Phạm Đình Trọng
Trong những ngày ở Hà Nội vùa qua, tôi đã đến được những nơi cần đến. Đến với những tấm lòng hồn hậu. Đến với những mảnh đất lắng hồn Việt Nam.
Đến thăm anh Phạm Quế Dương, tôi muốn ứa nước mắt khi cánh cửa nhà anh mở ra, anh đứng nở nụ cười hiền hậu nhìn tôi mãi mà không nhớ được tên tôi. Ngày tôi mới chuyển vào sống ở Sài Gòn, trong dịp hộ tống con gái Phạm Quỳnh Anh vào Sài Gòn thi đấu cầu lông tranh giải vô địch toàn quốc, anh Phạm Quế Dương đã cất công lặn lội đi tìm tôi cả một ngày mà không thấy tôi. Hồi đó đường tôi ở đã nhỏ lại dài dằng dặc trong khu người Hoa quận 11, giữa những con hẻm ngang dọc nhằng nhịt mạng nhện, các số nhà đều lộn xộn, nhảy cóc bất thường và đều có tới hai, ba cái sẹc (/). Con đường lại bị một khu phố đông đúc thúc vào giữa chia làm hai phần cách xa nhau. Chưa có điện thoại, chưa có xe ôm, xe taxi như bây giờ. Anh cứ cuốc bộ đi tìm.
Ngày tôi còn làm việc ở Hà Nội, xưởng phim Quân đội của tôi và nhà anh ở cùng trên phố nhà binh Lý Nam Đế, chỉ cách nhau hai chục số nhà. Anh thường xuyên đến đưa cho tôi bản photo những bài viết của những trí tuệ Nguyễn Kiến Giang, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Hộ . . . Tôi được anh thức tỉnh, thoát khỏi cõi u mê từ đó.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, anh là chính trị viên phó đại đội pháo bắn máy bay. Máy bay Pháp đánh bom trúng trận địa đại đội. Cán bộ đại đội thương vong hết. Chính trị viên phó đại đội Phạm Quế Dương cũng bị thương vẫn cầm lá cờ đỏ từ tay đại đội trưởng đã hi sinh, phất lên kêu gọi: Các đồng chí đảng viên cộng sản trở về vị trí chiên đấu. Trận địa lại quyết liệt nổ súng. Nhưng khi người chỉ huy đầu tiên của anh trong quân đội, trung tướng Trần Độ bị tổ chức đảng khai trừ, đảng viên cộng sản Phạm Quế Dương liền trả lại thẻ đảng cho tổ chức đảng.
Con người lẫm liệt, con người trong sáng ấy vô cùng thân yêu với tôi bây giờ là một ông già không còn trí nhớ, chỉ còn nụ cười hiền làm sao tôi không xót xa. Tôi bước đến ôm lấy anh và dìu anh vào nhà!
Đến đền Voi Phục, một trong “tứ trấn Thăng Long”, được nhà Lý xây dựng ngay từ khi mới về định đô ở mảnh đất hồn nước thăng hoa này, tôi lại có nỗi buồn khác. Ngôi đền có tuổi đời gần bằng tuổi kinh đô Thăng Long trên thế đất cực đẹp, có rừng cây trầm tư uy nghiêm trên gò cao sau đền, có cây cổ thụ vài trăm tuổi ngả bóng xuống hồ nước trước đền, vừa là nơi thâm nghiêm huyền thoại, vừa là nơi lắng hồn đất nước. Nay đền kẹt giữa một bên là công viên Thủ Lệ manh mún, ngày lễ ồn ào náo nhiệt, ngày thường lố nhố người câu cá trộm ở hồ, một bên là vườn thú cũng rất nhỏ bé, manh mún như tạm bợ, sáng chiều lanh lảnh tiếng vượn châu Phi, chao chát tiếng vẹt châu Mĩ.
Tôi sững lại khi thấy treo cao hai bên cổng đền là hai đèn lồng đỏ đặc Tàu. Màu đỏ và chữ Tàu trên hai đèn lồng đã phôi pha mưa nắng chứng tỏ đèn treo đã từ lâu. Đi thẳng vào trong đền, tôi phải tìm ngay ông thủ từ. Ba người đàn ông đứng tuổi bên bàn nước ở gian bên trong đền thấy tôi nói xin gặp ông thủ từ, một người tuổi ngoài sáu mươi to đậm, cơ bắp chắc chắn đến trước tôi. Bắt tay chào hỏi rồi tôi nói: Ngoài cổng đền không nên treo hai đèn lồng đỏ Tàu, ông ạ. Đền miếu đình chùa Việt Nam là chốn tâm linh dân tộc Việt Nam, nơi lắng hồn núi sông Việt Nam, nơi lưu giữ cốt cách văn hóa Việt Nam. Đèn lồng đỏ là đặc trưng rất tiêu biểu của văn hóa Tàu. Mới nghe tôi nói vậy, ông đã lẳng lặng bỏ về ngồi lại bên bàn nước.
Tôi phôn cho ông bạn lính, bạn văn, thời chiến tranh là đại đội trưởng pháo binh, sau chiến tranh ông cùng học viết văn Nguyễn Du khóa đầu với tôi. Ông nói đang dự lễ tổng kết trại viết ở nhà sáng tác của hội Nhà Văn bên Hồ Tây. Ông bảo có nhiều bạn của tôi ở đây lắm, tôi đến ngay đi.
Đến nhà sáng tác của hội Nhà Văn Việt Nam ở Quảng Bá tôi đã gặp khá nhiều bạn lính, bạn văn của một thời bom đạn và nghèo khổ. Chủ tịch hội Nhà Văn Hữu Thỉnh vồn vã bắt tay tôi nhắc đi nhắc lại: Lúc nào đến Hội nhá. Mình muốn gặp ông.
Tôi biết điện thoại của tôi có nơi giám sat chặt chẽ. Rời Sài Gòn ra Bắc, tôi cố hạn chế gọi điện thoại. Tôi không báo cho ai sự đi, sự đến của tôi. Những nơi đến, tôi đều tự đến theo đòi hỏi của trái tim, không ai mời. Nhưng ông chủ tịch hội Nhà Văn mời, tôi lại không đến. Trước đây Hữu Thỉnh và X, cũng là một ông bạn văn bạn lính của tôi là hai địa chỉ mà mỗi lần ra Hà Nội thế nào tôi cũng phải đến ăn với gia đình họ một bữa cơm. Nhưng từ mấy năm nay tôi đã bỏ lệ đó.
Là nhà văn viết nhanh và nói giỏi, nhiều năm qua ông X thường xuyên được hết báo này đến báo khác phỏng vấn, thường xuyên xuất hiện trên rất nhiều chương trình truyền hình. Ông hào sảng ca ngợi cuộc chiến tranh tương tàn. Vẻ mặt thỏa mãn. Giọng điệu trầm bổng. Ông có sức thu hút, chinh phục, ru ngủ khá nhiều người. Vì thế ông được cả hệ thống truyền thông chính thống triệt để khai thác. Tôi thực sự buồn và thất vọng về ông bạn văn bạn lính tài hoa của tôi. Nhà văn đích thực phải là người thức tỉnh lương tri, trách nhiệm của con người chứ không phải là người ru ngủ nhân dân.