18 septembre 2021

Xé rào để cứu dân

Lưu Trọng Văn: "Chúng ta có cách đàng hoàng sống chung với covid 19 khi chúng ta có những con người dũng mãnh, vì Dân như Hờ Rin, như Thanh Hiền. Còn bọn khua môi, múa mép, bọn vô cảm, vô trách nhiệm, bọn đang lợi dụng nỗi đau của Dân đục khoét ngân khố, thì phải sớm trừng trị chúng.

Hoan hô các Bí thư, Chủ tịch “xé rào” để cứu Dân."


Có biết bao quan ngài lửa đang cháy nhà Dân rừng rực cứ đứng bên hàng rào chờ xe cứu hoả và lệnh dập cháy "đúng quy trình".

Vũ Đức Đam và Hờ Rin. Ảnh: PTT

Bọn ấy nhiều vô kể. Chúng không bị cái uỷ ban chống tham nhũng tiêu cực của TBT Nguyễn Phú Trọng rờ đến bao giờ. Nhưng chúng mới là bọn ăn hại, gây bao khốn khổ cho Dân.

Nhưng cũng có không ít vị quan thấy lửa cháy nhà Dân thì xé rào, đạp rào xông vào tìm mọi cách tốt nhất dập lửa cứu Dân trước đã.

Một trong vị ấy là nàng Hờ Rin có cái tên dân tộc Tây Nguyên, bí thư quận 6, Sài Gòn.

Khi thấy dịch lan nhanh, không chờ hướng dẫn của bộ Y tế và sở Y tế TP, Hờ Rin chủ động phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà ngay lập tức. (Phải đến giữa tháng 8, hai loại thuốc này mới được Sở Y tế chính thức hướng dẫn F0 sử dụng để điều trị tại nhà (túi thuốc.)

Lê Thị Hờ Rin (44 tuổi) nói:

"Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong. Mình chần chừ thì đâu kịp".

Nhìn lại giai đoạn ấy, Hờ Rin thừa nhận lựa chọn "xé rào" của quận là hơi mạo hiểm, nhưng khi đó, số ca tử vong rất cao, không thể thấy có cách cứu dân hiệu quả mà không làm.

Nhưng cuộc xé rào này của bí thư quận 6 lại bắt đầu từ cuộc xé rào của chính bí thư thành uỷ Nguyễn Văn Nên.

Theo lời Hơ Rin kể cho báo ZingNew:

"Cuối tháng 7, ông Nguyễn Văn Nên gửi vào nhóm chung của bí thư các quận/huyện/TP một đơn thuốc với 2 loại là kháng đông và kháng viêm, với gợi ý là nên cấp cho Dân.

Hai loại thuốc này được dùng để điều trị có hướng dẫn cho F0 trong bệnh viện, khu cách ly. Tuy nhiên, thuốc này chưa được Sở Y tế hướng dẫn sử dụng ngoài cộng đồng”.

Trong khi hầu hết lãnh đạo quận huyện e ngại thực hiện gợi ý "xé rào" của bí thư Nên thì bí thư quận 6 Hờ Rin đã chủ động gặp các chuyên gia dịch tễ giỏi tham khảo thêm ý kiến và cách thức để đi đến quyết định xé rào.

Bí thư Hờ Rin nói với Zing:

"Thời điểm khó khăn như thế, nhiều ca tử vong như thế, với tư cách là người đứng đầu, tôi không thể nhìn thấy có cách giúp dân mà không làm.

Tại sao trong bệnh viện và khu cách ly dùng được mà chưa cho sử dụng ngoài cộng đồng?

Vì thuốc này có chống chỉ định đối với một số trường hợp. Vì vậy không ai dám chịu trách nhiệm khi các chống chỉ định xảy ra trong Dân.

Biết điều này để an toàn cho Dân khi dùng thuốc, tôi yêu cầu các trạm y tế phường phải hướng dẫn rõ và kỹ cho người dân trước khi sử dụng (phải ăn no trước khi uống thuốc, sử dụng thêm thuốc hỗ trợ đối với bệnh nhân có bệnh về dạ dày…).

Tôi chủ động đề nghị bí thư 14 phường trong quận vận động để có 2 loại thuốc kháng đông, kháng viêm phát cho F0 điều trị tại nhà. Ngoài ra, phường có thể phát bổ sung các loại khác như thuốc hạ sốt, vitamin C…

Tôi biết khi đó mình yêu cầu một chuyện chưa có trong quy định và chưa được Sở Y tế hướng dẫn, nhưng vì tình thế cấp bách, mình phải lựa chọn và ra quyết định, không thể chần chừ.

Tôi dặn các phường khi điều trị F0 bằng thuốc này phải đưa xuống cho trạm y tế, hỏi rõ người dân có bệnh nền gì thì liên hệ bác sĩ của họ để phối hợp cho uống thuốc.

Tôi cũng thấy đây là một việc có phần mạo hiểm. Các phường cũng có chần chừ. Nhưng tôi phải rất quyết liệt, chần chừ đâu kịp. Mỗi giờ trôi qua mà không có thuốc là bao nhiêu bệnh nhân sẽ chuyển nặng, tử vong.

Trong quá trình này, tôi thường xuyên theo dõi, động viên các phường. Phường nào chần chừ, tôi sẽ xuống kiểm tra nhiều lần, theo rất sát. Tôi hỏi đã mua thuốc chưa, phát chưa, đi xuống tận nơi chưa, đã có ai uống chưa, uống rồi thì như thế nào.

May mắn, từ lúc dùng thuốc, các phường báo về số ca tử vong giảm hẳn. Uống chừng 5-7 ngày thì xét nghiệm ra âm tính. Nhờ đó, nhiều người yên tâm với cách làm này”.

Thật ra trước đó, từ tháng 6, bí thư Hờ Rin đã dám xé rào rồi. Do niềm tin vào các phương pháp phòng, kháng, chống bệnh sốt, ho, nhiễm khuẩn của Dân gian rất hiệu quả, bỏ qua những khuyến cáo tây y một chiều và khuôn mẫu cứng nhắc, bí thư Hờ Rin đã đề nghị các phường:

"Chủ động tăng cường tuyên truyền về các biện pháp nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể như sử dụng chanh, sả, gừng, lá tía tô, xông các loại thảo dược có tinh dầu… theo y học cổ truyền, sử dụng các loại vitamin phù hợp…

Đồng thời, bí thư Hơ Rin cũng: "đề nghị Hội Phụ nữ quận 6 nấu nước chanh - sả - gừng chuyển vào khu cách ly cho bệnh nhân điều trị, đề nghị các phường chủ động mua hoặc vận động để có chanh - sả - gừng phát cho các hộ dân trên địa bàn, nhất là các hộ dân trong khu phong tỏa”.

Chính tinh thần dám chịu trách nhiệm đặt khẩu hiệu "Hiệu quả cứu Dân là trên hết" lên trên các hàng rào chằng chịt của thói quan liêu vô cảm, bí thư Hờ Rin đã góp phần quan trọng hạn chế được ca nhiễm bệnh, ca bệnh nặng, ca chết tại quận 6.

Báo Zing đưa tin:

"Trong các chuyến thị sát tại quận 6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần biểu dương lãnh đạo quận 6 vì quyết liệt "xé rào" để cứu dân. Ông nhận định quận rất sáng tạo, vận dụng rất tốt các biện pháp phòng chống dịch với mục tiêu hiệu quả trên hết, thể hiện tinh thần trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ”.

Vậy thì lẽ nào gã không hô to một câu: “Hoan hô bí thư Hờ Rin!”

 

Thêm một nữ dũng tướng “xé rào” cứu dân

Vì sao Củ Chi không ai chết vì dịch?

Bà Phạm thị Thanh Hiền, Chủ tịch huyện Củ chi

Phương pháp "không coi F0 là người bệnh", đưa thuốc Đông y vào sử dụng từ rất sớm đã giúp Củ Chi điều trị khỏi nhiều ca bệnh rất nhanh, và đặc biệt không có trường hợp chết.

Nhiều quan ngài tây y nắm vị trí cao ngành y tế không chấp nhận sức mạnh của Đông y. Họ hầu như không hiểu gì về Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông cùng giá trị của Y học cổ truyền.

Họ không hiểu rằng đông và tây là hai cấp độ khác nhau. Ở đó Đông y phải đi trước vì các bài thuốc Đông y từ thảo dược và các phương pháp Dân gian rất hiệu quả cho phòng và dập bệnh tức thời khi bệnh vừa nhiễm thể nhẹ.

Đông y là bức thành, lá chắn quyết định để dịch bệnh không trở nặng vì tạo đề kháng phòng dịch và ngăn dịch ngay khi vừa phát. Toàn bộ việc "toang" không kiểm soát được dịch dẫn đến quá tải rồi hỗn loạn ở Sài Gòn và các tỉnh xung quanh là do có vật cản của ai đó trong ngành y tế và lãnh đạo chính quyền đã không quan tâm tới bức tường thành, lá chắn này.

Không ai phủ nhận vai trò rất quan trọng của y học phương tây khi chữa bệnh, đặc biệt khi bệnh trở nặng. Lúc bệnh trở nặng thì tác dụng các bài thuốc Đông y không còn tác dụng kịp thời nữa. Để cho bệnh nhân từ nhẹ trở nặng thì dù Tây y vào cuộc quyết liệt, tính mạng bệnh nhân vẫn bị đe doạ. Vì vậy nhiều người đã chết tức tưởi.

Phải nói thẳng những kẻ có trách nhiệm thờ ơ, ngăn cản đưa các phương pháp phòng chống dịch theo y học cổ truyền - tinh hoa của Dân tộc - là những tội đồ lịch sử. Lịch sử rồi sẽ phán xét chúng.

Tuy vậy có một số nơi không chấp nhận để Dân chết đã xé rào cứu Dân. Gã đã đưa tấm gương xé rào của Lê Thị Hờ Rin, bí thư quận 6. Còn đây một dũng tướng xé rào nữa đó là Phạm Thị Thanh Hiền, 42 tuổi, chủ tịch huyện Củ Chi. Thanh Hiền cũng như Hờ Rin có chung một lời nguyện: “khi thấy việc hiệu quả cứu Dân mà không dám làm thì mang tội với Dân”.

Cách xé rào của nữ chủ tịch Củ Chi thế này đây: "Nguyên tắc của huyện khi chăm sóc F0 là “không coi F0 là người bệnh”. Do đó, huyện rất coi trọng yếu tố tinh thần của F0.

Về thể chất, ngoài đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, huyện phân công giáo viên hàng ngày pha nước chanh - sả cho F0 uống, cấp thuốc, vitamin C, xuyên tâm liên và một số dược liệu. Huyện phát muối cho F0 rồi hướng dẫn pha để súc rửa mũi, họng nhằm giảm sự sinh sôi, nảy nở của virus trong cơ thể của F0.

Để tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho F0, huyện cho họ sinh hoạt theo một “đồng hồ sinh học”. Tình nguyện viên mỗi sáng đều mở nhạc, ra nhảy cùng F0, hướng dẫn họ tập thể dục, phơi nắng. Tối thì tổ chức đi dạo, một thời điểm chỉ cho 3-4 phòng cùng ra ngoài, đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang.

Về mặt tinh thần, huyện chuyển hệ thống loa để mở cho F0 nghe những bản nhạc sôi động, kích thích sự yêu đời, tinh thần sảng khoái. Mỗi ngày đều tuyên truyền F0 sáng nên dậy vào mấy giờ, tập thể dục, phơi nắng thế nào, ăn ngủ điều độ ra sao.

Thuốc xuyên tâm liên được huyện đưa vào sử dụng từ giữa tháng 7, từ khi dùng thuốc này, bệnh nhân xuất viện rất nhanh và tỉ lệ trở nặng thấp. Ví dụ trước đây, F0 phải mất 14-20 ngày mới âm tính, sau khi uống thuốc, thời gian giảm chỉ còn 7 ngày, có trường hợp 3 ngày đã sạch virus.

(Ở đây gã xin chen ngang: hiệu quả của dây da cóc (Ký- ninh) còn hơn tâm liên. Thực nghiệm nhiều nơi đã chứng minh khi chớm dịch uống dây da cóc này chỉ một hoặc hai ngày sau là dứt).

Có F0 vào khu thu dung rồi thì không muốn đi đâu nữa. Tỉ lệ F0 chuyển nặng của huyện rất thấp, cuối tháng 8, tỉ lệ này chỉ khoảng 1%. Sau đó, do một khu dưỡng lão ở Bình Mỹ nhiễm bệnh nên tỉ lệ chuyển nặng tăng lên, khoảng 3,5%. Huyện chưa có trường hợp nào tử vong tại khu dân cư, khu cách ly, bệnh viện dã chiến”.

Thật tự hào Củ Chi khi không có một ai chết vì dịch. Trong khi đó tại các nơi không dám xé rào tìm mọi cách cứu Dân thì hàng ngày có hàng chục người chết đau thương.

Sài Gòn hơn 1.500 trẻ phải mồ côi vì cha mẹ chết vì dịch.

Đau đớn biết chừng nào!

Những gì Củ Chi đã chứng minh chưa đủ cho các địa phương khác mở mắt hay sao?

Gã đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính hãy mời Phạm Thị Thanh Hiền và Lê Thị Hờ Rin, hai nữ dũng tướng anh hùng chống dịch đi các vùng dịch phổ biến kinh nghiệm chống dịch của mình.

Chúng ta có cách đàng hoàng sống chung với covid 19 khi chúng ta có những con người dũng mãnh, vì Dân như Hờ Rin, như Thanh Hiền. Còn bọn khua môi, múa mép, bọn vô cảm, vô trách nhiệm, bọn đang lợi dụng nỗi đau của Dân đục khoét ngân khố, thì phải sớm trừng trị chúng.

 

LƯU TRỌNG VĂN 

15.09.2021