28 septembre 2019

CHẾT DƯỚI TAY ĐỒNG BÀO



Đỗ Cao Cường

Chiều hôm qua, một bác nông dân ở Lâm Đồng gọi điện cho tôi, bác nói là sau khi đọc tin tức do tôi đăng tải, một số báo, đài đã vào cuộc, nhưng cho đến nay chưa thấy báo nào đưa tin. Chỉ có bạn Hải bên VTV là nhiệt tình, chủ động đặt vấn đề, muốn cùng tôi đồng hành với bà con dân oan.
Bạn Hải cũng như nhiều người khác, hiểu rất rõ bản chất của xã hội, nhưng vì còn lo cho gia đình, đi đường dài nên bạn ở ẩn, tôi rất thông cảm cho bạn.

Đâu cứ phải oang oang chửi độc tài mới là giỏi, còn tự do còn làm được nhiều việc, bị bắt thì coi như cuộc đời rút ngắn. Trên thực tế những người như bà Tuyết Vân (từ chối nhận cục tiền lớn từ kiểm lâm, chấp nhận nghèo khổ để rồi con trai bà chết bí ẩn trong rừng) cùng nhiều người tôi gặp đã âm thầm cống hiến, hy sinh cho xã hội rất nhiều, những người nổi tiếng trên thế giới ảo không có tư cách miệt thị họ.
Có người hỏi tôi sao dạo này hay đăng bài bán tỏi đen, mật ong, óc chó Mỹ… ít thấy đến hiện trường.
Tôi xin lỗi, sau nhiều năm lang thang Nam - Bắc bằng xe máy, sức khoẻ của tôi đã yếu, kẻ thù có mặt ở khắp nơi. Và dù có chống lại các chỗ làm, từ bỏ rất nhiều cơ hội làm giàu nhưng tôi nhận ra rằng, nhiều người vẫn còn nghi ngờ mình, nhiều dân oan mình đồng hành cũng không buồn cử động, chưa nói tới việc họ sẽ đồng hành, lên tiếng giúp đỡ các nạn nhân khác.
Nhiều phóng viên điều tra ngồi một chỗ giàu có lắm, còn tôi không phe nhóm, không viết thuê cho ai, tự mình đến hiện trường rồi tự quay tự dựng, tự buôn thúng bán bưng, tôi bán những thứ tôi tìm hiểu, thấy tốt cho cộng đồng thì tôi bán, tôi bán hàng chứ tôi không bán nước, nếu có trách thì hãy trách cái xã hội này.
Tôi cũng vừa mới lang thang một mình tới làng Khoai (hay còn gọi là làng Minh Khai) thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Khi tôi về, có rất nhiều thanh niên bặm trợn theo sát.
Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề tái chế nhựa đã hình thành tại làng Khoai. Hiện nay làng Khoai có hơn 1000 hộ dân thì có gần 800 hộ làm nghề tái chế nhựa, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Vậy là trong gần 30 năm, hạt nhựa, hoá chất, rác thải độc hại “chạy” thẳng ra môi trường.
Mùi nhựa khét lẹt, rác thải rắn được tập kết tại các bãi đất trống để đốt, dioxin khuếch tán, bay thẳng vào các ngôi làng. Có thêm một tỷ phú rác thì có thêm nhiều người chết vì ung thư, bệnh tật.
Sẽ không quá đáng khi gọi Việt Nam là bãi rác của Trung Quốc, Trung Quốc cung cấp rác thải cho làng Khoai tái chế, sau đó thu mua hạt nhựa đem về Trung Quốc (do công đoạn tái chế từ rác thải ra hạt nhựa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên từ 2018 Trung Quốc cấm nhập khẩu rác thải nhựa, người làng Khoai thực hiện công đoạn đó, đơn hàng nhiều hơn, người chết cũng nhiều hơn).
Người dân cho tôi biết gần 80% số hạt nhựa sản xuất tại làng Khoai xuất sang Trung Quốc, còn những thứ xú uế được tái chế thành ống hút, hộp đựng cơm, hộp đựng thức ăn, cốc, thìa dùng một lần với giá siêu rẻ… để phục vụ những người đồng bào khốn khổ của mình.
Thật kinh hoàng, tôi phát hiện những chai truyền còn nguyên dịch, đựng huyết thanh… rác thải y tế đưa qua máy nghiền trở thành hạt nhựa, đem tới các cơ sở sản xuất túi nilon, hộp, cốc, ống hút...
Thành quả lao động “đầu tư” cho tham nhũng, thu nhập thấp, người lao động chọn cho mình những những đồ nhựa siêu rẻ. Nhưng, của rẻ là của ôi, theo sau là một đống bệnh tật.
Một người kêu gọi không dùng túi nilon trong khi hàng triệu người khác đang dùng, cái chính là do chế độ, hệ thống pháp luật nước này có giáo dục, có cấm, có giám sát được hay không mà thôi.
Cũng không thể đổ hết tội lỗi lên đầu lên cổ những người đồng bào khốn khó của mình, họ không có nhiều sự lựa chọn. Cơ chế này đẻ ra họ, dung túng cho họ, từ anh môi trường, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường đều ra sức tiếp tay cho rác thải nhựa tuồn vào Việt Nam. Nếu không có một mô hình quản lý nhà nước đúng nghĩa, thì tất cả những người đồng bào như rắn mất đầu, thoi thóp, dẫm đạp lên nhau để sống.