04 septembre 2019

NHÀ NƯỚC CSVN ĐÃ CAN THIỆP THÔ BẠO VÀO NỘI BỘ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?NHÀ NƯỚC CSVN ĐÃ CAN THIỆP THÔ BẠO VÀO NỘI BỘ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?


Ngàn Hương


Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội, và ngay cả một trang có tên "Truyền thông Công Giáo" đưa tin như sau: "Tin mới: TGP Saigon đã có Đức Tổng Giám Mục mới" cho biết các giáo phận Phan Thiết, Nha Trang và Hà Tĩnh cũng đều có các giám mục mới được bổ nhiệm, trang này còn nêu cả tên những vị được bổ nhiệm nữa!(Bài này trên trang truyền thông Công Giáo nay không còn nữa).

Tin này loan ra đã làm xôn xao dư luận trong giới đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, trong khi nguồn tin chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam chưa hề công bố thông tin này.


Chúng ta đều biết việc phong chức Giám Mục, hay thuyên chuyển, bổ nhiệm các vị Giám Mục trong Giáo hội Công giáo nói chung, là việc nội bộ của Giáo hội Công giáo, của Tòa thánh Vatican. Các nhà nước địa phương không có quyền  can thiệp vào công việc nội bộ  này của giáo hội.

Đối với việc tấn phong chức vụ Giám Mục: Theo Giáo luật Hội thánh Công giáo năm 1983, Điều 1013:

“Không Giám Mục nào được phép tấn phong Giám Mục cho ai, nếu chưa có ủy nhiệm thư của Đức Giáo Hoàng”.Nghĩa là chỉ có Tòa Thánh Vatican mới có quyền quyết định phong chức Giám mục mà thôi(1).

Thế nhưng tại Việt Nam, nếu Tòa Thánh có ý  định tấn phong chức Giám Mục cho một vị nào đó, thì trước hết cần phải được sự chấp thuận của Nhà nước CSVN. Hay nói cách khác, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam (GHCGVN) đã mất tính độc lập, tự chủ trong việc phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển các vị Giám Mục tại Việt Nam.

Vì nhà nước CSVN bắt chước nhà nước cs Trung Hoa trong chính sách tôn giáo của mình. Năm 1957, nhà nước cs Trung Hoa đã lập nên giáo hội quốc doanh, được khoác cái áo mỹ miều là  “Hội Giáo hữu Công giáo Trung Quốc Yêu nước”. Giáo hội này độc lập hoàn toàn với Tòa Thánh Vatican trên ba nguyên tắc: tự trị, tự chủ và tự quản. Do đó việc phong chức Giám Mục tại Trung Quốc là hoàn toàn do nhà nước Trung Hoa quyết định. Những người công giáo chân chính và trung thành với Tòa Thánh Vatican, không theo giáo hội tự trị này  luôn bị đàn áp, bắt bớ, do đó họ phải sống và duy trì các sinh hoạt tôn giáo của mình một cách lẻn lút. Vì thế người ta gọi những tổ chức này là “Giáo Hội Thầm Lặng”.

Nhưng tại Việt Nam, nhà nước CSVN đã hoàn toàn thất bại trong việc quốc doanh hóa GHCGVN, âm mưu thiết lập một Giáo hội Công giáo Việt Nam tự trị kiểu Trung Quốc bất thành.

Vì thế, những đợt đánh phá và can thiệp thô bạo vào nội bộ GHCG tại Việt Nam liên tục diễn ra từ mấy chục năm nay.

Nhà nước CSVN  chia nội bộ lãnh đạo của GHCGVN  ra làm  ba thành phần : Thứ nhất là một số vị quá run sợ khiếp nhược và sẵn sàng tự nguyện theo chúng. Thứ hai là số thuần thục an phận, ngại va chạm. Cuối cùng là thành phần chống đối. Chúng đặt trọng tâm đánh phá thành phần thư ba  bằng cách khống chế, cô lập hay đẩy đi ra khỏi địa bàn, hoặc sẵn sàng thủ tiêu nếu cần.

Đầu tiên là ĐTGM Nguyễn Văn Thuận:

Ngày 30/4/1975, sau khi chiếm được TP Sài Gòn, ngày 15 tháng 8 năm 1975, Nhà nước CSVN bắt và giam giữ Ngài 13 năm không một bản án, trong đó có 9 năm biệt giam, chỉ vì ngài là một Giám Mục Công giáo.

Năm 1988, Ngài được thả và bị giam lỏng tại Hà Nội. Năm 1990, Ngài được  ra nước ngoài chữa bệnh, sau đó Nhà nước CSVN cấm Ngài trở về Việt Nam(2)

Ðức TGM  Nguyễn Kim Ðiền của Tổng Giáo phận Huế.

Sau năm 1975,  khi nhà nước CSVN ép buộc Ngài ký giấy trao cho CSVN sử dụng hầu hết các cơ sở giáo dục và từ thiện của Giáo phận Huế, Ngài bị triệu tập làm việc suốt 120 ngày.Sau khi chúng buộc Ngài viết các lời khai, buộc Ngài ăn năn sám hối không được, chúng đã tìm cách ám hại Ngài(3).

Năm 1992, phái đoàn Toà Thánh do Đức ông C.Celli dẫn đầu đến làm việc với chính phủ Việt Nam, đề nghị giải pháp toàn bộ gồm ba điểm: Một là bổ nhiệm Giám mục  Phạm Đình Tụng hiện là Giám quản Tông Tòa trở thành Tổng Giám mục Hà Nội; hai là Giám mục  Nguyễn Văn Thuận, là Tổng Giám mục Phó Tổng GP Sài Gòn, được thuyên chuyển về làm Tổng Giám mục Phó Hà Nội; ba là Giám mục  Huỳnh Văn Nghi làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Saì Gòn. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam không chấp thuận,nên giải pháp ba điểm này bất thành.

Năm 1993, khi Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã già yếu và bị bệnh nặng, Tòa Thánh bổ nhiệm ĐGM  Huỳnh Văn Nghi làm Giám quản Tông Tòa Tổng Giáo phận Sài Gòn. Sau khi nhận được Văn thư bổ nhiệm, ĐGM Huỳnh Văn Nghi  đã từ Phan Thiết vào Sài Gòn để thi hành nhiệm vụ. Nhận được tin này, Nhà nước CSVN đã ra tuyên bố việc bổ nhiệm này là trái với pháp luật Việt Nam, không chấp nhận việc  bổ nhiệm  này. Ngày 5 tháng 9, UBND TP. Hồ Chí Minh nhắc nhở ĐGM Huỳnh Văn Nghi dừng các hoạt động tôn giáo liên quan tại Thành phố HCM. Tuy vậy, Ngài  vẫn thực hiện nhiệm vụ Giám quản Tổng Giáo phận, và kết thúc nhiệm vụ của mình khi đón Tân Tổng Giám mục  Phạm Minh Mẫn  đến nhậm chức tại Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn(4).

Tại Hà Nội: Năm 2010, nhà nước CSVN đã cùng với sự tiếp tay một số kẻ “Ăn cơm quốc gia thờ mà cộng sản” trong hàng ngũ GHCGVN, đã buộc Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt phải về nghỉ hưu tại Dòng Châu Sơn-Ninh Bình khi Ngài mới 58 tuổi, chỉ vì Ngài dám đứng lên bảo về tài sản của giáo hội, bảo vệ quyền tự do tôn giáo với câu nói nổi tiếng: “Tự do tôn giáo là cái quyền, không phải thứ ân huệ xin- cho”(5)

Để khống chế và chi phối mọi hoạt động của GHCGVN, Nhà nước CSVN lập ra cái gọi là Ban Tôn giáo Chính phủ. Người đứng đầu ban này luôn luôn là một vị tướng công an.

Các tỉnh, thành phố thì có Ban Tôn giáo của các  tỉnh, thành. Hệ thống chân rết này kéo đến tận các quận,huyện,và các phường, xã.

Ngoài ra ngành công an còn cử các cán bộ nằm vùng, đặc trách theo dõi lĩnh vực tôn giáo tại các giáo xứ, giáo họ.Vì vậy trong việc truyền chức linh mục tại các giáo phận, các Tòa Giám mục đều phải gửi danh sách các ứng sinh để xin phép các Ban Tôn giáo các tỉnh. Chỉ khi nào các đồng chí công an nằm vùng này ok thì Ban Tôn giáo tỉnh mới duyệt danh sách.

Nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ làm những việc gì.

 “Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Tôn giáo Chính phủ.

1. Trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định:

a) Dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ; dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tôn giáo;

b) Chiến lược, quy hoạch, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng về tôn giáo”(6).

Như vậy là Ban Tôn giáo Chính phủ đề ra chiến lược và quy hoạch phát triển và hoạt động cho các tôn giáo, buộc các tôn giáo phải hoạt động đi theo đường hướng của ĐCSVN vạch ra.

Tôn giáo là lĩnh vực tâm linh, là quyền riêng tư của mỗi con người. Nhưng tại Việt Nam, lĩnh vực tâm linh và quyền riêng tư ấy cũng phải được đảng và nhà nước quy hoạch và quản lý.

Cái gọi là “Chiến lược và quy hoạch phát triển của các tôn giáo” là gì? Thực chất là đảng tìm mọi cách thâm nhập, cài người vào các tôn giáo để theo dõi, nắm bắt mọi hoạt động của các tôn giáo, qua đó mua chuộc, chia rẽ và phân hóa  trong nội bộ tôn giáo, buộc các tôn giáo đi theo đường lối ĐCS vạch ra.



Trở lại với những tin đồn thất thiệt gần đây trong việc thuyên chuyển, bổ nhiệm một số vị trong hàng ngũ Giám Mục tại Việt Nam.

Hiện nay, Tòa Thánh Vatican  có quan hệ ngoại giao với 179 quốc gia có và đại diện tại các tổ chức quốc tế. Việt Nam là một trong số những nước ít ỏi chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh. Vì vậy hàng năm nhà nước CSVN và Tòa thánh đều có những cuộc gặp gỡ định kỳ để mở rộng quan hệ giữa hai nhà nước, nhằm đi đến việc thiết lập quan hệ chính thức giữa hai nhà nước.

Năm 2019, cuộc họp của Nhóm Làm việc Việt Nam – Toà Thánh đã diễn ra từ ngày 21-22/8/2019  tại Quốc gia Thành Vatican. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao Antoine Camilleri, Trưởng đoàn Toà Thánh, đồng chủ trì cuộc họp. Chiều ngày 22/8/2019, Nhóm Làm việc Việt Nam – Toà Thánh đã kết thúc và đã ra một thông cáo chung.

Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh: “Cuộc họp được thực hiện theo thỏa thuận trước đây và mục đích của cuộc họp là để “phát triển và đào sâu quan hệ song phương, đặc biệt là sẽ bàn thảo về một số khía cạnh của đời sống Giáo hội tại Việt Nam, cũng như các vấn đề liên quan đến vị trí và nhiệm vụ của Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam và chuyến thăm của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ khanh Tòa Thánh, dự kiến trong tương lai gần”(7).

Câu hỏi đặt ra là: Ai là kẻ đã tung tin thất thiệt về việc bổ nhiệm, thuyên chuyển một số vị Giám Mục, và mục đích của việc tung tin này là gì?

Chúng ta đều biết  một nguyên tắc cơ bản  là việc bổ nhiệm Giám Mục cần phải được Tòa Thánh công bố chính thức tại Vatican, đồng thời cũng được công bố tại Tòa Khâm Sứ tại quốc gia có có tân Giám mục được bổ nhiệm. Nếu không có Khâm Sứ (như Việt Nam)thì sẽ được vị đại diện Tòa Thánh công bố tại Giáo phận nơi có tân giám mục được bồ nhiệm.

 Dĩ nhiên Giám mục được đề cử phải tuyệt đối giữ bí mật, không được tiết lộ cho bất cứ ai! Do đó nếu thông tin về bổ nhiệm Giám Mục bị lộ  trước khi Toà thánh công bố, thì Toà thánh có thể huỷ sự bổ nhiệm ấy mà không cần hỏi đương sự!

Dư luận cho rằng, việc Nhà nước CSVN cố tình tung tin việc bổ nhiệm và thuyên chuyển một số vị trong Hội đồng Giám Mục Việt Nam vừà qua, trước hết là để khẳng định  rằng Nhà nước CSVN mới thực sự là kẻ có thực quyền bao trùm trên mọi thành phần xã hội tại Việt Nam, trong đó GHCGVN cũng không ngoại lệ. Vì vậy việc bổ nhiệm và thuyên chuyển một số vị Giám Mục là quyền của họ.

Vì thời gian qua, dưới sự “lãnh đạo sáng suốt và tài tình” của mình, Nhà nước CSVN đã “thành công rực rỡ” trong việc đưa hai vị linh mục là  Nguyễn Duy Tân và Trần Đình Long về giam lỏng hai nơi, mà nhìn bề ngoài nhiều người cứ tưởng đó là việc thuyên chuyển bình thường tại các giáo phận.

Với linh mục Nguyễn Duy Tân: Dưới chế độ độc tài toàn trị như Việt Nam, thì không thể chấp nhận một ông linh mục dám đòi giải tán đảng cộng sản, vì đó là nguyên nhân gây nên tình trạng tụt hậu về kinh tế và suy đồi đạo đức trong xã hội Việt Nam hiện nay, là nguyên nhân  gây nên tình trạng kẹt xe tại những thành phố lớn. Trong khi ĐCSVN và một số kẻ mê muội cuồng tín còn tôn thờ ông Hồ Chí Minh như thần như thánh, thì linh mục Nguyễn Duy Tân lại dám đạp đổ thần tượng  HCM, và tuyên bố ông Hồ là tên tội đồ  dân tộc, và nhân vật HCM chưa hề được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa Thế giới. Ngài còn dám đến Vườn Rau Lộc Hưng trong những ngày nóng bỏng để bênh vực những kẻ bị áp bức bất công, dám đòi Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bồi thường thỏa đáng cho bà con nơi đây, và đòi hủy bỏ  Luật Đất đai với nhiều điều bất cập, sai trái.

Với linh mục Trần Đình Long: Tuy rằng vị linh mục này chưa hề có lời nói và hành động đụng chạm đến Nhà nước CSVN, nhưng hàng ngày có đến  mấy  ngàn người từ khắp mọi nơi và mọi tôn giáo, chen chúc đua nhau ầm ầm kéo về Giáo Điểm Tin Mừng để nghe vị linh mục này rao giảng về Lòng Thương Xót của Chúa, làm cho nhiều lương dân  tin và xin gia nhập đạo công giáo, thì đó thật sự là một nguy cơ không hề nhỏ đối với Nhà nước CSVN, đó là điều mà một nhà nước cộng sản vô thần như Việt Nam không thể nào có thể chấp nhận được.

Vì thế, Nhà nước CSVN đã dùng “quyền lực mềm” của mình để đưa linh mục Trần Đình Long về giam lỏng tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, là một thắng lợi rất vẻ vang và được thực hiện  rất đúng quy trình.

Thành công đặc biệt của Nhà nước CSVN gần đây là vụ ủi sập mấy trăm căn nhà của bà con Vườn Rau Lộc Hưng(VRLH) trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán 2018. Vì hầu hết bà con VRLH là dân Bắc di cư 1954. Nên nhớ rằng  rằng vào ngày 04/1/2018, đầu tiên họ chỉ  ủi sâp 4 căn để thăm dò phản ứng . Và sau 4 ngày chỉ thấy những tiếng than khóc xé lòng của những người dân, mà không hề  thấy những tiếng nói phản đối  từ phía giáo quyền, thì vào ngày 8/1/2018, hoi ủi tiếp mấy trăm căn nhà còn lại.



Hiện nay việc đưa tin bổ nhiệm thuyên chuyển một số vị Giàm Mục tại Việt Nam khi Tòa Thánh Vatican chưa công bố quyết định chính thức cũng là cách “ném đá dò đường”, làm nhiễu loạn thông tin, một ngón nghề quen thuộc của những người cs.

Và hành động này  cũng có thể  nhằm mục đích loại những vị mà họ không ưa ra khỏi danh sách ứng viên có thể được bổ nhiệm, thuyên chuyển, vì một khi thông tin bị lộ thì việc bổ nhiệm bị bãi bỏ.

 Cũng có thể đây là hình thức lèo lái  và định hướng dư luận, một việc làm quen thuộc trong  chế độ độc quyền thông tin, nhằm thực hiện một mưu đồ chính trị theo ý đảng.

Vì vậy, việc loan tin thất thiệt rùm beng như vậy cũng  là một chiến thuật của những kẻ chống phá Giáo hội và chống phá các vị Giám Mục Tân cử với mục đích là phá phách các việc bổ nhiệm mới.

Tóm lại dù trước mắt họ tung tin việc thuyên chuyển, bổ nhiệm này  nhằm mục đích gì, thì mục đích cuối cùng của Nhà nước CSVN là nhằm phân hóa,  chi phối và khống chế  mọi hoạt động của GHCG tại Việt Nam, nhằm áp đặt sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện trên tất cả mọi thành phần xã hội trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có GHCG Việt Nam.

Vì vậy những người Công giáo Việt Nam cần phải hết sức sáng suốt và bình tĩnh trước những thông tin nhiễu loạn như hiện nay.

Chỉ nghe và tin vào những nguồn tin chính thức từ Tòa Thánh, từ Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đừng vì nhẹ dạ cả tin mà tự biến mình thành những kẻ tuyên truyền không công cho thế lực ma quỷ luôn tìm mọi cách phá hoại Giáo Hội Công Giáo nói chung, và GHCG tại Việt Nam nói riêng.



Chú thích: