỉ đồng.”

 

Công an nói tiếp:Kết quả điều tra đến nay xác định doanh thu bán kit xét nghiệm cho các tỉnh thành gần 4.000 tỉ đồng và riêng Công ty Việt Á thu về trong vụ này trên 500 tỉ đồng.”

Trong khi đó, báo Quân đội Nhân dân cho biết:Thời gian qua, liên tiếp có một số cán bộ ngành y tế bị cơ quan chức năng khởi tố để điều tra, xử lý do những sai phạm trong thực hiện công vụ. Điển hình nhất là các vụ việc liên quan đến ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh); trước đó là vụ án của ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội và Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã bị đưa ra xét xử. Trong những vụ việc này, nhiều cán bộ liên quan cũng bị khởi tố để điều tra hoặc đã phải vào tù.

Sai phạm của họ do liên quan đến mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; cấp số đăng ký lưu hành nhiều tân dược giả...”
(báo Quân đội Nhân dân, ngày 15/11/2021)

Chuyện này nhắc ta nhớ lại những mẩu chuyện cán bộ tham nhũng “ăn không từ một cái gì” thời 2013.

Hồi  đó,  Phó Chủ tịch Nước, bà Nguyễn Thị Doan từng nói với Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”. (theo báo Tuổi Trẻ Online ngày 11/09/2013).

Trong lĩnh vực Bảo hiểm Y tế, bà Doan tố cáo: Hiện nay số kết dư quỹ bảo hiểm y tế 13.000 tỷ. Số này chưa chắc đã tốt, bởi nó liên quan đến việc chi trả cho người bệnh. Người có thẻ bảo hiểm kêu là được cấp toàn thuốc vớ vẩn, đi bệnh viện rất cực. Đa phần người có bảo hiểm y tế đến bệnh viện là than vãn.”

Bà nói tiếp:Sáng nay tôi xem truyền hình biết tin một số cán bộ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại một số xã ở Hà Tĩnh biển thủ tiền của người nghèo, đau lòng quá. Tôi nghĩ bảo hiểm y tế có những mảng tối cần phải chỉ ra. Ví như chuyện những người có thẻ bảo hiểm y tế không được đối xử công bằng như những người có tiền. Địa phương muốn giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng. Rồi chuyện chi trả chậm, bớt xén. Vậy khắc phục tình trạng này thế nào?”.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn cũng lên tiếng tại buổi họp:Tôi đi tiếp xúc cử tri, các bác về hưu nói đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mà không có tiền là mệt, cô y tá chích vào người cũng đau hơn…”

Ngoài ra có tin từ Bộ Ngoại giao cho biết Bộ đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự để phục vụ công tác điều tra. Cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 cá nhân nêu trên về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.” (báo Người Lao Động (NLĐ), ngày 29/01/2022)

Vụ này  xẩy ra trong năm 2021 khiNhà nước có chủ trương tổ chức những chuyến bay “giải cứu” người Việt Nam đang bị kẹt lại ở nước ngoài về nước”, theo báo NLĐ.

Nhưng một số viên chức Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam, theo báo này, đã:” Nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.”

NLĐ viết tiếp:Ai cũng hiểu, vé một chiều từ Mỹ về Việt Nam lên đến 5.000 - 6.000 USD; từ Singapore về nước cũng phải mất 40 triệu đồng, là vô lý.” 

Vì vậy, ngày 28-1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết:Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ án "Nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao”, theo NLĐ.

“Nhưng người liên quan đến vụ án gồm: Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng; Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh; Phó Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự) Lưu Tuấn Dũng”. (báo Người Lao động, ngày 30/01/2022)

Ngoài những vụ tham nhũng có tổ chức, người dân còn phải hàng ngày đối phó với nạn tham nhũng đường phố của lực lượng cảnh sát; lực lượng cảnh sát kinh tế, cán bộ thuế quan, các trạm kiểm soát lưu thông đường bộ, đường sông và đường biển. Đấy là không kể những ông Kẹ từ Thôn lên Xã, trên Huyện và ở  Tỉnh, Thành phố vẫn hàng ngày coi dân là chỗ để làm giầu phi pháp.

Như vậy, xem ra người dân sống trong thời Cộng sản cai trị đã phải ăn ngủ chung với Tham nhũng quanh năm, kể cả vào dịp Tết Nguyên Đán. -/-

 

Phạm Trần

(đầu năm Nhâm Dần, 2022)