Nguồn: Theo Đất Việt
Hiếu Lam
‘Vinacomin xin giảm thuế suất xuất khẩu thực chất Vinacomin đang hết ruộng cày, không còn khả năng xuất khẩu nữa. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước cũng không dùng loại than của Vinacomin do nhiệt năng thấp, giá thành cao’ - TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH-Vinacomin phân tích.Tư duy ỉ lại...
5 cái "chết người" của tập đoàn than (quốc doanh) Vinacomin
1- Trong tập đoàn Vinacomin, tỷ lệ thợ lỏ hay số lao động trực tiếp làm ra than chỉ chiếm 50% số nhân viên để "nuôi" 50% còn lại là số lao động gián tiếp gồm các khâu phụ trợ, nhân viên quản lý, "ăn theo"… vì thế không tránh khỏi giá thành cao.
2- Tỷ lệ than tốt (đạt tiêu chuẩn Việt Nam- TCVN) chỉ chiếm 30-40%, và chỉ bán được cho các nhà máy thép và xi măng của Nhật, còn lại là than chất lượng thấp (lẫn nhiều đất đá, độ tro cao) giá thành quá cao.
3- Hiệu suất sử dụng tài nguyên khoáng sản hiện nay của VN rất thấp. Ví dụ, trên thế giới 1 cân than người ta làm ra được 3-4kWh điện, còn VN chỉ làm ra được khoảng 2kWh điện.
4- Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2014, Vinacomin xuất 3,87 triệu tấn than với giá 60USD/tấn và nhập 385.000 tấn than đá từ Trung Quốc với giá 260USD/tấn. Rõ ràng là họ xuất than xấu và nhập than tốt, trái với tuyên bố của họ với chính phủ là họ xuất than tốt và nhập than xấu. Làm sao Chính phủ không biết được nhưng vì cùng nằm chung nhóm lợi ích nên Chính phủ nhắm mắt cho qua.
Gần đây, phía Trung Quốc đã ban hành chính sách cấm nhập khẩu than chất lượng thấp (nhiệt năng dưới 4050 kcal/kg) để phát điện vì lý do môi trường. Vì vậy, Vinacomin đang có nguy cơ mất 70-80% thị trường xuất khẩu than chất lượng thấp là Trung Quốc.
5- Vinacomin đã xin được giảm thuế xuất khẩu và đã được Bộ Tài chính thông qua, điều chỉnh từ mức 20% xuống còn 10%. Mới chỉ sau 6 tháng, giờ đây Vinacomin lại viện dẫn, "với giá than xuất khẩu hiện nay sau khi trừ 10% thuế xuất khẩu và thuế Giá Trị Gia Tăng (GTGT, VAT hay TVA) đầu vào không được khấu trừ cũng chỉ đủ bù đắp giá thành, không thể bù được than cho điện” . Hậu quả là Chính phủ lấy quyết định dễ giãi giao cho Bộ Công thương và Vinacomin, từ nay đến năm 2020, ngành than phải nhập khẩu 40-50 triệu tấn cho điện.
Trái với các nước khác, nhà sản xuất than phải chi tiền mua mỏ, nhà nước Việt Nam cho không Vinacomin nguồn tài nguyên gần 3 tỷ tấn than thuộc sở hữu toàn dân để khai thác có tiền đóng thuế và giúp cho ngành điện, ấy thế mà Vinacomin đã không làm tròn nghĩa vụ.
Thế họ đang làm gì?
Xin đọc bài phỏng vấn TS Nguyễn Thành Sơn để có câu trả lời.
Dân Quyền
PV: - 6 tháng trước, Vinacomin đã xin được giảm thuế xuất khẩu và đã được Bộ Tài chính thông qua, điều chỉnh từ mức 20% xuống còn 10%. Mới chỉ sau 6 tháng, giờ đây Vinacomin lại viện dẫn, "với giá than xuất khẩu hiện nay sau khi trừ 10% thuế xuất khẩu và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ cũng chỉ đủ bù đắp giá thành, không thể bù được than cho điện” .
Là một chuyên gia trong ngành, ông nghĩ sao trước việc Vinacomin khai thác khoáng sản thiên nhiên, tài nguyên có sẵn đem bán rồi lại còn làm mình làm mẩy đòi hỏi chính sách ưu đãi đặc biệt như vậy?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Việc Vinacomin đề xuất giảm thuế suất thuế xuất khẩu không phải vì lỗ hay vì giá than bán cho nhiệt điện thấp mà sự thật là Vinacomin không còn khả năng xuất khẩu được nữa do chất lượng than đã và đang ngày càng giảm.
Tỷ lệ than tốt (đạt tiêu chuẩn Việt Nam- TCVN) chỉ chiếm 30-40%, còn lại là than chất lượng thấp (lẫn nhiều đất đá, độ tro cao).
TS Nguyễn Thành Sơn- Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH-Vinacomin |
Gần đây (khoảng 2 tháng trước), phía Trung Quốc đã ban hành chính sách cấm nhập khẩu than chất lượng thấp (nhiệt năng dưới 4050 kcal/kg) để phát điện vì lý do môi trường. Vì vậy, Vinacomin đang có nguy cơ mất 70-80% thị trường xuất khẩu than chất lượng thấp là Trung Quốc.
Còn ở trong nước, nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung, miền Nam đã và đang chuyển sang nhập khẩu than về dùng vì việc vận chuyển than lẫn nhiều đất đá từ Quảng Ninh vào đã làm cho giá than trong nước còn cao hơn giá than nhập từ nước ngoài về Việt Nam. Nếu tính theo đơn vị nhiệt năng, giá bán than trong nước của Vinacomin cao nhất thế giới, vì giá thành khai thác than của Vinacomin cũng đang cao nhất thế giới. Vì vậy, con đường sống duy nhất của Vinacomin là phải tăng cường quản lý chi phí sản xuất, đầu tư theo chiều sâu để giảm giá thành, tự nâng cao sức cạnh tranh của than trong nước.
Bản chất hiện nay là Vinacomin đang bị mất khả năng cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Không thể có chính sách ưu đãi nào có thể cứu được Vinacomin nếu chi phí sản xuất cứ tăng bình quân mỗi năm trên 10% như hiện nay.
PV: - Vinacomin cũng đề xuất xem xét cơ chế thuế suất thuế xuất khẩu than theo mức giá than trên thị trường thế giới bình quân hàng quý. Cụ thể, thuế suất sẽ là 10% khi giá than bình quân (tính theo loại cám 11AHG) dưới 75USD/tấn, tăng lên 15% khi giá than từ 75 đến dưới 85USD/tấn và lên 20% khi giá than vượt trên 85USD/tấn. Ông có ý kiến gì trước đề xuất này của Vinacomin?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Tôi không quan tâm đến các con số cụ thể. Tôi nghĩ Vinacomin nên tự xem xét lại bản thân mình trước khi "nhìn" sang người khác. Vinacomin chỉ thích so sánh thuế xuất khẩu với thế giới, còn các yếu tố khác thì lại cố tình lờ đi.
Ở trong nước, so với các ngành kinh tế khác, ngành khai thác khoáng sản có ưu thế đặc biệt là trong chi phí sản xuất không có khoản mục nguyên liệu chính, trong khi các ngành khác khoản mục nguyên liệu chính đầu vào thường phải chiếm 30-40% tỷ trọng trong giá thành sản xuất. Chính vì vậy, so với các ngành khác thì Vinacomin đã cạnh tranh không công bằng (đòi hỏi quá nhiều ưu đãi riêng).
Trên thế giới, cơ chế chính sách, khai thác khoáng sản khác hoàn toàn Việt Nam. Ở các nước ngoài nếu muốn khai thác họ phải bỏ tiền mua mỏ của nhà nước thông qua đấu giá, đấu thầu mỏ với giá từ hàng trăm triệu đô, thậm chí hàng nhiều tỉ đô.
Ở Việt Nam, than, khoáng sản là tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, nhưng lại được nhà nước giao gần như cho không để Vinacomin khai thác.
Nếu khai thác chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước thì có thể còn "lọt sàng xuống nia", còn có thể chấp nhận được.
Nay Vinacomin khai thác tài nguyên khoáng sản để xuất khẩu lại đòi giảm thuế xuất khẩu là "lọt sang xuống đất" chỉ có người bán (Vinacomin) và người mua (khách hàng nước ngoài) được hưởng lợi.
Trong cơ chế và chính sách quản lý tài nguyên khoáng sản như của Việt Nam hiện nay, thuế suất của thuế xuất khẩu tối thiểu với alumina phải là 40%, than phải là 25%.
Không thể ép các DN trong nước mua than giá cao
PV: - Theo số liệu công bố giữa năm 2011 của Vinacomin, năm 2015 tập đoàn này có thể sản xuất được 55 - 60 triệu tấn than, lượng than thiếu cần phải nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn, năm 2016 thiếu 25 triệu tấn. Năm 2020, sản xuất trong nước dự kiến đạt 67 - 72 triệu tấn và cần phải nhập khẩu để bù đắp lên tới 66 triệu tấn. Còn theo số liệu mới nhất tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Vinacomin, con số phải nhập khẩu từ năm 2015 là 10 triệu tấn. Tại sao lại có sự lạ đời như vậy, trong khi nguồn tài nguyên khoáng sản đang bị cạn kiệt dần, trong nước phải nhập khẩu hàng triệu tấn thì Vinacomin cũng vẫn xuất ra thế giới với trữ lượng không kém? Những con số này nói lên điều gì, thưa ông?
TS Nguyễn Thành Sơn: - “Sự lạ đời” đó nói lên cái điều không ai muốn nói là chúng ta không có tầm nhìn chiến lược nhưng lại có các “qui hoạch” được vẽ ra với tư duy và phương pháp luận rất sai lầm.
Trữ lượng của bể than Quảng Ninh hiện nay chỉ còn khoảng gần 1,8 tỉ tấn, với tốc độ khai thác và thăm dò như hiện nay thì chỉ khoảng 30 năm nữa là ngành than ở Quảng Ninh đóng cửa. Trong khi đó, bể than đồng bằng sông Hồng dù có tiềm năng rất lớn nhưng rất khó khai thác. Ở Quảng Ninh, các mỏ lộ thiên đều đạt tới mức công suất tối đa rồi. Có những mỏ như mỏ than Cọc Sáu từ năm 2010 đã phải hạ moong ở mức -90m và có kế hoạch tiến tới xuống mức -375m vào năm 2015. Mỏ Cao Sơn cũng vậy.
Nếu nói về độ sâu thì các mỏ lộ thiên này đã là sâu nhất thế giới, và tính về hệ số bốc đất thì cũng cao nhất thế giới, thế giới không ai khai thác như vậy nữa! Còn đối với mỏ hầm lò thì, chủ yếu khai thác từ -150m trở lên, và đang xây dựng một số mỏ -300m, nhưng cũng chỉ có than từ mức -500m trở lên thôi. Càng xuống sâu, vỉa than càng không có than. Về thị trường: trong khi các nhà máy nhiệt điện và xi măng trong nước sẽ là những khách hàng chủ yếu và lâu dài của ngành than nhưng Vinacomin lại coi xuất khẩu là thị trường "tiêu điểm". Gần 100% than xuất khẩu vừa qua có thể dùng để phát điện và sản xuất xi măng, đây là những loại than dự kiến sẽ phải nhập khẩu trong tương lai gần.
Vinacomin hết ruộng cày!
PV: - Cho rằng giá than bán cho điện thấp làm cho tài chính ngành than "đuối sức”, Vinacomin đưa quan điểm, giá than cho điện được điều chỉnh và chính sách thuế ổn định ở mức hợp lý, nếu không kéo theo hàng nghìn công nhân không công ăn việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh tế. Ông có cho rằng, Vinacomin thật sự vì lợi ích nền kinh tế, vì người lao động hay thực tế chỉ là lợi ích nhóm?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Tôi xin nhắc lại, nếu tính qui đổi ra nhiệt năng, giá cấp than cho điện ở VN hiện nay gần như cao nhất thế giới. Tôi chưa tìm ra quốc gia nào trên thế giới có than xuất khẩu mà lại bán than cho phát điện trong nước cao như ở Việt Nam.
Để tài chính ngành than không "đuối sức", cách duy nhất là giảm chi phí sản xuất than và không sử dụng tài chính của ngành than để đầu tư vào các lĩnh vực khác. Việc gì liên quan đến thuế- nguồn thu chủ yếu của cả quốc gia thực chất chỉ vì lợi ích nhóm chứ không phải vì nền kinh tế. Còn để không ảnh hưởng đến ngành kinh tế hay vì lợi ích lâu dài, Vinacomin phải phát triển chiều sâu chứ không phải phát triển chiều rộng.
Cái gọi là "công ăn việc làm" hiện nay cũng phải xét cho kỹ. Tỷ lệ thợ lò hay số lao động trực tiếp làm ra than hiện chỉ chiếm 50%. Gánh nặng về "công ăn việc làm" hiện nay là ở chỗ số lao động gián tiếp (ở các khâu phụ trợ, “ăn theo” và nhân viên quản lý) quá cao.
Số lao động này có thể và cần phải giảm tới 30% để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành than. Nếu thực chất vì người lao động thì phải phát triển bền vững, đầu tư theo chiều sâu, nâng cao giá trị sử dụng và chất lượng của hòn than.
PV: - Trong khi các nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc tìm mọi cách "bảo toàn" tài nguyên khoáng sản trong nước và tìm kiếm, khai thác nguồn nguyên liệu thô ở nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất trong nước. Còn Việt Nam lại đi ngược xu hướng này, thi nhau khai thác tài nguyên để bán ra nước ngoài với giá rẻ rồi lại nhập về chính loại than mà chúng ta đã và đang "tích cực" xuất khẩu với giá cao. Ông có bình luận gì trước sự kiện này? Việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam so với các nước trên thế giới như thế nào, thế nào. Hệ quả nhìn thấy trong tương lai là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Mỗi nước có một chính sách riêng, ví dụ như Nga họ đưa cả dầu khí cấp cho Đông Âu làm thành con bài chính trị, nhưng đó là với các nước rất giàu về tài nguyên khoáng sản. Còn VN là nước rất nghèo về tài nguyên khoáng sản (kể cả về dầu, khí, than, titan, bô xit) chúng ta phải có chính sách phù hợp với cái "nghèo" của mình. Ở đây có điều bất cập từ chính sách, quy hoạch. Tư duy quy hoạch và phương pháp quy hoạch không đúng đã và đang dẫn đến qui hoạch thường xuyên “bị hỏng”. Trong lĩnh vực khai khoáng nói chung, chúng ta đã rất sai lầm trong quản lý vĩ mô, và trong qui hoạch phát triển: đáng lẽ phải tạo ra "cầu" thì mới tạo ra "cung", chứ không phải tạo ra "cung" rồi mới tìm "cầu". Tìm không ra "cầu", dẫn đến thừa "cung" nên lại đòi xuất khẩu. Ngoài ra, chúng ta có một nhầm lẫn, nhầm hướng vì chúng ta là nước chậm phát triển nên chúng ta sốt ruột muốn đẩy nhanh GDP. Mà từ trước tới nay, để tăng GDP cách nhanh nhất, dễ làm nhất là khai thác khoáng sản và xuất khẩu. Nhưng đó cũng là cách làm nguy hiểm nhất. Hệ quả có thể nhìn thấy trong tương lai là VN sẽ bị lặp lại "lời nguyền của tài nguyên khoáng sản" (dựa vào tài nguyên xuất khẩu để phát triển) hay còn gọi là "căn bệnh Hà Lan" được cả thế giới nhắc đến từ năm 1977. Bài học thất bại của Hà Lan là quá xa đà vào khai thác khí thiên nhiên ngoài khơi để xuất khẩu, không tập trung vào việc thúc đẩy, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn có hàm lượng khoa học cao (như điện tử- Hà Lan đã từng dẫn đầu thế giới về công nghiệp điện tử, nhưng đến nay đã bị nhiều nước khác vượt mặt).
PV: - Kịch bản này đã được các nhà khoa học cảnh báo với khai thác boxit của Vinamcomin khi các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, Vinacomin đã được ưu ái quá mức khi hưởng mức thuế suất 0% đối với xuất khẩu alumin. Ông có thấy thế không?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Đã đâm lao phải theo lao. Để duy trì và tồn tại thì phải giảm thuế suất, tăng giá bán. Tuy nhiên về mặt luật pháp là không thỏa đáng. Vì tài nguyên khoáng sản được hiến pháp qui định là "sở hữu toàn dân", nếu giao tài nguyên khoáng sản cho nhóm doanh nghiệp khai thác để xuất khẩu nhưng rồi lại không thu về được cái gì thì đó là vi hiến, kịch bản với bô-xit cũng vậy.
PV: - Theo ông, để vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản Việt Nam cần phải làm gì?
TS Nguyễn Thành Sơn: - Trước hết, phải đánh giá lại cho chính xác xem chúng ta có cái gì. VN không có nhiều khoáng sản như nhiều người nói. Khoáng sản VN như "hàng xén", thứ gì cũng có nhưng rất manh mún. Ví dụ, đất hiếm chúng ta cũng có, nhưng lại có những loại mà thế giới không cần. Titan cũng phải tính lại, có những cái cả thế giới đổ đi thì mình cũng đưa vào tính nên cứ nghĩ mình giàu. Nhiều khi người ta cứ nói là VN đứng thứ nọ thứ kia về một loại khoáng sản nào đó cũng chỉ với mục đích để thuyết phục Chính phủ cho được xuất khẩu, vì lợi ích nhóm. Để nâng cao hiệu quả của tài nguyên khoáng sản, chúng ta phải có chính sách sử dụng tài nguyên khoáng sản cho phù hợp. Chỉ nên khai thác khoáng sản nếu trong nước có nhu cầu thực sự. Còn nếu trong nước chưa có nhu cầu thì nên nhớ rằng tài nguyên khoáng sản càng để lâu càng có giá.
Thứ ba, cần nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên khoáng sản. Hiệu suất sử dụng tài nguyên khoáng sản hiện nay của VN rất thấp. Ví dụ, trên thế giới 1 cân than người ta làm ra được 3-4kWh điện, còn VN chỉ làm ra được khoảng 2kWhđiện.
PV: - Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn thú vị này.
Hiếu Lam