03 novembre 2014

Nghĩ gì nhân vụ trục xuất Điếu Cày qua Mỹ ???



Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận
 số 206 (01-11-2014)



         "Đồng bào Việt Nam trong lẫn ngoài nước đã hết sức vui mừng vì thấy một tù nhân lương tâm hàng đầu như anh Nguyễn Văn Hải được tự do. Cuộc đón tiếp anh tại phi trường Los Angeles mới đây là bằng chứng. Đó là kết quả vận động lâu ngày và rộng rãi trong đó có sự đóng góp lớn lao của phong trào đấu tranh quốc nội lẫn hải ngoại.
          Tuy nhiên, sa đà vào và bằng lòng với những cuộc đấu tranh đòi giải thoát cho người này người nọ khỏi nhà tù nhỏ mà xao lãng cuộc đấu tranh cấp bách và toàn diện là giải thoát toàn thể dân tộc khỏi nhà tù lớn, không khéo lại mắc vào âm mưu của CS". 



          Một tên vô lại vừa cướp được một món đồ quý giá từ trong kho. Hắn gói ngay món đồ ấy trong mớ giẻ rách để bán vội bán vã cho một ông nhà giàu. Đó là hình ảnh nhà cầm quyền Hà Nội vừa trục xuất blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, một trong những người tù nổi tiếng nhất và được đòi thả nhất tại VN, trong bộ quần áo và đôi dép nhựa xuềnh xoàng khốn khổ. Anh cũng đã phải ra đi lưu đày sang Mỹ đang đêm mà không được một lời từ giã gia đình thân thuộc. Thiệt là đẹp mặt!
          Toàn bộ sự việc này khiến cho công luận dấy lên nhiều suy nghĩ liên quan đến nhà cầm quyền Hà Nội, chính phủ Hoa Kỳ và phong trào tranh đấu của người Việt Nam.
          1- Nhà cầm quyền Hà Nội.
          Trong buổi tiếp xúc báo chí hàng tuần hôm 23-10-2014, phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao tuyên bố: “Nhà nước VN đã quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với Nguyễn Văn Hải và cho phép Nguyễn Văn Hải xuất cảnh đi Mỹ vì lý do nhân đạo” và rằng “tại Việt Nam không có cái gọi là ‘tù nhân lương tâm’” khi bình luận việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi ông bằng danh hiệu như thế. Đúng là giọng điệu trâng tráo thường thấy mà nếu không có thì chả phải là cộng sản!  
          Thật ra, từ lâu ai cũng biết chế độ và các lãnh đạo Ba Đình chưa bao giờ nhân đạo với nhân dân cả, trái lại coi mọi người dân như con cái để thường xuyên lên giọng dạy dỗ (đứa nào cãi là nhốt tù), như con ở để tha hồ hành hạ bóc lột hay đem bán cho thiên hạ (sức dân là vô tận, lời Hồ Chí Minh), như con tin và con bài để mặc cả và trao đổi với quốc tế khi cần đạt được những mối lợi về kinh tế hay chính trị cho riêng đảng (nhất là các tù nhân lương tâm).
          Vì thường xuyên thất bại về mặt kinh tế tài chánh mà khủng hoảng nợ công và nợ xấu hiện thời là bằng chứng (do mù quáng đeo đuổi cái học thuyết Mác-Ănghen chết tiệt, do ngu dốt -xét trên quan điểm trị nước- trong việc quản lý điều hành quốc gia và do gian tham ích kỷ một cách vô độ), Cộng sản luôn tìm cách bán đi những gì nó cướp được từ Tổ quốc và Nhân dân. Nào là bán đất liền (như Tây Nguyên, Bình Dương, Vũng Áng…), bán biển đảo (như Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc bộ…), bán tài nguyên (mỏ than, mỏ vàng, mỏ bô-xít…), bán mặt nước (ở những vùng giàu cá), bán bờ biển (tại các địa điểm du lịch), bán đường đi (các tuyến cao tốc), bán rừng phòng hộ…
          Rồi là bán dân nghèo qua chính sách xuất khẩu lao động, bán thiếu nữ qua dịch vụ môi giới hôn nhân và bán các tù nhân lương tâm qua các cuộc thương thảo chính trị. Hà Nội đem blogger Điếu Cày trao cho Mỹ mới đây là để đổi lấy súng (mua vũ khí sát thương, để đánh ngoại thù hay bắn nội dân thì chưa rõ) và đổi lấy tiền (gia nhập Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương hầu thoát khỏi vực thẳm suy sụp kinh tế và suy kiệt tài chánh đang đe dọa chế độ). Kiểu cách đem con dân mình đổi chác như thế, trên thế giới này hầu như không nước nào sử dụng cả, vì nó làm sỉ nhục quốc gia, tổn hại quốc thể. Nhưng đối với Cộng sản làm gì có quốc gia và quốc thể!
          Việc trục xuất Điếu Cày cũng như nhiều nhân vật khác trước đây ra hải ngoại hay chỉ định cư trú, quản thúc tại gia đối với nhiều nhà đối kháng dân chủ còn chứng tỏ đám lãnh đạo CS không tôn trọng quyền tự do cư trú của người dân. Chính sách trục xuất những người muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia hay xây dựng xã hội ra khỏi đất nước như thế còn vô cùng ngu tối và tai hại cho tương lai của cả Dân tộc. Nhưng đối với Cộng sản, tương lai Dân tộc có đáng gì so với tương lai của đảng! Và dĩ nhiên, sau việc thả một vài người tù như thế, các các luật lệ áp bức của Hà Nội vẫn tiếp tục không thay đổi và kho tù nhân lương tiếp tục được bổ sung thêm hàng!
          2- Chính phủ Hoa Kỳ
          Phải nói ngay rằng việc cứu các tù nhân lương tâm, đưa họ vừa ra khỏi nhà tù nhỏ vừa ra khỏi nhà tù lớn là quốc gia Cộng sản để sang định cư tại nước Mỹ, điều này tốt thôi, cũng đáng hoan nghênh lắm. Đây là việc mà Hoa Kỳ tùng làm xưa nay đối với hạng tù nhân đặc biệt đó tại các quốc gia độc tài đủ kiểu, cụ thể bên Đông Âu thế kỷ rồi. Mục sư Richard Wurmbrand (1909–2001), một trong những tù nhân lương tâm kiệt xuất tại Rumani (từng bị CS nhốt 14 năm trời), cho biết ông đã bị bán qua Mỹ với giá 10.000 đôla. Nhiều bạn bè ông trong giới chính trị, văn hóa còn bị bán với giá cao hơn nữa (20.000 đôla/đầu người) thời Rumani kinh tế kiệt quệ.
          Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải là cứu vài tù nhân khỏi nhà tù nhỏ, để rồi cho Hà Nội có quyền lợi này quyền lợi nọ. Xét như một quốc gia dân chủ hàng đầu và luôn cổ vũ tinh thần dân chủ khắp thế giới, Hoa Kỳ phải thấy rằng cứu toàn thể nhân dân VN khỏi nhà tù lớn tức chế độ CS mới là điều cơ bản. Thật ra đòi hỏi này sẽ có thể chỉ được thỏa mãn với điều kiện phong trào đấu tranh trong nước đủ mạnh và có triển vọng lật đổ chế độ. Điều ấy đã từng xảy ra khi Hoa Kỳ -qua tổng thống Ronald Reagan- mạnh mẽ ủng hộ Công đoàn Đoàn Kết tại Ba Lan thập niên 80 của thế kỷ trước vì thấy đó là một lực lượng đấu tranh có thực chất và thực lực mà cuối cùng đã tống cổ đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (tức đảng Cộng sản) ra khỏi ghế quyền lực (1989), tạo nên vụ sụp đổ dây chuyền các quốc gia Hiệp ước Vác-sa-va, làm chập mạch toàn bộ hệ thống Cộng sản Đông Âu và Liên Xô. (Lech Walesa, thủ lãnh Công đoàn Đoàn kết là một thợ điện!).
          Việc Hoa Kỳ giải cứu và bằng lòng với những vụ giải cứu cá nhân đơn lẻ như thế (thay vì đưa ra những biện pháp chế tài mạnh mẽ và hữu hiệu cũng như lấy vấn đề nhân quyền toàn diện như điều kiện bang giao) sẽ đẩy Hà Nội tiếp tục bắt thêm tù nhân để thương lượng, và sẽ gây khó khăn cho phong trào tranh đấu tại VN. Về điều này, thiết tưởng nên nhắc lại lời bà Dương Thị Tân, vợ cũ của anh Điếu Cày, nhân cuộc phỏng vấn của đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 19-10: “Về mặt cá nhân, về mặt gia đình, tôi đại diện ông Hải gửi lời cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng với cách can thiệp của chính phủ HK thì hầu như họ cứ bật đèn xanh để cho chính phủ VN làm những việc tương tự trong tương lai. Con đường đấu tranh chắc còn gian nan nhiều lắm. Ủng hộ chúng tôi thì phải bằng những cách khác như giám sát, chế tài và làm những việc quyết liệt hơn chứ không phải là mang đi từng người, từng người một. Nhưng trước mắt, về khía cạnh gia đình, tôi có lời tri ân đến chính phủ HK vì đã giúp đỡ một hoàn cảnh rất khắc nghiệt, rất đau thương là thân nhân gia đình tôi thoát khỏi những nơi chốn như vậy. Nhưng về vấn đề chung thì thật sự cũng không mấy vui.
          2- Phong trào đấu tranh của người Việt
          Đồng bào Việt Nam trong lẫn ngoài nước đã hết sức vui mừng vì thấy một tù nhân lương tâm hàng đầu như anh Nguyễn Văn Hải được tự do. Cuộc đón tiếp anh tại phi trường Los Angeles mới đây là bằng chứng. Đó là kết quả vận động lâu ngày và rộng rãi trong đó có sự đóng góp lớn lao của phong trào đấu tranh quốc nội lẫn hải ngoại.
          Tuy nhiên, sa đà vào và bằng lòng với những cuộc đấu tranh đòi giải thoát cho người này người nọ khỏi nhà tù nhỏ mà xao lãng cuộc đấu tranh cấp bách và toàn diện là giải thoát toàn thể dân tộc khỏi nhà tù lớn, không khéo lại mắc vào âm mưu của CS. Về điều này, nhà báo Đoan Trang có nhận định trong bài “Đòi quyền ư? Đòi cái gì?”: “Điều đáng nói là giới đấu tranh dân chủ cả trong và ngoài nước đều đi đúng vào hướng mà chính quyền mong muốn: Tất cả đều sa vào những cuộc đấu tranh đòi “free Nguyễn Tiến Trung”, “free Lê Quốc Quân”, “free Điếu Cày”, v.v... tóm lại là vận động trả tự do cho tù nhân lương tâm, mà xao lãng những vấn đề khác, những vấn đề thực sự là mấu chốt của cải cách chính trị, mà chính quyền luôn tìm cách lờ đi”.
          Quả vậy, ngoài việc đấu tranh có tổ chức, có liên kết như các tổ chức chính trị đảng phái và các tổ chức xã hội dân sự trong lẫn ngoài nước đang nỗ lực thực hiện, còn cần đấu tranh có định hướng. Trước hết, đó là đấu tranh và tiếp tục đấu tranh trên bình diện lý thuyết, luật lệ. Chẳng hạn đòi sửa đổi cái Hiến pháp trời đánh thoát thai từ Cương lĩnh đảng mà Quốc hội gia nô với các đảng biểu phê chuẩn hôm 28 tháng 11 năm ngoái. Lúc nó bắt đầu được đưa ra để lấy ý kiến (tháng 11 năm kia), nhiều tổ chức dân sự và tôn giáo đã kiến nghị những nguyên tắc soạn thảo theo tinh thần dân chủ, riêng Khối 8406 còn phản đối nó khi nó tiến dần đến dự thảo cuối cùng (13-11-2013). Nhưng đến nay, xem ra nó được mặc nhiên chấp nhận (vì được nhiều văn bản đấu tranh trích dẫn) thay vì phải bị tiếp tục phản đối hoặc tẩy chay. Rồi phải đòi sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Pháp lệnh tôn giáo tín ngưỡng… (Về Pháp lệnh này cùng với nghị định áp dụng nó, Hội đồng Liên tôn tại VN có Bản lên tiếng tẩy chay ngày 4-10-2013). Đòi hủy bỏ tất cả những luật lệ và quy định “siết chặt quản lý” thay vì bảo vệ quyền tự do của công dân, như hàng loạt điều khoản vi phạm nhân quyền và dân quyền trong các bộ luật, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư… đầy rẫy những điều vi hiến, vô luật pháp, phi lý lẽ…Tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân vừa được bốn hội đoàn dân sự đưa ra (trong đó có yêu cầu xóa bỏ sự bất công hoặc làm rõ giá trị công bằng đối với hai hình thức ứng cử trong văn bản luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, cụ thể điều 34, 35) là một nỗ lực mới trong cuộc đấu tranh trên bình diện pháp lý, luật lệ.
          Rồi còn phải đấu tranh cho những lợi ích cụ thể, rõ ràng trước mắt người dân, chẳng hạn quyền tư hữu đất đai, quyền được đền bù công bằng khi bị “thu hồi” ruộng cày đất ở; quyền có môi sinh an lành, được dùng nước sạch, không khí sạch, thực phẩm sạch, không ăn phải đồ ăn độc, uống phải bia rượu giả; quyền có một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, tiến bộ, không gánh phải vô số học phí và phụ phí oằn lưng, chịu phải vô số điều dối trá đầu độc trí óc, thấy phải vô số chuyện xấu xa tàn hại tâm hồn; quyền thoát khỏi thảm trạng lạm phát, gánh nặng nợ công đang đe dọa ngân sách và cuộc sống từng gia đình…
          Có đấu tranh cho những điều cụ thể, sát sườn như thế mới mong toàn thể nhân dân, nhất là các giới lao động và trí thức, nhập vào phong trào dân chủ hóa đất nước và xã hội. Vì chính họ là lực lượng cần thiết, mà một khi được các tổ chức tranh đấu hướng dẫn, sẽ trở thành ngọn triều, cuồng phong quét sạch chế độ cộng sản để xây dựng một đất nước mới.
          BAN BIÊN TẬP