26 août 2015

Giới trẻ vận động cộng đồng quan tâm đến dân oan Việt Nam


Linh Nguyễn
 
NAHEIM, California (NV) - Hai bạn trẻ từ Âu Châu đến Little Saigon để vận động cộng đồng người Việt quan tâm đến vấn đề dân oan Việt Nam được giới truyền thông tiếp xúc và thân hữu đón tiếp nồng hậu lúc 7 giờ 30 tối Thứ Sáu, 14 Tháng Tám, tại tư gia của một thành viên Hội Anh Em Yêu Nước ở Anaheim.

 Phạm Dương Đức Tùng (trái) và MiVân Lovstrom. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)



"Phạm Dương Đức Tùng từ Paris, Pháp, và MiVân Lovstrom từ Na Uy đến đây, vì hai bạn vô cùng xúc động thấy cảnh dân oan trẻ nhất Việt Nam là em Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, bị công an đến tận nhà bắt bỏ tù, và trước đó cha mẹ em bị cưỡng chế từ nhiều năm nay," anh Nguyễn Thiện Thành, một thành viên Hội Anh Em Yêu Nước, nói với nhật báo Người Việt.

"Chuyện bắt một em bé đi tù từ hai đến bảy năm và ghép cho tội đánh người là quá đáng, chỉ vì em muốn giúp cha mẹ buôn bán nuôi sống gia đình," anh Thành nói thêm.

Anh Thành cho biết, trong chuyến đi này, hai người bạn trẻ tiếp xúc các cơ quan truyền thông, như SBTN, SET, Hồn Việt TV, VNA-57.3 và Radio Bolsa, để hai bạn có phương tiện trình bày sự kiện dân oan hiện tiếp diễn hàng ngày tại Việt Nam.

"Chúng tôi từng làm việc với nhau khoảng bốn tháng qua chương trình 'We Are One' để kết nối đấu tranh toàn cầu," anh giải thích.

Anh Phạm Dương Đức Tùng, 40 tuổi, cho biết : "Tôi được sinh ra vào Tháng Ba, 1975 ở Việt Nam và qua Pháp sinh sống đến nay đã gần 30 năm. Cách đây 20 năm, tôi đã từng sinh hoạt với Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris và là chủ bút của nguyệt san Nhân Bản. Từ năm 2000 đến nay, tôi kết nối làm việc với những cá nhân độc lập phi đảng phái  như tôi ở trong và ngoài nước trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền".

"Dân oan ở Việt Nam không được đối xử như dân oan tại các nước khác, trong khi Việt Nam hiện nay là thành viên của Liên Hiệp Quốc. Tại sao có sự đối xử khác biệt? Họ đòi công lý, đòi quyền con người được đối xử như một con người," anh nói.

"Xin hãy nói 'không' với tham nhũng và độc tài. Hãy cho toàn thế giới biết về thảm cảnh dân oan tại Việt Nam, bằng một ngày chân đất đi bộ đồng hành cùng dân oan Việt Nam, trên toàn thế giới, trong và ngoài nước, cùng một ngày, cùng một tiếng nói đòi công lý và nhân quyền cho Việt Nam," anh kêu gọi.

Người bạn trẻ thứ hai là MiVân Lovstrom, 32 tuổi, sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Thụy Điển và định cư tại Na Uy từ 15 năm nay.

"Tôi tham gia các sinh hoạt của sinh viên và giúp gây quỹ từ thiện. Nhưng từ khi tôi về Việt Nam, tôi đi Phú Quốc, ra Hà Nội, tôi gặp những cô dâu Việt lao động ở Nam Hàn, tôi cảm được những nỗi đau của họ," cô MiVân nói.

Dân oan Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, bị CSVN bỏ tù. (Hình: Facebook)

"Tôi cũng có dịp đi Quảng Trị, Huế, Nghệ An. Nơi đây tôi đến một căn nhà, chỉ có hai vợ chồng và bốn đứa con. Đứa mặc áo thì không có quần. Đứa có quần thì không có áo để mặc. Trong nhà chỉ có một chiếc giường tre duy nhất," cô kể.

"Khi từ giã, chủ nhà tặng tôi hai trái khóm. Tôi từ chối vì thấy trong nhà họ chỉ có hai trái khóm. Tôi không nỡ lấy. Tôi rất khó chịu nhưng họ bắt phải nhận. Tôi tưởng như lấy đi cả gia tài của họ!" cô xúc động kể lại.
"Tôi còn được biết ở đây, người chết phải đem thiêu. Khi còn sống, gia đình thiếu ăn nhưng họ vẫn chia sẻ. Họ cho hết nhưng gì họ có. Tôi cảm thấy biết ơn những người mà tôi được gặp. Từ đó, mỗi ngày tôi muốn tìm cách để giúp họ nhiều hơn nữa," cô nói mà mắt ngấn lệ.

"Chỉ nói về nhân quyền, người dân Việt Nam không có sự lựa chọn, nhưng chúng ta có sự lựa chọn. Xin hãy quan tâm đến họ nhiều hơn nữa. Xin tạo phương tiện cho họ (dân oan) bằng những tấm vé xe đò, hay trợ giúp pháp lý cho họ, để tương lai con cháu họ không bị mất đi," cô gái trẻ nói.

"Chúng ta chọn làm ngơ hay chọn cùng đồng hành với đồng bào?" cô đặt câu hỏi.

Một người khác đến từ San Diego, ông Tú Nguyễn, 50 tuổi, chia sẻ: "Trước đây, tôi quan tâm đến những tù nhân lương tâm. Tôi chú ý đến anh Đỗ Nam Hải."

"Mười năm trước, chúng ta nhìn những người Việt từ trong nước ra, chúng ta coi họ là Cộng Sản, nhưng sau này, nhờ Facebook tôi được thấy những chia sẻ của những người trong nước. Tôi lại thấy thương họ, vì mình không có phương tiện tìm hiểu họ," ông Tú nói.

"Chúng ta phải củng cố hải ngoại, phát triển văn hóa, bắt tay với đồng bào trong nước, phát triển lộ trình tự do cho họ. Tôi lạc quan và thông cảm được với những người trong nước dám nói 'Tôi không sợ Cộng Sản' dù biết là sau đó họ phải ở tù, cô đơn ra sao," ông nói.

Ông Uyên Vũ, từ Việt Nam mới sang Mỹ, tâm sự: "Suốt 40 năm trải nghiệm những gì của người dân oan phải hứng chịu, tôi từng cuốc đất, cấy lúa, nên thấu hiểu đất đó sẽ có thể mất đi. Bộ luật đất đai của Xã Hội Chủ Nghĩa nói đất đai của toàn dân, nhưng do nhà nước quản lý. Chúng ta phải tranh đấu để thay đổi bộ luật đó."

"Nếu Cộng Sản Việt Nam biết khôn, họ phải trả lại đất và cho dân quyền quản lý. Mảnh đất của cha ông, của tổ quốc, CSVN không thể lấy đi. Tôi thấy thương cảm cho đồng bào còn ở trong nước. Chế độ Cộng Sản cần phải thay đổi tận gốc," ông Uyên khẳng định.
 
 Phạm Dương Đức Tùng và MiVân Lovstrom (giữa) cùng giới truyền thông và thân hữu. 
(Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông cho biết ông từng là blogger và hiện là thành viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do.

"Chúng tôi mới tái tục câu lạc bộ này với anh Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần, anh Ba Sài Gòn. Chúng tôi chọn truyền thông là vũ khí, vì CSVN sợ sự thật. Chúng tôi giúp bày tỏ mọi sự thật," ông Uyên nói.

Người sau cùng là anh Trương Quốc Huy, từng ở tù Cộng Sản sáu năm ở Việt Nam, nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác.

"Chúng ta phải chú ý đến các nguồn đầu tư nước ngoài. Họ bỏ tiền ra thì họ chỉ biết là phải có lợi. Vì thế, họ chọn những nơi nào có đường xá mở sẵn. Thí dụ các nhà đầu tư chọn tỉnh Bình Dương là một tỉnh chỉ trồng cây ăn trái, nếu CSVN trưng dụng khu này dựa trên bộ luật đất đai hiện thời, sự bồi thường sẽ không thỏa đáng, nạn dân oan sẽ xảy ra," anh Huy nói.

Trong phần hội thảo và dùng bữa tối, anh Đức Tùng cho biết trên Facebook của anh, dân oan là ai: "Dân oan Việt Nam là một bộ phận đáng kể của người dân trên ba miền đất nước, ngày càng quyết liệt trong cuộc đấu tranh đòi công lý, đòi quyền con người và chống chế độ độc tài."

"Dân Oan là những người dân lương thiện đã trở thành nạn nhân của những chính sách bất cập trong sở hữu và quản lý đất đai, trong đó các quan chức nhà nước cấu kết với giới đại gia, lợi dụng danh nghĩa đầu tư phát triển để thu hồi đất đai, tịch thu nhà cửa và toàn bộ tư liệu sản xuất của người dân, đổi lại một số tiền đền bù rất ít ỏi từ nhà nước, rồi sau đó bán lại với giá thành 10, 20 lần cao hơn."

Anh cho biết thêm: "Đối diện với cả một hệ thống cưỡng cướp bằng bạo lực có tổ chức của nhà nước, các gia đình dân oan, trên khắp đất nước, lâm vào cảnh cùng khổ, bất cứ với sự lựa chọn nào, hoặc họ chấp nhận sự đền bù tượng trưng và bất công, để mất trắng thành quả của mấy chục năm lao động và bắt đầu cuộc sống mới với hai bàn tay trắng. Hoặc họ phản đối và trở thành dân oan, bị cưỡng chế, đánh đập, tống giam vào tù với những điều luật mơ hồ của Bộ Luật Hình Sự: “chống đối người thi hành công vụ,” “gây rối trật tự công cộng,” “cố ý gây thương tích” mà mức án là từ hai đến bảy năm tù."

"Nhưng dân oan cũng là những người bị công an đánh đổ máu oan, bị kết án oan, bị tù oan, bị khép tội oan và bị chết oan ức trong đồn công an," anh viết.

Sau cùng, anh Đức Tùng kể về "người tù dân oan trẻ tuổi nhất ở Việt Nam."

"Đó là Nguyễn Mai Trung Tuấn sinh ngày 31/3/2000, 15 tuổi, học lớp 9, là trưởng nam của anh Nguyễn Trung Can và chị Mai Thị Kim Hương, dân oan từ năm 2009," trang Facebook của Đức Tùng ghi lại.

Em Nguyễn Mai Trung Tuấn phụ gia đình đẩy xe bán nước mía, nhưng bị công an ngăn cản, hành hạ và sau cùng em bị bắt giam ở Long An.
Gia đình em Tuấn đến nay cả nhà bị bắt, chỉ còn lại em gái, Thảo Vy, 14 tuổi, là ở ngoài vòng lao lý.

Anh Nguyễn Thiện Thành cho biết hai bạn trẻ lên đường trở về Âu Châu hôm Chủ Nhật 16/8/2015 và dự trù sẽ trở lại Little Saigon để gặp gỡ đồng hương quan tâm đến vấn đề dân oan ở Việt Nam.

---
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com