29 août 2015

Cách Mạng Tháng 8: vì sao đất nước gục ngã?


“…Đảng Cộng Sản không theo đuổi lý tưởng dân tộc mà theo đuổi lý tương cộng sản. Mục tiêu của họ không phải là độc lập và chủ quyền dân tộc mà là thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới…”


cm1

Chúng ta đang ở giữa mùa kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8, giai đoạn hai tuần lễ sôi động từ ngày 19/08 đến ngày 02/09/1945 cách đây 70 năm. Đây là lúc để nhìn rõ mất mát đau đớn nhất của đất nước vào thời điểm này: sự tàn sát những người yêu nước chân chính. Đất nước đã ngã gục cùng với họ.


Nội chiến cộng sản

Cách Mạng Tháng 8 đã là khởi điểm của một cuộc nội chiến kéo dài 30 năm từ 1945 đến 1975 chia ra làm hai giai đoạn, giai đoạn 1945-1954 mà Đảng Cộng Sản Việt Nam gọi là giai đoạn chống Pháp và giai đoạn 1954-1975 mà họ gọi là giai đoạn chống Mỹ. Phải nói thẳng: cả hai giai đoạn này đều chỉ là hai phần của một cuộc nội chiến thảm khốc và không cần thiết, hơn thế nữa còn là tội ác.
Không cần thiết trước hết vì không có cuộc nội chiến nào cần thiết cả. Không có gì tàn phá một quốc gia bằng một cuộc nội chiến bởi vì ngoài những đổ vỡ về vật chất và sinh mạng nội chiến còn hủy diệt cả tinh thần dân tộc và tình đồng bào, những nền tảng của một đất nước và rất khó khôi phục một khi đã đổ vỡ. Chính vì thế mà chưa có quốc gia nào đã có thể hồi phục nhanh chóng sau một cuộc nội chiến, ngay cả với một cố gắng hòa giải dân tộc thành thực. Không có lý do nào biện minh cho nội chiến và không có tội nào lớn hơn tội gây ra nội chiến.
Cuộc nội chiến 1945-1954 không cần thiết bởi vì vào thời điểm 1945, và ngay cả trước đó, sự cáo chung bắt buộc của các chế độ thực dân đã là một điều hiển nhiên đối với mọi người có chút kiến thức chính trị tối thiểu, sự thể hiện chỉ còn là một vấn đề thời gian. Dĩ nhiên chúng ta vẫn phải tranh đấu để giành lại chủ quyền trong những điều kiện thuận lợi nhất nhưng dứt khoát không cần chiến tranh. Vả lại nếu chúng ta có đoàn kết dân tộc thì chiến tranh đã không xảy ra, người Pháp sẽ không dám ngoan cố vô ích.
Cuộc nội chiến 1954-1975 càng vô lý vì Hoa Kỳ không phải là một cường quốc thực dân và cũng không hề có ý định xâm chiếm một nước nào cả. Vả lại nó đã được phát động khi sư hiện diện của Hoa Kỳ tại miền Nam còn chưa đáng kể so với sự hiện diện của Liên Xô và Trung Quốc tại miền Bắc.

Nhưng tại sao đã có cuộc nội chiến này?

Đó là vì Đảng Cộng Sản không theo đuổi lý tưởng dân tộc mà theo đuổi lý tương cộng sản. Mục tiêu của họ không phải là độc lập và chủ quyền dân tộc mà là thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản và phong trào cộng sản thế giới. Đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh chủ nghĩa tư bản là nghĩa vụ thiêng liêng của những người cộng sản chân chính. Lê Duẩn đã từng nói: "Ta đánh là đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô". Độc lập chỉ là một chiêu bài được sử dụng để đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản mà vào thời điểm đó các lãnh tụ Đảng Cộng Sản Việt Nam tôn sùng như một chân lý tuyệt đối. Theo chủ nghĩa này các quốc gia chỉ là sản phẩm thống trị của giai cấp tư sản. Ở đây phải nói dứt khoát về một điều đã nhiều lần được nhắc lại: đã có rất nhiều người chiến đấu và hy sinh trong hàng ngũ cộng sản vì lý tưởng yêu nước. Đúng nhưng họ không có vai trò lãnh đạo nào cả.
Chính lý tưởng cộng sản đó đã khiến Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông lấy một quyết định nghiêm trọng là tàn sát các đảng viên của các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt và những người không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Hàng trăm nghìn người đã bị giết hại trong và sau Cách Mạng Tháng 8. Nếu độc lập dân tộc là mục tiêu cao nhất thì không có lý do gì để bách hại họ. Đảng Cộng Sản đã tàn sát họ chỉ để giành độc quyền lãnh đạo một cuộc nội chiến trá hình dưới danh nghĩa kháng chiến tai hại cho Việt Nam nhưng cần thiết cho phong trào cộng sản thế giới.

Não trạng tiền chiến

Phải nhìn rõ giai đoạn 1930 - 1945, thường được gọi là giai đoạn của thơ văn và nhạc tiền chiến, để hiểu mất mát to lớn cho đất nước. Hy sinh bi hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng trong cuộc khởi nghĩa 1930 và biến cố Xô Việt Nghệ Tĩnh năm 1931 đã không được tiếp nối bằng một ý thức dân tộc và một phong trào chính trị mà bằng một giai đoạn nở rộ của thơ văn lãng mạn và nhạc trữ tình kéo dài tới tận Cách Mạng Tháng 8, bất chấp cả Thế Chiến II. Nghịch lý này còn cần được phân tích thấu đáo hơn nhưng tựu chung nó có hai lý do.
Lý do thứ nhất là những người Việt Nam có học thức lúc đó - mà ta tạm gọi là trí thức - vẫn còn mang nặng văn hóa Khổng Giáo. Họ nhìn chính trị đơn giản là một con đường công danh và vai trò của kẻ sĩ chỉ là để làm dụng cụ cho một chính quyền chứ không phải là để đấu tranh cho một đất nước tươi đẹp hơn. Đại bộ phận những người đi học chỉ mang ước vọng được làm quan hay được sang giầu.
Lý do thứ hai là sau một nửa thế kỷ dưới quyền người Pháp một số người Việt Nam khá đông đảo đã biết đến và say mê văn hóa Pháp. Giai cấp trung lưu Việt Nam đã đọc và say mê văn thơ Pháp lúc đó cũng là văn thơ phong phú và tinh hoa nhất thế giới.
Hai lý do này kết hợp lại đã khiến quan tâm tới chính trị chỉ có nơi một thiểu số rất nhỏ trí thức Việt Nam. Thiểu số này có tăng lên đáng kể từ khi Thế Chiến II bùng nổ nhưng vẫn chỉ là một thiểu số nhỏ, không những ít về số lượng mà còn rời rạc và  thiếu kiến thức chính trị. Một thành phần trí thức khác cũng quan tâm tới chính trị là trí thức cộng sản. Nhưng những người này đặt chủ nghĩa cộng sản lên trên hết và họ tranh đấu cho phong trào cộng sản thế giới chứ không phải cho dân tộc Việt Nam. Đối với họ yêu nước chỉ là yêu chủ nghĩa xã hội. Khẩu hiệu này vẫn cò được liên tục lặp lại cho đến cuối thập niên 1980.
Như đã nói ở phần trên những người yêu nước và đặt đất nước Việt Nam lên trên hết chỉ là một thiểu số, không những thế kiến thức và bản lĩnh chính trị cũng còn rất sơ sài, chủ yếu vì mới nhập cuộc và không được hướng dẫn. Ngọn đuốc Phan Châu Trinh đã tắt. Học giả duy nhất đề cập đến các vấn đề tư tưởng một cách có bài bản là Phạm Quỳnh cũng không quan tâm lắm tới các chủ đề chính trị. Tuy vậy những  người này đã là những hạt nhân đầu tiên của một thành phần không thể thiếu cho một quốc gia đúng nghĩa nhưng nước ta vẫn chưa có: những trí thức chính trị. (Xin mở một ngoặc đơn để nói rằng cụm từ "trí thức chính trị"được dùng ở đây chỉ để nhấn mạnh tới quan tâm chính trị chứ thực ra không cần thiết. Trí thức tự nó đã là một khái niệm chính trị. Một trí thức đúng nghĩa phải có quan tâm chính trị, một chuyên gia dù kiến thức cao rộng tới đâu nhưng không quan tâm tới những vấn đề đặt ra cho đất nước cũng chỉ là một người lao động trí óc). Tuy sự hiểu biết về chính trị còn cần được bổ sung nhưng họ đã có những yếu tố quan trọng nhất của người trí thức chính trị: nguyện vọng phục vụ đất nước và ý chí đấu tranh bảo vệ quyền lợi dân tộc, ngay cả nếu phải trả giá. Những yếu tố này mới quan trọng vì không dễ học hỏi để có như kiến thức. Vả lại các lãnh tụ cộng sản cao nhất vào lúc đó cũng chỉ có trình độ hiểu biết rất sơ sài nếu xét qua những gì họ đã viết và nói hoặc những hồi ký của những người trong cuộc như Trần Đĩnh, Bùi Tín, Đoàn Duy Thành v.v.
Thành phần trí thức yêu nước này là thành quả của hơn hai thế kỷ tiếp xúc với phương Tây và gần một nửa thế kỷ cọ xát - nhiều khi tủi nhục - với người Pháp. Chính họ mới thực sự là ý chí, tinh thần và tình cảm của dân tộc. Những người học để mưu tìm danh vọng - cũng là đa số vào lúc đó - có thể hài lòng với mọi chế độ dù độc lập hay ngoại thuộc. Thiểu số cộng sản thì đã theo đuổi một lý tưởng khác trong đó quốc gia chỉ là dụng cụ thống trị của một giai cấp cần phải tiêu diệt. Lòng yêu nước của những người cộng sản ở thời điểm 1945 nếu có cũng không đáng kể.
Trọng lượng tương đối giữa hai khối trí thức quốc gia và cộng sản lúc đó như thế nào? Dựa vào tài liệu của Đảng Cộng Sản và hồi ký của những người trong cuộc thì số đảng viên cộng sản lúc đó chỉ khoảng 2000 người, thành phần có trình độ học vấn từ lớp 10 trở lên rất ít và sự hiểu biết về chính trị cũng rất sơ sài. Phe quốc gia đông hơn hẳn, có trình độ văn hóa cao hơn hẳn và cũng có cơ sở quần chúng do cảm tình giành được sau sự hy sinh oanh liệt năm 1930 của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tuy vậy trọng lượng không phải là sức mạnh, phe quốc gia không có tổ chức nên không có sức mạnh. Ngược lại Đảng Cộng Sản dù ít người nhưng đã kiểm soát được cả dư luận lẫn quần chúng và không chế được cả đại đa số trí thức vì có tổ chức chặt chẽ và vì một lý do khác quan trọng hơn nhiều cần được nhận diện thật rõ: họ là một tổ chức khủng bố. Một tổ chức khủng bố có thể làm tất cả những gì nó cần làm hay muốn làm và vì thế nó có sức mạnh ghê gớm. Bằng chứng là cả thế giới chung sức vẫn chưa dẹp được Al Qaeda.
Đảng Cộng Sản hoàn toàn làm chủ tình thế và đã tàn sát các thành phần quốc gia bởi vì nếu không họ chỉ là một thiểu số và sẽ không thể áp đặt cuộc "kháng chiến chống Pháp" và cướp đoạt chính nghĩa "yêu nước". Khi Hồ Chí Minh và các lãnh tụ ĐCSVN nói họ đã "cướp chính quyền" trong Cách Mạng Tháng 8 chúng ta phải hiểu là cướp từ những người quốc gia chứ không phải từ chính phủ Trần Trọng Kim, một chính phủ hoàn toàn không có thực chất.
Như đã nói những trí thức quốc gia là ý chí, tinh thần và tình cảm của dân tộc. Họ đã bị tàn sát gần hết trong và sau Cách Mạng Tháng 8 và đất nước đã đột quỵ cùng với họ. Đến nay chúng ta vẫn chưa hồi phục sau mất mát quá đau đớn này.

Sau Cách Mạng Tháng 8

Sau này nhưng bộ trưởng trong các chính quyền gọi là "quốc gia" - của Bảo Đại, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu - hầu hết chỉ là những trí thức công cụ, những người có thể có nhiều bằng cấp, đôi khi có cả kiến thức thực sự, nhưng không có tinh thần dân tộc và quyết tâm chính trị. Họ hoàn toàn không phải là những cấp lãnh đạo chính trị của một nước độc lập. Không phải là quá đáng nếu nói rằng các chính quyền này chỉ là sự nối dài của guồng máy thuộc địa cũ.
Còn trong hàng ngũ cộng sản? Cũng chỉ có những trí thức tê liệt vì sợ hãi nên đã cúi đầu chịu làm những dụng cụ ngoan ngoãn cho một bộ máy khủng bố điều khiển bởi những người thiếu cả văn hóa lẫn tâm hồn. Một số đã cố che đậy sự khiếp nhược của mình bằng cách cũng tỏ ra quyết liệt và tin tưởng vào chính nghĩa của Đảng Cộng Sản, nhưng sự hèn nhát chỉ hèn nhát hơn khi nó cố làm ra vẻ hùng tráng.
Dần dần dưới các chính quyền quốc gia một lớp trí thức chính trị đã hình thành, nhưng họ chưa đủ mạnh để nắm lấy vai trò chủ động thì chiến thắng cộng sản 1975 đã ập đến và họ lại bị tiêu diệt. Sự tiêu diệt lần này không phải là tàn sát thẳng tay như trong Cách Mạng Tháng 8 mà bằng cách bỏ tù, đầy đọa và hạ nhục. Trí thức miền Nam không bị giết nhưng bị tàn phá nhân phẩm, ý chí và lòng tự hào. Ngay cả sau này có ra được nước ngoài họ cũng không thể hoàn toàn hồi phục. Đảng Cộng Sản đã hai lần tiêu diệt ý chí và tình cảm dân tộc và đã khiến chúng ta suy nhược một cách trầm trọng trong trí tuệ và tâm hồn. Điều này phải được nhìn rõ.
Sự suy nhược này chính là lý do khiến chế độ cộng sản vẫn còn tiếp tục sau hơn 40 năm dù phạm vô số sai lầm và tội ác, đã khiến nước ta tụt hậu và thua kém bi đát như ngày nay và đã trở thành một chế độ cực kỳ tham nhũng.
Kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8 là dịp để chúng ta, những con người Việt Nam hôm nay, suy nghĩ về một cợ hội đáng lẽ phải mở ra kỷ nguyên vinh quang nhưng lại chỉ mở đầu cho một thảm kịch đã kéo dài 70 năm và vẫn chưa chấm dứt.
Quan trọng hơn, để nghiêng mình kính cẩn trước những tinh hoa của đất nước đã bị sát hại. Cách tôn vinh đúng nhất đối với họ là thực hiện điều mà họ đã mơ ước và đã trả giá bằng tính mạng: một nước Việt Nam dân chủ và đáng tự hào.
Và muốn như thế thì đừng lặp lại sai lầm của họ vào thời điểm 1945. Đừng phân tán lực lượng.
Nguyễn Gia Kiểng
(26/8/2015)

Mời đọc thêm nhân mùa kỷ niệm CMT8:
Trong dịp này tôi xin đăng lại hầu quý thân hữu ba bài đã viết trước đây trong cùng một mạch suy nghĩ:
1.  Nhìn lại Cách Mạng Tháng 8, viết năm 1991 với mục tiêu đóng góp cho một cái nhìn đầy đủ hơn về khúc quanh lịch sử trọng đại này.
2.  Nhìn lại hai cuộc Cách Mạng Pháp 1789 và Việt Nam 1945viết năm 2006 để nói lên sự thiếu vắng bi đát của một điều mà chúng ta vẫn chưa ý thức được một cách đầy đủ sự cần thiết cho một quốc gia: một tư tưởng chính trị. Trong những giai đoạn chuyển hóa lớn dân tộc nào cũng cần được những nhà tư tưởng hướng dẫn, để biết mình nên nghĩ gì, đi hướng nào và làm gì. Tuy vây cả hai cuộc cách mạng này đều đã chỉ do những người hành động lãnh đạo và cả hai dân đã phải trả giá rất đắt.
3.  Vết thương ngày 30 tháng 4, viết năm 1999 để nói lên thiệt hại lớn nhất mà Đảng Cộng Sản đã gây ra cho đất nước sau ngày 30-4-1975: hủy hoại một lớp trí thức chính trị mới vừa mới hình thành.