06 février 2017

Họ không phải là những người dân chủ

Hồng Việt

khongdanchu1
Họ đã đánh cắp trang báo điện tử Thông Luận

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vừa bị đánh phá từ bên trong. Một số thành viên bất mãn đã đánh cắp trang báo điện tử Thông Luận www.ethongluan.org và Blog Thông Luận www.ethongluan01.blogspot.com. Họ còn ra tuyên bố bất tín nhiệm ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo,và một bức thư đề nghị giải tán ban lãnh đạo, trong đó có một câu như sau :
"Một tổ chức đảng phái, chủ trương xây dựng một đất nước dân chủ đa nguyên, muốn phát triển và được nhiều người ủng hộ thì mô hình tổ chức của đảng phái ấy phải là mô hình tổ chức thu nhỏ của một quốc gia dân chủ đa nguyên".

Nhưng tổ chức có thực sự là một mô hình thu nhỏ của quốc gia không ?
Quốc gia là một không gian liên đới của những con người tự do và đồng ý sống chung với nhau. Vì mỗi người trong quốc gia có những điều kiện sinh hoạt, những ưu tư và nguyện ước khác nhau nên quốc gia phải được tổ chức theo thể chế dân chủ đa nguyên để mỗi cá nhân được tự do thực hiện những dự định của mình và xây dựng hạnh phúc cho riêng mình. Trong một quốc gia dân chủ đa nguyên, mỗi người được tự do suy nghĩ và hành động miễn là không vi phạm luật pháp.
Tổ chức chính trị là sự kết hợp tự nguyện của những con người có cùng lý tưởng nhằm thực hiện một mục tiêu chung, cụ thể là một dự án chính trị. Khi tham gia tổ chức, các thành viên chấp nhận hi sinh một phần tự do cá nhân để tuân theo kỷ luật của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu chung. Nếu mỗi người tham gia tổ chức vì mục tiêu riêng của bản thân thì tổ chức không thể tồn tại.
Như vậy, tổ chức là dụng cụ của sự thay đổi, một nhịp cầu nối liền một hiện tại phải từ bỏ với một tương lai phải đạt tới. Tổ chức chỉ là một phương tiện còn quốc gia, tập thể của những công dân tự do và bình đẳng, mới là cứu cánh. Coi tổ chức như một mô hình thu gọn của quốc gia là một sự nhầm lẫn giữa cứu cánh và phương tiện.
Sức mạnh của tổ chức thể hiện ở chỗ các thành viên hiểu biết nhau, theo đuổi cùng một mục tiêu, chia sẻ những giá trị chung, sử dụng cùng một ngôn ngữ, và có cách suy nghĩ gần giống nhau. Từ đó, các thành viên dễ đi đến một quan điểm chung trước cùng một vấn đề và hành động chung một cách nhanh chóng và hiệu quả. Vì thế, tiêu chuẩn trước hết để đánh giá khả năng của một thành viên là sự hiểu biết về tư tưởng và đường lối của tổ chức. Mỗi thành viên có nghề nghiệp chuyên môn khác nhau nhưng nếu không nắm vững cơ sở tư tưởng và có kỷ luật thì không thể trở thành cán bộ nòng cốt.
Quốc gia là một môi trường bảo đảm an ninh và nhân phẩm, đem lại phúc lợi và niềm tự hào cho người dân. Còn tổ chức chính trị là môi trường để đóng góp và hi sinh một cách tự nguyện. Tham gia vào một tổ chức để chống lại một chế độ độc tài hung bạo nghĩa là đã chấp nhận rủi ro về an ninh.
Quốc gia là một căn cước bị động. Sinh ra là người Việt Nam hay người Mỹ chỉ là một sự ngẫu nhiên của tạo hóa. Một người Việt Nam dù có nhập quốc tịch Mỹ thì trong chiều sâu vẫn là người Việt Nam. Trái lại, tổ chức chính trị là một căn cước chủ động.
Quyết định tham gia vào Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một hành động hoàn toàn tự nguyện của những con người đã trưởng thành.
Nhưng có một điểm giống nhau là mọi công dân đều phải tuân thủ luật pháp của quốc gia cũng như mọi thành viên phải tuân thủ qui ước sinh hoạt của tổ chức. Về điểm này, những người bất mãn đã cho thấy ngoài sự thiếu hiểu biết về những khái niệm cơ bản mà bất cứ người làm chính trị nào cũng phải biết, họ còn thiếu một văn hóa dân chủ mà bất cứ người dân chủ nào cũng phải có.
Để ngụy biện cho việc vi phạm Qui Ước Sinh Hoạt, họ trích dẫn câu nói của Plato "luật không đúng không phải là luật" nhưng họ không bao giờ chỉ ra được Qui Ước Sinh Hoạt sai ở chỗ nào. Luật không những phải đúng mà còn phải chính đáng, nghĩa là được thông qua bởi một quốc hội thực sự do nhân dân bầu lên một cách tự do. Trong một quốc gia dân chủ, một điều luật chỉ cần được quốc hội biểu quyết thông qua là đã có tính chính đáng rồi huống chi sau đó lại còn được thông qua bằng trưng cầu dân ý.
Đối với nội bộ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì Qui Ước Sinh Hoạt có sự chính đáng to lớn đó. Nó được biểu quyết bởi ban lãnh đạo do các thành viên bầu lên và sau đó được thông qua bởi toàn thể các thành viên bằng phổ thông đầu phiếu. Những người bất mãn này hoàn toàn không có một thẩm quyền gì để sửa đổi Qui Ước Sinh Hoạt.
Họ còn đòi hỏi một cách vô lý là trong tổ chức phải có "tam quyền phân lập". Đó là hậu quả của sự nhầm lẫn giữa quốc gia và tổ chức. Dân chủ, với sự phân biệt lập pháp, hành pháp và tư pháp, chỉ là cách thức để tổ chức xã hội. Nhưng trong một xã hội dân chủ, không phải thành tố nào cũng có dân chủ. Không hề có chuyện bầu cử để chọn người lãnh đạo trong gia đình, công ty hay quân đội. Hơn nữa, một nền tư pháp dù độc lập tới đâu thì các thẩm phán vẫn xử theo hiến pháp và luật pháp. Trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nếu các thành viên vi phạm Qui Ước Sinh Hoạt thì sẽ bị ban lãnh đạo kỷ luật theo quy định của Qui Ước Sinh Hoạt. Chính những người bất mãn cũng thú nhận là ban lãnh đạo đã dựa trên Qui Ước Sinh Hoạt để kỷ luật họ khi họ gọi Qui Ước Sinh Hoạt là "vòng kim cô". Họ chỉ phàn nàn bởi vì họ là những người không biết tôn trọng luật lệ.
Để ngụy biện cho việc "phế truất" ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo, họ nói rằng ông Kiểng bất tài và độc tài vì đã giữ chức thường trực ban lãnh đạo suốt 34 năm. Đó là một sự dối trá lớn. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gồm những thành viên sống rải rác ở các nước trên thế giới nên được tổ chức thành những phân bộ như phân bộ Pháp, phân bộ Đức, phân bộ Bắc Mỹ... Cứ ba năm một lần, các thành viên tại mỗi phân bộ bầu một số người trong phân bộ của mình vào ban lãnh đạo. Tổng cộng có chín người trong ban lãnh đạo. Sau đó ban lãnh đạo biểu quyết để chọn ra một người trong số chín người này làm thường trực ban lãnh đạo. Cuối cùng, ứng viên thường trực ban lãnh đạo này được toàn thể thành viên thông qua bằng phổ thông đầu phiếu.
Như vậy là ông Nguyễn Gia Kiểng cũng có một sự chính đáng rất to lớn. Ông không hề có một phương tiện bạo lực hay vật chất nào để buộc mọi người phải bầu cho ông.
Mục đích tồn tại của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là để thực hiện một dự án chính trị nhằm dân chủ hóa đất nước. Do đó một trong những tiêu chí quan trọng nhất để chọn một người làm lãnh đạo tổ chức là phải nắm vững dự án chính trị. Vậy thì còn ai nắm vững dự án chính trị hơn chính người đã viết ra nó, ông Nguyễn Gia Kiểng ? Một tiêu chí quan trọng khác là đạo đức. Người ta có thể chỉ trích ông Nguyễn Gia Kiểng là "chính trị gia salon" hay "chỉ giỏi lí thuyết" nhưng chưa hề có ai nói ông Kiểng gian trá hay vi phạm đạo đức. Lí do ông được bầu liên tục suốt 34 năm qua chỉ giản dị là anh em trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thấy ông hoàn toàn xứng đáng, về khả năng cũng như đạo đức.
Nhưng nếu lí do để những người bất mãn "phế truất" ông Nguyễn Gia Kiểng là vì "độc tài" vậy thì họ lấy lí do gì để đòi "giải tán" cả ban lãnh đạo, vốn cũng do các thành viên bầu lên ?
Chỉ có hai khả năng. Một là họ cố tình phá hoại Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên theo sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản. Hai là họ có tham vọng muốn giữ vai trò lãnh đạo trong tổ chức. Bởi vì nếu họ thực sự coi tổ chức là một mô hình thu nhỏ của quốc gia như chính lời họ nói thì họ đã không hành động một cách phản dân chủ như thế. Trong một nước dân chủ, nếu một đảng đối lập cảm thấy cần phải sửa đổi một điều luật nào đó thì phải dùng lí lẽ để thuyết phục các cử tri bầu cho mình để nắm được đa số trong quốc hội và thực hiện những thay đổi chứ không thể tự ý giải tán quốc hội và sửa đổi hiến pháp. Đó là hành động đảo chính.
Nhân danh lí tưởng dân chủ đa nguyên của tổ chức để chống lại Ban Lãnh Đạo và Qui Ước Sinh Hoạt với đầy đủ sự chính đáng là một sự xúc phạm đối với lí tưởng của tổ chức và là sự phản bội lại tổ chức.
Những người này đã cho thấy họ hoàn toàn không xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo bởi vì họ không có sự hiểu biết mà một người lãnh đạo cần có. Họ cũng không có sự chính đáng vì không ai bầu họ lên. Họ chỉ là một thiểu số thiển cận và sẽ không thể tồn tại lâu vì không có lí tưởng.
Hồng Việt 
03/02/2017
Nguồn : Thông Luận RDP