Nhà bình luận Phạm Chí Dũng RFI/Capdevielle |
Tháng
Sáu vừa qua Bộ Nội vụ Việt Nam đã công bố Dự thảo Luật về Hội để lấy ý kiến từ
các cơ quan nhà nước, các địa phương và người dân. Một số nội dung trong dự
luật này đã vấp phải sự phê phán từ giới xã hội dân sự.
RFI
Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon về vấn đề này.
RFI
: Thân
chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, gần đây dư luận và đặc biệt là các
tổ chức xã hội dân sự rất chú ý đến dự thảo luật về hội vừa được đưa ra. Với tư
cách chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, một hội được thành lập trước khi dự thảo
luật này được đưa ra, anh có nhận xét gì?
Nhà
bình luận Phạm Chí Dũng : Tôi thấy Dự thảo
Luật về Hội của Nhà nước không minh bạch và có tính chất phân biệt đối xử giữa
các hội đoàn Nhà nước với xã hội dân sự.
Cụ
thể là quy định tại khoản 2 Điều 1 của Dự thảo này đã không đưa Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam vào
phạm vi điều chỉnh, cho thấy chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử sâu sắc với
các hội đoàn xã hội dân sự ; và nhằm đối phó với trí thức phản biện, dân oan,
công nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh…
Điểm
thứ hai cần lưu ý là việc đặt ra giấy phép trong Dự thảo Luật là một rào cản.
Khoản 3 Điều 2 cho phép Chính phủ Việt Nam quy định chi tiết về các hội đoàn
không có tư cách pháp nhân. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho các văn bản dưới
luật bóp nghẹt quyền tự do lập hội ra đời. Do đó, phần lớn nội dung của Dự thảo
Luật về Hội thực ra chỉ áp dụng đối với hội có tư cách pháp nhân, tức được
chính quyền công nhận.
Trong
khi đó, quyền lập hội là quyền Hiến định, bất cứ người dân nào cũng có quyền
lập hội và tham gia hội. Do đó việc lập Hội chỉ cần GHI DANH và CÔNG BỐ, ĐĂNG
KÝ, chứ không cần xin phép và đợi sự cho phép của cơ quan Nhà nước.
Một
điểm nữa cũng cần đề cập tới : Điều 8 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm,
trong đó có việc « cản trở, ép buộc, can thiệp vào việc thành lập, tổ chức,
hoạt động hội trái quy định của pháp luật »(Khoản 1) và « xâm phạm quyền
và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân; gây phương hại
đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân
tộc » (Khoản 2).
Mục
đích của Điều 8 là nhằm cấm các hội đoàn độc lập, các hội đoàn bảo vệ nhân
quyền, các hội đoàn của những người đối lập... không được thành lập và hoạt
động; và tạo điều kiện dễ dàng để chính quyền vu khống, buộc tội tùy tiện những
người làm nhiệm vụ vận động thành lập các hội đoàn độc lập. Ngoài ra, các điều
cấm đoán đã trích dẫn trên đây rất mơ hồ, tạo điều kiện để chính quyền toàn
quyền diễn giải cách hiểu và áp dụng theo ý riêng của mình.
Bên
cạnh đó, Dự thảo cũng vi phạm nguyên tắc tự nguyện và tự quản của hội. Trong đó
có quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân
các cấp trong việc công nhận điều lệ hội và chức danh người đứng đầu hội tại
Điều 14 và Điều 31. Những điều này hoàn toàn mâu thuẫn và vi phạm nguyên tắc tự
nguyện và tự quản của hội như đã được công nhận và quy định tại Điều 2 và Điều
6.
RFI
: Thưa anh, điều mà anh gọi là phân biệt đối xử ở trên
đối với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…
phải chăng là thực tế lâu nay/ thói quen hành chính hóa các tổ chức hội đoàn ?
Chúng
ta có thể gọi là hành chính hóa hoặc nhà nước hóa hội đoàn. Bởi lẽ hội là một
tổ chức xã hội, chứ không phải là cơ quan thuộc bộ máy nhà nước, nên không thể
chịu sự quản lý của nhà nước về ngành và lĩnh vực hoạt động của mình, như quy
định của Khoản 2 Điều 25. Quy định đó mặc nhiên « nhà nước hóa » một tổ chức xã
hội dân sự đơn thuần.
Còn
một số bất cập khác. Chẳng hạn Khoản 6 điều 9 quy định một trong những điều
kiện thành lập hội là « phải có đủ số người đăng ký tham gia hội tối thiểu
theo quy định của Chính phủ » là một sự xâm phạm nghiêm trọng quyền Tự do
lập hội. Nếu Chính phủ quy định con số tối thiểu này quá lớn sẽ ngăn cản việc
thành lập các nhóm hội nhỏ ngay từ ban đầu. Thực chất, như ở Pháp chỉ cần hai
người là có thể lập thành một hội.
Mặt
khác, Khoản 3 Điều 9 quy định các hội đoàn ra đời sau thì lĩnh vực hoạt động
chính không được trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành
lập « hợp pháp » trước đó. Điều này một lần nữa tạo ưu thế tồn tại độc tôn của
các hội đoàn nằm dưới ô dù của Nhà nước, và ngăn cản sự thành lập của các hội
đoàn độc lập, không đăng ký trong cùng một phạm vi hoạt động.
Chúng
ta biết rằng hầu hết các hội đoàn thuộc xã hội dân sự thành lập sau này đều có
những lãnh vực hoạt động trùng với các lãnh vực của hội đoàn nhà nước. Nếu căn
cứ vào những lãnh vực chính đó, thì sẽ không có một tổ chức xã hội dân sự độc
lập nào được tồn tại.
Ngoài
ra cũng cần đề cập tới một vấn đề thuộc về cơ chế. Khoản 1 Điều 10 đề cập đến
việc Ban vận động thành lập hội phải có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công
nhận. Đây là một quy định vô lý. Trong thực tế, Ban vận động thành lập hội có ý
nghĩa quyết định. Ban vận động thành lập hội mà không được chính quyền công
nhận, thì hội sẽ không bao giờ được thành lập ! Đây sẽ là điều kiện để chính
quyền loại bỏ ngay từ đầu quyền tự do lập hội của những người bất đồng chính
kiến hoặc giới hoạt động nhân quyền.
Cuối
cùng, tôi muốn đề cập tới tên của Dự thảo Luật. Cần đổi tên « Luật về Hội »
thành « Luật về Quyền lập Hội » để phù hợp với tinh thần của Điều 22
trong « Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị », là công
nhận và bảo vệ Quyền tự do lập hội của người dân. Một dự luật về hội đoàn mà
không tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về Quyền tự do lập hội, sẽ là một bước lùi
nghiêm trọng trong nỗ lực xây dựng nền pháp trị.
RFI
: Ngoài ra cũng có
những ý kiến cho là nên đơn giản hóa thủ tục thành lập hội, và tốt nhất nên để
các hội tự quản trị thay vì phải chịu sự giám sát của Nhà nước ?
Tôi
cũng nghĩ vậy. Những nước phát triển đã áp dụng chuyện này từ lâu rồi, như tôi
đã có đề cập đến việc thành lập hội chỉ cần có hai người mà thôi. Và tất cả
việc quản lý hội được dựa trên cơ sở sự minh bạch về thông tin và tài chính.
Thực
ra ở đây còn vấn đề chính trị nữa. Việc đưa ra quá nhiều quy định về giấy phép,
những rào cản đăng ký, xin phép…chính là động thái chính trị để ngăn cấm các
hội đoàn xã hội dân sự độc lập ra đời, chứ không phải chỉ làm khó cho họ trong
quá trình hoạt động mà thôi.
Cho
nên tôi nghĩ rằng để đáp ứng với yêu cầu về nhân quyền trong nước và quốc tế,
Nhà nước cần cởi nới và mở lòng hơn trong việc xây dựng Luật lập Hội đáp ứng
với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Và phải cho phép các
hội, các tổ chức xã hội dân sự độc lập được hoạt động một cách thoải mái, tự do
– tất nhiên là tự do trong khuôn khổ pháp luật như là Nhà nước yêu cầu. Tất cả
những việc này là để đóng góp cho nhân quyền, chứ không phải là làm những việc
mà các hội đoàn nhà nước đang làm một cách vô nghĩa.
Ví
dụ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ trước tới nay chưa từng tổ chức được
một cuộc biểu tình nào cho công nhân để đáp ứng những quyền lợi, lợi ích chính
đáng của họ. Trong khi đó Công đoàn độc lập là một yếu tố cực kỳ cần thiết, phù
hợp với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương TPP – phải
có Công đoàn độc lập làm đối trọng, mới có thể giải quyết được một số quyền lợi
của người lao động.
RFI
: Thưa anh hình như đâu chỉ có dự luật về hội, mà năm
nay còn có cả dự luật về tôn giáo ?
Dự
luật này cũng gây phản ứng lớn. Cho tới tháng Năm vừa rồi, Luật Tín ngưỡng Tôn
giáo đã được dự thảo tới lần thứ tư, được Bộ Nội Vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ
chuyển gấp đến cho các tôn giáo trong nước trong thời gian rất ngắn để xem và
góp ý. Nhưng sau đó ít nhất có Hội đồng Giám mục Việt Nam, cũng như hai Tòa
Giám mục Bắc Ninh và Kontum chính thức có phản hồi với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng và Ban Tôn giáo Chính phủ về Dự thảo Luật đó.
Nhận
định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam do Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt,
Tổng thư ký, thay mặt Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam ký ngày 4 tháng
5, đưa ra nhận định nói rõ : « Nhìn chung, bản Dự thảo 4 đi ngược lại với
quyền tự do vế tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình
an cho mọi người. »
Sau
khi nêu ra 14 chi tiết về bản dự thảo nhận được, Hội đồng Giám mục Việt Nam có
ba kiến nghị. Thứ nhất là : « Không đồng ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
». Thứ hai : « Đề nghị soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế
tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ ». Điểm thứ ba : « Bản
dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo; đặc biệt các tổ
chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ. »
Nhận
định của Tòa Giám mục Bắc Ninh do linh mục Tổng đại diện Giuse Nguyễn Đức Hiểu
ký tên thay mặt giáo phận nêu rõ : « Theo nhiều nước tiên tiến trên thế
giới, những văn bản quy phạm pháp luật sinh ra nhằm ngăn chặn những người thực
thi pháp luật lạm dụng quyền đối với người dân; nhưng nhìn nhận cách khách
quan, những điều nêu trong Dự thảo 4 muốn tái lập cơ chế Xin-Cho trong các sinh
hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Cơ chế Xin-Cho biến quyền tự do của con người thành
những thứ quyền Nhà nước nắm trong tay và ban lại cho người dân qua những thủ
tục cấp phép ».
Như
vậy từ đầu năm đến nay Nhà nước đã đưa ra hai Dự thảo, về tín ngưỡng và về hội.
Cả hai Dự thảo này đều vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía giới dân chủ và những
người quan tâm tới các bộ luật này. Cũng cần nhắc lại là nếu tính từ năm 1992,
là khi Hiến pháp quy định về các quyền đương nhiên là quyền tự do lập hội, tự
do tín ngưỡng, thì cho đến nay đã 23 năm trôi qua, mà vẫn chưa có nổi một Luật
lập Hội ở Việt Nam.
RFI
: Xin rất cảm ơn
nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
Nguồn: Theo RFI