10 janvier 2015

Chuyên gia: nền kinh tế đang ở trạng thái yếu nhất trong 30 năm qua


Nguồn: Theo TBKTSG Online

Văn Nam


Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Đại Lai phát biểu tại hội thảo sáng nay 8-1 - Ảnh: Văn Nam
  
(TBKTSG Online) – Kết quả tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam gần 5 năm qua (2011 – 2015) còn rất hạn chế, và nền kinh tế đang ở trong trong trạng thái yếu nhất trong 30 năm qua, theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.


Phát biểu tại hội thảo "Cơ cấu kinh tế: những rủi ro phát triển" do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TPHCM sáng nay (8-1), ông Thiên nhận định: nếu nói kinh tế Việt Nam phục hồi, khởi sắc thông qua tốc độ tăng trưởng GDP thì chưa phản ánh hết thực chất nền kinh tế vì "phục hồi" chỉ có nghĩa khỏe hơn một tí, nhưng không hẳn căn bệnh đã được chữa trị, những tuyên bố lạc quan có thể gây ra ảo tưởng về sức khỏe thật của nền kinh tế.

“Trong giai đoạn này, giai đoạn đang chuyển từ cơ cấu kinh tế này sang cơ cấu khác giống như con rắn đang lột da, rủi ro vô cùng bởi nó rất mong manh, rất yếu. Do vậy, trong giai đoạn này, tất cả những chính sách ban hành phải thận trọng, không thể quá đà và cần dự báo các rủi ro sắp tới hơn là các tuyên ngôn lạc quan đối với nền kinh tế," ông Thiên nhận định.

Ông Thiên khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang ở trạng thái yếu nhất trong 30 năm qua, sau khi đã trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn kéo dài 7 năm gần đây. "Tại thời điểm yếu thế này mà chúng ta tuyên bố sẽ cam
kết hội nhập với kinh tế thế giới ở mức cao nhất là "liều mạng" quá, có thể lại lặp lại kịch bản nền kinh tế đã khó lại càng khó thêm," ông Thiên nói.


Ông Thiên dẫn ra ví dụ năm 2014 Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 150 tỉ đô la Mỹ, xuất siêu gần 2 tỉ đô la Mỹ nhưng nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng. Nghĩa là dù Việt Nam xuất siêu với cả thế giới nhưng nhập siêu từ một nước lại tăng cao; nhập siêu những sản phẩm giá trị thấp từ một nước đã "đè" kinh tế nước ta không thể ngoi lên được.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược thuộc Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam còn gặp các rủi ro, cản trở bởi các yếu tố như: tư duy kiểu cũ (xem trọng doanh nghiệp nhà nước), chậm đổi mới thể chế, nhiều văn bản sai chậm sữa, nhóm lợi ích còn chi phối chính sách, chi phối sự phân bổ các nguồn lực, điều kiện thế giới diễn biến phức tạp…

Trong tất cả các nền kinh tế thị trường hiện đại, khu vực kinh tế tư nhân luôn là nền tảng, quyết định nội lực phát triển. Do vậy, theo ông Lược, để gia tăng nội lực của kinh tế Việt Nam cần thực thi chính sách phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Khi đề cập đến mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế Việt Nam, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Đại Lai đặt vấn đề: phải chăng những “khuyết tật” lớn nhất của mô hình kinh tế nước ta là sản xuất gia công, lao động làm thuê giá rẻ cho nước ngoài để xuất khẩu đang làm cho nền kinh tế lệ thuộc ngày càng sâu vào thế giới trong khi xem nhẹ năng lực nhận chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường trong nước.

Do vậy, nền kinh tế nước ta sau năm 2015 trở đi phải nhắm đến việc tận dụng tối đa lợi thế so sánh của "mình" với "người" một cách sòng phẳng chứ không thể tự biến mình thành lệ thuộc và thành nhà cung cấp giá rẻ tài nguyên, sức lao động thô cho thế giới hoặc để thua trên sân nhà được, ông Lai nói.