NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC
LỊCH SỬ VỀ SÀI GÒN NHỮNG NĂM
THÁNG NÀY
PHẠM ĐÌNH TRỌNG
Mấy năm trước, trong những ngày lịch sử bi tráng 19.1, 17.2, 14.3, người
dân thủ đô Hà Nội đều thành kính làm lễ tưởng niệm những dòng máu Việt Nam đã đổ
thấm đẫm đất Mẹ Việt Nam, đã loang đỏ trên biển Việt Nam trong cuộc chiến đấu
chống quân Tàu Cộng xâm lược bảo vệ đất đai biển đảo Việt Nam và đều bị chính
quyền Hà Nội giở những trò đê tiện, bỉ ổi, ô nhục nhất để phá buổi lễ linh
thiêng của lòng dân, của hồn nước, như:
Huy động những kẻ tâm địa tối tăm, mù quáng ra chiếm không gian hành lễ
của dân. Được chính quyền Hà Nội đưa ra phá buổi lễ của dân tri ân liệt sĩ, những
con người đã trở thành công cụ có tâm địa tối tăm đến mức trong thời khắc bi thảm
của lịch sử Việt Nam, trong thời khắc đất đai biển đảo của Việt Nam bị quân Tàu
Cộng chiếm đoạt, trong giờ phút đau thương của mọi trái tim yêu nước Việt Nam
trước những khí phách Việt Nam bị quân Tàu Cộng giết hại thì những tâm địa tối
tăm đó lại hơn hớn ôm nhau hát múa trong điệu nhạc Tàu “Con Bướm Xinh” lạc
lõng.
Bỉ ổi, lố bịch và ngu xuẩn đến mức những tâm địa tối tăm đó còn mang cả
cờ đảng của họ ra đối lập với người dân, dùng cờ đảng xua đuổi người dân yêu nước.
Đưa lá cờ đảng ra đối lập với lòng yêu nước thương nòi của người dân Việt Nam,
đối lập với đạo lí Việt Nam, những tâm địa tối tăm đã tầm thường hóa, đã phỉ
báng, hạ nhục lá cờ đảng của họ và tố cáo bản chất phi dân tộc của lá cờ đỏ búa
liềm.
Giọng điệu tuyên giáo và ngón nghề công an, hai công cụ chuyên chính
vô sản đều không coi những người dân thành kính tưởng niệm liệt sĩ là nhân dân
mà họ đẩy người dân bộc lộ lòng yêu nước sang phía thế lực thù địch để tuyên
giáo mạt sát và công an đàn áp. Nhưng những “thế lực thù địch” đó đã mang cả cuộc
đời chiến đấu hi sinh dựng lên thể chế này, nhà nước này, đã bảo vệ sự tồn tại
thể chế này, nhà nước này và họ vẫn đang miệt mài lao động sáng tạo làm ra của
cải vật chất cho xã hội và đóng thuế nuôi thể chế này, nhà nước này.
Họ là Nhân Dân đích thực. Tuyên giáo và công an, bộ máy đảng và nhà nước
mạt sát và đàn áp họ là sự bội bạc vô ơn của thứ vô loài, không còn đạo đức cơ
bản của con người. Một nhà nước với những công chức không còn những đạo đức cơ
bản của con người thì nhà nước đó có còn tử tế?
Họ là Nhân Dân đích thực. Nhưng là Nhân Dân đã thức tỉnh, đã nhận ra
ánh sáng của sự thật, của lẽ phải, là phần ưu tú của Nhân Dân, phần có vai trò
quyết định cho sự vận động, phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đối lập với
họ là đối lập với lương tri Việt Nam, là kìm hãm sự vận động, phát triển của lịch
sử Việt Nam.
Những việc làm ô nhục đó gắn liền với những cái tên Phạm Quang Nghị,
Nguyễn Thế Thảo và những cái tên ô nhục đó sẽ còn mãi trong trang sử đen tối,
đau buồn của Hà Nội, của Việt Nam.
Nhưng năm nay, dịp 17.2.2016, dù chỉ là năm lẻ, 37 năm cuộc chiến đấu
giữ nước ở biên giới phía Bắc, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lên tận nghĩa
trang liệt sĩ trên biên giới phía Bắc thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ ngã xuống
trong cuộc chiến đấu chống quân Tàu Cộng xâm lược. Ở Hà Nội, buổi lễ tự phát của
người dân tưởng niệm liệt sĩ trong cuộc chiến tranh 10 năm, 1979 – 1989, bảo vệ
cượng vực lãnh thổ phía Bắc đã diễn ra bình yên, không bị ngăn cản, chống phá
như những năm trước. Người dân Hà Nội và người dân cả nước ghi nhận sự chuyển
biến tích cực, hợp lòng dân, đúng đạo lí, biết trở về với dân tộc, với nhân dân
của những người cầm quyền vừa nhậm chức ở Hà Nội.
Trong khi đó, những năm trước, chính quyền Sài Gòn cũng tung lực lượng
ra phong tỏa, giám sát buổi lễ người dân tưởng niệm những ngày lịch sử đau buồn
19.1, 17.2, 14.3 nhưng sự phong tỏa, giám sát không đến nỗi thô bạo, thấp hèn
như Hà Nội đã làm cùng thời gian đó. Công an Sài Gòn không đến chặn cửa từng
nhà không cho người dân ra khỏi nhà đến nơi tưởng niệm, không đưa côn đồ đến
phá buổi lễ linh thiêng của hồn Việt. Trong sự giám sát, bao vây dày đặc của an
ninh, mật vụ chìm nổi, buổi lễ trang nghiêm, xúc động của người dân Sài Gòn vẫn
diễn ra trong linh thiêng hương khói, trong thành kính biết ơn, trong đinh ninh
lời thề với hương hồn liệt sĩ.
Trong khi thế hệ lãnh đạo hôm nay của Hà Nội không lặp lại nỗi ô nhục
của người tiền nhiệm, biết trở về với lịch sử Việt Nam, trở về với lương tâm, đạo
lí Việt Nam thì những người lãnh đạo mới của Sài Gòn hôm nay lại đi giật lùi
vào trang sử Bắc thuộc đau thương tủi nhục, trái tim và dòng máu của họ như đã
thay bằng trái tim và dòng máu Hán khi họ tung lực lượng lớn công an ra chặn
phá thô bạo, quyết liệt buổi lễ tự phát của người dân Sài Gòn sáng 17.2.2016 tưởng
niệm những người lính và người dân Việt Nam ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo
vệ biên cương phía Bắc chống Tàu Cộng xâm lược 37 năm trước.
Công an đến chặn cửa từng nhà những người dân Sài Gòn đã tham gia lễ
tưởng niệm ngày 17.2 những năm trước. Trước nhà mỗi nhà thơ, nhà văn, nhà báo,
học giả già yếu chỉ còn tấc lòng với nước non như nhà thơ Phan Đắc Lữ, 80 tuổi,
nhà văn Lê Phú Khải 75 tuổi, nhà nghiên cứu Hạ Đình Nguyên, 74 tuổi, nhà văn Phạm
Đình Trọng, 72 tuổi, nhà báo Kha Lương Ngãi, 70 tuổi, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
66 tuổi . . . đều có cả chục an ninh đằng đằng sát khí chốt
chặn vòng trong vòng ngoài từ đêm 16.2.
Tự do đi lại, tự do xê dịch là quyền đương nhiên của mọi động vật huống
chi là con người. Vì thế, điều 23 Hiến pháp hiện hành ghi nhận: “Công dân có
quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước. Có quyền ra nước ngoài và từ nước
ngoài trở về” Chỉ có tội phạm mới bị pháp luật tước quyền tự do đi lại. Công an
Sài Gòn ngang nhiên tước đoạt quyền tự do đi của công dân lương thiện, của những
trí thức, những nhà văn hóa là sự vi phạm nghiêm trọng hiến pháp, pháp luật, là
ngang nhiên dẫm đạp lên Hiến pháp.
Nhưng không cường quyền nào, bạo lực nào có thể buộc người dân phải sống
trái đạo lí! Người này không thể đến làm lễ tưởng niệm những liệt sĩ đã hi sinh
cho Tổ quốc thì đã có người khác thực hiện và buổi lễ của lòng dân, của đạo lí
Việt Nam vẫn được tiến hành. Một người già bị cả chục an ninh chặn cửa không
cho đến lễ tưởng niệm liệt sĩ thì đã có hàng chục người trẻ thay thế. Những người
trẻ ưu tú đã vào cuộc, đã nhận lấy sứ mệnh làm chủ thời của họ. Thời của chúng
tôi đã qua. Chúng tôi không còn vai trò gì trong cuộc sống hôm nay. Những gì có
thể làm, chúng tôi đã làm rồi. Chúng tôi đã chiến đấu hi sinh, đã mang toàn bộ
năm tháng tuổi trẻ dựng lên thể chế này, nhà nước này và đã để lại một di sản nặng
nề cho những người trẻ hôm nay. Đất nước hôm nay đã thuộc về những người trẻ.
Thời trẻ chúng tôi say lí tưởng cộng sản như thế nào thì những người trẻ hôm
nay cũng say giá trị dân chủ, giá trị quyền con người như vậy. Lí tưởng chúng
tôi theo đuổi là sai lầm và ảo tưởng nhưng giá trị dân chủ, giá trị quyền con
người là vô cùng quí giá, thiết thực.
Với ý thức về dân chủ và quyền con người được Hiến pháp hiện hành bảo
đảm, ngày 17.2.2016, những người trẻ đã tập hợp bên tượng đài Trần Hưng Đạo bến
Bạch Đằng làm lễ tưởng niệm những dòng máu Việt Nam đã thấm đẫm đất Mẹ Việt Nam
trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc chống quân Tàu Cộng xâm lược.
Tưởng niệm cả những mảnh đất lịch sử của Việt Nam đã bị Tàu Cộng đánh chiếm
trong cuộc chiến tranh đó. Và chính trong buổi lễ này, công an Sài Gòn đã làm một
việc tồi tệ, ô nhục chưa từng có ở Sài Gòn là xông vào cướp giật và phá nát
vòng hoa viếng hương hồn liệt sĩ bỏ mình vì nước!
Quân đội và công an Sài Gòn là hai lực lượng Bí thư Đinh La Thăng quan
tâm và đến làm việc trước tiên khi ông về nhận trọng trách Bí thư thành ủy Sài
Gòn. Tôi xin hỏi Bí thư Đinh La Thăng:
. Ông có biết việc làm sai trái, tệ hại, vi phạm pháp luật, táng tận
lương tâm của công an Sài Gòn ngày 17.2.2016: Công an kéo lực lượng đông đảo đến
chặn cửa nhiều nhà người dân, không cho người dân ra khỏi nhà. Công an xông vào
cướp giật vòng hoa và phá nát vòng hoa viếng liệt sĩ trong buổi lễ người Sài
Gòn tưởng niệm những hồn thiêng liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc trong cuộc chiến
tranh chống giặc Tàu xâm lược bảo vệ biên cương phía Bắc 1979 – 1989.
. Vì sao Bí thư Đinh La Thăng vừa nhận chức ở Sài Gòn thì ngày
17.2.2016, công an Sài Gòn bỗng có hành xử tệ hại, tai tiếng, có tội với nhân
dân, có tội với lịch sử, làm ô danh mảnh đất Sài Gòn, làm ô danh lãnh đạo Sài
Gòn đến như vậy?
Cảnh sát giao thông trên cả nước làm luật ăn hối lộ của lái xe chỉ để
lại tiếng xấu cho hôm nay, cho một thời. Nhưng công an Sài Gòn chặn cửa nhà
dân, không cho người dân đến nơi làm lễ tưởng niệm liệt sĩ bỏ mình trong cuộc
chiến đấu chống Tàu Cộng xâm lược bảo vệ Tổ quốc, công an phá nát vòng hoa viếng
hồn liệt sĩ hi sinh cho Tổ quốc trong cuộc chiến đấu chống Tàu Cộng xâm lược là
hành động của tâm thế nô lệ cho Tàu Cộng, tâm thế Bắc thuộc, bán nước, là hành
động chống lại dân tộc Việt Nam, chống lại lịch sử Việt Nam, để lại tiếng xấu
cho lịch sử, cho muôn đời.
Và người phải chịu trách nhiệm về tiếng xấu đó với lịch sử, người phải
mang tiếng xấu với lịch sử phải là người “có danh gì với núi sông”, phải là người
có tên tuổi trong lịch sử. Đó chính là người lãnh đạo cao nhất của Sài Gòn những
năm tháng này, bí thư thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng