12 septembre 2019

CẬP NHẬT DỰ ÁN CÁ VOI XANH






Gần đây, rộ lên tin đồn nhà điều hành ExxonMobil có ý định rút khỏi mỏ Cá Voi Xanh thông qua việc bán lại cổ phần cho Rosneft hoặc nhường lại quyền điều hành cho PVN (ưu tiên quyền chủ nhà). Tin này xuất phát từ một vài cá nhân từ vài tuần nay và bắt đầu lan ra cộng đồng, gây hoang mang trong dư luận. Hôm qua, tôi có liên hệ với đại diện nhà thầu Saipem thì họ ngạc nhiên và khẳng định, các hạng mục thiết kế vẫn diễn ra bình thường. Về phía ExxonMobil, tôi có gửi thư điện tử hỏi thông tin liên quan nhưng chưa thấy trả lời.


Chắp nối các dự kiện cũng như xác nhận của 01 lãnh đạo PVN, không có chuyện ExxonMobil rút mà họ chỉ gây sức ép về một số điều khoản / điều kiện phát triển mỏ mà thôi. Để có cách tiếp cận sát thực nhất, tôi xin hệ thống lại các hạng mục mà ExxonMobil đã và đang triển khai, như sau:

1/ Khảo sát địa chất & địa vật lý trên bờ và ngoài khơi
2/ Đánh giá tác động môi trường (ESHIA & EIA)
3/ Làm việc với các ban ngành địa phương về giải tỏa và thuê mặt bằng dự án nhà máy tách và chế biến khí, kho xuất condensate.
4/ Phối hợp với các đối tác trong chuỗi dự án để điều chỉnh về kế hoạch, tiến độ và mốc đầu tư.
5/ Kế hoạch thu xếp vốn của ExxonMobil, PVN và PVEP trong chuỗi dự án.
6/ Xúc tiến Bảo lãnh chính phủ (GGU) và Hợp đồng Bán khí (GSAs) với 3 nhà đầu tư nhà máy điện.
7/ Triển khai thiết kế FEED: Nhà thầu Saipem của Italia đang thực hiện đến hết năm nay.
8/ Đề nghị MOIT áp dụng điều khoản 6.2.9 trong PSC để hoãn thời hạn thực hiện dự án từ 30/11/2017 đến 29/11/2019 (2 năm).

Các hạng mục đánh số như trên đây, theo được biết, vẫn đang triển khai đồng loạt và chưa hoàn tất.

Trong đó, hạng mục số 8, là nội dung mà vào tháng 9/2018, ExxonMobil đã gửi công văn số Ref: D180927-1 gửi Bộ công thương (MOIT) đề nghị chấp thuận áp dụng điều khoản trong hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) về việc hoãn thời hạn thực hiện hợp đồng như trên. Điều khoản này cho phép thời gian để thu xếp xong Bão lãnh chính phủ (GGU) và Hợp đồng bán khí (GSAs); và khoảng thời gian này sẽ không tính gộp vào thời hạn hợp đồng PSC, đã ký từ 2009.

Hợp đồng PSC có thời hạn 20 năm (có lựa chọn gia hạn), từ 2009 đến 2029. Đây chính là một trong những sức ép của ExxonMobil nếu như thời hạn của PSC không cộng thêm 02 năm. Theo đó, nếu giãn ra 02 năm như điều khoản 6.2.9 thì thời hạn của PSC sẽ được tính đến năm 2031 và khi dự án đi vào hoạt động vào cuối 2024, ExxonMobil có thêm 02 năm về khai thác thương mại trong giai đoạn 1.

Do các hạng mục đang gặp một số khó khăn về mặt cơ học, tiến độ đấu thầu EPC/EPCIC sẽ giãn, từ cuối năm 2020 sang 2021 và hoàn thành dự án EPCIC vào quý 3/2024 (thay vì cuối 2023 như dự kiến). Trong PSC, PVN và PVEP chiếm 36% cổ phần khâu thượng nguồn ngoài khơi trên tổng mức đầu tư. Trên bờ, PVN còn là chủ đầu tư của 02 nhà máy Nhiệt điện khí (2×750MW).

Sản lượng khí trung bình giai đoạn một khoảng 7,2 tỷ m3/năm và tăng lên 8,8 tỷ m3/năm sau giai đoạn mở rộng mỏ, trong đó phần dành cho hóa dầu là 1,6 - 1,7 tỷ m3/năm. Sản lượng condensate đạt khoảng 1,1 triệu thùng/năm (3000 thùng/ngày), sẽ xuất bán tại cổng nhà máy GTP sau khi đã xử lý.

Tuy nhiên, khí mỏ Cá Voi Xanh có tỷ lệ C02 cao nên chỉ dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện và hóa dầu mà thôi. Vì vậy, nhu cầu của các hộ tiêu dùng chính sẽ là các nhà máy điện. Như đã đề cập về lợi ích kinh tế trong một bài báo trên Tạp chí năng lượng gần đây và trong Quy hoạch điện 7 (Chính phủ đã phê duyệt), việc xây dựng các nhà máy điện là nhu cầu cấp thiết.

Vốn đầu tư ban đầu trong CAPEX cả ngoài khơi và trên bờ là rất lớn (phía Việt Nam chiếm 4.6 tỷ USD) do chi phí công nghệ tách và xử lý khí, tái hóa khí kéo theo giá bán điện, sẽ tăng cao. Trong khi đó, ExxonMobil chỉ quan tâm và đầu tư vào phần ngoài khơi mà thôi. Về mặt này, ngoài việc đối tác ExxonMobil đang bị sức ép về tiến độ thì PVN cũng đang gặp một số khó khăn, về thu xếp vốn và hợp đồng mua bán điện, ký với EVN.

Đây là những nguyên nhân khách quan mà cả 2 phía đang gặp phải. Có lẽ vì đã lượng định những khó khăn trên có thể tác động đến tiến độ dự án nên ExxonMobil đã có một vài động thái gây sức ép để Chính phủ thúc đẩy và rút ngắn quy trình phê duyệt cũng như GGU để dự án kịp tiến độ. ExxonMobil là công ty đại chúng và là nhà điều hành dầu khí lớn nhất của Mỹ và đứng thứ 02 trên thế giới, có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ ở biển đông khi họ hợp tác đầu tư với PVN. Điều này, sẽ giải thích tầm mức quan trọng của chủ đề hợp tác dầu khí trong chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Chủ tịch nước sắp tới. Theo đó, dù có nhiều đại diện cao cấp từ các bộ ngành (bao gồm cả Quốc phòng và An ninh), ưu tiên hàng đầu vẫn là PVN trong tầm nhìn dài hạn ở biển đông.

Vị trí mỏ Cá Voi Xanh, nằm ở lô dầu khí 118 bể Sông Hồng, cách Núi Thành, tỉnh Quảng Nam 90 km. Đây là vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và không bị ảnh hưởng bởi vấn đề địa chính trị ở biển đông mà chỉ là những nguyên nhân thuần kinh tế như trên mà thôi.

Theo thông tin mới cập nhật, sau một vài lần hoãn do những lý do khách quan, Tổng bí thư Chủ tịch nước sẽ có chuyến thăm Mỹ vào tháng 10 năm nay. Hiện tại, theo được biết, PVN đang xem xét các phương án tối ưu và làm công tác chuẩn bị cho một số lãnh đạo cao cấp PVN và PVEP, tháp tùng Tổng bí thư Chủ tịch nước thăm Mỹ.

Việc phát triển Dự án Cá Voi Xanh là tối quan trọng, không chỉ mang lại nguồn thu rất lớn cho PVN (khoảng 20 tỷ USD trong vòng đời 20 năm khai thác), giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn liên quan đến vấn đề biển đông. Chúng ta hãy tin rằng, các cấp lãnh đạo cao nhất sẽ có giải pháp tối ưu để Cá Voi Xanh khởi động như tiến độ.

Nguyễn Lê Minh