28 septembre 2019

TRÁCH NHIỆM CHƯA AI NHẬN, NHƯNG HẬU QUẢ NGƯỜI DÂN "LÃNH ĐỦ"


Bích Diệp

(Dân trí) - Những thông tin về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa bao giờ hết “nóng” và luôn nhận được sự quan tâm đông đảo của công chúng. Tiếc rằng, nguồn cơn lại đến từ “tai tiếng” thay vì “nổi tiếng”.




Dù chỉ dài 13km nhưng sẽ thật khó có một dự án nào “địch” nổi với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông về “chiều dài thời gian” thực hiện. Nghiên cứu tiền khả thi từ giai đoạn 2002-2003, được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 với hình thức hợp đồng EPC, thế rồi cho đến nay, chưa ai dám khẳng định đến ngày nào, tháng nào, năm nào dự án này sẽ đi vào hoạt động chính thức.



Một số người dân sống ở Hà Nội đã ví von rằng, họ dành cả thanh xuân chỉ để được làm hành khách của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, từ khi còn là những cô bé, cậu bé mới lớn, nay họ đã có gia đình, con cái. Tưởng hài hước mà chua chát, sâu cay!

Hồi năm ngoái, dự án này tưởng đã có thể về đích sau nhiều lần “lỡ hẹn” khi báo cáo khối lượng xây dựng đạt 99%, thế nhưng 1% còn lại xem chừng vẫn còn mông lung “ngày về” do Tổng thầu Trung Quốc triển khai rất chậm, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lo ngại lại “có nguy cơ kéo dài”.

Chưa nói đến sự chây ỳ đến mức “bất chấp” của phía Tổng thầu Trung Quốc, bất cứ ai cũng không khỏi bức xúc khi vừa mới đây Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt những khoản chi sai, hàng loạt vấn đề mà một người bình thường cũng phải đặt câu hỏi: “Sao lại có thể chấp nhận được như thế?”.

Trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước nêu “phương án tài chính của dự án ngay từ khi lập đã phải bù lỗ”. Đã vậy, trong quá trình xét thầu, chủ đầu tư và tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ chưa làm rõ năng lực kinh nghiệm của tổng thầu. Thực tế, tổng thầu là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc chưa hề có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC, đặc biệt không có kinh nghiệm làm dự án đường sắt đô thị, cũng như triển khai dự án tại Việt Nam.

Cho nên, không hề nói quá nếu cho rằng tuyến đường sắt đô thị này đã được tạo nên bằng… niềm tin và đang tiếp tục thử thách niềm tin của người dân về hiệu quả của dự án khi vận hành chính thức vào… một ngày nào đó!

Cũng tại văn bản kết luận vừa công bố, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký.

Đồng thời, yêu cầu Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân và tổ chức cá nhân phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 18.000 tỷ đồng, chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về giá trọn gói mua sắm thiết bị giảm tối thiểu 5% so với dự toán phần thiết bị… Kết quả thực hiện các kiến nghị này phải được gửi về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/9/2019.

Mới đây, theo thông tin trên Dân trí ngày 23/9, Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã đi đến kết luận, những khó khăn vướng mắc hiện nay của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các bộ, ngành có liên quan.

Để giải quyết vấn đề trên, Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội xây dựng dự thảo Báo cáo của Thường vụ Thành ủy báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng về những khó khăn, vướng mắc và xin ý kiến chỉ đạo.

Tóm lại, một dự án bê bết “vắt” qua hơn hai nhiệm kỳ, trải qua 4 thời Bộ trưởng Bộ GTVT lãnh đạo và tiến hành ngay giữa Thủ đô… vẫn chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng hậu quả người dân đã “lãnh đủ”!