06 septembre 2021

Góp vài lời với Song Chi

Nguyễn Đình Cống

Tôi vừa đọc bài của Song Chi : “Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam khó thay đổi?”, (Tiếng Dân ngày 1/9). Đọc và thấy có những lý giải đúng nhưng chưa được sâu sắc nên muốn góp vài lời, vừa trao đổi, vừa cung cấp thông tin để rộng đường dư luận.

Song Chi cho rằng ”Tự nguyện chọn Trung Cộng là thầy, là đồng chí anh em, copy mô hình của Trung Cộng, nhất cử nhất động học theo Trung Cộng” thì ĐCSVN giữ được đảng và chế độ nhưng để mất nhiều thứ  rất quý giá của đất nước và luôn nơm nớp lo sợ.


Song Chi nhận xét rằng ĐCSVN bám chặt vào Trung cộng “Không chỉ vì họ tham lam quyền lực, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, mà còn vì các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN từ trước cho đến tận bây giờ vẫn là những kẻ có tầm nhìn thiển cận, tư duy cứng ngắc, sợ thay đổi, có tâm thế hèn hạ, nhược tiểu, chỉ muốn dựa vào nước khác, chỉ muốn học theo nước khác, hết dựa theo học theo Liên Xô lại dựa theo, học theo Trung Cộng, không muốn thoát ra . Họ cũng không yêu nước, không biết nhục vì nước mình còn nghèo thua xa các nước, chuyện gì cũng phải ngửa tay đi xin đi vay, cũng không biết thương dân đã quá cực quá khổ. Họ là như vậy, thì làm sao mà có thể thay đổi?.... Đảng cộng sản vẫn cứ giữ nguyên hiện trạng, đối nội bám chắc quyền lực không bao giờ chịu san sẻ cho ai, đối ngoại tiếp tục đu dây giữa các cường quốc, như từ trước tới giờ vẫn thế”.

Những nhận xét trên đây là khá đúng với bản chất ĐCSVN. Tôi chỉ xin nêu ra bốn điểm chưa được nhất trí và bổ sung thêm vài điều. Bốn điểm chưa nhất trí là: Tầm nhìn thiển cận, sợ thay đổi, chỉ muốn dựa vào nước khác và đu dây.

Cho rằng “Các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN từ trước cho đến tận bây giờ vẫn là những kẻ có tầm nhìn thiển cận”. Viết như thế e rằng dễ phạm vào lỗi “Vơ đũa cả nắm”. Thực ra trong hàng ngũ lãnh đạo của ĐCSVN trước đây cũng có một số người  có tài năng, có tầm nhìn, nhưng họ bị thiểu số, một vài người còn bị hãm hại. Có được những người này trong thời gian ngắn  không phải nhờ vào điều gì tốt đẹp từ đảng mà chính là những phẩm chất tốt đẹp họ có sẵn trước khi vào đảng. Thế rồi những phẩm chất tốt đẹp đó bị đảng làm cho thui chột, mất dần.

Về sợ thay đổi. Cách mạng là sự thay đổi mà họ đang làm cách mạng. Họ không sợ sự thay đổi đâu mà sợ nhất là chệch hướng Mác –Lê, sợ nhất là sự toàn trị bị giảm sút. Họ đã có một số thay đổi để thực hiện Mác- Lê và củng cố sự thống trị. Phần nhiều thay đổi đó mang lại tai họa cho dân tộc. Thí dụ dân đang làm ăn yên lành thì họ làm cải cách ruộng đất, bắt vào hợp tác xã, quốc hữu hóa đất đai v.v…Thế chẳng thay đổi là gì.

Khi nói họ chỉ muốn dựa vào và học theo nước khác thì có thể nhầm nước khác là nước văn minh, dân chủ, tiến bộ. Được như thế thì tốt. Không! Họ không học, không theo những nước như vậy mà chỉ theo những nước độc tài vô sản chuyên chính. Như vậy không nên viết “nước khác” chung chung mà phải chỉ rõ ra là họ chỉ học theo các nước độc tài toàn trị, theo Mác-Lê.

Về đu dây. Đây là nhận định của rất nhiều người trong thời gian dài, cho rằng đó là chủ trương mềm dẻo, sáng suốt. Tôi nghĩ đây là một nhận định nhầm. Đu dây phải dựa trên nguyên tắc giữ thật cân bằng, nếu hơi bị lệch phải kịp thời điều chỉnh. Đảng CSVN chưa bao giờ đu dây giữa các cường quốc mà thực chất là ôm chân Trung quốc và lợi dụng lòng tốt của Mỹ.

Xin bổ sung hai điều như sau. Thứ nhất, hình như giữa đảng CS Trung quốc và VN có một cam kết bí mật gì đó từ thời Hồ Chí Minh, thứ hai là vì sao mà các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản VN hiện nay là những kẻ có tầm nhìn thiển cận, tư duy cứng ngắc.

Điều thứ nhất. ĐCSVN sinh ra trên đất Trung quốc, được ĐCS TQ nuôi nấng, cưu mang từ lúc còn trứng nước cho đến trong các cuộc chiến tranh. Giữa Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai có một tình bạn gần như là tri kỷ. Hồ Chí Minh xem Mao Trạch Đông là thầy, là lãnh tụ vĩ đại. Câu của Đặng Tiểu Bình “Dạy cho VN một bài học” hoặc  của Dương Khiết Trì “VN là đứa con hoang đàng, hãy trở về” phải chăng có ẩn chứa điều gì đó. Rồi bí mật của Hội nghị Thành Đô. Bí mật loại này chắc trong đảng chỉ có một hai người biết. Phải chăng đó là cái thòng lọng buộc vào cổ ĐCSVN mà vì kém trí tuệ và thiếu dũng khí nên họ không sao gỡ ra được.

Lãnh đạo ĐCSTQ thừa kế được truyền thống của Đại Hán muốn làm bá chủ thiên hạ nên đã nghĩ ra và thi hành nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều mưu sâu kế hiểm. Thế mà lãnh đạo ĐCSVN vì kém trí tuệ và tham lam nên bị mắc lừa, tự chui đầu vào thòng lọng và giao đầu dây cho Trung cộng nắm giữ.

Điều thứ hai. Tại sao ĐCSVN rất quan tâm đến chất lượng cán bộ, đặc biệt là cấp chiến lược mà càng ngày phẩm chất của họ càng giảm, trí tuệ càng kém. Thế mà trước đây trong Đảng đã từng có nhiều cán bộ tài năng cao, đạo đức tốt. Điều gì làm Đảng thoái hóa nhanh chóng mặc dầu có nhiều nghị quyết xây dựng đảng, có đường lối cán bộ rõ ràng, trong các đại hội các cấp đều nêu rất cao công tác nhân sự. Tôi cho rằng đó là tự bản chất của Đảng, tự trong nguyên lý cơ bản của Đảng.

Trong sách “Thất bại lớn-Sự sụp đổ của độ cộng sản”, tác giả Brzezinski vạch ra rằng chế độ cộng sản chắc chắn sẽ sụp đổ mà nguyên nhân chính gây ra  sụp đổ là “Sự kém trí tuệ” của những người lãnh đạo. Nói kém trí tuệ là nói lịch sự, còn nói trắng ra là do ngu kết hợp với tham. Brzezinski chỉ ra nguyên nhân sụp đổ nhưng không thấy giải thích nguyên nhân của kém trí tuệ.

Những người lãnh đạo ĐCSVN thấy khá rõ tình trạng kém phẩm chất của cán bộ. Họ loay hoay tìm nguyên nhân, nhưng theo những công bố công khai thì thấy rằng họ chỉ tìm ra những nguyên nhân phụ, vụn vặt, dễ thấy, như là sự giảm sút ý chí của một số đảng viên, sự thoái hóa đạo đức của không ít cán bộ, sự buông lỏng giáo dục và quản lý của một số cấp ủy, v.v…

Họ không nêu ra được nguyên nhân cơ bản. Phải chăng vì kém trí tuệ, không biết dùng phương pháp khoa học, lại bị sự kiêu ngạo che khuất hay là có ai đó biết được mà không dám nói ra vì sợ hoặc cố tình che giấu.

Theo tôi, nguyên nhân phải được tìm từ trong bản chất của cộng sản. Đó là  sự kết hợp giữa hai nhân tố. Một là sự kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lê, một thứ phạm quá nhiều sai lầm ngay từ gốc rễ. Hai là vì trình độ yếu kém của lãnh đạo, lại bị Trung cộng xỏ mũi dắt đi. Chính vì sự kết hợp này mà lãnh đạo ĐCSVN đã vạch ra đường lối cán bộ, trong đó có những điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Những điều này từ người soạn, người duyệt, người thi hành đều không thấy, vẫn tự ca ngợi là rất đúng, rất hay. Tại sao không thấy?. Tại vì kém trí tuệ mà không chịu nghe những lời phản biện.

Không những Đảng cộng sản Việt Nam khó thay đổi như nhận xét của Song Chi mà hình như không thể thay đổi khi lãnh đạo Đảng vẫn kiên trì Mác-Lê, một thứ đã bị đa số nhân loại vứt vào sọt rác của lịch sử.