12 octobre 2019

Dân Thủ Thiêm đòi trả lại đất bị lấy oan


Sáng 7/10, trong khuôn khổ tiếp xúc cử tri Quận 2 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị số 7) tại Nhà thiếu nhi Quận 2, vấn đề bồi thường oan sai trong thu hồi đất Thủ Thiêm tiếp tục nóng chất vấn.


Cử tri Quận 2, TP.HCM giơ tay xin ý kiến phát biểu với Đoàn đại biểu Quốc hội (đơn vị số 7) trong buổi tiếp xúc cử tri sáng nay 7/10

Đoàn đại biểu số 7 tham gia tiếp xúc cử tri lần này gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm-nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó chánh án TAND TP.HCM.


Cử tri Nguyễn Tấn Cửu - phường An Phú đề nghị Đoàn đại biểu chuyển kiến nghị của cử tri lên cho lãnh đạo TP về việc phải minh bạch thông tin xác định ranh giới quy hoạch. Yêu cầu TP nói và chỉ rõ dựa trên căn cứ nào để khẳng định 5 khu phố thuộc 3 phường (An Khánh, Bình An và Bình Khánh) nằm trong ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cho rằng đất của mình cũng thuộc diện nằm ngoài ranh giới quy hoạch như khu 4,3 ha, cử tri Nguyễn Thị Tám, phường Bình Khánh, cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội cần làm việc để lãnh đạo TP phải trực tiếp đối thoại với dân như lời hứa với họ khi động viên những hộ dân đi khiếu kiện từ Hà Nội trở về.

“Kêu chúng tôi trở về để đối thoại, để làm rõ những khúc mắc. Nhưng khi chúng tôi về thì không tổ chức đối thoại. Dân kéo lên UBND TP.HCM đòi gặp lãnh đạo TP nhưng bất thành vì không thể gặp” - cử tri Tám nói.

Đề cập đến việc HĐND TP.HCM ngày 6/10 đã thông qua chính sách bồi thường cho 331 hộ dân ở khu 4,3 ha, cử tri Nguyễn Thị Phương Trang (phường Bình An) cho biết cá nhân bà không đồng tình.

“Cái gì TP đã lấy của dân không đúng thì trả lại cho chúng tôi là được. Không cần phải tính toán phương án này hay phương án khác, đổi đất hoặc theo giá hiện nay. Tôi cũng đề nghị TP phải lấy lại 160 ha đất tái định cư đã giao cho các doanh nghiệp" - bà Trang nói.

Trả lời các kiến nghị của cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết: trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là đề đạt ý kiến của cử tri đến các cơ quan hữu quan chứ không trực tiếp giải quyết. Vì thế, không chủ động có được kết quả để thông báo cho bà con.

Vì vậy, các đề nghị như báo cáo kết quả rà soát 160 ha tái định cư của cử tri Phương Trang hay việc tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo TP với bà con thuộc 5 khu phố của 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh…, Đoàn đại biểu sẽ ghi nhận và thông báo lại với lãnh đạo UBND TPHCM.

"Hiện nay các cơ quan chức năng đang thống kê, nắm lại vấn đề này. 160 ha không thể trôi sông trôi biển được. TP đang thực hiện những việc chính trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Chúng tôi hy vọng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi mọi việc sẽ được giải quyết rõ ràng với dân" - ông Khuê nói.
Dù HĐND TP.HCM đã thông qua chính sách bồi thường bổ sung nhưng người dân Thủ Thiêm chưa hài lòng.



Trước đó, trong kỳ họp bất thường của HĐND TP.HCM ngày 6/10 để xem xét một số tờ trình của UBND TP HCM, trong đó trọng tâm là thông qua chính sách giải quyết bồi trường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với 331 hộ dân khu đất 4,3 ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2 (Khu đất được xác định nằm ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Tại kỳ họp, HĐND TP.HCM đã chính thức thông qua các phương án bồi thường bổ sung cho dân Thủ Thiêm như tờ trình.

Theo đó, TP sẽ dựa trên giá đất các dự án lân cận theo khung giá nhà nước ở thời điểm hiện tại. Theo ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cách tính này được UBND TP.HCM nghiên cứu trong suốt thời gian dài. Ban thường vụ Thành ủy cũng đã thông qua. Cụ thể, giá đền bù sẽ được tính theo quy chiếu hệ số. Tức là vẫn tính giá thị trường không kiểm soát để làm cơ sở quy chiếu hệ số tỉ lệ diện tích đất được hoán đổi.

Được biết, để đầu tư xây dựng Thủ Thiêm, TP.HCM đã giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm. Hơn 14.600 hộ dân với khoảng 60.000 nhân khẩu ở các phường (Thủ Thiêm, An Lợi Đông, An Khánh, Bình Khánh và Bình An) đã phải di dời đi chỗ khác để nhường chỗ cho siêu đô thị mới mọc lên.

Và từ đây, những vụ kiện cáo dai đẳng đòi đất của người dân Thủ Thiêm cũng bắt đầu. Hơn 20 năm đã trôi qua, công tác giải phóng mặt bằng nơi đây đã đạt khoảng 90% diện tích đất được bồi thường, giải tỏa, nhưng đến nay những oan khuất trong việc bị lấy đất sai, oan của dân Thủ Thiêm vẫn chưa được giải tỏa.


Anh Tú
Nguồn: Dân Trí