Trung Quốc sẽ đưa vũ khí tới các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông |
Trung Quốc đem tên lửa tới Biển Đông
Trên tạp chí National Interest, học giả Bonnie Glaser thuộc
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) khẳng định chắc chắn Trung Quốc
sẽ triển khai hệ thống radar và thiết bị nghe lén điện tử trên các đảo nhân tạo
xây trái phép để theo dõi mọi hoạt động ở Biển Đông 24.7.
Đường băng dài 3.000m ở Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của
Việt Nam) đủ sức tiếp nhận mọi máy bay. Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy
Trung Quốc đang xây nhiều cơ sở để chứa máy bay chiến đấu tại đây.
Đô đốc
Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng đánh giá đường
băng 3.000m đủ lớn để tiếp nhận máy bay ném bom B-52 hay máy bay Boeing 747.
Theo
chuyên gia Glaser, với các đảo nhân tạo, Trung Quốc có thể triển khai máy bay
do thám, máy bay cảnh báo sớm, máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy
bay tiếp nhiên liệu và máy bay chiến đấu.
Các bức
ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cũng đang chuẩn bị xây một đường băng lớn khác
tại Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các đường
băng giúp quân đội Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu khắp Biển Đông. Như
vậy, Trung Quốc sẽ có khả năng theo dõi các chiến dịch quân sự của Mỹ trong khu
vực.
Theo đô
đốc Harris, tình báo Mỹ chưa phát hiện Trung Quốc đưa tên lửa hành trình chống
tàu và các hệ thống hỗ trợ tới đảo nhân tạo bất hợp pháp.
Tuy
nhiên ông cảnh báo Trung Quốc sẽ sớm đưa các vũ khí này, cộng với tên lửa đất đối
không, tới Biển Đông. Ngoài ra, cầu cảng ở Đá Chữ Thập sẽ giúp các tàu ngầm
Trung Quốc dễ dàng hoạt động.
Chuyên gia
Glaser nhận định nếu xung đột xảy ra trên Biển Đông, các đảo nhân tạo Trung Quốc
xây trái phép sẽ rất dễ bị lực lượng Mỹ phá hủy. Nhưng trong thời bình, chúng sẽ
tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc kiềm chế lực lượng Mỹ. Các đảo này cũng
có thể phục vụ kế hoạch giành lại Đài Loan của Trung Quốc.
Bên cạnh
đó, tham vọng của Trung Quốc là nguy cơ rất lớn đối với khu vực. Bà nhấn mạnh
ASEAN cần phải cố gắng đẩy nhanh nỗ lực đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển
Đông (COC).
Đồng thời,
Mỹ và các cường quốc phải liên tục tuần tra quanh các đảo nhân tạo bất hợp pháp
do Trung Quốc xây để đảm bảo tự do hàng hải.
Xây đường
băng trái phép đủ để đưa máy bay ném bom ra hoạt động
Trong
khi đó, ngày 31/7, đài truyền hình NHK Nhật Bản đưa tin cơ quan nghiên cứu Mỹ
phân tích cho rằng, đường băng máy bay do Trung Quốc lấn biển thi công (bất hợp
pháp) ở Biển Đông là đường băng máy bay có quy mô lớn nhất ở khu vực xung
quanh, có thể sử dụng cho máy bay ném bom chiến lược.
Kết quả
phân tích, đường băng máy bay này dài khoảng 3.000m, gấp 2 - 6 lần so với độ
dài đường băng do các nước như Malaysia và Philippines xây dựng ở các đảo lân cận,
có quy mô lớn nhất ở toàn bộ khu vực, có thể sử dụng cho máy bay ném bom chiến
lược.
Trả lời
phỏng vấn đài NHK, nhà nghiên cứu Mira Rapp Hooper của CSIS cho biết:
"Xây dựng đường băng dài như vậy chỉ có thể là do Trung Quốc muốn bảo đảm
cất hạ cánh tất cả các máy bay quân dụng của họ".
Trước
đó, tại Học viện Hudson ở Washington, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy
ban Quân lực Thượng viện Mỹ lo ngại khả năng TQ sẽ quân sự hóa các đảo nhân tạo
xây dựng phi pháp và tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông
để khẳng định yêu sách chủ quyền.
“Họ xây
đường băng và sẽ đưa vũ khí đến đó, điều tiếp theo bạn chứng kiến người TQ làm
là khi máy bay Mỹ dù là máy bay thương mại hoạt động ở đây, họ sẽ nói 'phải nhận
diện' - một ADIZ đồng nghĩa với khẳng định chủ quyền lãnh thổ", ông McCain
nói.
Đầu
tháng 7, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris
mới đây cho biết, hiện các vỉa đá ngầm mà TQ chiếm giữ và xây dựng trái phép ở
Biển Đông nhìn giống hệt các căn cứ cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu
và hoạt động do thám.
Đô đốc
Mỹ cảnh báo TQ cần lập tức dừng ngay việc "hung hăng áp chế xây dựng đảo"
ở Biển Đông" - hành động mà ông lập luận rõ ràng sử dụng cho mục đích quân
sự của TQ nhằm chống lại các nước láng giềng.
Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới