28 août 2015

Những kinh nghiệm qua "cuộc đảo chính" không thành ở Séc



Tiến sĩ Phạm Hữu Uyển - đại diện Việt Nam tại Hội đồng Dân tộc Thiểu số Séc


Vietinfo.Eu : Cộng đồng Việt Nam được chính thức công nhận là dân tộc thiểu số tại Séc cách đây hai năm và tiến sĩ Phạm Hữu Uyển được chọn là người đại diện cho Việt Nam trong Hội đồng các dân tộc thiểu số (HĐDTTS) của chính phủ Séc. HĐDTTS chỉ là cơ quan tư vấn cho chính phủ và đại diện cho các thiểu số đều tham gia với tư cách tự nguyện, không có thù lao. Tuy vậy về phía Việt Nam, vị trí này dường như có tầm quan trọng chính trị lớn hơn nên gần đây từ phía một số hội đoàn Việt Nam đã dấy lên một áp lực rất mạnh đòi chính phủ Séc phải thay đổi vị trí này. Việc làm không hợp với điều lệ của chính phủ Séc đã bị coi là một sự "can thiệp thô bạo" vào hoạt động của HĐDTTS. "Cuộc đảo chính" đã không thành công nhưng tương lai của sự hợp tác giữa các hội đoàn Việt Nam với HĐDTTS sẽ ra sao? Ông Phạm Hữu Uyển trong bài viết mới đây gửi báo chí đã thẳng thắn giãi bày những việc liên quan đến sự kiện này và giải thích tại sao mặc dù ông đã nghĩ đến việc từ chức nhưng lại quyết định tiếp tục công việc. Ông cũng đưa ra những đề nghị cho hoạt động chung trong tương lai.  Chúng tôi xin đăng lại toàn văn bài viết của ông Phạm Hữu Uyển dưới đây để bạn đọc tham khảo và bình luận. Tựa đề của bài viết do Vietinfo.EU đặt.
 Tổng kết các sự kiện vừa qua và vài đề nghị cho tương lai
Trong bài viết này tôi tổng kết lại và đánh giá các sự kiện xung quanh việc một số hội đoàn của cộng đồng Việt nam đề nghị bãi miễn tôi và đề cử ông Phạm Công Tú, chủ tịch Hội người Séc gốc Việt lên thay tôi trong cương vị thành viên của Hội đồng dân tộc thiểu số của Chính phủ CH Séc (HĐDTTS). Các hội đoàn tham gia sự kiện này tiến hành khá bí mật và cộng đồng chỉ được nghe một vài thông tin rò rỉ qua những kênh không chính thức. Tuy thế sự kiện này được nhiều người chú ý và gây xôn xao lớn trong cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại cộng đồng vẫn chưa được tiếp nhận thông tin đầy đủ. Vì không có chuyên nghề trong việc đưa tin, tôi không có tham vọng qua bài viết này để đưa tin đầy đủ về sự kiện này, báo chí cộng đồng có thể tiếp cận các hội đoàn tham gia sự kiện trong danh sách tôi ghi dưới đây để có thể đưa tin đầy đủ hơn. Việc tổng kết và đánh giá lại các sự kiện chủ yếu để đi đến phần hai của bài viết nhằm đề cập đến những hiểu biết sai lầm, không đúng đắn về HĐDTTS và các vấn đề tồn đọng trong đời sống cộng đồng, xuất phát từ những hiểu biết không đúng đắn trên và có ảnh hưởng xấu tới không khí sinh hoạt cộng đồng.
Trước hết tôi xin sơ lược các sự kiện liên quan đến vụ việc này như sau: trong tháng 6 và tháng 7 Ban thư ký Hội đồng dân tộc thiểu số  lần lượt nhận được thư gửi ông bộ trưởng J. Dienstbier, Chủ tịch HĐDTTS của các hội đoàn:
§  Hội người Séc gốc Việt (ACVN) do hai ông phó chủ tịch Giang Thành và Nguyễn Sinh đồng ký tên,
§  Hội doanh nghiệp Việt nam tại Séc, do ông chủ tịch Phạm Thanh Long ký tên,
§  Hội phụ nữ Việt nam tại CH Séc, do bà chủ tịch Vuová Ha ký tên,
§  Hội sinh viên và thanh niên Việt nam tại CH Séc, do ông chủ tịch Bc. Phạm Quốc Lộc ký tên.
Nội dung các bức thư khá giống nhau và có thể tóm lại mục đích chung của cả bốn bức thư gồm hai điểm:
§  Lưu ý các sai sót của tôi (Phạm Hữu Uyển) trong cương vị thành viên của HĐDTTS
§  Đề nghị đưa ông Phạm Công Tú, chủ tịch Hội người Séc gốc Việt lên cương vị thành viên của HĐDTTS, đại diện cho thiểu số Việt nam thay tôi.
Bên cạnh đó trong buổi liên hoan lần 2 nhân dịp cộng đồng Việt nam được “công nhận là dân tộc thiểu số” (của HNVN) ông Thư ký HĐDTTS cũng được nghe nhiều luận điểm và đề đạt nói nhẹ là không dễ chịu, nhưng những cái đó không thành văn bản nên tôi không đề cập tại đây.
Bốn hội nói trên là các hội thành viên của HNVN có đăng ký theo pháp luật CH Séc, HNVN không tham gia trực tiếp. Tuy nhiên qua việc ông Phạm Công Tú ứng cử và được đề cử có sự đồng thuận và thông qua của Đại Sứ quán Việt nam tại Séc (ĐSQ VN) nên tôi đi trực tiếp vào bản chất của sự việc là việc này được tiến hành dưới sự chỉ đạo của HNVN và ĐSQ VN và bốn hội nói trên chỉ là công cụ tiến hành (các đồng nghiệp trong HĐDTTS tham gia giải quyết các đề nghị này mặc dù không có thông tin về việc đồng thuận giữa ông Phạm Công Tú và ĐSQ VN cũng đi đến nhận xét như thế). Mặc dù các hành động trên có liên quan đến tôi, nhưng bài tổng kết này không có ý định thanh toán mang tính chất cá nhân mà mạnh dạn đề cập đến các vấn đề cốt lõi để có cơ hội cùng nhau vượt qua vấn đề tồn đọng trong cộng đồng gây ra những cản trở không cần thiết trong sinh hoạt cộng đồng. Mục đích chính là lưu ý đến những nhận định, hiểu biết sai lầm, những vấn đề có thể còn tồn đọng trong suy nghĩ của một số đại diện của các hội đoàn trong quần thể các hội đoàn trong HNVN để mỗi người, mỗi hội đoàn cũng như các cơ quan công quyền Việt nam ý thức được vị trí vai trò của mình cũng như của người khác để cư xử đúng mực, không làm những việc gây tiếng xấu cho cộng đồng. Mặc dù cố gắng để các vấn đề đưa ra không mang tính chất cá nhân, nhưng phải trở lại một số sự kiện cụ thể và vì thế không thể không nêu ra một vài tên cụ thể, rất mong không bị hiểu nhầm và hy vọng đó sẽ không là cản trở cho các sự cộng tác trong thời gian tới.
Trược hết xin quay lại hai nội dung chính của các bức thư nói trên.
Thứ nhất: Về các thiếu sót của tôi là lý do cần thay tôi bằng ông Phạm Công Tú.
Xin được dịch thoáng nội dung đoạn thư đề cập đến việc này: “ .... nhưng việc hội nhập của cộng đồng Việt nam còn nhiều thiếu sót và các mặt mạnh của cộng đồng Việt nam vẫn chưa được sử dụng. Một trong những lý do của những thiếu sót này là việc ông Phạm Hữu Uyển chểnh mảng trong việc tham gia các hoạt động cộng đồng. Cụ thể là:
§  Không tham gia các hoạt động phòng chống ma túy,
§  Không tham gia lễ kỷ niệm 65 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt nam và CH Séc
§  Không tham gia các hoạt động ủng hộ hợp tác kinh tế và văn hóa giữa CH Séc và Việt nam
§  Không tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, giáo dục, thể thao của thiểu số Việt nam
§  ....


Vấn đề ma túy trong cộng đồng Việt nam theo tôi là vấn đề nghiêm trọng, tôi rất quan tâm và có không ít các hoạt động không lên truyền thông nên tạm chỉ lưu ý thế này: các hoạt động theo kiểu phòng chống ma tuý cộng đồng mà mọi người đề cập theo tôi có tác dụng trong giai đoạn đầu để làm dịu dư luận xã hội, sau đó theo tôi các hoạt động có tính chất marketing này không có tác dụng nữa. Cuộc chiến chống ma túy phải tiến hành bằng cách khác, bằng những hành động cụ thể của các tổ chức chống tội phạm của nhà nước.
Cáo buộc tôi không tham gia “lễ kỷ niệm 65 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt nam và CH Séc” là một sự lừa đảo và có thể thể hiện một mưu đồ được tính toán từ lâu – lễ này do ĐSQ VN và HNVN tổ chức nhưng không mời tôi, rồi sau đó cáo buộc tôi không tham gia với HĐDTTS. Những hoạt động khác trong cộng đồng tôi tham gia nếu thời gian cho phép và nội dung sinh hoạt phù hợp, những yêu cầu làm việc chưa bao giờ tôi từ chối. Tôi trân trọng các lời mời và nếu không tham gia tôi đều xin lỗi trước – duy nhất có trường hợp ngoại lệ theo tôi là buổi kỷ niệm của trang web Secviet tôi không tham gia được và không xin lỗi trứơc vì cho nhầm tháng vào lịch điện tử và đến lúc phát hiện ra thì đã muộn và nhân tiện đây tôi xin lỗi tờ Secviet vì sơ suất này.
Nhìn từ phương diện HĐDTTS thì những cáo buộc trên hướng vào cá nhân tôi để đề cử ông Phạm Công Tú thì vô cùng bi hài và thiếu những logic đơn giản nhất vì nhìn chung không chỉ riêng từ ngày “Việt nam được công nhận thiểu số” thì ông Phạm Công Tú tham gia các hoạt động ít hơn tôi – không nên quên là ông Phạm Công Tú đang giữ chức đại diện Việt nam trong Ủy ban về hợp tác với các cơ quan và chính quyền địa phương trực thuộc HĐDTTS. Và nghiêm trọng hơn, tôi chưa bao giờ vắng mặt trong các hoạt động chính thức của HĐDTTS, ông Phạm Công Tú chưa bao giờ tham gia hoạt động của Ủy ban về hợp tác với các cơ quan và chính quyền địa phương. Những người trong HĐDTTS nghĩ và phản ứng thế nào về chiến dịch này chắc không cần tôi miêu tả thêm.
Nhưng những cái đó chưa phải là cái quan trọng nhất cần nói đến. HĐDTTS là cơ quan tư vấn của chính phủ CH Séc được tổ chức và hoạt động theo những quy định rõ ràng ghi trong Điều lệ của Hội đồng mà ai quan tâm đều có thể tìm thấy ngay trên trang nhất trong danh mục Thiểu số (Menšina) trên web của chính phủ. Các nội dung cáo buộc trên kể cả trong trường hợp đúng sự thật đều không nằm trong danh mục trách nhiệm của tôi. Cơ quan tôi chịu trách nhiệm chính về các việc làm của mình là HĐDTTS và HĐDTTS cũng là cơ quan có thẩm quyền nhất để đánh giá công việc tôi làm. Tôi tin rằng đại diện của ĐSQ VN và HNVN đều biết HĐDTTS đánh giá về hoạt động của cá nhân tôi cũng như các đại diện tôi đề cử vào các cơ quan của HĐDTTS thông qua phát biểu của ông Thư ký Hội đồng trong buổi gặp mặt ông Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Tất nhiên không có ai hay việc gì là hoàn hảo cả, công việc của chúng tôi ở HĐDTTS cũng không phải là không có thiếu sót và tự bản thân tôi thấy có thể làm được nhiều việc hơn hay làm tốt hơn. Rất đáng tiếc là dù cố gắng tiếp cận các cáo buộc với thái độ bình tĩnh, khiêm tốn và cầu thị, tôi không tiếp thu được gì từ các cáo buộc trên.
Thứ hai: Về việc đề cử ông Phạm Công Tú cương vị thành viên của HĐDTTS vào thời điểm hiện nay. Như đã nói trên, HĐDTTS hoạt động theo Điều lệ và việc đề cử, bãi miễn thành viên hay qui chế chấm dứt vị trí thành viên đều được qui định rõ ràng trong Điều lệ. Việc tranh chấp một vị trí nào đó trong cơ chế dân chủ là bình thường, tôi không băn khoăn. Nhưng việc đề cử “vượt qua thông lệ” như câu trả lời của ông Bộ trưởng, Chủ tịch HĐDTTS cho ACVN thể hiện thái độ làm việc không nghiêm túc và là việc không nên xảy ra. Sự thật về việc không tìm hiểu Điều lệ là điều đáng ngại trong trường hợp người ứng cử lần thứ hai và là điều đáng lo trong trường hợp của đại diện cho Hội sinh viên và thanh niên – mặc dù đây chỉ là đại diện cho nhóm sinh viên và thanh niên chịu sự quản lý của ĐSQ VN, nhưng dù sao cũng là nhóm người trẻ, có học, được đào tạo và lớn lên trong môi trường tại CH Séc.
Trong phần tiếp theo tôi đề cập đến mấy vấn đề mà theo tôi cần phải được giải quyết về mặt tư tưởng để có thái độ và hành động đúng mực, không gây nên hình ảnh xấu của cộng đồng người Việt nói chung trong cái nhìn của các cơ quan công quyền cũng như trong xã hội.
Về công lao, đóng góp và quyền được lựa chọn
Một trong những điều tồn đọng tôi cảm nhận là nhiều người vẫn bất bình giữa đóng góp trong qúa trình tác động để cộng đồng VN được “công nhận là dân tộc thiểu số” và quyền được lựa chọn người đại diện của VN trong HĐDTTS. Như tôi đã nói nhiều lần, việc cộng đồng VN được công nhận là kết quả may mắn sau tác động của nhiều cá nhân và tổ chức từ phía VN cũng như phía Séc. Có tổ chức đóng góp nhiều, có tổ chức có đóng góp quan trọng và xin không nhắc lại nữa. Tuy nhiên tôi thấy rõ HNVN và ACVN bất bình vì việc đầu tư của mình mà tôi cảm giác là theo họ kết qủa chưa quay lại. Ông Giang Thành (phó chủ tịch của cả HNVN và ACVN) trong các buổi làm việc chính thức đã nhiều lần (gần đây nhất là trong lần cuối tôi làm việc với HNVN cách đây khoảng hai tháng) bức xúc là mọi người đã đầu tư khoảng năm, sáu triệu Kc, trong đó riêng ông Phạm Công Tú trên một triệu. Tôi không hiểu mọi người đầu tư vào việc gì hay cho ai và mục đích đầu tư là gì. Nếu mục đích đầu tư là cộng đồng VN được công nhận thiểu số thì tại sao lại chưa hài lòng khi đầu tư đã có kết qủa?. Nếu mục đích đầu tư là một người cụ thể được đề cử vào HĐDTTS hay một nhóm người được quyền lựa chọn người vào HĐDTTS thì mọi người đã bị lừa và cần hỏi lại địa chỉ đã đầu tư. Quyền lựa chọn người vào HĐDTTS là của chính phủ và không ai có thể đảm bảo cho người đầu tư sẽ đạt được kết qủa như thế. Vì mọi người đều là những doanh nhân nên tôi chỉ có lời khuyên mà trong kinh điển kinh doanh nào cũng đề cập đến: hãy xóa những khoản đầu tư khi đã xác định được đó là đầu tư thất thoát. Tôi và các đại diện khác của Việt nam trong các ban, các ủy ban và nhóm công tác của Hội đồng làm việc hoàn toàn miễn phí, có thể coi như một kiểu từ thiện cho Hội đồng cũng như cộng đồng. Chúng tôi không lấy của ai cái gì, không mắc nợ ai cả, nợ nần nếu có phải tìm ở hướng ngược lại.
Về điều chỉnh tài trợ
Một bất đồng lớn là việc tạm gọi là “điều chỉnh tài trợ”. Đã mấy lần tôi từ chối đề nghị của ông Giang Thành trong các buổi làm việc với HNVN và ACVN về việc lập nhóm để xét việc xin tài trợ của cộng đồng Việt nam. Lần nào tôi cũng giải thích là tôi không có thẩm quyền để lập hay cùng tham gia lập ra một nhóm như thế. Việc xin và xét tài trợ của nhà nước có luật và qui chế rõ ràng và đề nghị như trên là trái với qui chế. Như đã nói nhiều lần, tất cả các tổ chức, cá nhân đều có quyền làm đề án xin tài trợ trong khuôn khổ các chương trình tài trợ dành cho các sắc tộc thiểu số, không ai có quyền lọc không cho phép người khác làm hay nộp hồ sơ.
Tương tự như thế, chúng tôi không thể giải quyết được các bức xúc cho những trường hợp đã được xét tài trợ cụ thể ví dụ như trường hợp anh X trong qúa trình “xin thiểu số” không tích cực, luôn phê phán nhưng lại là người nhận được khoản tài trợ lớn đầu tiên là bất công hay đề án từ điển là đề án tư nhân chứ không phải cho cộng đồng vì từ điển bán chứ không phải cho không v.v. Như đã nói nhiều lần và xin nhắc lại, việc xét tài trợ do các Ban xét tài trợ gồm đại diện của các ban ngành nhà nước và đaị diện của các thiểu số và xét chung cho tất cả các thiểu số. Việc xét duyệt được tiến hành theo qui trình rõ ràng và không có tiêu chí nào về việc đóng góp của cá nhân hay tổ chức nào đó trong quá trình vận động “xin thiểu số”, đánh giá chất lượng hay tính cộng đồng của các đề án v.v. đều thuộc thẩm quyền của các Ban xét tài trợ. Tôi không nằm trong ban xét tài trợ nào và không trực tiếp thông qua bất cứ đề án nào. Thẩm quyền duy nhất tôi có trong lĩnh vực này là lưu ý và đề nghị không xét đề án nào đó nếu đưa ra được các chứng cứ làm sai, làm không thật v.v. Cộng đồng muốn loại các đề án không tốt thì phải tiến hành bằng cách tổ chức làm những đề án tương tự tốt hơn, chất lượng hơn.
Tóm lại việc xét tài trợ đều phải tiến hành theo các qui định của nhà nước, trách nhiệm của chúng tôi là coi giữ để các qui định của nhà nước về việc này phải được tôn trọng chứ không phải ủng hộ những tham vọng ngược lại.
Về ĐSQ VN
Lần thứ hai tôi được chứng kiến người trong HĐDTTS phải thốt lên về sự “can thiệp thô bạo” vào HĐDTTS là cơ quan của Chính phủ CH Séc. Tuy lần này không có những thể hiện bằng lời lẽ nói nhẹ ra là rất thiếu tính và tầm của ngoại giao, nhưng về bản chất đây là một sự can thiệp. Và việc can thiệp như thế vào cơ quan của Chính phủ nước sở tại là tiếp tục sai lầm ngoại giao. Việc dùng các hội đoàn tầng hai và tin rằng người ta không có bằng chứng là niềm tin ấu trĩ vì quan trọng không phải là bằng chứng mà là có nhìn thấu được sự thật hay không. Cái mà ĐSQ VN và có thể cả BNG VN nên đưa vào cẩm nang ngoại giao là nên từ bỏ những tham vọng như thế kể cả trong trường hợp có cơ hội – việc ĐSQ VN tham gia sắp xếp người vào Hội đồng là không chấp nhận được đối với các cơ quan công quyền của nước sở tại. ĐSQ VN hoàn toàn có quyền xác định quan hệ của mình với người đại diện của thiểu số Việt nam trong Hội đồng. Mối quan hệ tốt giữa ĐSQ VN và HĐDTTS có ảnh hưởng tốt cho không khí sinh hoạt trong cộng đồng, ngược lại mối quan hệ không tốt không làm xấu quan hệ ngoại giao của hai nước – HĐDTTS không có trách nhiệm ngoại giao, cái đó thuộc về thẩm quyền của Bộ ngoại giao. Mặc dù ngoại giao không nằm trong nội dung công việc, tôi luôn cố gắng giữ quan hệ với ĐSQ VN ở mức đúng mực.
Về những người có ý định ứng cử vào thành viên Hội đồng
Xin được vài lời có thể nói hơi thiếu khiêm tốn đối với những người có ý định một lúc nào đó ứng cử vào thành viên của HĐDTTS.
Việc đầu tiên cần ý thức là HĐDTTS là cơ quan của Chính phủ CH Séc chứ không phải là khuôn mặt đại diện chung cho cộng đồng và các tổ chức của cộng đồng Việt nam. Phải đọc kỹ Điều lệ và các tài liệu khác của HĐDTTS để hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của thành viên HĐDTTS, đại diện cho cộng đồng Việt nam. Chữ “đại diện cho cộng đồng Việt nam” trong trường hợp này phải hiểu là người đó được tuyển từ cộng đồng Việt nam và sẽ tư vấn cho HĐDTTS về các việc liên quan đến cộng đồng Việt nam.
Việc thứ hai cần ý thức là công việc trong HĐDTTS là hướng tới các giá trị cơ bản của nước sở tại, tư vấn cho Chính phủ và các cơ quan và chính quyền địa phương trợ giúp các thành viên của các sắc tộc thiểu số hội nhập vào xã hội đồng thời có cơ hội bảo tồn và phát triển văn hoá và ngôn ngữ của mình. Việc này phải hướng tới tất cả các thành viên của cộng đồng chứ không phải cuộc chơi sang của các đại gia. Vì ý thức được là công việc trong HĐDTTS không có thù lao nên HĐDTTS bố trí công việc không nặng nề, không quá tốn thời gian. Công việc này không chỉ dành cho những người nhiều tiền, thừa thời gian như một số người khẳng định.
Và điều quan trọng nhất cần phải xác định: vì HĐDTTS là cơ quan của Chính phủ CH Séc nên người ứng cử không thể chấp nhận sự điều chỉnh hay thông qua của ĐSQ VN. Chấp nhận điều chỉnh của ĐSQ VN hay bất kỳ cơ quan nào khác của nhà nước Việt nam là đã phản lại sứ mệnh của mình trong HĐDTTS.
Thay cho lời kết
Trong kỳ họp lần cuối của HĐDTTS ông M. Sloboda, thành viên của HĐDTTS, đại diện cho giới chuyên môn, đã từ chức trước hạn. Tôi bị bất ngờ và rất tiếc và có nói chuyện riêng với ông sau buổi họp. Cuối buổi tôi có tâm sự với ông là tôi cũng đang cân nhắc chuyện từ chức từ mấy tháng nay rồi, lý do là theo tôi các cơ chế và nguyên tắc hoạt động đã được xây dựng và tôi muốn nhường chỗ cho thế hệ trẻ vì tin rằng họ sẽ làm tốt hơn. Ông nói là liệu kết luận của tôi như thế có hơi vội không và tôi phải cố làm hết nhiệm kỳ vì đây là nhiệm kỳ đầu tiên của đại diện Việt nam và HĐDTTS khen cách làm việc của nhóm chúng tôi. Phải thú nhận là ông nói đúng, tôi đã kết luận vội vàng, các nguyên tắc về HĐDTTS chưa được thấm sâu vào cộng đồng, niềm tin của tôi vào thế hệ trẻ có thể chưa hoàn toàn có căn cứ. Công việc phía trước vẫn còn nhiều.

Praha ngày 21. 08. 2015
Phạm Hữu Uyển