Cứ tưởng mình may mắn khi tới Ý du lịch trùng với thời
gian diễn ra Triển lãm Expo 2015 ở Milan với gần 200 quốc gia và tổ chức quốc tế
tham gia. Nhưng khi tận mắt chứng kiến những gì diễn ra trong ‘Ngôi nhà Việt
Nam’ ở triển lãm bà N.T.O, Hiệu trưởng một trường quốc tế ở TP.HCM, cảm thấy thất
vọng khiến bà phải ví như ‘nỗi nhục quốc thể ở Milan’.
Ẩm thực như suất ăn công nghiệp
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 11.8, bà O. cho biết
gia đình bà đã thăm Ý gần 10 ngày. Trong ngày cuối cùng, thay vì đi thăm Venice như kế hoạch, gia đình bà đến Expo
2015 tại Milan. Ý tưởng này xuất
phát khi gia đình bà nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng của Việt Namchen vai cùng cờ của các quốc gia
khác trên khắp các đường phố của Milan và các poster quảng bá cho Expo 2015.
Bà O. cho hay khi vừa đặt chân đến triển lãm, gia đình
bà tìm bằng được ”Ngôi nhà Việt Nam” để thăm trước tiên. Nhưng ngay khi vừa tìm
được “một góc quê hương” ở đây, lập tức bà và mọi người đã phải hối tiếc về sự
háo hức, hăm hở của mình. Hơn cả thế, đó còn là cảm giác vô cùng thất vọng và xấu
hổ cho đất nước.
Theo đó, khu vực của Việt Nam giống
như một gian hàng xén trong chợ. Không có được một lá cờ cắm tại đây, ngoài lá
cờ treo dọc của ban tổ chức phía trước để giới thiệu khu vực của từng quốc gia
theo quy định chung. Cũng không có một tấm bảng nào để giới thiệu các thông
tin tổng quan về đất nước.
Tầng trệt trưng bày lèo tèo một vài sản phẩm được giới
thiệu là gốm Bát Tràng và sơn mài của Từ Sơn (Bắc Ninh). Một số bình, lọ giả cổ,
tượng nghê… với vài thông tin giới thiệu chung chung, không rõ nguồn gốc. Một
sân khấu nhỏ trưng bày vài loại nhạc cụ dân tộc.
Khu vực ẩm thực phía sau bán vài món ăn không phải là đại
diện ẩm thực Việt Nam và chế biến dở chưa từng thấy. Gia
đình bà O. gọi thử các món phở xào, miến xào, gỏi cuốn, bún thịt bò xào Nam bộ,
gà chiên tẩm bột, mỗi thứ một phần mà ăn không hết bởi các nguyên liệu đã kém
phẩm chất mà hương vị thì như kiểu của các suất ăn công nghiệp.
Khu ẩm thực thiếu những “đại diện ẩm thực” tinh tế và hấp
dẫn của Việt Nam như phở, bánh cuốn, bánh xèo, hủ tiếu, bánh canh, miến gà, chả
lụa, bánh chưng, bánh giò, chè ba miền…
Nhân viên lãnh đạm, thờ ơ
Đi lên tầng một trong gian hàng Việt Nam, bà O. lại thêm cảm giác thất vọng
và xấu hổ ê chề. Ngoài vài chiếc ti vi nhỏ xíu tua đi tua lại những đoạn phim
quay sẵn về các thắng cảnh ở đất nước Việt Nam mà chẳng ai buồn xem, toàn bộ
khu vực này tập trung bày bán đủ các loại hàng hóa tạp nham như quần áo, thiệp
xếp tay, hũ, lọ sơn mài, nón lá, túi xách…
Độ phong phú, tinh xảo của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ
hay quần áo ở đây còn thua xa những sản phẩm ở một sạp hàng bình thường của bà
con tiểu thương tại chợ Bến Thành (TP.HCM).
Đáng ngạc nhiên là một vài bộ trang phục nam, nữ trưng
bày trên các mannequin (giống như người mẫu – PV) lại toàn là kiểu áo Tàu. Có
một bộ trang phục áo dài duy nhất thì cũng không phải là tà áo dài truyền thống
của Việt Nam mà là kiểu áo dài cách tân với nút
Tàu theo kiểu xường xám.
Theo bà O., gian hàng của tất cả các nước đều được chăm
chút rất chu đáo để thể hiện bộ mặt quốc gia. Các nước lớn như Mỹ, Nga, Anh,
Pháp, Đức, Nhật có khu trưng bày hoành tráng, lộng lẫy. Những nước “bằng hoặc
dưới level” với Việt Nam trong khu vực ASEAN như Lào, Myanmar, Campuchia,
Indonesia, Thái Lan… thể hiện cực kỳ trang trọng và kiêu hãnh bản sắc văn hóa của
đất nước mình thông qua các gian trưng bày.
Càng đi xem, bà O. càng choáng ngợp với sự phô trương
muôn vẻ về văn hóa, đất nước và con người của các quốc gia trong Expo 2015 và
lại càng thấy thất vọng cho gian hàng Việt Nam.
Chưa hết, bà O. còn cảm nhận sự không nhiệt tình, thậm
chí là thờ ơ của nhân viên ViệtNam tại
Expo 2015. Trong Expo có bán các cuốn hộ chiếu (passport) để khách thăm viếng
mua và khi đến “thăm” nước nào thì xin đóng dấu vào đó để làm kỷ niệm. Thấy
các con thích thú, bà O. mua cho con hai cuốn để đi xin dấu các nước.
Các con bà khoe đã xin được 38 con dấu, nhưng phàn nàn
là đến Việt Nam thì cô tiếp tân ngồi ở đó lạnh lùng
nói với các cháu tự cầm dấu đóng đi. Trong khi đến nước nào, các con bà cũng
được nhân viên vồn vã chào hỏi, đóng dấu và còn cảm ơn.
Tận mắt bà O. còn chứng kiến vài vị khách nước ngoài cầm
passport ghé lại gian hàng Việt Nam, thấy con dấu nằm chỏng chơ sẵn trên mặt quầy,
đành tự lấy đóng vào cuốn hộ chiếu rồi đi ra.
“Ngày cuối cùng ở Ý hóa ra lại làm cho cả nhà cảm thấy
thật nặng nề và buồn bã. Biết vậy tới thăm Venice còn hơn. Tự nhiên hăm hở đi cái Expo
Milan 2015 làm chi để rồi bây giờ về ôm một cục tức mà đầu thì đau như bị ai vừa
cầm búa nện vào. Càng nghĩ, càng thấy đau. Và tức. Và nhục”, bà O. chia sẻ với
tâm trạng đầy sự thất vọng.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế: “Triển lãm Việt Nam đang
làm rất tốt”
Sáng 12.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Đình
Tân, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch,
cho biết gian hàng triển lãm Việt Nam ở Expo 2015 được giao cho Cục Hợp tác quốc
tế và Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) phối hợp thực
hiện. Ông Tân đề nghị chúng tôi hỏi hai nơi này sẽ có thông tin đầy đủ, chính
xác hơn.
Ông Vũ Ngoạn Hợp, Tổng giám đốc VEFAC, cho biết ông vừa
về nhận công tác ở công ty hơn 1 tháng. Cho nên mọi thông tin về gian hàng triển
lãm Việt Nam ở Expo 2015 hiện nay vẫn được giao cho
ông Trần Văn Tân, nguyên Tổng giám đốc VEFAC. Ông Tân dù đã nghỉ hưu nhưng Bộ
Văn hóa Thể Thao và Du lịch vẫn ký thêm hợp đồng và giao nhiệm vụ làm trưởng đại
diện Việt Nam ở Expo 2015 ở Milan. Đến tháng 10.2015, ông Tân mới
chính thức nghỉ.
“Do VEFAC chỉ là đơn vị phối hợp thực hiện nên mọi thông
tin ở Expo 2015 được báo có thẳng về Bộ. Tôi vẫn nhận được thông tin nhưng chỉ
là báo cáo mang tính chất hành chính là hoạt động vẫn diễn ra bình thường”, ông
Hợp nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục
trưởng Cục Hợp tác quốc tế, cho biết ông đang đi công tác nước ngoài nên mọi việc
về nước trao đổi.
Trước câu hỏi có phản ánh về sự nhếch nhác, không chuyên
nghiệp của gian hàng triển lãm Việt Nam ở Expo 2015, ông Khánh đáp ngắn gọn:
“Tôi không biết đó là phản ánh của bạn đọc nào. Tôi chỉ biết triển lãm của Việt Nam ở
Expo 2015 đang làm rất tốt”.
Sau đó PV Thanh Niên liên lạc lại với ông Tân để trao đổi
thêm nhưng không được.
Báo Thanh Niên từng nêu sự yếu kém
Expo 2015 diễn ra tại Milan (Ý) từ ngày 1.5 đến
31.10.2015, với chủ đề “Nuôi sống hành tinh, năng lượng cho cuộc sống”. Do 5
năm mới được tổ chức một lần nên triển lãm lần này được tổ chức rất quy mô,
hoành tráng, quy tụ gần 200 quốc gia và tổ chức quốc tế, tập đoàn tham dự.
Đây được coi là cơ hội lớn cho việc quảng bá ẩm thực, du lịch và giới thiệu
hình ảnh quốc gia ra thế giới.
Tuy nhiên với những gì đang diễn ra, có thể thấy đại diện
Việt Nam ở Expo 2015 đã làm không tốt việc quảng
bá văn hóa, ẩm thực Việt.
Trước đó, ngày 6.6, khi triển lãm diễn ra hơn 1 tháng,
báo Thanh Niên đã có bài viết “Ngôi nhà VN tại Expo 2015 ‘chẳng có gì để xem’:
Đề án một đằng, làm một nẻo”, trong đó nêu rõ nhược điểm của khâu ẩm thực, quảng
bá của Việt Nam tại Expo 2015. Được biết, tổng kinh phí đầu tư cho việc quảng
bá của Việt Nam tại Expo lần này lên tới 57 tỉ đồng.
Ngày 5.8, trên trang web của Hội Sinh viên Việt Nam ở Milan, tác giả Hoàng Phạm đã có bài viết
cảm nhận về Expo 2015 sau 2 ngày tham quan. Tác giả cho biết trong khi tòa nhà
triển lãm các nước Kazakhstan,
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Hàn Quốc, Trung Quốc… tổ chức rất
chuyên nghiệp thu hút nhiều khách tham quan thì tòa nhà Việt Namđìu hiu khách do tổ chức thiếu
chuyên nghiệp.
Đơn cử như cách sắp xếp khung giờ cao điểm phục vụ khách
tham quan của tòa nhà Việt Nam. Nếu
khách không đi vào trong ba khung giờ cao điểm là 11 giờ, 15 giờ, 18 giờ thì
tham quan gian hàng Việt Nam như đang đi vào một hội chợ mua bán hàng thủ công
mỹ nghệ vì không có chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc để xem.
Với việc xếp khung giờ như thế, nếu khách đi vào buổi tối
thì không có gì để xem, may ra có thể mua đồ để ăn là hết. Chưa kể đồ ăn Việt
Nam nghèo nàn, không thể hiện bản sắc phong phú của ẩm thực Việt. Thế nên không
có hàng khách nào xếp ngoài cửa gian hàng ViệtNam.
“Một điều đáng phê bình mà mình chứng kiến là cô nhân
viên nhà hàng tuy mặc áo dài nhưng với đôi dép vứt ngay giữa lối đi ngồi bệt xuống
đất húp tô bún ăn xộp xoạp. Sao nó lại có thể diễn ra trong một dịp Expo trang
trọng như vậy được cơ chứ. Xin cô hãy hành xử văn minh giữa xứ người vì hằng
ngày có hàng ngàn con người tới tham quan các gian hàng và vô tình thăm gian
hàng Việt Nam. Mình đi qua chỉ muốn
cúi mặt thật thấp vì nhục nhã”.
Hoàng Phạm (Svvn-Mi)