Nguồn: Theo TBKTSG
Tư Giang
Chuyên gia Lê Đăng Doanh : “Chúng ta chưa bao giờ xác định được thế nào là định hướng xã hội chủ nghĩa để xem Nhà nước có thể can thiệp đến đâu. Rút cuộc là Nhà nước đã trở nên ôm đồm, không có luật chơi, không có định hướng”.
Câu chuyện về cái đuôi định hướng
Một ngày cuối năm 2013, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt
Nam Trần Đình Thiên nhận được một câu hỏi của nguyên Bộ trưởng Thương mại
Trương Đình Tuyển: “Quy luật chính của kinh tế thị trường là gì?”. Ông
Thiên, sau một hồi suy nghĩ, đáp ngắn gọn “cạnh tranh”.
Ông Tuyển cần làm rõ ý này vì đang chuẩn bị bản thảo
“thông điệp đầu năm mới” của Thủ tướng. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận
trước đó làm ông băn khoăn. Ông Tuyển kể, ông đã tranh luận với Phó thủ
tướng Vũ Đức Đam về câu hỏi này, và ông Đam khẳng định, quy luật đó là cung
- cầu. Ông Đam còn nhấn mạnh thêm là Giáo sư đoạt giải Nobel kinh tế Joseph
Stiglitz cũng khẳng định với ông điểm này. Song, ông Tuyển có vẻ không thông:
“Tôi nghĩ cung - cầu là quy luật của một nền sản xuất hàng hóa chứ không
phải là kinh tế thị trường. Tôi vẫn nghĩ đó phải là quy luật lợi nhuận và
cạnh tranh. Quy luật kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng
phải là cạnh tranh”.
Câu chuyện trên được cả ông Thiên kể, và ông Tuyển
xác nhận lại tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu vừa diễn ra. Bản thân nó cho
thấy, giới nghiên cứu vẫn còn chưa thông tỏ với khái niệm kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mà mô hình kinh tế theo khái niệm đó
đã được Việt Nam theo đuổi kể từ sau Đổi mới. Ông Thiên thừa nhận: “Tôi
chưa hề nghe định nghĩa cụ thể nào về khái niệm này từ bất kỳ ai bấy lâu
nay”. Chuyên gia Lê Đăng Doanh bổ sung thêm: “Sau 30 năm đổi mới chúng ta
vẫn nợ khái niệm này”.
Nếu
muốn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành có hiệu quả
thì cấu trúc sở hữu và quy luật vận hành phải đảm bảo nguyên tắc thị
trường, phân bổ nguồn lực cơ bản phải theo nguyên tắc thị trường.
|
Đó là một câu chuyện dài. Cho đến khi chuẩn bị văn
kiện cho Đại hội IX năm 1999, những người thuộc tổ biên tập đưa ra khái
niệm rất dài dòng về mô hình kinh tế cho Việt Nam “nền kinh tế hàng hóa
nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước
theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện
Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên của tổ biên tập,
nhớ lại: “Định nghĩa đó dài quá, nên mọi người mới cô đọng lại chỉ còn là
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là mô hình kinh tế tổng
quát của nước ta trong thời kỳ quá độ”.
Tuy nhiên, ngay cả nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh,
lúc đó là thành viên của tổ biên tập cũng không hề hình dung được nội hàm
của nó. Ông Lưu Bích Hồ kể: “Bản thân tôi cũng không nhận thức hết. Mãi sau
này không rõ, tôi mới hỏi, vậy nội hàm của định hướng xã hội chủ nghĩa là
gì, kinh tế thị trường là gì? Không ai giải thích được”, ông kể lại với
giọng tiếc nuối.
Hệ
lụy
Chuyên gia Võ Đại Lược nhận xét, Việt Nam là nền kinh
tế thị trường duy nhất trên thế giới lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, cùng
với quan điểm kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế
quốc dân. Đây là quan điểm kinh tế thị trường được hiểu theo hướng làm biến
dạng và méo mó, gia tăng vai trò can thiệp hành chính, mệnh lệnh của Nhà
nước. Khu vực kinh tế quốc doanh có tỷ trọng quá lớn tới khoảng 34% GDP,
nắm giữ phần lớn nguồn lực song làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ thất thoát
lớn. Bên cạnh đó, chế độ sở hữu đất đai được xác định là sở hữu toàn dân,
trở thành “cái ô” cho các nhóm lợi ích lợi dụng.
Theo đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh thêm:
“Chúng ta chưa bao giờ xác định được thế nào là định hướng xã hội chủ nghĩa
để xem Nhà nước có thể can thiệp đến đâu. Rút cuộc là Nhà nước đã trở nên
ôm đồm, không có luật chơi, không có định hướng”.
Vậy, nền kinh tế hiện nay đã thiên lệch về phía nào,
tiến lên kinh tế thị trường hay vẫn còn ở vế xã hội chủ nghĩa. Ông Thiên
giải thích: “Chúng ta đang chuyển sang cơ chế thị trường do có quyết tâm
hội nhập rất cao. Nhưng có nghịch lý là cách thức, mô hình phát triển lại
giữ kinh tế ở mức rất thấp trong thời gian. Chúng ta theo thị trường, nhưng
cạnh tranh lại ít, thiếu động cơ, động lực cho phát triển. Có nghĩa bản
thân chúng ta rất mâu thuẫn”.
Đây chính là nguyên nhân sâu thẳm làm cản trở tiến
trình tái cơ cấu kinh tế trên ba trụ cột là cải cách doanh nghiệp nhà nước,
ngân hàng, và đầu tư công vốn được coi là đổi mới lần 2 của Việt Nam. Có vô
số lập luận cho nhận định này. Ông Thiên nói: “Chúng ta thực hiện định
hướng xã hội chủ nghĩa bằng nỗ lực giữ cơ chế phi thị trường: là cơ chế xin
- cho, là doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Chúng ta vào WTO với
hy vọng làm gia tăng chất kinh tế thị trường, thì lạ lùng thay, chúng ta
lại gia tăng mạnh can thiệp hành chính để đối phó với khó khăn. Chúng ta
muốn có kinh tế thị trường nhưng lại không muốn tạo ra cơ chế cạnh tranh.
Giá lao động, giá vốn, giá nhiên liệu, giá đất vẫn không theo thị trường.
Cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân không thể xác lập... Rốt cuộc, cơ cấu kinh
tế ngày càng phát triển sai lệch do các yếu tố phi thị trường”.
Một bản báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về chủ
đề tái cơ cấu cũng đưa ra quan điểm như vậy: “Việc đạt được mục tiêu “bảo
đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế” vào cuối kế hoạch năm năm
2011-2015 là hết sức khó khăn, kết quả này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc
thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020”.
Nỗ
lực tiếp nối
Trong bối cảnh này, nhu cầu có một định nghĩa rõ ràng
về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại một lần nữa được đặt
ra. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình
Cung, trong một buổi thuyết trình cho Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi
Quang Vinh - người phụ trách tổ biên soạn kinh tế cho văn kiện đại hội tới,
đã nói rất rõ điều này.
Ông Cung nói: “Khác biệt của kinh tế thị trường hiện
đại và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở chính vai trò của
Nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội”.
Ông khẳng định, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là nền
kinh tế thị trường hiện đại. Trên cơ sở đó, định hướng xã hội chủ nghĩa
bằng việc Nhà nước làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn trong việc giải quyết
các vấn đề xã hội, như tạo nhiều hơn cơ hội phát triển cho người dân; đảm
bảo công bằng hơn về cơ hội phát triển; chú ý nhiều hơn đến tăng trưởng
toàn diện, bao trùm. Bên cạnh đó, Nhà nước đầu tư phát triển vào các vùng,
lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không làm, hoặc không làm được; Nhà nước không
đầu tư kinh doanh, đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận. Nhà nước chi tiêu nhiều
hơn cho phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe của người dân và an
sinh xã hội; Nhà nước vì dân phục vụ nhiều hơn.
Ông nói đầy tha thiết: “Làn sóng cải cách lần thứ hai
này phải thị trường hơn, và Nhà nước đương nhiên phải thay đổi. Kinh tế thị
trường có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng không chuyển sang
kinh tế thị trường thì cũng không giải quyết được gì cả”.
Nhận xét của ông Cung được hầu hết các nhà kinh tế
chia sẻ. Ông Lưu Bích Hồ nói: “Chủ nghĩa xã hội xét cho cùng là vì con
người, vì xã hội, vì sự công bằng, và tiến bộ...”.
Còn ông Trần Đình Thiên nói: “Kinh tế thị trường
trước hết phải có cấu trúc sở hữu, các nguyên tắc vận hành phải tôn trọng
nguyên tắc thị trường. Còn định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là những
đặc điểm nó hướng tới, như kinh tế thị trường xã hội chẳng hạn, là Nhà nước
dùng những quyền lực để can thiệp vào đảm bảo cân đối của cải công bằng
hơn.
Nếu muốn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa vận hành có hiệu quả thì cấu trúc sở hữu và quy luật vận hành phải
đảm bảo nguyên tắc thị trường, phân bổ nguồn lực cơ bản phải theo nguyên
tắc thị trường. Nếu Nhà nước can thiệp vào quá trình ấy thì phải phân bố
nguồn lực theo theo cơ chế thị trường, chứ không phải dùng ý chí của mình
như hiện nay”.
Liệu những băn khoăn của họ sẽ được làm rõ trong quá
trình chuẩn bị văn kiện cho đại hội tới? Đó là câu hỏi then chốt giúp tạo
đường ray cho tiến trình đổi mới lần 2 cần được phát động