26 août 2015

Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh – con đẻ của thời đại @


Lê Phú Khải



Trang mạng xã hội Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) ngày 22/3/2014 đăng một bài với đầu đề rất sốc: “Đê bao đồng bằng sông Cửu Long, sai lầm “vĩ đại” trong lịch sử cận đại” của tác giả ký tên Đảng Xanh. Tư liệu để phục vụ cho bài viết này là các bài báo đã đăng trên các báo của nhà nước như Sài Gòn Giải Phóng (27/8/2001), Tuổi Trẻ (15/10/2015), Việt Nam Express (20/8/2006), Lao Động (26/1/2014), v.v. và v.v. Theo tác giả Đảng Xanh thì tất cả sai lầm ấy đều bắt đầu bằng Quyết định 99TTg ngày 9/2/1996 của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.


Với những người không am hiểu, không theo dõi sản xuất nông - lâm - ngư ở đồng bằng sông Cửu Long 40 năm qua thì rất “sốc”. Vì tác giả dẫn ra các bài báo làm luận cứ, tư liệu… đều là các bài báo đã đăng trên các báo quốc doanh.
Riêng với tôi thì không ngạc nhiên. Vì rằng, như người ta uống thuốc chữa bệnh nan y… thì bao giờ cũng có phản ứng phụ. Chỉ dựa vào “phản ứng phụ” để kết luận về Quyết định 99 TTg là sai lầm. Quyết định 99 TTg “Về định hướng dài hạn và kế hoạch năm năm 1996 – 2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã đầu tư lớn cho các công trình thủy lợi đầu mối ở đồng bằng. Nhờ vậy đồng bằng sông Cửu Long đã thu được những thành tựu đáng kể trong sản xuất lương thực, thực phẩm 20 năm qua.
Với một đồng bằng rộng tới gần 4 triệu héc ta, sông ngòi chằng chịt, hằng năm lại đón nhận lũ từ thượng nguồn Mê Kông, con sông lớn nhất Đông Nam Á… thì hệ thống đê bao rất phong phú và phức tạp, đến ngay cán bộ và người dân ở đồng bằng cũng không hiểu hết đê bao, bờ bao, bờ bao lửng ở vùng thượng nguồn Châu Đốc, An Giang khác đê ngăn mặn, bờ bao ở vùng ven biển như Gò Công, Sóc Trăng… khác nhau như thế nào.
Vì thế, thật là thiếu khoa học, thiếu khách quan, thiếu công bằng nếu không muốn nói là xúc phạm đến vong linh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có công với đồng bằng sông Cửu Long trong Quyết định 99 TTg.
Tôi quyết định gọi cho Nguyễn Hữu Vinh, chủ trang mạng Anh Ba Sàm – Thông tấn xã vỉa hè. Từ đầu dây đằng kia, sau khi nghe tôi trình bày những bức xúc của mình khi đọc bài của tác giả Đảng Xanh, “Anh Ba Sàm” vui vẻ nói: “Vậy thì anh Phú Khải viết bài phản biện đi!”.
Tôi đã thức trắng một đêm để lục tìm những số liệu, bằng cứ, kết quả về Quyết định 99 TTg do chính tay mình ghi chép qua năm tháng, qua các chuyến đi công tác, qua những hội nghị, qua những lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt… để viết bài phản biện của phản biện mang tên: “Đồng bằng sông Cửu Long không sai lầm vĩ đại như tác giả Đảng Xanh đã phán!”.
Đầu tháng 4-2014, khi trang mạng Anh Ba Sàm đăng bài đó, lập tức nổ ra một cuộc tranh luận về vấn đề xây dựng đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long trên mạng Ba Sàm. Cuộc tranh luận có các tác giả Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Nam Bộ, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng và một công dân quê ở Tiền Giang, nhân danh một người sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước này là ông Đào Văn Tùng… tham gia tranh luận. Trước những ý kiến trái ngược nhau về vấn đề đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long của các vị trên, tôi buộc phải viết thêm hai bài nữa: “Trao đổi với tác giả Doãn Mạnh Dũng…”, “Nói rõ thêm về hai vùng mặn - ngọt, đê biển, đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Kết quả là trước những tư liệu dẫn chứng đầy đủ qua các thời điểm suốt 40 năm, tác giả Đảng Xanh không thể phản biện được, ông đành “bỏ bóng đá người”, cho rằng chúng tôi đã “thành danh” vì viết về đồng bằng sông Cửu Long nên chỉ biết bênh vực Quyết định 99 TTg của Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà thôi!!!
Viết dài dòng về việc tranh luận xung quanh một bài viết trên mạng xã hội, tôi muốn chứng minh rằng, trang mạng Anh Ba Sàm là sản phẩm của thời đại thông tin đa chiều, tự do ngôn luận. Anh Ba Sàm sẵn sàng đăng bài viết phản biện lại một bài mà trang mạng của anh vừa đăng lên, đang được dư luận chú ý, tán thưởng, bởi những người cực đoan, không cần biết đúng sai, chỉ thấy chửi chế độ cộng sản là OK!!! Thông tin kiểu Ba Sàm chính là điều xã hội phải vươn tới để đi lên, đó là quy luật, là tất yếu. Chính vì vậy mà trang mạng Anh Ba Sàm đã thu hút một lượng người đọc chưa từng có, trở thành một tờ báo điện tử, một hiện tượng, một sự kiện trong thế giới truyền thông thời gian qua...
Báo chí tự do, thông tin đa chiều là đặc điểm của thời đại chúng ta. Chỉ có đi theo quy luật đó, các quốc gia dân tộc mới có tương lai. Đi ngược chiều, bưng bít và cấm đoán tự do báo chí, dù nhất thời có trỗi dậy mạnh mẽ nhưng liền sau đó thảm họa không thể tránh khỏi.
Đi theo con đường của ông bạn “4 tốt” và “16 chữ vàng” bưng bít thông tin, đàn áp tự do báo chí, độc quyền toàn trị… thì tương lai của Việt Nam ngày càng mờ mịt. Không gì có thể biện minh, bào chữa, lý giải cho sự thật là 40 năm đất nước đã về một mối mà Việt Nam hiện là quốc gia tụt hậu nhất vùng Đông Nam Á. Xét từ chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị, kinh tế văn hóa, Việt Nam còn thua kém cả Campuchia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Malaysia…
Từ thực tiễn và nỗi đau thấu thịt xương ấy, những công dân có tâm huyết, có trách nhiệm buộc phải tìm đến thông tin đa chiều, phản biện để giúp những người cầm quyền nắm vận mệnh của đất nước thấy rõ hiện trạng đất nước, thay vì chỉ biết sùng bái chủ nghĩa, ăn mày quá khứ. Nguyễn Hữu Vinh với trang mạng Anh Ba Sàm và nhiều trang mạng, blog cá nhân khác là bức xúc không thể kìm nén được của những người có trách nhiệm, không vô cảm với đất nước đã 40 năm thống nhất mà ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, nợ nần chồng chất. Phương tiện thông tin internet đã giúp đắc lực cho những người trẻ Việt Nam thực hiện thông tin đa chiều. Đó là tất yếu. Không thể dập tắt được. Có người còn cho rằng, nếu Nguyễn Ái Quốc sống ở thời khắc lịch sử này của đất nước, với bầu máu nóng của anh… thì Nguyễn Ái Quốc cũng trở thành một blogger phản biện hàng đầu.
Xét về nhân thân, Nguyễn Hữu Vinh có một “bệ phóng” mà nhiều kẻ muốn hãnh tiến trong chế độ toàn trị Việt Nam nằm mơ cũng không thấy. Cha anh là nhà cách mạng Nguyễn Hữu Khiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, từng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Xô. Nhưng trước tình cảnh của đất nước quê hương, Nguyễn Hữu Vinh không nỡ “muốn nuôi sống xác thân phải làm thịt linh hồn” (Chế Lan Viên) nên anh đã phản biện.
Thế hệ của cha anh (Nguyễn Hữu Khiếu) là thế hệ của những người yêu nước chống xâm lược. Và, không khó gì lắm để hiểu, những người cha như thế, sẽ sinh những người con nối tiếp tâm hồn mình: yêu nước, yêu tự do và lẽ phải. Cha nào con nấy!
Người viết bài này đã có lần gặp bác Nguyễn Hữu Khiếu. Và không thể nào quên câu chuyện trong cuộc gặp gỡ ấy. Đó là vào đầu năm 1978, đang là phóng viên của Đài Truyền hình Trung ương (nay là Đài Truyền hình Việt Nam), tôi cùng đoàn – chỉ có hai người – đi làm một phim nhựa tài liệu thời sự (phim nhựa 16 ly) về hợp tác xã Định Công ở Thanh Hóa, một hợp tác xã tiên tiến nổi tiếng bậc nhất ở miền Bắc thời đó. Bác Nguyễn Hữu Khiếu lúc đó đang là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền (nhiệm kỳ 2) ở Liên Xô về nước đi thực tế tại hợp tác xã Định Công. Đoàn làm phim của chúng tôi ở lại Định Công cả tuần lễ để quay phim và may mắn được ở chung nhà khách của Hợp tác xã cùng bác Khiếu nhiều ngày.
Trong kháng chiến chống Pháp, bác Nguyễn Hữu Khiếu là Phó Bí thư Liên khu 4, kiêm Giám đốc Công an Khu 4. Bác nổi tiếng là một lãnh đạo sáng suốt và yêu thương cán bộ. Người ta kể rằng, lúc là Giám đốc Công an Khu 4, bác đã đạp xe trên 50 cây số để thay mặt nhà trai đi hỏi vợ cho nhân viên của mình! Ở Định Công, các đoàn đến tham quan, làm việc… đều được nghe chủ nhiệm Hợp tác xã là anh Đắc, người cao to, da đen bóng… báo cáo về kinh nghiệm quản lý Hợp tác xã. Trong buổi báo cáo chính của anh, có một chi tiết rất “ấn tượng”. Đó là ở Hợp tác xã có một ông già mù cả hai mắt nhưng lại có công điểm nhiều nhất trong năm.Vì, chủ nhiệm Đắc đã bố trí cho xã viên này đẩy xe bò. Người sáng kéo xe, người mù chỉ việc đẩy! Xe bò của Hợp tác xã hoạt động quanh năm nên ông già mù đẩy xe có công điểm cao nhất Hợp tác xã. Nghe báo cáo, ai cũng tấm tắc khen chủ nhiệm Đắc sáng kiến. Đến buổi chiều, thả bộ trên con đường làng, bác Khiếu vỗ vai tôi và bảo, đại ý: Không nên quay cảnh ông già mù đẩy xe bò vào phim và không thuyết minh gì về câu chuyện vì sao ông ấy có công điểm cao nhất Hợp tác xã. Hoàn cảnh nước ta là vậy, nhưng chiếu cho thế giới người ta coi thì không nên, hoàn cảnh của người ta khác, mình làm như thế thì người ta cho là vô nhân đạo, người tàn tật phải được xã hội chăm lo, nuôi dưỡng…
… Cả tôi và Minh Đại, tên ông bạn đồng nghiệp, đều giật mình vì lời dặn của bác Khiếu… và làm theo lời bác, và nhớ mãi câu chuyện này. Tôi thấy có trách nhiệm phải kể lại câu chuyện cho các thế hệ sau biết, Đảng Cộng sản đã có lúc có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo như Nguyễn Hữu Khiếu. Thời gian ở Định Công, Minh Đại đã quay phim, chụp ảnh cho tôi nhiều kiểu ảnh đẹp với bác Khiếu mà tôi còn giữ đến bây giờ. Sau này gặp Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, tôi đã tặng lại anh những kiểu ảnh đó. Từ vóc dáng, phong thái điềm đạm khoan thai, đến sự sắc sảo, Vinh giống cha như đúc (xem ảnh).
clip_image002
Tác giả phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Hữu Khiếu (bên phải) tại Hợp tác xã Định Công, Thanh Hóa, 1978.
clip_image003
Tác giả và Chủ nhiệm Đắc, Hợp tác xã Định Công, Thanh Hóa, 1978

Bây giờ, như Bùi Minh Quốc viết “Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa / Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi!”, thì đứa con đẻ của cách mạng phải phản biện để bảo vệ những thành quả của cha anh đã vì lý tưởng độc lập tự do mà phấn đấu hy sinh cả đời là điều dễ hiểu.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện ở nước Nga xa xôi từ thế kỷ 19. Khi Nga hoàng đàn áp nhà Dân chủ cách mạng Nga N. G. Chernyshevsky (1828-1889) và xử phạt ông bằng cách trói tượng trưng N. G. Chernyshevsky vào cái cột, đem bêu ở quảng trường thủ đô, từ nước ngoài, A. I. Herzen (1812-1870) viết về cho Nga hoàng: “Thử hỏi các người còn trói nước Nga ở đó đến bao giờ?”
.
Bắt Nguyễn Hữu Vinh, thử hỏi, còn bỏ tù nước Việt đến bao giờ nữa!?


Nguồn : BVN