Quá trình đàm phán biên giới giữa ta với Trung Quốc kéo dài qua
3 thời kỳ: Thời kỳ đầu từ 1953 - 1954, lúc đó hai nước chỉ đàm phán về nguyên
tắc và hai chính phủ có thỏa thuận đàm phán biên giới là do cấp trung ương thực
hiện.
Giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ cuối 1979 - đầu 1980. Thời điểm
này chúng ta vừa trải qua chiến tranh biên giới, đàm phán vô cùng căng thẳng.
Các cuộc đàm phán lúc bấy giờ hầu như không có sự trao đổi qua lại, ai nói
người ấy nghe, vì quan điểm hai bên rất khác nhau. Cứ một tuần lên gặp nhau một
lần, mỗi bên chuẩn bị sẵn một bài phát biểu, đọc xong rồi ra về. Có khi đoàn
đàm phán sang cả tháng trời mà không đạt được kết quả. Diễn biến như vậy kéo
dài mất mấy năm, vòng đàm phán những năm 1980 không ghi nhận bất kỳ kết quả
nào.
Giai đoạn thứ ba sau bình thường hóa thì đàm phán biên giới bắt
đầu đi vào thực chất. Ngày 31/12/1999, Việt Nam và Trung Quốc ký được Hiệp ước
biên giới trên bộ.
Cho đến thời điểm đàm phán thì Việt Nam - Trung Quốc chưa có
hiệp định nào về biên giới. Hai nước chưa phân chia biên giới nên việc khó khăn
nhất là không biết lấy tài liệu nào để đối chiếu. Cuối cùng, ta với Trung Quốc
thống nhất dựa vào hiệp ước Pháp - Thanh cũ làm tài liệu tham khảo.
Bản chính tài liệu ấy thì ta không có, Trung Quốc cũng không có,
chỉ có Pháp với Đài Loan giữ vì khi Tưởng Giới Thạch sang Đài Loan thì đã mang
những tài liệu này đi. Ta chỉ có bản sao từ kho lưu trữ của Pháp, Trung Quốc cũng
có bản sao của họ.
Cũng có lúc chúng tôi được Đài Loan gợi ý là sẽ trao tài liệu
cho mình và mời mình sang nhận. Bản đồ Pháp - Thanh là một bản đồ lớn, rất đồ
sộ, gồm nhiều phần. Phía Đài Loan cũng nói trước rằng, nếu sang thì chuẩn bị
tinh thần, vì tài liệu nặng quãng độ gần 2 tạ. Nhưng đến gần lúc đoàn ta đi thì
họ thay đổi, thông báo là bên cơ quan Quốc phòng giữ hết và không đồng ý cung
cấp. Chúng tôi hiểu rằng, Đài Loan là Đài Loan, Trung Quốc là Trung Quốc, nhưng
họ đều là người Hoa, lợi ích lớn lao của họ là giữ được những gì họ có thể giữ
được, bất kể là đại lục hay Đài Loan.
Đàm phán biên giới trên bộ có hai mảng: đàm phán chung về biên giới và đàm phán về phân giới cắm mốc. Trong giai đoạn đàm phán chung kéo dài mấy năm trời thì bác Vũ Khoan làm chủ trì và tôi là thành viên.
Mọi người đều biết làm với Trung Quốc không bao giờ dễ.
Chúng tôi có đi tham khảo biên giới Lào - Trung, sang Myanmar
gặp gỡ Bộ Ngoại giao, các chuyên gia, sang đi sang lại mấy lần. Nhưng mỗi nước
có điều kiện riêng. Lúc ấy Myanmar chịu ảnh hưởng rất mạnh của Trung Quốc, nên
phải chịu để họ khống chế nhiều khu vực biên giới. Myanmar cũng có cái khó, họ
khi đó cũng bị cô lập nhiều và buộc phải phụ thuộc vào Trung Quốc. Cho nên
nghiên cứu thì rất nghiêm túc, nhưng kinh nghiệm của các bạn chỉ để tham khảo
thôi.
Trong suốt thời kỳ dài đàm phán, khó khăn thì lúc nào cũng có,
làm với Trung Quốc lúc nào cũng khó. Biên giới lãnh thổ lại là vấn đề căng
thẳng nhất trong quan hệ giữa các nước nếu xử lý không tốt. Điều quan trọng là
chúng ta làm rất tích cực, chớp thời cơ hoàn thành được hiệp ước biên giới.
Trung Quốc lúc ấy còn yếu, bị cô lập nên họ cần cần một đường
biên giới hòa bình, ổn định, cần một môi trường hòa bình xung quanh để phát
triển. Họ đã làm với Lào rồi, với Myanmar rồi, Ấn Độ thì khó, còn với Việt Nam,
thời điểm đó hai nước vừa bình thường hóa, quan hệ được xem là tốt đẹp mà không
làm được thì sẽ không được tiếng là muốn hòa bình, ổn định xung quanh biên
giới. Điều này tôi cũng đã nói nhiều lần: Nếu như lúc đó không làm, chắc 5 năm
sau không làm được và đến giờ càng khó làm.
Giải quyết được vấn đề biên giới, dân đỡ khổ và quan hệ căng
thẳng giữa hai nước ở biên giới trên bộ cũng giảm.
Trải qua quá trình dài đàm phán biên giới, tôi không nhớ được
nhiều chuyện cụ thể, chỉ có điều là thời cơ, tinh thần và sự ủng hộ vào lúc ấy
thúc cán bộ chuyên trách phải làm cho bằng được, không thể chần chừ, mặc dù lúc ấy sau chiến tranh, vừa bình
thường hóa quan hệ, còn nhiều khó khăn. Đó là thời cơ sẽ không lặp lại.
Quá trình đàm phán giai đoạn đầu, chúng ta lấy hiệp ước Pháp - Thanh làm cơ sở, cũng gian nan lắm, lúc nào cũng đấu tranh quyết liệt nhưng vẫn phải giữ cho cái đầu lạnh. Còn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì không lúc nào lạnh cả, phải nóng, nóng liên tục, nhưng phải có cách thức xử lý cho ổn.
Sau khi ký được Hiệp định biên giới rồi, ta bắt tay vào phân
giới cắm mốc, đến giai đoạn này thì tôi chủ trì. Đồng thời tôi cũng chủ trì
tiến hành đàm phán Vịnh Bắc Bộ.
Thời điểm ấy khó khăn vô vàn. Mặc dù Hiệp định đã có, có bản đồ
Pháp - Thanh làm cơ sở, nhưng tình hình thực tế ở biên giới cũng thay đổi nhiều
sau 100 năm kể từ khi có Hiệp ước Pháp - Thanh nên đi vào thực hiện cụ thể cũng
rất gian nan. Phía Trung Quốc có những thái độ mà mình rất khó chấp nhận.
Sau khi ký được Hiệp định biên giới, hai nước bắt đầu trao đổi
về các điểm chồng lấn thì xác định là khoảng hơn 100 km vuông. Truyền thống của
Trung Quốc là tìm mọi cách để giành phần có lợi nhất cho mình. Ví dụ điểm 8B ở
Lai Châu là độ mấy chục km vuông mà trước đây họ vẫn bảo là của mình thì khi
bắt đầu đi vào phân định cắm mốc họ lại nói là của họ. Thực ra khu vực đấy chỉ
là toàn là rừng núi, nhưng họ cố tình nhận là của họ với ý đồ buộc mình phải
cắt phần dưới đồng bằng cho họ để đổi lại. Tất nhiên mình cũng đấu tranh rất
quyết liệt. Chúng tôi tranh luận: "Vị trí này lâu nay là của chúng tôi,
các đồng chí nhiều lần phát biểu là của chúng tôi rồi tại sao lại làm
thế?". Cuối cùng họ phải công nhận lập luận của ta.
Khi đàm phán vịnh Bắc Bộ, vào phiên cuối cùng, ông trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc lúc đó là Vương Nghị (hiện là Bộ trưởng Ngoại giao) sang Hà Nội. Buổi tối, tôi mời cơm để hôm sau bắt đầu đàm phán thì phía họ một mực đòi về. Họ nói: "Báo cáo đồng chí Phụng, mai tôi về vì chuyên viên làm mấy hôm nay chả kết quả gì".
Họ tuyên bố như vậy vào đúng phiên đàm phán cuối cùng để ký tắt
trước khi Chủ tịch nước ta sang Trung Quốc ký chính thức thành Hiệp định Vịnh
Bắc Bộ.
Lúc ấy tôi đáp: "Đồng chí muốn về thì giữ đồng chí ở lại
cũng không tiện, nhưng trong buổi chiêu đãi hôm nay tôi mời cơm đồng chí Vương
Nghị và đoàn, đề nghị không ai nói chuyện đàm phán, không ai nói chuyện chuyên
viên bàn mấy hôm nay như thế nào". Thế là cả tối hôm ấy, không ai đề cập
đến chuyện đàm phán, hai bên chỉ ăn tối với nhau.
Sáng hôm sau tôi làm việc trực tiếp với ông Vương Nghị, đi cùng
mỗi bên chỉ có một phiên dịch. Thực ra chủ trương mình có rồi, cách bố trí sắp
xếp mình cũng chuẩn bị sẵn, mình cũng dự đoán trước kiểu gì họ cũng phản ứng vì
trước đó, cấp chuyên viên làm việc 4 - 5 ngày vẫn không đâu vào đâu. Hôm ấy,
chúng tôi làm ở phòng khách Bộ Ngoại giao, nhưng ở phòng bên cạnh là đội ngũ
cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị, máy móc đầy đủ. Làm được điểm nào thì phiên
dịch chạy ra, báo với bên kỹ thuật kiểm tra xem khớp với đề án chưa, khớp với
phương án của mình chưa. Thậm chí bản thân tôi có những lúc phải gọi điện cho
đồng chí thường trực Ban Bí thư, báo cáo nội dung đàm phán từng điểm một và xin
ý kiến. Đàm phán biên giới phải hết sức nghiêm túc, thận trọng, không được bỏ
quên một điểm nhỏ nào, càng không được phép sai lầm. Chúng tôi làm độ 3 tiếng
thì xong. Hôm sau bắt tay, ông trưởng đoàn Trung Quốc mang văn bản về Bắc Kinh
để Bộ trưởng Ngoại giao ký tắt.
Lúc đó họ lại đòi ta đàm phán về hiệp định nghề cá. Nếu không họ
không ký nữa. Ta cũng hiểu họ cần hiệp định hợp tác nghề cá để ngư dân Trung
Quốc có chỗ sinh nhai. Vịnh Bắc Bộ phía bên bờ Việt Nam toàn sông ngòi, phù sa
nhiều còn bờ Hải Nam của Trung Quốc núi đá vực sâu, nước lặng nên cá bơi hết
sang phía Việt Nam. Sau này chúng tôi cũng phải sang Bắc Kinh, phối hợp với các
đồng chí Bộ Thủy sản, cùng đàm phán, gọi điện về trao đổi với "nhà"
liên tục. Đúng đến khi chỉ còn nửa ngày trước khi Chủ tịch nước ta sang mới
xong được hiệp định hợp tác nghề cá.
Có những cuộc đàm phán các đồng chí trong đoàn
"choáng" vì phía Trung Quốc nói nhiều quá, mà nói sai cho mình rất
nhiều. Lúc bấy giờ nếu mình cũng đôi co lại thì thành không hay, mà cũng không
được việc. Mình phải bình tĩnh, để họ nói xong thì đưa ra những con số, dẫn
chứng khiến họ phải chịu "tâm phục khẩu phục".
Trên bàn đàm phán là thế, còn trên thực địa, Trung Quốc cũng rất
nhiều lần vi phạm. Có những nơi, tối hôm trước cột mốc ở chỗ khác, hôm sau đã
bị đào, lấn sang mình mươi mét, thậm chí 50 - 60m. Ta lại cho quân cho dân đưa
cột mốc về chỗ cũ. Đồng bào ở biên giới hễ thấy Trung Quốc động đến cột mốc thì
đều đấu tranh dữ lắm. Phía bên kia lôi cột mốc đi, bên mình kiên cường bảo vệ,
cắm lại. Thực tế, chúng tôi tiến hành đàm phán nhưng giữ được biên giới chính
là người dân và các lực lượng biên phòng.
Nhưng tình trạng này chỉ xảy ra trước khi phân giới cắm mốc. Sau
này, để cho họ không di chuyển được nữa cột mốc thì mình phải căn cứ theo hiệp
định. Trước đây chỉ có hơn 400 cột mốc trên chiều dài biên giới là hơn 1.600
km, có khi vài cây số mới có cột mốc. Sau này mình thỏa thuận với Trung Quốc là
cắm cả cột mốc chính, cột mốc phụ là 2.000 cột mốc, tính ra chỉ có mấy trăm mét
có một cột mốc thì có muốn chuyển cũng không được.
Trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ giữa ta với Trung Quốc, Biển
Đông luôn là vấn đề nóng. Những năm 80 của thế kỷ trước, ta đã từng đàm phán
nhưng không có kết quả. Vấn đề Biển Đông là vấn đề dài hơi, nhưng quan trọng là
Trung Quốc từ xa xưa đã có ý đồ bá quyền ở đây. Khi đàm phán về Vịnh Bắc Bộ
xong, ta chủ trương đẩy tiếp đàm phán về cửa vịnh nhưng không làm được, vì cửa
vịnh dính đến Hoàng Sa, Trung Quốc dứt khoát không chịu làm.
Phải nói đây là cái mạch ý đồ của Trung Quốc. Vì thế cho nên
trong suốt thời kỳ qua, họ không những từ chối đàm phán mà tìm mọi cách hiện
thực hóa chủ trương bá quyền. Năm 2002, các nước bàn Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển
Đông (COC) ở Campuchia, Trung Quốc cương quyết chống, cuối cùng chỉ đạt được
thỏa thuận Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có tính pháp
lý ràng buộc.
Gắn những cái đó và những hành động hiện nay của Trung Quốc,
trong giới nghiên cứu chúng ta đều nói rằng Trung Quốc không bao giờ dừng hiện
thực hóa ý đồ của mình. Sau sự việc họ làm năm 1988 và phán quyết của tòa quốc
tế PCA, Trung Quốc bị lên án nên họ không muốn đẩy đến mức để các nước phản ứng
gay gắt như kiện của Philippines. Nhưng trên thực tế họ vẫn thực hiện cải tạo
trái phép các đảo, đá, chuyển vũ khí ra đó. Đến khi nào bị dư luận phản ứng quá
thì họ tạm dừng lại, sau đấy lại làm tiếp.
Gần đây, Trung Quốc ngày càng đẩy căng thẳng ở Biển Đông leo
thang, Bộ Ngoại giao, Nghị viện, Bộ Quốc phòng Mỹ và các nước khác như châu Âu,
Úc, Nhật đều phản đối. Vì vậy, phản ứng từ dư luận thế giới là cái chúng ta nên
tranh thủ. Ta phải lên tiếng và có chủ trương, định hướng vận động dư luận tích
cực từ các nước. Như vừa qua, tôi thấy quốc tế rất ủng hộ phát biểu của Phó Thủ
tướng Phạm Bình Minh, nêu đích danh Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông.
Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc khi muốn thao túng Biển Đông
không phải là lợi ích kinh tế, mà quan trọng là dư địa để họ có thể trở thành
siêu cường. Biển Hoa Đông, Biển Bắc thì dính đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga,
Trung Quốc không có đường ra. Sang đến Nam Á thì "đụng" Ấn Độ nên
sống còn Trung Quốc phải tìm cách khống chế Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: EPA |
Trong bối cảnh Mỹ - Trung đang cạnh tranh nhau rất quyết liệt,
Mỹ sẽ dứt khoát ngăn bằng được Trung Quốc. Việc Mỹ bày tỏ một cách tương đối
gay gắt trong tình hình hiện nay thể hiện nhu cầu chiến lược của Mỹ. Nếu không
ngăn được Trung Quốc ở đây thì sẽ khó ngăn được Trung Quốc ở chỗ khác.
Điều này sẽ tác động rất mạnh đến các đồng minh Úc, Nhật rồi các
nước châu Âu, Ấn Độ. Mỹ có ý hỗ trợ các nước trong khu vực lên tiếng chống lại
các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ làm thế cũng là vì lợi
ích của chính họ, nhưng không phải không có lợi cho ta. Đối với Mỹ, tôi cho ta
nên làm những việc thực chất, không cần "hô" to. Trong các đời Tổng
thống Mỹ, ông Trump là người khó đoán, nhưng quan hệ Việt - Mỹ trong nhiệm kỳ
của ông cho đến nay lại có nhiều bước tiến thuận lợi. Ông là Tổng thống duy
nhất ở Mỹ lên cầm quyền được mấy tháng đã có chuyến thăm Việt Nam, trong khi
các Tổng thống Clinton, George W. Bush hay Obama đều sang Việt Nam vào lúc gần
cuối nhiệm kỳ. Riêng ông Trump đã sang Việt Nam hai lần. Trong tất cả các nước
Đông Nam Á, Thủ tướng Việt Nam cũng là lãnh đạo có chuyến thăm Mỹ đầu tiên sau
khi ông Trump lên nắm quyền.
Điều này không phải không có nguyên do, đây là nhu cầu của nước
Mỹ. Dưới thời Tổng thống Clinton, Mỹ hoàn tất hiệp định thương mại song phương
với Việt Nam; Tổng thống Bush "con" thì chuyển trọng tâm quay lại
Đông Nam Á nhưng chưa thực hiện được nhiều. Đến thời ông Obama thì chính sách
xoay trục được làm mạnh hơn. Xét trong bối cảnh hiện tại, nếu muốn thực hiện
chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì Mỹ không thể không tìm kiếm những
đối tác như Việt Nam.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, đối với Việt Nam, Tổng thống
Trump đang có những động thái thực chất. Nhưng Mỹ làm đến đâu là việc của họ,
chúng ta phải tự giải quyết các vấn đề của mình chứ không dựa vào bên nào. Ở vị
trí của Việt Nam, ta cần làm những gì có lợi cho mình nhưng phải ứng xử khéo
léo, không để xảy ra những bùng nổ không có lợi.
Đoàn Lan Hương
Ảnh:
Tuấn Mark
Thiết kế:
Bạch Quả