Đinh Hoàng Thắng - Chu Thị Xuyến
TS Đinh Hoàng Thắng |
Ngày 08/9/2019, một loạt
“Tweeter” từ mạng “Tin tức về Biển Đông” và các nguồn tin khác đều xác nhận,
tàu Hải Dương Địa Chất 8 (HD-8) của Trung Quốc đã rời Đá Chữ Thập với tốc độ
tối đa, cùng với một số tàu hộ tống, đang trên đường quay trở lại khu vực Bãi
Tư Chính. Lần này phải chăng Trung Quốc nhất quyết xâm chiếm khu vực quanh Bãi
Tư Chính? Chiếc tàu hải cảnh khổng lồ 3901 của Trung Quốc, chủ lực trong đoàn
hộ tống đã bật lại tín hiệu liên lạc, cho thấy vị trí của nó gần chiếc HD-8.
Căn cứ vào luật quốc tế, rõ ràng Trung Quốc đang ngang nhiên xâm lấn vùng đặc
quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) của Việt Nam… Đây là lần thứ ba từ đầu
hè này, đội tàu Trung Quốc quay lại khu vực này sau hai lần tạm lui về Đá Chữ
Thập để tiếp nhiên liệu. Trong bối cảnh ấy, Tạp chí Văn hóa Nghệ An có cuộc
trao đổi với TS. Đinh Hoàng Thắng, Phó Viện trưởng Viện các Vấn đề Phát triển
(VIDS), Thư ký “Chương trình Minh triết làm chủ Biển Đông” về ý đồ của Trung
Quốc trong việc kéo dài khủng hoảng quanh Tư Chính, khả năng bảo vệ chủ quyền
của ta và một số kiến nghị liên quan đến cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý
hiện nay. Dưới đây là nội dung trao đổi.
Chu Thị Xuyến: Đây không phải là lần
đầu tiên Trung Quốc đưa tàu các loại vào Bãi Tư Chính của Việt Nam. Các năm
2014, 2017 và 2018 đều có chuyện với Trung Quốc ở khu vực này. Trước hết, Tiến
sỹ đánh giá thế nào về ý đồ, mục tiêu của các lần xâm nhập?
TS. Đinh Hoàng
Thắng: Ý đồ cũng như mục tiêu các lần xâm nhập của Trung Quốc vào vùng đặc quyền
kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) của Việt Nam nằm trong tiến trình thực hiện
chính sách “tằm ăn dâu” nhằm độc chiếm Biển Đông và thực hiện chiến lược biến
Trung Quốc thành cường quốc đại dương. Chủ trương nhất quán ấy phục vụ cho mục
đích của ban lãnh đạo Bắc Kinh là triển khai bằng được “Sáng kiến Vành đai con
đường” (BRI) khét tiếng từ bao năm nay, mà Việt Nam là một đầu cầu quan trọng
trong đó. Về các biện pháp thì thiên hình vạn trạng. Từ “ngoại giao pháo hạm”,
đến “vừa ăn cướp vừa la làng”, từ dùng sức mạnh “cứng” đe dọa đến đẩy mạnh “tam
chủng chiến pháp”… Đấy là chính sách nước lớn ức hiếp nước nhỏ, một chính sách
bá quyền trong thời đại mới và cũng là một nét truyền thống trong chính sách
bành trướng của Bắc Kinh đối với nhiều nước ở khu vực, trong đó có Việt Nam.
Những mục tiêu “nóng”
hơn
Chu Thị Xuyến: Thế còn năm 2019 này?
TS. Đinh Hoàng
Thắng: Tuy nhiên, năm nay, cuộc xâm nhập diễn ra từ đầu mùa hè đến nay (có thể lấy
cái mốc từ tháng 6/2019), với nhiều chiều kích mới, gắn với các mốc thời sự. Do
đó, các vi phạm lần này có những mục tiêu “nóng” hơn so với các xâm nhập trước
đây. Thứ nhất, Trung Quốc xâm nhập khu vực EEZ và CS của ta trong thời
điểm Việt Nam đang chuẩn bị cả về đường lối lẫn nhân sự cho Đại hội Đảng sắp
tới. Rõ ràng Bắc Kinh đang muốn gây sức ép lên ban lãnh đạo Hà Nội trên cả hai
phương diện ấy. Thứ hai, Trung Quốc ức hiếp Việt Nam vào lúc Hà Nội sắp
sửa đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN. Thông điệp Trung Quốc chuyển tới ASEAN,
thông qua việc chủ động gây ra khủng hoảng trong khu vực Bãi Tư Chính là để ép
Việt Nam và ASEAN chấp nhận các điều kiện do Trung Quốc áp đặt (mà Việt Nam và
một số thành viên khác trong ASEAN đang bác bỏ) lên dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở
Biển Đông (COC). Thứ ba, kéo dài khủng hoảng Bãi Tư Chính, Trung Quốc
bắn tin tới Mỹ và châu Âu rằng, Trung Quốc không ngán cái gọi là “Tự do đi lại
trên biển” (FONOP) của Mỹ và phương Tây. Đặc biệt năm nay, Mỹ - Trung lại đang
bước vào một cuộc thư hùng có thể nói là lớn nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế
hậu chiến tranh Lạnh. Thứ tư, ngoài vấn đề thương chiến, năm nay Bắc
Kinh đang đau đầu về Đài Loan, Hong Kong và nhiều vấn đề nội trị khác, nên lãnh
đạo chủ trương gây hấn bên ngoài để “chùng bớt” căng thẳng nội bộ. Cuối
cùng, nếu Việt Nam không quyết liệt, Trung Quốc rất có thể liều lĩnh chiếm
đoạt một số điểm trong khu vực gần Bãi Tư Chính như Trung Quốc đã từng cưỡng
đoạt bãi cạn Scarborough hồi năm 2012.
Chu Thị Xuyến: Tiến sỹ có thể cho độc
giả VHNA biết thêm về mức độ nghiêm trọng của các hành động xâm nhập lần này
của Trung Quốc?
TS. Đinh Hoàng
Thắng: Ngày 04/9, một Hội nghị về An ninh diễn ra ở Singapore với sự tham gia của
các nước Nhật, Úc, Ấn Độ… Các chuyên gia tại Hội nghị rất quan ngại về tình
hình ở Biển Đông, với cảnh báo rằng, không còn ranh giới nào giữa hòa bình và
chiến tranh trên biển nữa trước những hành vi liều lĩnh và hung hăng của Trung
Quốc. Mức độ nghiêm trọng của các hành động xâm phạm còn thể hiện trên một số
khía cạnh khác: Thứ nhất, hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm độc
lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà bằng các lượt đưa tàu thăm
dò và tàu cẩu lớn nhất vào ra xung quanh Bãi Tư Chính như ra vào một vùng biển
vô chủ, Trung Quốc trên thực tế đã thách thức luật pháp quốc tế, đặc biệt là
thách thức Bản Hiến chương về đại dương, tức là Công ước về Luật Biển của Liên
Hiệp Quốc (UNCLOS-1982). Thứ hai, những hành động lặp đi lặp lại của
Trung Quốc không chỉ đe dọa các hoạt động bình thường của các doanh nghiệp Việt
Nam tác nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, mà còn
cản phá việc thực hiện các hợp đồng giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài
như Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và cả Hoa Kỳ nữa. Thứ ba, là một
trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (P5), một bên đặt bút ký
vào UNCLOS-1982, nhưng nay Trung Quốc nhảy vào khu vực Bãi Tư Chính một cách vô
luân vô pháp như thế là trực tiếp thách thức trật tự pháp lý trên biển được xác
lập trong Công ước, đồng thời vi phạm nghiêm trọng an ninh khu vực và thế giới,
đặc biệt đe dọa an ninh năng lượng không chỉ của Việt Nam mà còn của các đối
tác liên quan.
Chu Thị Xuyến: Tiến sỹ vừa nhắc đến
cuộc thư hùng Trung - Mỹ. Ý ông nói tới cuộc thương chiến đang làm chấn
động kinh tế toàn cầu! Nhưng thưa ông, liệu có mối liên hệ nào giữa các lần gây
hấn hiện nay của Trung Quốc ở khu vực gần Tư Chính với khủng hoảng ở Hong Kong
và cuộc thương chiến Mỹ - Trung?
TS. Đinh Hoàng
Thắng: Hẳn nhiên giữa các sự kiện ấy có liên quan khá mật thiết với nhau! Họa phúc
đâu phải một buổi! Biểu tình Hong Kong như “lũ ống, lũ quét”, các giải pháp đối
phó từ Bắc Kinh chưa thể đến trong ngày một ngày hai. Vì thế, Trung Quốc đang
cần “xả stress”. Thương chiến Trung - Mỹ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song
tựu trung lại đây là cuộc “so găng” giữa hai gã khổng lồ, đại diện cho hai quan
niệm ngược nhau về thế giới. Hai cường quốc này có những toan tính khác nhau về
Trật tự quốc tế trong ngắn hạn và dài hạn; hiện họ đang quyết đấu xem ai sẽ là
người “xác lập luật chơi”, ai sẽ là người “dẫn dắt” cái Trật tự ấy. Nhưng
tại sao lúc này Trung Quốc lại chọn Việt Nam, chọn khu vực Bãi Tư Chính để “rút
củi dưới đáy nồi” của cả hai điểm sôi vừa đề cập? Đơn giản, vì theo đánh giá
của Trung Quốc, Việt Nam đang chập chững giữa “ngã ba đường”. Tuy là “đối
tác mới nổi” trong cấu trúc của “không gian Ấn Thái Dương” (FOIP), nhưng lại ở
vị trí dễ tổn thương, vì yếu cả về sức mạnh “cứng” lẫn sức mạnh “mềm”. Hẳn
nhiên khi đánh giá như vậy để chọn “con mồi”, Bắc Kinh đã bỏ qua lịch sử xa xưa
cũng như hiện đại mới đây.
“Nạn nhân kép”
Chu Thị Xuyến: Ý ông là với khủng hoảng
kéo dài ở khu vực Bãi Tư Chính, Việt Nam có nguy cơ rơi vào thân phận “nạn nhân
kép”, tức là vừa phải chịu sức ép về biển đảo do việc Trung Quốc cần “xả
stress”, vừa có thể trở thành nạn nhân trong cuộc “so găng” Mỹ - Trung?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Các nhà nghiên cứu gần
đây bắt đầu dùng khái niệm “nạn nhân kép” để mô tả tình thế khó khăn mà
Việt Nam đang phải đương đầu xung quanh khủng hoảng ở khu vực Bãi Tư Chính. “Nạn
nhân kép” ở đây thể hiện trên hai phương diện: Thứ nhất, thân phận
quốc gia Việt Nam bị tiếp tục chèn ép, thành quả lao động và hòa bình chúng ta
có được bao lâu nay đang bị đe dọa; Thứ hai, ý đồ thâm hiểm của Trung
Quốc là muốn khuất phục Việt Nam để răn đe các thành viên ASEAN khác trong khu
vực, tạo đà để giành thế thượng phong với Mỹ trong các cuộc đối đầu quy mô toàn
cầu. Nhìn sâu hơn vào cái nguy cơ của một thân phận là “nạn nhân kép”, chúng
ta thấy dường như Trung Quốc đang muốn bắt cả dân tộc Việt Nam làm “con tin”
cho chính sách bành trướng của họ.
Chu Thị Xuyến: Liệu khu vực và thế giới
có nhìn nhận khủng hoảng Bãi Tư Chính ở mức độ nghiêm trọng như ông vừa phân
tích?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Khi GS. Peter Navarro
viết cuốn sách gối đầu giường cho các nhà hoạch định chiến lược từ mọi quốc gia
“Chết dưới bàn tay Trung Quốc”, sau đó ông được Tổng thống Trump mời vào
làm cố vấn trong Nhà Trắng, thì vị Giáo sư Kinh tế và Chính sách công này đã
nhấn mạnh, Trung Quốc không chỉ là vấn đề của nước Mỹ, ban lãnh đạo Trung Quốc
là vấn nạn toàn cầu. Khủng hoảng ở khu vực Bãi Tư Chính chỉ là một “nhát cắt”
(cross-cutting), một âm mưu thường trực trong “kinh lược hải dương” của Bắc
Kinh. Sau “Bãi Tư Chính” này sẽ còn nhiều “Bãi Tư Chính” khác. Kể từ 20/7/2019,
qua các tuyên bố chính thức của Washington, từ Bộ Ngoại giao đến Bộ Quốc phòng,
từ Ngoại trưởng đến tân Tổng trưởng Quốc phòng, từ Chủ tịch Quốc hội đến các
Nghị sỹ đứng tên đề xuất Nghị quyết trừng phạt Trung Quốc… Rồi các tuyên bố từ
Bộ Ngoại giao Nhật, Ấn Độ, Thủ tướng Úc, Liên minh châu Âu với tư cách là một
khối thống nhất và từ ba nước đầu tàu EU là Pháp, Đức và Anh. Nếu không nhận
thức được nguy cơ Trung Quốc và tầm mức nghiêm trọng của các vụ xâm lấn đang
diễn ra hiện nay, Mỹ và phương Tây không hành động mau lẹ như thế.
Chu Thị Xuyến: Nội dung các tuyên bố
của Mỹ và thế giới đề cập những vấn đề gì liên quan đến khủng hoảng Tư Chính?
TS. Đinh Hoàng
Thắng: Các tuyên bố phong phú và đa chiều kích, nhưng có 3 nội dung nổi bật. Một
là lên án Trung Quốc ức hiếp Việt Nam. Hai là phê phán Trung Quốc làm tổn hại
tới an ninh năng lượng khu vực và thế giới, gây tác động xấu, rất xấu đến Trật
tự trong khu vực Ấn Thái Dương (FOIP). Ba là ủng hộ tuyên bố về quyền chủ quyền
của ta (Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam). Cá biệt
Quốc hội Mỹ còn đòi ra Nghị quyết riêng để trừng phạt Trung Quốc về những hành
động gây hấn trên Biển Đông.
Chu Thị Xuyến: “Lụt thì lút cả làng”
thưa Tiến sỹ. Nếu như lần này, thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam, lên án Trung
Quốc như chúng ta đang chứng kiến, vậy chúng ta có thể phát huy bài học “kết
hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” như trong các cuộc kháng chiến
trước đây?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Hoàn toàn có thể! Tuy
nhiên, phải khẳng định ngay, nội hàm của bài học ấy ngày nay đã khác xưa một
cách căn bản. Chính đường lối “hội nhập toàn diện và sâu rộng”, chủ trương kiến
tạo một hệ thống “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn diện” của nhà nước ta đã
phản ánh những thay đổi mang tính “chuyển dịch địa tầng” trong thời đại ngày
nay. Trước đây, chúng ta chưa thể hình dung sẽ xuất hiện một cấu trúc an ninh
mới có quy mô toàn cầu như “không gian Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP)
của Bộ Tứ, bao gồm Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Chỉ cách đây hai năm, cũng
chưa ai nghĩ ASEAN sẽ có phản ứng tích cực trước khung khổ địa-chính trị đó và
khẳng định AOIP (Quan điểm của ASEAN về FOIP). Đây chính là cơ hội kim cương
chứ không chỉ là cơ hội vàng để Việt Nam và ASEAN có thể trở thành những “thành
viên theo sát” (shadow member) của “chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS). Bài học
dân tộc và thời đại ngày nay chính là ở chỗ đó!
Càng nhân nhượng, Trung
Quốc càng lấn tới
Chu Thị Xuyến: Philippines là một thành
viên ASEAN khác từng bị Trung Quốc ức hiếp như Việt Nam. Ông Duterte phải giấu
“sổ đỏ” được Tòa PCA cấp năm 2016. Việt Nam có học hỏi được điều gì qua
chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ 5 vừa qua của vị Tổng thống được coi là “Trump của
Á châu”?
TS. Đinh Hoàng
Thắng: Bài học lớn nhất qua chuyến công du của ông Duterte tại Bắc Kinh là càng
nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Philippines gác “sổ đỏ” bác đường
lưỡi bò của Trung Quốc do Tòa Trọng tài thường trực (PCA) cấp năm 2016, còn
Việt Nam thì nương vào “tình đồng chí 4 tốt và 16 chữ vàng” với hy vọng được
yên ổn và giữ được “đại cục”… Nhưng tất cả đều vô nghĩa trước tham vọng biến
Biển Đông thành ao nhà nhằm triển khai “Sáng kiến Vành đai con đường” (BRI) của
Bắc Kinh.
Chu Thị Xuyến: Ông có thông tin gì mới
về chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng?
Trong bối cảnh hiện nay, chuyến thăm ấy có ý nghĩa như thế nào đối với bang
giao Việt - Mỹ cũng như đối với quá trình hội nhập và phát triển của Việt
Nam?
TS. Đinh Hoàng
Thắng: Lời mời chính thức từ phía Mỹ đã được đích thân Tổng thống Trump đưa ra từ
đầu năm, ngay tại Hà Nội. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cả hai nước đang chuẩn
bị khá chộn rộn, chúng ta chứng kiến các trao đổi đoàn liên tục. Mới nhất là
hai tướng Không quân Mỹ, Đại tướng Goldfein, Tham mưu trưởng và Đại tướng
Brown, Tư lệnh khu vực Thái Bình Dương chắc chắn không phải sang Việt Nam để
nghỉ mát. Các ông ấy không giấu giếm mục đích “sang Hà Nội là để chuẩn
bị các phương án bày lên bàn các nhà lãnh đạo chính trị để họ lựa chọn”. Nước
ngoài bình luận rất nhiều. Phía ta thì vẫn “yên tĩnh”, nhưng rõ ràng đang chuẩn
bị, âm thầm mà cương quyết! Tôi cho rằng, chuyến thăm cấp cao trong khoảng từ
nay đến cuối năm sẽ là bước ngoặt không chỉ trong quan hệ Việt - Mỹ, mà còn là
cột mốc lịch sử trên con đường hội nhập toàn diện và phát triển bền vững của
Việt Nam.
Chu Thị Xuyến: Thưa Tiến sỹ, đấy là
điều kiện bên ngoài, còn bên trong, cho đến nay, Tiến sỹ đánh giá thế nào về
khả năng bảo vệ và giữ Tư Chính?
TS. Đinh Hoàng
Thắng: Tôi tin rằng, ta có khả năng và đủ sức mạnh để bảo vệ và giữ khu vực Bãi Tư
Chính. Nhìn vào cách phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam (đã 3 lần ra tuyên bố
chính thức và nhiều lần trao công hàm phản đối), phát biểu của người đứng đầu
chính phủ (2 lần), dư luận có thể vẫn chưa thỏa mãn, nhưng trên thực tế ta đang
chủ động một số kịch bản để kiên trì và kiên quyết xử lý cuộc khủng hoảng. Tuy
nhiên, về quyết tâm thì chỉ có một và không hề lay chuyển, đó là phải giữ cho
được khu vực Bãi Tư Chính bằng mọi giá! Ngày 08/9/2019, giới quan sát ghi
nhận các dấu hiệu cho thấy tàu khảo sát Trung Quốc HD-8 đang trên đường quay
trở lại khu vực Bãi Tư Chính, với tốc độ tối đa. Phải chăng Trung Quốc đang rắp
tâm chiếm khu vực Bãi Tư Chính bằng mọi giá? Tôi không dám nghĩ đến các hệ lụy
nguy hiểm của việc mất Bãi Tư Chính hay Việt Nam lại buộc phải thoái lui khỏi
một “lô dầu” nào đấy từ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Bởi vì
khu vực Bãi Tư Chính là một “cứ điểm” chiến lược trọng yếu. Mất Bãi Tư Chính
hay mất bất cứ một điểm nào, một phần nào nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của
ta sẽ dẫn đến mất toàn bộ Biển Đông. Phát huy ba yếu tố thiên thời, địa lợi,
nhân hòa để bảo vệ biển đảo hiện nay, tôi băn khoăn, dường như ta chưa thấm
nhuần sâu sắc về sức mạnh của lòng dân, chưa dựa vào khát vọng và cố kết bên
trong. Nếu chính quyền chưa coi trọng đúng mức, không dựa vào yếu tố “nhân hòa”
thì cái giá đỡ “thời đại” sẽ không phát huy được hết tác dụng. Chúng ta chủ
trương “quốc tế hóa Biển Đông”, kêu gọi các nước đóng góp vào việc bảo vệ hòa
bình - an ninh trên Biển Đông, chúng ta càng phải chú ý đến các nhân tố nội
tại.
“Mô thức Bí Đao” như một giải pháp
Chu Thị Xuyến: Hơn hai tháng qua, hàng
trăm bài viết nhắc đi nhắc lại các biện pháp cần kíp vào thời điểm “nước sôi
lửa bỏng” này. Tiến sỹ có nhận xét gì về các giải pháp được các nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước đề xuất?
TS. Đinh Hoàng
Thắng: Phần lớn các giải pháp đề xuất đều hợp lý và khả thi, đặc biệt là phải kiện
Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Tôi xin nhắc lại đề xuất trước đây, “Mô thức
Bí Đao” (P&DOWN) như một giải pháp tổng thể. Các thành tố của giải
pháp, khi triển khai trong thực tiễn, luôn phải cập nhật hóa cho phù hợp với
tình hình. “P” trong Partnership như hệ thống đối tác chiến lược hoặc toàn
diện, đã đến lúc cần nâng cấp “đối tác toàn diện” trong quan hệ Việt - Mỹ.
Tuy nhiên, “P” chỉ phát huy hiệu quả tối đa nếu chúng ta mạnh bên trong
và mở ra được những thế cờ mới cả trong lẫn ngoài. Về thành tố “D” như dân
chủ hóa đất nước,chính quyền cần phát huy đầy đủ hơn “sức mạnh mềm” ẩn
chứa trong triệu triệu lồng ngực. Không nên hạn chế vai trò của người dân và xã
hội dân sự trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo. Chúng ta vẫn phải tiếp tục đàm
phán, lấy “nhu” thắng “cương”, “nhu” nhưng không “nhược”! Đó còn là thành
tố “O” trong (Organising) đàm phán COC và tổ chức cuộc chiến
pháp lý và truyền thông trong nước và ra với thế giới. Kết hợp hài hòa các
nhân tố then chốt ấy để kiến tạo nên một “minh triết bảo quốc” (Wisdom),
để kết nối (Networking) với không gian Ấn Thái Dương tự do và
rộng mở (FOIP) theo AOIP - nhận thức của Việt Nam và ASEAN về FOIP.
Chu Thị Xuyến: Xin cảm ơn Tiến sỹ
về cuộc trao đổi này và hy vọng chúng ta còn tiếp tục câu chuyện
về “Minh triết làm chủ Biển Đông” vào một dịp khác./.