04 septembre 2019

Không ai có quyền sửa đổi di chúc người quá cố


Thiện Tùng

    3/9/2019




Di chúc là lời trăn trối sau cùng của một  kiếp người, dầu đó là người dân bình thường. Nó là mong ước, nguyện vọng tư riêng của người quá cố, người sống có quyền không thực hiện nhưng không ai có quyền thay đổi hay chỉnh sửa nó. Thay đổi, chỉnh sửa nó vô hình trung là ép/bức cung trái với đạo lý ở đời.



Nhân ngày Độc lập 19/8 và Quốc khánh (cũng là Quốc tang HCM) 2/9/2019 năm nay, qua Ban Tuyên Giáo,  Đảng CSVN phát động phong trào “Học tập làm theo Di chúc Hồ Chí Minh”. Suốt 15 ngày qua, trên hệ thống truyền thông đại chúng, nhứt là VTV1, các vị tha hồ gọt giũa, cắt bỏ, thêm thắc, xào nấu, chế biến… để rồi thần thánh hóa Di chúc giản dị, bình thường cùa Hồ Chí Minh - Một việc làm không nên chút nào vì nó xúc phạm đến người đã quá cố.  


Chỉ đạo, chế biến… thứ gì còn có thể bỏ qua chớ chỉ đạo, chế biến…Di chúc cố Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự xúc phạm “trời không dung đất không tha”. Có lẽ vì chướng mắt, nhà Cách mạng lão thành Nguyễn Đình Cống phản ứng bằng bài viết tựa đề “Bịp, bịp, bip đến thế là cùng”.


Hồ Chí Minh viết Di chúc


Để biết vì sao ông Cống phê phán nặng lời như thế, đúng sai ở chỗ nào, tôi phải rà lại Di chúc đã được công bố và vào những trang thông in đáng tin trên mạng Internet, ngộ ra:



  I.- TOÀN VĂN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐƯỢC CÔNG BỐ



 Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, đề ngày 10-5 gồm 4 trang in khổ 14,5×22 cm. Trong lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc lời điếu và công bố Di chúc của Người.

                         VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

                      Độc lập – Tự do – Hạnh phúc



Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.

Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

***
Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng “Nhân sinhsinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là “Người thọ 70, xưa nay hiếm”.

   

Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ. Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?

Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.

TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.



Đoàn kết  là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.



Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.



Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.



ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.



 NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.



CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.

VỀ PHONG TRÀO CỘNG SẢN THẾ GIỚI – Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa MácLênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.

 

VỀ VIỆC RIÊNG – Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.



* * *

Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

                              Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1969
                                                      HỒ CHÍ MINH



Điều cảm thấy lạ là, phần giới thiệu nói bản Di chúc dài 4 trang in, sao bản được công bố nầy chỉ chừng 2 trang. Vậy 2 trang còn lại ở đâu? Căn cứ vào bản được công bố nầy, trước lúc lâm chung, Cụ Hồ dặn dò hậu duệ 6 việc:



1/ Về Đảng, Người nhắc nhở: Phải giữ vững đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh quyết định mọi thắng lợi. Phải giữ gìn đoàn kết nhứt trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… Thực tế như thế nào? – Nửa thế kỷ qua, từ thấp đến cao, ngày một đậm độ, đảng viên nhạt Đảng, thoái hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến tự chuyển hóa. Nhứt là trước thềm mỗi kỳ đại hội Đảng, ghế ít đít nhiều, nội bộ chia bè kéo cánh tranh quyền, cắn xé lẫn nhau không biết mệt mõi…



2/ Về Đoàn Thanh niên , Người nói:  Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa Xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Thực tế thì sao? - Dựa vào thế có Đảng đỡ đấu, đoàn viên khô Đoàn, kiêu binh, màu xám xịt, chuyên quậy phá…



3/  Về Nhân dân Lao động, Người nhận xét: Nhân dân miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực tế thì sao? - Chỉ thay đổi tập đoàn thống trị nầy bằng tập đoàn thống trị khác mà thôi?! . Dân chúng ngày một mất lòng tin Đảng, muốn từ chối sự lãnh đạo độc tài của Đảng nhưng chưa có cách….



4/ Về cuộc kháng chiến chống M, Người nói:Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.Thực tế thì sao? - Nghe lời đặn của Người, nhân dân không tiếc tiền của, máu xương đuổi được Mỹ ra khỏi cõi bờ, để rồi, những đồ đệ của Người  chấp nhận lệ/phụ thuộc Tàu, cướp quyền, cướp công, cướp đất… làm  giàu  trên mồ hôi nước mắt của dân - đúng là phí công, phí máu chống Mỹ ! .



5/ Về phong trào Cộng sản thế giới, Người nói: Tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”... Thực tế thì sao? – Lo đoàn kết nội bộ không xong còn thời gian đâu lo những chuyện bao đồng . Chủ nghĩa Mác-Lê lỗi thời, các Đảng CS  Châu Âu đã thi nhau sụp đổ. Các Đảng CS còn lại “treo đầu dê bán thịt chó”, cắn xe nhau. Đảng CS Tàu, đồng chi của Đảng CSVN,  xua quân giết hơn 50.000 người VN,  và đang  tiếp  tục lấn chiếm đất liền, biển đảo của VN, đồng hóa dân tộc Việt với Hán tộc…



6/ Về việc riêng, Người nói: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.Trước tiên chúng dân xin cám ơn Người trước lúc lâm chung còn  nghĩ  tới dân. Nhưng những đệ tử của Người không làm theo lời đặn dò của Người đâu: Người mất ngày 2/9/1969 mà họ dám cải tử hườn sinh cho Người thêm 1 ngày (3/9/1969) . Ngoài làm quốc tang linh đình, họ  còn ướp xác, lập lăng thờ Người,  xây tượng đài cho Người khắp nơi, tiêu tốn biết bao tiền của của nhân dân. Họ cố tạo tiền lệ “hễ Người được gì thì họ cũng phải được như vậy”. Họ đang dùng uy tín Người làm vật thế chấp để mưu danh đạt lợi.


II.- NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG TIN CẬY 

 


1/  Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Tiếng Việt: Chuyện ông Hồ Chí Minh mất ngày 2/.9/1969, nhưng do trùng ngày Quốc khánh nên Bộ Chính trị Đảng CSVN lúc bấy giờ đã thông báo Ông mất ngày 3/9, và phải đến hai mươi năm sau, toàn văn Di chúc và ngày mất của Ông mới được công bố chính thức cho người đến được biết . Cần phải hiểu, việc Bộ Chính trị sửa ngày mất, hay công khai chỉnh sửa nội dung Di chúc của ông Hồ Chí Minh là việc làm có thật. Đây là sự tính toán có chủ đích, vì mục đích chính trị trong chính sách thần thánh hóa lãnh tụ của chính quyền, hòng để chứng tỏ sự chính nghĩa của họ nhằm thu phục lòng tin của dân chúng”.   

2/  Cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Về việc riêng” ông Hồ Chí Minh đã ghi rõ: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là ‘hỏa táng’. Tôi mong rằng cách  hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành chia cho 3 miền. Đồng bào mỗi Miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”

Tuy nhiên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa III đã đơn phương tiến hành ướp xác và xây lăng của Ông, với lý do: "theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân".

3/  Theo thông tin từ Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng cho biết (nguyên văn): "Tháng 5/1967, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì.

Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã cử 3 đồng chí: Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa giải phẫu bệnh lý Quân y Viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều,Chủnhiệm Khoa ngoại bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài từ ngày 02/9/1967 đến 4/1968.

Tháng 6/1968, thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc Quân y Viện 108 và điều động các đồng chí Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều vào quân đội tham gia Tổ y tế đặc biệt, để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi xa. Nhiệm vụ của Tổ y tế đặc biệt trong thời gian này là:

- Tổ chức bồi dưỡng học tập nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ nhân viên trong tổ, tiếp tục sưu tầm thêm những tài liệu, những cuốn sách viết về phương pháp ướp xác cổ truyền của dân tộc và của phương Đông...

- Chuẩn bị trang thiết bị y tế cần thiết. Tổ chức thực tập để các cán bộ, nhân viên thành thạo nghiệp vụ và phát hiện ra những vấn đề mới nảy sinh do môi trường ở Việt Nam khác với Liên Xô. Được sự giúp đỡ của Viện Quân y 108, Cục Quân y và Bộ y tế, công tác thực tập, thực nghiệm đã được tiến hành.

-  Cùng với việc thành lập Tổ y tế đặc biệt, Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng công trình (mật danh 75A) ở phía sau nhà tang lễ Quân y Viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Bác. Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định Quảng trường Ba Đình sẽ là nơi tổ chức lễ tang khi Bác từ trần và Hội trường Ba Đình sẽ là nơi đặt thi hài Bác để nhân dân và bầu bạn quốc tế tới viếng Bác trong những ngày lễ tang. Bộ Tư lệnh Công binh tiếp tục được giao nhiệm vụ xây dựng Công trình này với mật danh 75B."  

4/  Theo báo VnExpress,Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị cho biết : "Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về yêu cầu hoả táng là thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 3) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới thăm viếng, thể hiện tình cảm sâu đậm với Bác. Điều này đã xin phép Bác nên được làm khác với lời Bác dặn"  

5/ Theo báo Sài gòn Giải phóng cho biết: “Đại tá Lê Hãn, con trai trưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho biết rằng ông Lê Duẩn đã nói với ông Hồ Chí Minh về việc thi hài nên được bảo quản lâu dài để đồng bào trong Nam và cả nước được đến thăm, nhưng khi ấy ông Hồ Chí Minh đã không nói gì”.  

6/  Và gần đây nhất, BBC cho biết, theo tiết lộ gần đây của Giáo sư Viện sỹ Iuri Lopukhin, thì :"... Đoàn chuyên gia Liên Xô đã qua mấy ngày trước khi ông Hồ Chí Minh qua đời. Ngày 28 tháng 8 năm 1969, khi bệnh tình của lãnh đạo Việt Nam trở nên rất nặng, Giáo sư Viện sỹ Luri Lopukhin, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Moscow số 2 và bốn chuyên gia Liên Xô khác từ Viện Lăng Lenin đã được mời sang Hà Nội. Việc ướp thi hài của ông Hồ Chí Minh, sẽ được thực hiện vào bảy ngày sau đó tại Viện Quân y 108 ở Hà Nội, khi ông qua đời".



III.- LỜI KẾT


Từ bản Di chúc  của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước công bố và những thông tin đáng tin cậy cho thấy: Bản Di chúc của Cụ Hồ “được” Bộ Chính trị Đảng CSVN chỉnh sửa, rút gọn / Những gì Cụ Hồ căn dặn, các hậu duệ của Người chẳng những không thực hiện mà còn làm trái lại / Những bực đọc “láo, láo, láo… bịp, bịp, bịp đến thế là cùng” của cựu cán bộ lão thành Nguyễn Đình Cống là có cơ sở.  -/-