Xã luận Tự
Do Ngôn luận
Số
210 (1-01-2015)
Gần
cả thế kỷ nay, lễ Giáng sinh của người Ki-tô giáo đã trở thành ngày lễ quốc tế,
ngày hội hoàn vũ, trở thành nét văn hóa của hầu hết mọi quốc gia và nét nhân bản
của mọi xã hội, kể cả những quốc gia Hồi giáo hay cộng sản. Không ai không thấy
hình ảnh lẫn âm thanh Giáng sinh đập vào mắt và lọt vào tai con người mỗi lần gần
cuối năm dương lịch. Từ hình ảnh đặc trưng như hang đá Bê-lem (với cảnh Đức Giê-su
sinh ra) tới hình ảnh ông già No-en cỡi xe nai phát quà, cây thông lung linh
ngàn ánh sáng… Từ những bài thánh ca du dương bất hủ như Silent Night (lời Việt:
Đêm Thánh Vô Cùng), Cao Cung Lên… tới những bài hát vui nhộn như Jingle Bells
(Chuông Vang Vang), Drummer Boy (Chú Bé Đánh Trống) hay nhạc tình quyến rũ như
Mùa Sao Sáng, Bóng Nhỏ Giáo Đường…
Nhưng có lẽ cái đánh động nhất của lễ
Giáng sinh chính là những tâm tình mà nó gợi lên trong lòng nhân loại, như bình
an, vui tươi, thân thiện, hòa hợp. Người ta hưu chiến, người ta làm hòa, người
ta tặng quà, người ta ăn tiệc dịp Giáng Sinh. Đó là vì dù ít dù nhiều, nhân loại
biết đấy là lễ kỷ niệm việc Thượng Đế trời cao xuống thế làm người để chia sẻ
thân phận với con người, ban gởi bình an đến con người, gieo rắc tình thương giữa
con người, kêu gào công lý cho con người và đồng thời mời gọi nhân loại cũng
hãy làm cho nhau như thế. Hầu hết các xã hội văn minh dân chủ trên khắp trái đất
đều đã và đang nỗ lực biến sứ điệp cao cả đó thành hiện thực bao nhiêu thế kỷ
nay. Dù có định kiến thế nào đi nữa, ai ai cũng phải công nhận những quốc gia,
đất nước chịu ảnh hưởng Ki-tô giáo (tại Mỹ châu, Âu châu, Úc châu) xét chung đều
phát triển, đều thịnh vượng, đều nhân bản, đều tôn trọng con người.
Điều đáng buồn là tại những quốc gia đang gánh chịu chế độ
Cộng sản (trong đó có Việt Nam chúng ta), đấy vẫn hoàn là những mơ ước thiết
tha, những khát vọng cháy bỏng mà mỗi lần lễ Giáng sinh tới lại làm đau nhói
con tim, nung đốt tâm hồn những ai còn quan tâm tới chân lý, công bình, tình
thương và tự do, cho dẫu các âm thanh và hình ảnh No-en không hề thiếu ở mọi chốn
phồn hoa đô hội tại những quốc gia cộng sản ấy (thậm chí đó còn là nơi mà phần
lớn các sản phẩm liên quan tới Giáng sinh hiện bán khắp địa cầu được làm ra, đặc
biệt Hoa lục).
Sứ điệp Giáng Sinh mời gọi loài người chia sẻ thân phận của
nhau, nghĩa là xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, không có sự chênh lệch
của cải và quyền lợi quá đáng. Nhưng tại VN chúng ta, đang có tình trạng một
nhúm người thống trị lâu dài cả dân tộc, tức là đảng Cộng sản độc đoán cầm quyền
hơn nửa thế kỷ nay. Nhờ nắm trong tay tất cả sức mạnh, đảng quyết định mình là
sở hữu chủ (dưới danh nghĩa nhà nước) của mọi tài nguyên quốc gia, nhất là đất
đai, người dân chỉ còn quyền sử dụng, khiến đại đa số lâm cảnh đói nghèo (thu
nhập bình quân của người VN vào hạng thấp nhất thế giới là bằng chứng). Đang có
tình trạng những kẻ giữ quyền chính trị giành lấy hầu hết mọi tự do (tự do
thông tin và phát biểu kiểu độc quyền, tự do lập đảng và lập hội kiểu độc quyền…)
để bắt toàn dân phải làm nô lệ đủ các mặt (lập đảng chính trị: bị cấm, lập hội
dân sự: bị cản, thông tin trái lề: bị dọa, làm báo độc lập: bị tù! Các bloggers
“nhập kho” gần đây như Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn
Đình Ngọc là những bằng chứng). Đang có tình trạng những kẻ sở hữu cơ ngơi
hoành tráng, dinh thự xa hoa, nhà cửa ê hề (như phó thủ tướng đặc trách chống
tham nhũng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng thanh tra săn lùng tham nhũng Trần Văn
Truyền…) sống bên cạnh hàng triệu dân oan bị tước ruộng vườn, bị phá nhà cửa để
phải kiếm sống trong lây lất và khiếu kiện trong vô vọng, thậm chí bị đốt túp lều
cuối cùng như gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở Hải Phòng, bị xét xử cầm tù như vợ
chồng chị Cấn Thị Thêu ở Dương Nội. Đang có tình trạng những cán bộ đảng viên
cao cấp thu tóm mọi đặc quyền đặc lợi (qua các công ty quốc doanh, tập đoàn nhà
nước, cơ quan chính phủ) khiến đa số còn lại lâm vào cảnh thiếu thốn khốn cùng.
Sứ điệp Giáng Sinh mời gọi loài người kiến tạo bình an
cho nhau, nghĩa là tạo cho nhau một cuộc sống không tranh chấp, không giành giật,
không khắc khoải, không hãi sợ. Nhưng tại Việt Nam, một chế độ độc tài đã và
đang được thực thi, được áp đặt bằng âm mưu đoạt ghế, cướp quyền, bằng biện
pháp cưỡng bức, hăm dọa, bằng chính sách gieo bất an, tạo bất hòa, bằng chủ
trương dựng kẻ thù, gây chia rẽ. Đảng thống trị và nhà cầm quyền luôn nặn ra những
con ngoáo ộp “thế lực thù địch” cho dân phải luôn đề phòng, cảnh giác và hãi sợ.
Ngoài ra, người dân không thấy được công lý che chở, luật pháp bảo vệ. Công lý
nếu có chỉ là thứ công lý tiền bạc, công lý côn đồ, nghĩa là công lý trò hề
(như một minh họa mới đây trên bìa 2 cuốn sách “Bộ luật Dân sự” và “Bộ luật
Hình sự” năm 2014 với “văn bản hướng dẫn thi hành”). Luật pháp nếu có chỉ là thứ
luật pháp bao che quan chức chính quyền, nhân sự chế độ (tham nhũng đại bự Trần
Văn Truyền chỉ bị cảnh cáo, công an giết người chỉ phải ngồi tù vài năm), là thứ
luật pháp trừng trị dân đen khốc liệt (giới làm nông đòi đất đai, giới đối
kháng đòi dân chủ, giới tín đồ đòi quyền hành đạo). Đủ thứ hăm dọa từ chính trị
áp bức, từ quyền lực bạo hành, từ bộ máy sách nhiễu, từ kinh tế suy thoái, từ
xã hội nhiễu nhương, từ môi trường ô nhiễm, từ đạo đức băng hoại, thậm chí từ
ngoại thù xâm lược. Ai mà không ngán ngẩm về cái đảng thống trị bất lương và bất
tài, về bộ máy cầm quyền tham nhũng và bóc lột, tàn ác và gian dối; không băn
khoăn vì đồng tiền ngày càng mất giá, vì trộm cướp như rươi hoành hành, vì thức
ăn nước uống nhiễm độc; không khắc khoải vì đất nước bị ngoại xâm Bắc phương
ngoạm dần, vì kẻ thù truyền kiếp rình chực ngoài cửa. Người dân lo âu về hiện tại
lẫn về tương lai, cho bản thân lẫn cho con cháu. Con người mỗi sáng mở mắt
không biết hôm nay mình có được an toàn trong thể xác (thực phẩm phải chăng gây
ung thư?), an toàn trong sinh hoạt (tai nạn giao thông phải chăng chực chờ?),
an toàn trong mối tương giao xã hội (công an cảnh sát phải chăng mời vào đồn?
viên chức hành chánh phải chăng giở trò sách nhiễu?)
Sứ điệp Giáng Sinh mời gọi loài người thể hiện tình yêu đối
với nhau, nghĩa là thương người như thể thương thân, sống với nhau tương thân
tương ái như anh em một nhà. Nhưng có dễ thực hiện điều đó chăng tại VN chúng
ta, nơi hiện hoành hành một chủ nghĩa vô thần phi nhân, duy vật hưởng thụ, một
chế độ cai trị mất hẳn tính người và tình người, một cơ chế xã hội ít chú trọng
và đề cao các giá trị nhân bản, một nền giáo dục đầu độc trí não hơn giải phóng
tâm hồn. Trước gương sống chỉ biết vinh thân phì gia của giới hành quyền đủ mọi
cấp bậc, hầu như thiên hạ sống dửng dưng với thân phận của nhau, vô cảm với nỗi
khổ của nhau, chủ trương triết lý “mặc kệ nó”, thậm chí bàng quan với vận mệnh
của dân tộc và sự an nguy của giống nòi. Thử hỏi những cuộc xuống đường chống
ngoại xâm có bao người tham dự? Thử hỏi những cuộc biểu tình đòi các nhân quyền
cơ bản có mấy khi được tổ chức? Hay nếu có thì phải chăng sẽ được khuyến khích
bởi các lãnh đạo chính trị và lãnh đạo tinh thần? Rất nhiều con người chỉ biết
sống trong giành giật và chà đạp, trong lường gạt và dối trá, không thấy hạnh
phúc đích thực của mình chính là tạo hạnh phúc cho kẻ khác, không ý thức được
ích lợi cho toàn xã hội cũng là ích lợi cho mỗi cá nhân. Tiếng “xin lỗi” và “cảm
ơn” ngày càng vắng bóng. Sự tự phát cứu giúp kẻ lâm nạn trên đường ngày một hiếm
hoi. Lắm người nghèo về cơm áo, về văn hóa, về tình thương, nhất là về nhân phẩm
đang bị bỏ lơ, quên hẳn bên lề cuộc đời.
Sứ điệp Giáng Sinh mời gọi loài người thực thi công lý
cho nhau, nghĩa là trả cho ai nấy cái thuộc về họ, từ các nhân quyền đến các
dân quyền. Nhưng tại VN chúng ta, công lý đang bị coi thường, lãng quên, thậm
chí bị trấn áp, tiêu diệt. Chữ “công lý” không hề nằm trên giấy trong các văn bản
pháp luật (duy nhất một lần trong hiến pháp), không hề nằm trên miệng nơi các
thừa hành pháp luật. Người ta không xét xử nhân danh công lý mà chỉ nhân danh
nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ý thức công lý cũng mai một dần nơi vô số con người.
Hàng triệu thai nhi không có quyền được chào đời làm người (Việt Nam luôn chiếm
hàng đầu về nạn phá thai); hàng triệu trẻ em không có được một mái ấm học đường
(vì học phí quá đắt, vì cơ sở quá tệ), một nền giáo dục nhân bản (vì chủ trương
nặn đúc thần dân cho đảng); hàng triệu thanh niên không được tạo khả năng và
ban cơ hội để vững bước vào đời (vì giáo dục từ chương, vì bằng cấp dổm giả, vì
“bằng đỏ” cũng thua “bằng vàng”); hàng triệu nông dân bị tước đoạt ruộng vườn
và phương tiện sinh nhai (thu hồi kiểu cướp bóc tàn bạo, đền bù kiểu để chết dần
mòn); hàng triệu công nhân bị bóc lột tiền lương, phải lao động trong những điều
kiện hết sức vô nhân đạo, chịu sự kiểm soát và khống chế của những công đoàn
không phải của họ, do họ và vì họ; hàng triệu tín hữu bị trấn áp niềm tin, bị
tước đoạt quyền tự do hành đạo (chức sắc lẫn giáo đồ hoặc bị sách nhiễu, hoặc bị
hành hung, hoặc phải ngồi tù; cơ sở tôn giáo hoặc bị phá phách hoặc bị cướp đoạt;
cộng đồng Tin lành Mennonite trong những tháng gần đây là ví dụ tiêu biểu);
hàng ngàn hàng vạn công dân yêu nước bị sách nhiễu cuộc sống, bị bao vây kinh tế,
bị cầm tù oan ức; hàng ngàn hàng vạn tù nhân đang bị tước cả những nhân quyền tối
thiểu trong những lao ngục đọa đày, thậm chí có những nạn nhân vô tội phải lãnh
án oan tử hình. Bằng chứng là Hàn Đức Long (Bắc Giang), Nguyễn Văn Chưởng (Hải
Dương), Hồ Duy Hải (Long An).
Sứ điệp ngày Giáng sinh còn được nhân loại kéo dài tới đầu
năm dương lịch, vì ngày mồng một tháng Giêng được gọi là Ngày Hòa bình Thế giới.
Nhưng với những biến cố chính trị gần đây tại VN, như việc Chủ tịch chính hiệp
Trung Quốc Du Chính Thanh qua rà soát lại nhân sự thân Tàu trong đại hội đảng lần
thứ 12 tới, việc thiết lập cơ quan tuyên truyền và hang ổ tình báo mang tên viện
Khổng Tử, việc cả bộ trưởng công an lẫn quốc phòng quyết tâm “kiểm soát thông
tin”, “ngăn chặn phát tán các tài liệu xuyên tạc trên mạng Internet nhằm đả
kích, bôi nhọ lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ” trong năm tới mà thực chất là tiêu
diệt tự do ngôn luận của công dân, phải chăng dân Việt sẽ có hòa bình trên quê
hương, trong cuộc sống hay phải tiếp tục sống trong bất an tâm hồn và mất hy vọng?
BAN
BIÊN TẬP
Bán
Nguyệt San TDNL