Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế: "Như thông tin mà chúng ta được biết, Trung Quốc đã bí mật triển khai cái gọi là Vùng nhận diện Phòng không, cái đó tôi nghĩ là nếu Việt Nam không nhanh chóng lên tiếng cùng các lực lượng bảo vệ hay yêu chuộng hòa bình khác, kể cả các cường quốc bên ngoài như Mỹ hay Nhật Bản...
Thì Việt Nam gần như là thoái thác trách nhiệm, mà Việt Nam là nước bị ảnh hưởng lớn nhất mà mình lại thoái thác gần như là điều không thể, không được phép."
Việt Nam không thể 'thoái thác trách nhiệm' lên tiếng nếu Trung Quốc có kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và việc 'thoái thác trách nhiệm' ấy là 'không thể, không được phép', theo ý kiến một nhà phân tích tình hình khu vực từ Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm 13/12/2014, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói:
"Như thông tin mà chúng ta được biết, Trung Quốc đã bí mật triển khai cái gọi là Vùng nhận diện Phòng không, cái đó tôi nghĩ là nếu Việt Nam không nhanh chóng lên tiếng cùng các lực lượng bảo vệ hay yêu chuộng hòa bình khác, kể cả các cường quốc bên ngoài như Mỹ hay Nhật Bản...
"Thì Việt Nam gần như là thoái thác trách nhiệm, mà Việt Nam là nước bị ảnh hưởng lớn nhất mà mình lại thoái thác gần như là điều không thể, không được phép.
"Cho nên tôi nghĩ thời điểm này là thời điểm Việt Nam không thể chậm trễ hơn được nữa, nó (là) tình thế bắt buộc...
Tôi hoàn toàn tán thành một chủ trương là phải lựa chọn các đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh, hay để vô hiệu hóa các sự đe dọa, hay là mối nguy từ phía Trung Quốc
TSKH Lương Văn Kế |
"Chỉ có điều là cái tỷ phần hay tỷ lệ nghiêm trọng ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ cao hơn so với các nước kia, bởi vì các nước kia, Nhật Bản chẳng hạn chỉ là phần phía Nam của lãnh thổ Nhật Bản kéo dài mấy nghìn km thì cũng không phải là ảnh hưởng quá lớn.
"Nhưng đối với Việt Nam, toàn bộ mặt tiền Biển Đông của chúng ta (Việt Nam) kéo dài, toàn bộ diện tích Biển Đông 1 triệu km2, thì ảnh hưởng, đấy là không gian sinh tồn của mình trong tương lai, cho nên tôi nghĩ nếu Việt Nam không phản ứng quyết liệt vụ này thì sẽ rất là khó khăn.
"Chỉ có điều vấn đề của Việt Nam bây giờ là riêng Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề liên quan cái này hay không? Thì tôi nghĩ là trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, hay là sự tìm kiếm một sự cân bằng với Trung Quốc, thì Việt Nam không thể chỉ dựa vào sức mình mà cần phải kết hợp các lực lượng khác.
"Và tôi hoàn toàn tán thành một chủ trương là phải lựa chọn các đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh, hay để vô hiệu hóa các sự đe dọa, hay là mối nguy từ phía Trung Quốc."
'Thao tác đầu tiên'
Nhận xét của ông Kế được đưa ra sau khi Việt Nam mới đây đã đệ trình Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) của Quốc tế một bản Tuyên bố chính thức về các quyền của Việt Nam ở Biển Đông để lưu ý cơ quan trọng tài này về các quyền của mình trong vụ kiện chủ quyền ở Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc.
Bình luận về ý nghĩa Việt Nam chọn thời điểm này để liên hệ với Tòa án quốc tế, nhà phân tích nói:
Có tin nói Trung Quốc đã 'bí mật thiết lập' vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông. |
"Đây là một tính toán của Việt Nam mà tôi nghĩ là nếu không nhanh chóng lên tiếng một cách kịp thời như vậy, thì chắc chắn Việt Nam sẽ không có khả năng để đòi lại quyền hợp pháp của mình ở Biển Đông...
"Tôi nghĩ trì hoãn tới thời điểm này Việt Nam có lẽ cũng đã tính toán kỹ, nhưng về tính toàn diện của yêu sách của Việt Nam, tôi nghĩ cũng chưa phải, bởi vì chắc chắn đây chỉ là thao tác đầu tiên mang tính chất đánh động thôi,
"Chứ chưa hẳn đã là một hệ thống pháp lý đầy đủ mà Việt Nam muốn đưa lên cho (Tòa án) Trọng tài Quốc tế.
"Thế còn về thời điểm tại sao lại vào hiện nay, tôi nghĩ có thể liên quan đến thái độ của Trung Quốc."
Trong bản Tuyên bố gửi Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế, Việt Nam đã thừa nhận cơ quan này có quyền tài phán với trường hợp của Philippines, điều đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam đề nghị Tòa án 'quan tâm đúng đắn' tới các quyền và lợi ích của Việt Nam, cũng như cho hay Việt Nam bác bỏ Đường 9 đoạn (hay Bản đồ đường Lưỡi bò) của Trung Quốc trên Biển Đông và xem tuyên bố đơn phương này của Trung Quốc là không có 'cơ sở pháp lý'.
'Sai lầm hoàn toàn'
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng thời điểm của động thái đưa ra tuyên bố 'là quá muộn', ông nói:
Nếu nghe theo, cùng khai thác với Trung Quốc, thì thực ra chúng ta đã sai lầm hoàn toàn
TSKH Lương Văn Kế |
"Chủ trương có thể can thiệp hay đệ trình các yêu cầu, yêu sách của mình lên Tòa án Trọng tài Quốc tế đó là chuyện Việt Nam cũng đã có chủ trương, chỉ có điều cho đến bây giờ có thể nói là một sự tính toán rất kỹ lưỡng.
"Thứ hai là có thể có những kết quả thương thảo, những vấn đề diễn biến phức tạp về giải quyết tranh chấp chủ quyền của Philippines với Trung Quốc liên quan đến Trường Sa.
"Thì nếu Việt Nam không lên tiếng, trong quá trình thương thảo, nếu như Tòa án Trọng tài Quốc tế mà lại có những quyết định nào đó có lợi cho một trong hai bên, bất kể là Trung Quốc hay Philippines hay một nước nào khác, Việt Nam lại không có tiếng nói, thì chắc chắn Việt Nam sẽ thua thiệt."
Trong cuộc trao đổi hôm thứ Bảy với BBC, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế cũng bình luận và lưu ý về hai việc mà ông gọi là 'sách lược', 'chiêu bài' của Trung Quốc trong đối phó với Việt Nam trên Biển Đông, mà theo ông là việc cố thuyết phục Việt Nam 'cùng nhau khai thác' ở những khu vực địa điểm có tranh chấp hoặc đã đang bị biến thành vùng tranh chấp, bên cạnh việc tạo áp lực để tránh đưa các vụ việc tranh chấp đó ra quốc tế hay khu vực.
"Nếu nghe theo, cùng khai thác với Trung Quốc, thì thực ra chúng ta đã sai lầm hoàn toàn, quan điểm của tôi là không chấp nhận, một khi mà Trung Quốc không từ bỏ quan điểm chủ quyền thuộc về Trung Quốc, thì không thể cùng nhau khai thác được," nhà phân tích nói với BBC