TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
Nhà công vụ 12 Nguyễn Chê Nghĩa - HÀ Nội,, ông Hòng Văn Nghiên cựu chủ tịch UBND Hà Nội vừa đề nghị trả lại |
*Hệ lụy
Quốc gia nào, thể chế gì, trên thế giới từ cổ chí kim, đều
cấp nhà cộng vụ cho công chức ở khi cần thiết, hoặc từ xa tới công tác. Nhưng
do bản chất “công“ nên chính sách đó hoàn toàn tuỳ thuộc thể chế, mô hình nhà nước cụ thể. Nước ta cũng như các
nước XHCN trước đây, nhà đất thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý, được phân
theo tiêu chuẩn hay cấp làm nhà công vụ cho cán bộ viên chức nhà nước theo
chính sách. Ngược lại ở các nước TBCN, nhà đất đa sở hữu, không thể phân cho bộ
máy nhà nước mà tiêu chuẩn đó nằm trong tiền lương tự họ lo lấy, chỉ cấp nhà
công vụ theo luật định, buộc phải trả lại khi hết điều kiện được cấp, nếu không
sẽ bị luật pháp chế tài.
Tuy nhiên nước ta từ khi chuyển sang mô hình kinh tế thị
trường, nhà đất do quy luật thị trường điều chỉnh như các nước TBCN, nhưng
trong phân nhà đất và cấp nhà công vụ vẫn theo chế độ chính sách cũ, tất nảy
sinh vấn đề gây bức xúc, sôi sục dư luận, như hiện trạng nhà công vụ vừa qua đã
cho thấy: Tính đến thời điểm hết 2014, nước ta có 1.603.498 m2, với hàng trăm
biệt thự công, nhà chung cư. Nhưng chỉ riêng nhà công vụ Hoàng Cầu, ngõ 61 Trần
Quang Diệu, Hà Nội, có 80 căn hộ thì chỉ 21 căn hộ được cấp đúng mục đích cho
20 quan chức đang công tác. Còn 59 căn hộ vẫn thuộc cán bộ nghỉ hưu, trong đó
có 29 căn hộ do người nhà ở hoặc bỏ hoang. Nghĩa là tới 73% sử dụng sai mục
đích nhà công vụ. Nhất là 2 trường hợp được dư luận quan tâm đặc biệt do trị
giá lớn và tồn đọng qúa lâu: Trường hợp thứ nhất liên quan tới Cựu Chủ tịch
Hoàng Văn Nghiên trước kia là giảng viên đại học Bách khoa Hà Nội được phân căn
hộ khu tập thể Bách Khoa. Trở thành Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông trả lại căn hộ
trên, trở thành đối tượng chưa được phân nhà đất theo tiêu chuẩn cán bộ, ký hợp
đồng thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, nhằm đáp ứng vị trí mới đảm nhiệm. Hợp
đồng ký 3 năm (20/7/2001-20/7/2004), với diện tích 185,6 m2, giá ưu đãi 2.476
đồng/m2/tháng, tổng cộng 459.688 đồng/tháng, ngang 10 tô phở thập cẩm. Trong
khi giá thị trường thuê nhà đó thấp nhất 3000 USD/tháng. Nếu tính theo giá thị
trường từ tháng 7/2004 (thôi chức chủ tịch) đến cuối năm 2014, nhà nước mất ước
1/3 triệu USD (8 năm x 12 tháng x 3000
USD/tháng), trong khi vẫn nợ ông Hoàng Văn Nghiên tiêu chuẩn được phân nhà ở.
Cũng vậy, trường hợp Cựu Chánh Thanh tra Trần Văn Truyền được hưởng chính sách phân
nhà ở, mua căn nhà số 6 đường Lê Quý Đôn, thị xã Bến Tre, diện tích đất 176,60
m2, nhưng vẫn giữ nhà công vụ 95 m2 tại số 61, đường Trần Quang Diệu, quận Đống
Đa, Hà Nội, từ tháng 10/2011 nghỉ hưu, tới
5/2014, mới trả, tính theo tỷ lệ ông Hoàng Văn Nghiên, nhà nước cũng thiệt hại
lên tới 48.000 USD.
* Nguyên do
- Tiếng nói của người
được phân nhà công vụ (trích Tuổi trẻ): Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Văn
Đức được phân căn hộ 605 khu nhà công vụ Hoàng Cầu, phát biểu “bây giờ trả cho
ai? Quyết định phân nhà không hề ghi thời hạn. Họ vẫn thu tiền thuê nhà, không
hề đòi lại, nghĩa là vẫn công nhận quyền được thuê nhà“. Hay Nguyên Thứ trưởng
Bộ TN-MT Triệu Văn Bé, căn hộ 307: “đã có ai đòi nhà đâu“. Còn bà Đặng Huỳnh
Mai, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, căn 608: “Việc chưa trả nhà chủ yếu do cơ chế
chưa rõ ràng“. Nghĩa là rốt cuộc do hành
lang pháp lý và thiết chế thực hiện nó, tức mô hình nhà nước.
- Tiếng nói của chính khách (trích Giáo dục Việt Nam, Một thế
giới): Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, “cái đáng trách hơn là cơ quan quản
lý, công quyền. Tại sao không đòi lại nhà công vụ?“. Bí thư Thành ủy Hà Nội thừa nhận “Hà Nội có
khuyết điểm chậm trễ thu hồi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa và giải quyết chế độ
nhà cho ông Nghiên, đáng ra phải xử lý sớm hơn“. Đại biểu Quốc hội Trung tướng
Nguyễn Quốc Thước và Lê Văn Cuông cho rằng, nguyên nhân chây ì trả nhà công vụ
xuất phát từ sự “thiếu gương mẫu“, “tham lam“, “các cơ quan chức năng thiếu
quyết liệt, ngại va chạm, né tránh vì những người ở nhà công vụ đều là cán bộ
cấp cao“.
Với mô hình nhà nước xây dựng trên nền tảng quan lý kinh tế
tập trung trước đây, thì dĩ nhiên đạo đức “gương mẫu“ và “không tham lam“ là
tiền đề. Thiếu nó không thể có XHCN. Nhưng trong mô hình nhà nước xây dựng trên
nền tảng kinh tế thị trường, thì tiêu chuẩn đạo đức trên không đóng vai trò
tiền đề, như Toà án Tối cao Đức từng phán quyết, “người đóng thuế không có
trách nhiệm phải đóng thuế nhiều (tức gương mẫu) mà hơn thế được quyền tính sao
để đóng ít nhất (tham lam)“, bởi nền kinh tế theo đuổi mục đích lợi nhuận, tiền
bao nhiêu vẫn ít. Đến mèo còn biết vồ khi mỡ đưa tới miệng nữa là người bỗng có
tới tiền nghìn đến triệu USD mà không bị “hề hấn“ gì. Chính vì vậy, để giảm
thiểu tính thiếu gương mẫu, tham lam vốn luật pháp không thể điều chỉnh, ảnh
hưởng tới lợi ích các bên liên quan, mô hình nhà nước trên nền tảng kinh tế thị
trường buộc phải cần tới hành lang pháp lý và thiết chế nhà nước đủ sức chế tài
quan chức dù có tính đó. Như ở Đức, tổng thống Wullf chỉ vì bị truyền thông đưa
tin cáo buộc vụ lợi 750 Euro tiền thuê khách sạn, mà buộc phải từ chức chỉ
trong vòng 1 năm. Trong khi đó, ở ta sự kiện 2 cán cộ cao cấp trên dẫn tới nhà
nước thiệt hại từ 48.000 tới 1/3 triệu USD kéo dài từ 3-8 năm, không một quan
chức nào liên quan bị truy cứu trách nhiệm pháp lý, cho dù họ sai phạm được Chủ
tịch nước và Bí thư thành ủy Hà nội chỉ rõ. Cho thấy hệ lụy khác biệt giữa 2 mô
hình nhà nước trên tới mức nào? Nếu không cải cách, tương lai sẽ gia tăng tới
đâu?
*Lối thoát
Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài
chính - Ngân sách đã phát biểu đúng với một thể chế nhà nước xây dựng trên nền
tảng kinh tế thị trường (trích Một thế giới, Báo mới): Nếu pháp luật chưa quy
định cụ thể thì cần hoàn thiện ngay, còn nếu do người quản lý thì cá nhân đó
phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra chúng ta đã có những thiết chế
để giám sát như kiểm toán nhà nước, hệ thống thanh tra Chính phủ, thanh tra
chuyên ngành... Bên cạnh đó, các cơ quan dân cử từ QH, HĐND cũng có chức năng
giám sát mọi hoạt động của nhà nước, trong đó có tài sản công. Vấn đề ở
chỗ trách nhiệm và phương thức triển
khai như thế nào?
- Cần văn bản lập pháp bảo đảm chuẩn mực: Với câu giả định
“nếu“ và câu hỏi “vấn đề ở chỗ... như thế nào?“ đặt ra ở trên, có thể tìm câu
trả lời bằng cách khảo sát thực tế thế giới. Như ở Đức, Luật công chức BBG quy
định, khái niệm nhà ở công vụ dành cho công chức công tác là nhà ở không ký hợp
đồng thuê, được đưa vào danh mục tổng kết tài sản và cân đối ngân sách; có thu
phí tính theo giá thị trường; cơ quan nào cấp thì phải chịu trách nhiệm giám
sát (Điều 1, 2). Phí đó được khấu trừ vào phụ cấp chỗ ở được tính sẵn theo mức
lương chính trong bảng đính kèm (Điều 3, 4).
Trách nhiệm trả phí kết thúc đúng ngày bàn giao nhà ghi trong
quyết định công tác, nếu trễ hạn hay còn sử dụng một phần phải bồi thường.
Không được phép ký hợp đồng thuê để ở tiếp (Điều 5). Các điều khoản còn lại quy
định chi tiết trách nhiệm trong các trường hợp sửa chữa nhà, bảo dưỡng, làm
vườn, phí lò sưởi, nước nóng, điện, các vật liệu cháy, và cuối cùng là thẩm
quyền trách nhiệm pháp lý đối với cơ quan cấp nhà.
Cũng vậy, nhà công vụ dành
cho quan chức ở được quy định trong Luật bộ trưởng Liên bang BMinG. Theo đó,
trong thời gian đương nhiệm, tính từ ngày tuyên thệ cho tới ngày thôi chức, Thủ
tướng và bộ trưởng được hưởng lương chính tính theo hệ số trên ngạch lương B11,
cùng phụ cấp khu vực, phụ cấp công tác phí, và phụ cấp đi lại nếu không chuyển
được nhà. Thủ tướng có quyền hưởng nhà công vụ dành cho quan chức với đầy đủ
tiện nghi; bộ trưởng cũng có thể được hưởng (nghĩa là phải xét). Khi đó phụ cấp
khu vực sẽ bị cắt. Nhà đó được sử dụng tối đa thêm 3 tháng sau khi thôi chức.
Các quy định tiếp theo liên quan đến nhà công vụ, phí chuyển nhà, do Bộ Nội vụ
Liên bang quy định và Tổng Thanh tra Liên bang giám định.
Cả 2 luật trên đều là văn bản lập pháp (Quốc hội thông qua).
Khác ta, ở họ văn bản lập pháp có hiệu lực trực tiếp thi hành, không cần qua
văn bản lập quy (cơ quan hành pháp ban hành) hướng dẫn, ngoại trừ được
chính nó ủy quyền; và có giá trị chế tài
cơ quan hành chính nhà nước các cấp liên quan phải tự động thực hiện không cần xin
ý kiến hay mệnh lệnh từ trên xuống, nếu luật không đưa ra yêu cầu đó. Để có thể
thi hành trực tiếp, luật họ đưa ra đầy đủ các chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự
mà công chức chịu trách nhiệm thực thi có thể hành xử theo quy phạm đó, không
cần hướng dẫn.
Trong khi đó, ở nước ta để giải quyết vấn đề nhà công vụ liên
quan tới 2 trường hợp điển hình trên đều chỉ dựa vào văn bản lập quy, như Nghị
định 61/CP về mua bán kinh doanh nhà ở, Nghị định 34/2013 về các đối tượng
chính sách, thông báo 225 của UBND TP Hà Nội, Thông tư số 01/2014/TT-BXD về thu
hồi nhà công vụ.... Thậm chí vượt ra khỏi khuôn khổ hành chính, như trường hợp
nhà ông Nghiên tới mức cả đại diện Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cũng
tham gia thoả thuận với bên thuê nhà; xa hơn nữa, UBND TP phải xin ý kiến
Thường trực Thành ủy trong khi đây là một trường hợp cụ thể, mà Cựu Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Văn An từng phát biểu trước phiên họp Quốc hội “đừng lôi Đảng
vào“. Văn bản lập quy thực chất là ý kiến chủ quan của cơ quan hành chính, chỉ
có hiệu lực trong nội bộ cơ quan nhà nước thực thi, không phải căn cứ pháp lý
buộc người dân phải tuân thủ nếu không đúng với quy phạm trong văn bản lập
pháp. Hệ lụy, với bao văn bản trên, trường hợp ông Nghiên vẫn dây dưa tới 8 năm
không thể chấm dứt. Không những quyền lợi cá nhân ông Nghiên không được giải
quyết sớm, mà quan trọng hơn phản ảnh một thiết chế nhà nước yếu hiệu năng, chỉ
có thể khắc phục cơ bản, khi nhà nước ban hành được văn bản lập pháp điều chỉnh
nhà công vụ, với đầy đủ chuẩn mực quy phạm pháp lý, chế tài được cơ quan nhà
nước chịu trách nhiệm, phải thi hành.
- Cần tư cách pháp nhân và thiết chế nhà nước vận hành tự
động: Phó Giám đốc Cty QL&PT Nhà Hà Nội phát biểu, hợp đồng ông Hoàng Văn
Nghiên hết hạn từ ngày 20/7/2007, nhưng không ai cho biết có được tiếp tục gia
hạn, ký lại hợp đồng hay không. Nghĩa là vẫn theo mô hình nhà nước trực tiếp quản lý kinh tế bằng quyền
lực, giám đốc công ty nhà nước không chịu trách nhiệm pháp lý với nó mà chỉ
hành động khi có mệnh lệnh hành chính, theo nguyên tắc hình chóp từ cao nhất
xuống thấp nhất (tức chỉ chịu trách nhiệm hành chính). Trong khi theo mô hình nhà
nước xây dựng trên nền tảng kinh tế thị trường, đã là công ty dù của nhà nước
hay tư nhân thì phải chịu trách nhiệm pháp nhân, tức hoàn toàn độc lập, giám
đốc là đại diện pháp nhân, chịu trách nhiệm cá nhân khi đi kiện và bị kiện, do văn
bản lập pháp điều chỉnh chế tài, không phụ thuộc ai là chủ của nó. Vì vậy để
giải quyết vấn đề , “tại sao (cơ quan quản lý, công quyền) không đòi lại nhà
công vụ?“, cần cải cách thiết chế nhà nước
buộc giám đốc cũng như người đứng đầu cơ quan công quyền đó phải tự động
giải quyết, không cần bất kỳ chỉ đạo nào của cấp nào đảng hay nhà nước, nếu
không sẽ bị chế tài tự động bằng án quyết một khi gây thiệt hại cho nhà nước
hay các bên liên quan. Hiện ở Đức, 1 cựu trưởng phòng, 1 cựu giám đốc, 1 cựu
phó giám đốc Sở tư pháp thành phố Leipzig đang bị truy tố trước toà, phải đối
mặt với mức án 14 tháng tới 2 năm tù kèm phạt tiền từ 5.000 - 10.000 Euro do
Viện công tố đề nghị, với cáo buộc thực hiện sai “Luật bán nhà vô chủ“,
với 411 trường hợp không truy gốc chủ
nhà trước khi cho bán như luật đòi hỏi, mặc dù không hề tham ô hay vụ lợi.
- Mọi chính sách không thể tách rời nền tảng kinh tế thị
trường. Kinh tế thị trường chỉ được thế giới thừa nhận, một khi mọi can thiệp
của nhà nước không xoá bỏ quy luật cung cầu, trao đổi ngang giá. Chừng nào thuê
nhà công vụ đáng giá 3000 USD/tháng chỉ thu ngang 10 tô phở thì chừng đó vẫn mang
tính “bao cấp“ của nền kinh tế quản lý tập trung, nguy cơ vụ lợi nhà công vụ
khó có thể triệt được tận gốc. Chừng nào còn tiêu chuẩn phân cấp nhà đất cho
cán bộ công chức nhà nước thì chừng đó tiền lương họ vẫn không phản ảnh trung
thực thu nhập của họ và cơ quan đó sẽ luôn theo đuổi xin cấp qũy nhà đất bằng
mọi giá.
Vì vậy một khi nước ta đã từ bỏ nền kinh tế quản lý tập trung
thì không thể giữ mãi chính sách cấp nhà công vụ hay phân nhà đất xưa nay vốn
thuộc phạm trù đó, mà cần nhanh chóng chuyển đổi nó thích ứng sang mô hình nền
kinh tế thị trường bằng văn bản lập pháp, coi đó là thu nhập. Một khi đã là thu
nhập thì mọi tiêu chuẩn hiện vật được nhà nước cấp phải được tính thành tiền
theo giá thị trường, và áp tỷ suất thuế thu nhập cho nó. Cũng “khi và chỉ khi
đó (điều kiện cần và đủ trong toán học)“ mới có thể nói tới công bằng xã hội,
một thước đo tính ưu việt để so sánh mọi thể chế nhà nước. Bởi lúc đó, tiền lương,
thu nhập, không còn bị che dấu bởi cấp hiện vật, luôn tương ứng với trị giá sức
lao động; người tài giỏi giàu có thu nhập cao đóng thuế nhiều hơn người yếu kém
thu nhập thấp.