28 septembre 2021

Dịch cũng chỉ là một loại bịnh


Thiện Tùng

25/9/2021

 

Dịch chỉ là một trong nhiều thứ bịnh? Sinh ra và sống trên đất nước Việt Nam nầy hơn 80 năm qua, tôi đã lâm bịnh dịch Đậu mùa và chứng kiến nhiều nạn dịch khác. Thực tế cho thấy, đối với bịnh dịch phải dùng biện pháp khoa học để triệt tiêu nó, hay ít ra cũng phải vô hiệu hoá nó, tạm thời chung sống với nó khi chưa tìm được nguồn gốc phát sinh ra nó để loại nó ra khỏi công đồng. 


Chẳng hạn như: trước đây, vào thập niên 40, ở đồng bằng Sông Cửu Long, cứ vào đầu mùa mưa lũ, thường hay xuất hiện bịnh Dịch tả, do người dân thiếu hiểu biết, uống nước sống từ thượng nguồn xuôi về có độc, gây ra ỉa chảy, ói mữa, đánh mỏ báo động vang trời, tỷ lệ tử vong khoảng 1% số người bị nhiễm dịch. Nhờ 2 ông thầy thuốc Nam có tên là Bửu Sơn Kỳ Hương ở vùng Bãi Thưa (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nay) khuyên dân uống nước nấu chín và bán như cho thuốc cầm ỉa chảy, ói mữa là qua cơn. Tuân thủ lời dặn của 2 ông, từ đầu thập niên 50 đến nay, cư dân ĐBSCL uống nước mưa hoặc nước nấu chín, bịch Dịch tả không còn xuất hiện. Hoặc như dịch Sốt xuất huyết, chỉ cần ngăn ngừa muỗi Vằn và diệt Lăn quăng, ngủ mùng thì hạn chế đến mức thấp nhứt bịnh sốt xuất huyết.

 

Xã hội đã phân công phân nhiệm rõ ràng, khi có bịnh nói chung, bịnh dịch nói riêng, ngành Y phải nhảy ra “đứng mũi chịu sào”?. Ngày 27/4/2021 dịch COVI-19 tái xuất hiện lần thứ 4 với chủng loại mới Dalta, gây lây nhiễm nhanh, rộng ở 2 tỉnh phía Bắc là Bắc Ninh và Bắc Giang. Thay vì Đảng cầm quyền giao cho ngành Y  thảo ra kế sách phòng chống dịch, đàng nầy Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng xuống lịnh “Chống Dịch như chống Giặc”. Theo lịnh Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vội vàng đưa ra Chỉ thị 16, lịnh cho cả nước giãn cách, bao vậy phong toả phòng chống dịch rất khắc nghiệt chưa từng có. Ai phản biện thì mặc ai, ngành Y không hề phản biện, chỉ một mực tuân theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, chống dịch chủ yếu bằng biện pháp hành chính (bạo lực). Khi dùng bạo lực chống dịch không thành, kiểu “giận dao chém thớt”, hành dân là chính. 

 

Khi dịch xâm nhập vào TP HCM rồi lan ra cả Nam bộ, Đảng và chính phủ tập trung “binh hùng tướng mạnh” đàng ngoài chi viện cho đàng trong. Qua gần 2 năm cọ sát, đã biết rõ virus dịch COVID-19 theo đường mũi, miệng xâm nhập vào bên trong tàn phá phổi gây chết người, mà cứ ở đó hô hào chung chung: “Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương… là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch COVID-19”. Dịch ở đâu? Hình hài nó thế nào? Dùng phương tiện gì để chống nó… trong khi người dân bị dí bó trong nhà?.

 

Thay vì giao cho cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, nhắc nhở mọi người ăn uống, rèn luyện nâng cao thể trạng / Nếu đi ra ngoài phải thực hiện triệt để 5k / Thường xuyên vệ sinh mũi họng, tự canh giữ không cho virus mượn đường mũi, họng vào trong tàn phá cơ thể mình. Và thay vì giao cho ngành Y chuẩn bị đấy đủ phương tiện, thuốc men cần thiết, sẵn sàng đón nhận tất cả những ai có triệu chứng bịnh dịch chữa trị kịp thời, hạn chế đến mức  thấp nhứt tử vong. Khi dịch đã phát tán lan tràn, loại trừ F0 ra khỏi cộng đồng không còn mang tính khả thi, lượng người bị nhiễm không còn quan trọng, tử vong nhiều hay ít mới là thước đo  trách nhiệm và khả năng của ngành Y.

 

Nhưng không, ngành Y không chịu hay không dám làm như thế, chỉ biết vâng lịnh trên. Chẳng lẽ trên sai dưới cùng phải sai?!. Việt Nam từ chỗ dẫn đầu về phòng chống dịch COVID-19, giờ đây dịch lây nhiễm lan tràn, so với lượng lây nhiễm, về ca tử vong ở VN cao hơn bình quân thế giới, gây hoang mang, rối loạn xã hội… là do cấp dưới, nhứt là ngành Y thụ động trong chống dịch, chỉ một mực làm theo sự chỉ giáo của hệ thống chính trị.

 

Dịch gây hại  đời sống, sức khoẻ, mạng sống của con người, chủ trương phòng chống dịch, thậm chí xem nó là giặc cũng không sai. Có điều, về biện pháp   “Chống dịch như chống giặc” là sai, vì không như giặc người, giặc dịch vô hình, chúng áp dụng “chiến tranh du kích”, đi mây về gió “xuất quỷ nhập thần”. Dùng chiến thuật thuật biển người, binh hùng tướng mạnh, ngăn đường chắn ngõ… rốt cuộc chỉ “quân ta đánh quân mình”, còn dịch thì ung dung tự tại trên khắp mọi miền đất nước, rào chắn không thể ngăn cản, chúng đột nhập vào từng hang cùng ngõ hẽm, thậm chí chui sâu vào nội tạng con người. Nơi nào cũng có dịch, sợ lây lan, cấm qua lại giữa các cơ sở, địa phương, vùng, miền không còn ý nghĩa, chỉ gây khó khổ cho nhau mà thôi?.

 

Chỉ thị 16 sai từ đầu đến cuối, chỉ gây mất mát, tang tóc, đau thương cho đất nước và dân tộc:

 

- Chỉ thị 16 nguyên thuỷ do  cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng tác có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020, áp dụng trên ttoàn quốc, có nội dung: “Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.

 

- Khi lên chấp chánh tân Thủ tướng và kiêm trưởng Ban phòng chống dịch, ông Phạm Minh Chính tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 có nâng cao (16+) bổ sung thêm những nội dung kêu hơn, cao hơn: Lịnh cho đàng ngoài đổ hàng ngàn người đàng ngoài mặc quân phục, y phục vào chi viện cho đàng trong / Rào đường chặn ngõ, cấm chợ ngăn sông / Vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người / Nhà cách ly nhà, người cách ly người, ai ở đâu ở đó /  Nhà máy, xí nghiệp làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ (3 tại chỗ) / Tổ chức xét nghiệm (test) đại trà, moi mũi móc họng từng người 3 ngày 1 lần để truy tìm F0, F1 dầu không có triệu chứng đưa vào những khu vực cách ly ..v.v… Kiểu “quét nhà ra rác”, càng moi móc càng ra nhiều F0 và F1. Khi bịnh viện và khu cách ly quá tải buộc phải cho F0 chưa có triệu chứng và F1 cách ly tại nhà. Những việc làm nầy chẳng những vi phạm 5k tạo ra lây nhiễm chéo, còn vi phạm thô bạo pháp luật?.

 

Chỉ thị 16 trơn hay 16+ đếu vi phạm thô bạo quyền công dân do Hiến pháp quy định (tra Hiến pháp sẽ rõ). Thế mà bất kỳ một ai đó, dầu cho vô tình, vi phạm một chi tiết nhỏ Chỉ thị 16 đều bị người “thi hành công vụ” quy là vi phạm pháp luật, xử phạt không nương tay – hành dân đến thế là cùng ?!.

 

Suốt gần 2 tháng trời, qua nhiều lần định mức thời gian giãn cách, thực thi nghiêm ngặt hết Chỉ thị 16 trơn đến Chỉ thị 16+ mà tình hình dịch bịnh ngày một tồi tệ hơn, lãnh đạo TP HCM  tỏ ra mệt mõi, ngán ngẫm. Trước cảnh khó khăn, mất mát, khổ đau của người dân và kinh tế từng bước lụn bại, trong cuộc họp Thành uỷ mở rộng vào chiếu ngày 30/8/2021, Bí thư Nguyễn văn Nên than: Thành phố Hồ Chí Minh không thể cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 được…” (theo báo Pháp Luật Online).

Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

 

Trước cảnh dịch cứ rấn tới, người chết và trẻ mồ côi ngày càng tăng vì dịch COVID-19, phó bí thư Thành uỷ Nguyễn Hồ Hải nói: “Phải tìm mọi cách bảo vệ bà con, nếu không sau này sẽ ân hận”. Từ lời cảnh báo của ông Hồ Hải, nhân tết Trung thu, ngày 20/9/2021 (nhầm ngày 14/8 Âm lịch), lãnh đạo cấp cao TP HCM chia nhau tìm đến thăm viếng và tặng quà Trung thu cho trẻ mồ côi có cha mẹ chết vì dịch bịnh. (theo báo Dân Trí).

 

Lãnh đạo Sài thành, một thành phố lớn nhứt, bề thế nhứt nước về mọi mặt mà suốt thời gian dài thụ động, để mặc sức cho ai muốn làm gì thì làm, gây biết bao tai ương cho dân, cho kinh tế địa phương. Vụ dịch nầy khiến Sài thành xuống thế, xuống cấp: ngoài phải thọ ơn, dù chỉ là danh nghĩa, đối với các địa phương đưa người và của chi viện cho mình trong lúc nguy nan, còn phải nhường ngôi vị “dẫn đầu” cả nước cho  Hà thành . 

 

Không biết các nước thì sao, chớ riêng VN nạn Dịch COVID-19 rồi đây sẽ được ghi vào lịch sử. 

 

 Dầu lãnh đạo Sài thành thật sự bắt đầu “sám hối”, có ý định xét lại chỉ thị 16 và bỏ công của đi thăm, tặng quà Trung thu cho hàng ngàn trẻ mồ côi có cha mẹ chết vì dịch binh  cũng không thể bù đắp được những gì đã mất mác. Thiết nghĩ, dàn lãnh đạo cấp cao Sài thành, nhứt là ông Nên, ông Mải, ông Phong dù có từ chức cũng vẫn chưa vừa. Nhưng chi vậy, nước đã đổ làm sao hốt lên được, chi bằng để những người biết mình đã sai tiếp tục cầm quyền có khi còn tốt hơn, ít có khả năng tái phạm. Có điều, theo tôi nghĩ, các ông bà cấp cao ở Sài thành từ 27/4/2021 ( khi khởi đầu đợt dịch thứ tư) đến nay nên tự xuống tóc (tự cạo đầu), không phải để đi tu, đó là một biểu hiện cao nhứt  của sự thành tâm “sám hối” của mình, để rồi tiếp tục lãnh đạo và đồng hành cùng nhân dân Sài thanh vượt qua khó khăn, khôi phục lại những gì đã mất (chỉ những người đã chết vì dịch bịnh mới không thể); Có kế hoạch bảo trợ cho những em tuổi học trò mồ côi có cha mẹ chết vì dịch bịnh, để cho các em bớt khó khăn, bớt tróng trải, cô đơn.

 

Dầu đã muộn, theo tôi, nên tổ chức chống dịch cho đúng bài bản:

 

1/  Giao cho ngành Y chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc men cần thiết, sẵn sàng đón nhận tất cả những ai có triệu chứng bịnh dịch chữa trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhứt tử vong. Khi dịch đã phát tán lan tràn, loại trừ F0 ra khỏi công đồng không còn mang tính khả thi, lượng người bị nhiễm không còn quan trọng, tử vong nhiều hay ít mới là thước đo  trách nhiệm và khả năng của ngành Y.

 

2/  Mạnh dạn xoá phong toả, cho người dân lui tới mưu sịnh. Thay vì tiền trợ cấp hay tiền mua hàng cứu trợ dành cho mua vác-xin thật sự tốt tiêm cho mọi người theo thứ hạng ưu tiên 1,2,3… – không thể chấp nhận kiểu bí lối nói càn: “vác-xin tốt nhứt là vác-xin được tiêm trước nhứt”.

 

3/  Giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, nhắc nhở mọi người ăn uống, rèn luyện nâng cao thể trạng / Nếu đi ra ngoài phải thực hiện triệt để 5k / Thường xuyên vệ sinh mũi họng, tự canh giữ không cho virus mượn đường mũi, họng vào trong tàn phá cơ thể mình – “mỗi người là một chiến sĩ” là phải tự bảo vệ mình như thế?.

 

4/  Huy động lực lượng làm vệ sinh môi trường chung, từng hộ làm vệ sinh riêng nơi ở của mình để virus không còn chỗ dựa.

 

Trong phòng chống dịch nầy, “đâm lao theo lao”; thắng thì giành công, thua tìm cách đỗ lỗi cho nhau đang là một hiện tượng.

 

Nóng lòng việc chung, tôi cứ nói thẳng, nói thật những gì mình cảm nhận và mạo muội “làm thầy đời”, nếu có xúc phạm với ai đó xin bỏ qua cho. -/-