Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự - Thực thi Dân quyền - Nâng cao Dân trí - Chấn hưng Dân khí - Cải thiện Dân sinh - Xây dựng Dân chủ
10 janvier 2015
VỀ NƯỚC SINGAPORE VÀ VN
Nguồn: Theo Facebơk Nguyễn Đình Cống
Nguyễn Đình Cống : "VN đã từng muốn học tập theo Sing nên đã mời ông Lý Quang Diệu làm cố vấn tối cao cho Chính phủ (Thời thủ tướng Võ Văn Kiệt ). Ông Lý đã sang VN một thời gian và ra về với lời nhắn gửi là không thể nào làm cố vấn cho VN được vì ông không đủ tài để dung hòa mâu thuẩn giữa Chủ nghĩa Mác Lênin chủ trương chuyên chính vô sản với nhà nước pháp trị tam quyền phân lập, giữa công hữu hóa với nền kinh tế thị trường. Nhiều người nhận xét là chẳng phải ông Lý mà trên thế giới chưa ai có được cái tài ấy. "
Vừa qua có bạn hỏi quan điểm về Singapore và so sánh với VN, tôi nghĩ nhiều bạn quan tâm đến vấn đề này nên trả lời chung.
Câu hỏi là tại sao ở VN một số người cứ đòi dân chủ, muốn đa nguyên đa đảng trong khi ở Sing chỉ có 1 đảng cầm quyền mà vẫn rất tốt, liệu VN có thể theo gương của Sing hay không.
Trước hết hãy phân tích chế độ “độc tài" và " dân chủ". Mỗi chế độ đều có ưu và nhược điểm, không có chế độ nào hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Quan trọng là phẩm chất của người cầm đầu. Độc tài mà người cầm đầu giỏi, có đạo đức thì đất nước vẫn phát triển tốt, nhân dân vẫn được sống hạnh phúc. Dẫn chứng như các thời thịnh trị của một số triều đại phong kiến trên thế giới ( Ở VN là thời thịnh trị của một số đời vua nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê ) hoặc như thời Tưởng Giới Thạch ở Đài loan, thời Lý Thừa Vãn ở Nam Hàn. Nhưng độc tài có nguy hiểm là dễ bị thoái hóa, dễ bị rơi vào tay của những kẻ cơ hội, tham lam, đểu cáng, lúc đó thì xã hội gặp đại họa ( như độc tài của Hitle, của Mutxôlini, của Taliban, của Pôn Pôt ) và để thay đổi được phải tốn nhiều xương máu. Bọn độc tài tham nhũng không dễ gì từ bỏ vị trí của chúng.
Chế độ dân chủ với nguyên lý " Tam quyền phân lập" là một thành tựu của văn minh nhân loại, nó nhằm ngăn ngừa bản chất tham lam và độc ác của con người có quyền.
Thế nhưng nếu dân chủ rơi vào tay của những kẻ kém năng lực thì cũng dễ làm cho xã hội bất ổn. Tuy vậy sự bất ổn này khó tồn tại lâu dài vì nhân dân sẽ dùng quyền bầu cử tự do để thay đổi và với một chế độ dân chủ thực sự nhân dân dễ có điều kiện chọn được người có năng lực điều hành đất nước.
Lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế của lịch sử cho biết điều kiện quan trọng để bảo đảm nền dân chủ là có thế lực đối lập không chịu sự chi phối của chính quyền. Thế lực đối lập không nhất thiết phải là một hoặc nhiều đảng chính trị có đường lối khác mà có thể chỉ là các tố chức xã hội dân sự. Tuy vậy nếu có một đảng chính trị đủ mạnh là đối lập ( như kiểu 2 đảng ở Mỹ ) thì sẽ tốt hơn.
Có bạn nói Sing là nước chỉ có 1 đảng là không đúng. Vào Google, tra cứu thấy ghi rõ ràng : Singapore là nước cộng hòa nghị viện đa đảng. Đảng đang cầm quyền là Đảng Nhân dân hành động, đảng đối lập quan trọng là Đảng Công nhân, ngoài ra còn một số đảng khác như Đảng Nhân dân, Đảng Công lý v.v…
Vấn đề là đảng cầm quyền, nhờ có tài năng lớn, đạo đức cao, trong sạch, luôn tự đổi mới nên vẫn giữ được lòng tin của nhân dân và đã giữ vị trí trong thời gian dài.
Tại sao ở VN một số người muốn có thế lực đối lập.
Vì họ thấy rõ khi chỉ có duy nhất một thế lực độc quyền thì dễ dẫn tới thoái hóa, biến chất, tham nhũng, dối trá. Có nhiều ý kiến cho rằng cần thực thi Tam quyền phân lập, những người của Chính phủ không được ở trong Quốc hội để ít nhất có Quốc hội là thế lực đối lập hoặc nếu cần một đảng đối lập thì Đảng Cộng sản nên tự chia thành hai phần, một phần giữ tên ĐCS và đường lối như cũ, một đảng lấy lại tên Đảng Lao động theo đường lối đổi mới, thực thi nhà nước pháp quyền. Đảng viên hiện tại ai muốn ở lại đảng cũ , gia nhập đảng mới hoặc ra khỏi đảng là hoàn toàn tự nguyện.
Như vậy VN sẽ có hai đảng, một đảng cầm quyền và một đảng đối lập, tạo điều kiện để thi hành dân chủ. VN đã từng muốn học tập theo Sing nên đã mời ông Lý Quang Diệu làm cố vấn tối cao cho Chính phủ (Thời thủ tướng Võ Văn Kiệt ). Ông Lý đã sang VN một thời gian và ra về với lời nhắn gửi là không thể nào làm cố vấn cho VN được vì ông không đủ tài để dung hòa mâu thuẩn giữa Chủ nghĩa Mác Lênin chủ trương chuyên chính vô sản với nhà nước pháp trị tam quyền phân lập, giữa công hữu hóa với nền kinh tế thị trường. Nhiều người nhận xét là chẳng phải ông Lý mà trên thế giới chưa ai có được cái tài ấy.
Liệu VN có thể theo gương của Sing hay không. Tôi tin là có thể, nhưng để làm được cần phải tạo 2 điều : nâng cao dân trí và thay đổi thể chế quản lý.
Trong một bài viết trên trang này tôi đã trình bày " Nguyên nhân gốc của các tệ nạn" của xã hội hiện nay là sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa các mặt yếu kém của truyền thống văn hóa và những mầm mống độc hại của chuyên chính vô sản.
Nếu dân tộc ta, nhà nước ta không tự thay đổi thì khó mà phát triển được bình thường chứ nói gì đến việc theo được con đường của Singapore.