Phạm Đình Nhiên
11-3-2016
Chúng ta thường nói một dân tộc có văn hoá, một người có văn hóa. Trước hết nói về con người có văn hóa. Một người có văn hóa là người có giáo dục, ngay thẳng, không gian dối, trộm cắp; biết sống hòa hợp với mọi người; lời ăn tiếng nói thanh nhã, không cộc cằn, lỗ mãng, vu oan giá họa cho người khác. Từ đó chúng ta thấy một dân tộc có văn hóa là dân tộc trong đó mọi người sống lương thiện, ngay thẳng, biết tôn trọng người khác, tôn trọng quyền lợi chung… tạo ra đời sống an lạc, hạnh phúc cho mọi người vì không sợ trộm cắp, không sợ bị vu oan giá họa hay đàn áp, bóc lột, bất công bởi các cơ quan công quyền vì những người cầm quyền là những người có văn hóa, có giáo dục, trung thực, liêm khiết, biết phục vụ quyền lợi của nước của dân.
Nói chung về văn hóa là thế.
Nhưng văn hóa bị ảnh hưởng rất mạnh hay nặng nề của các tôn giáo, các chủ thuyết, chế độ, khí hậu, địa lý, nghề nghiệp… nên mỗi quốc gia, mỗi giai tầng hay nghề nghiệp lại có văn hóa (hay lối sống) riêng. Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Charlie Rose đài truyền hình CBS phát hình ngày 24-9-2015, Tổng Thống Nga Putin đã khâm phục óc sáng tạo của nước Mỹ (Rose: What do you admire most about America? Putin: I like creativity. Rose: Ông khâm phục nước Mỹ điều gì nhất? Putin: Sự sáng tạo).
Tại sao người Nga không có óc sáng tạo như người Mỹ? Xin thưa, 70 năm sống dười chế độ Cộng Sản, mọi người chỉ biết phục tùng, vâng lời đảng, vâng lời các lãnh tụ. Trái lời hay phản đối, nặng thì bị ghép vào tội phản động là xử bắn, nhẹ thì đày đi Sibéria. Bao nhiêu năm như thế, hiện tại dưới quyền cai trị của Putin tình trạng cũng như thế, không khác bao nhiêu.
Người dân không được quyền nói khác đi, không dám nghĩ khác đi, lâu dần đầu óc trở nên cùn mằn, mụ mẫm trong khi sáng tạo hay phát minh là phá bỏ hay vượt qua những cái cũ, tạo ra cái mới, tư tưởng mới.
Nước Mỹ được lập ra bởi những người yêu chuộng tự do, họ trốn tránh hay bỏ châu Âu sang Mỹ để tránh áp bức, nên khi giành được độc lập, họ lập ngay chế độ dân chủ để bảo đảm và thực thi quyền tự do của họ.
Từ ngày lập quốc tới giờ, mấy trăm năm rồi, người dân Mỹ sống trong khung cảnh tự do vì được luật pháp bảo vệ không bị đe dọa, đàn áp nên đầu óc phóng khoáng, không bị kiềm chế và có thể làm bất cứ điều gì, nghĩ bất cứ điều gì, nói bất cứ điều gì theo ý muốn và lương tâm khi thấy điều ấy là đúng, là có lợi cho đất nước hay có lợi cho mình mà không sợ bị bắt bớ hay cầm tù, sát hại.
Những điều này ở nước Nga không có.
Hai chế độ tự do ở Mỹ, độc tài ở Nga theo thời gian tạo ra hay ít nhất ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, lối sống của người dân trong nước. Từ hai chế độ đó tạo ra văn hóa tự do, hay văn hóa phục tùng, giam hãm và đầu óc sáng tạo của người Mỹ vượt qua người Nga là điều tự nhiên, không có gì lạ vì sáng tạo là con đẻ của tự do, dù là sáng tạo thơ, văn, âm nhạc, khoa học, công nghệ, buôn bán hay chế tạo thuốc men…
Từ câu chuyện văn hóa, chúng ta liên tưởng đến câu chuyện màn hình YouTube của đài Truyền Hình Quốc Gia Việt Nam VTVGo bị đóng ngày 28.2.2016 vì vi phạm bản quyền – nói rõ hơn là ăn cắp hình ảnh (đạo hình hay đạo văn) – của màn hình YouTube Yamaha Trung Tá do ông Bùi Minh Tuấn làm chủ. Sự việc này được ông Tuấn theo dõi từ tháng 7/2015 và đã nhắc nhở YouTube VTVGo. Ban Biên Tập của VTVGo đã 3 lần xin lỗi nhưng sau đó vẫn tiếp tục ăn cắp hình ảnh từ màn YouTube của ông Tuấn tới gần 20 lần để đưa lên VTVGo nên ông Tuấn báo cho ban Giám Đốc YouTube ở Mỹ biết VTVGo liên tục vi phạm bản quyền của ông .
Chỉ sau khi YouTube VTVGo bị đóng ngày 28/2, Trưởng ban Thanh tra của Đài Truyền Hình Quốc Gia VTV tại Hà Nội hôm 2/3/2016 mới điện thoại hẹn gặp ông Tuấn vào ngày 6/3 để thảo luận vấn đề, nhưng rồi hủy bỏ không gặp và nhân viên đài truyền hình VTV còn vu khống rằng ông Tuấn “chẳng qua nhằm kiếm tiền của VTV, cũng như muốn nổi tiếng”. Và có web site còn gọi ông Tuấn là “thằng bán xe” một cách vô văn hóa. Hiện nay, sau 7 ngày kể từ 28/2 việc đạo hình không được giải quyết, màn YouTube VTVGo bị ban Giám Đốc YouTube ở Mỹ đóng luôn.
Trường hợp này, ở những nước văn minh thì không phải Trưởng Thanh Tra VTV gặp ông Tuấn mà Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin phải công khai xin lỗi ông Tuấn trước các phương tiện truyền thông và từ chức vì một cơ quan văn hóa của quốc gia như đài truyền hình VTV mà đạo hình ảnh của người khác làm của mình, là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng ở những nước Cộng Sản, nhất là ở Việt Nam, chuyện đó là chuyện bình thường, rất tư nhiên vì không ai dám hay được phép thưa kiện chính quyền từ bao nhiêu năm nay rồi.
Lối sống, lối làm việc này – còn gọi là văn hoá – không phải chỉ có trong các quan chức nhà nước, tôi thấy mấy tờ báo mạng (Website) của những vị đấu tranh cho dân chủ cũng rất tự tiện cắt xén, sửa chữa (biên tập) bài của các tác giả gửi tới đăng mà không hề thảo luận hay hỏi ý tác giả. Cả những cơ quan truyền thông hay báo chí do người Việt làm chủ hay của các nước mà người Việt được đề cử điều hành phần lớn cũng có lối làm việc như vậy.
Điều này rất khác với những tờ báo tôi được đọc ở Hà Nội trước năm 1954 và Sàigòn trước năm 1975 (Tin Sáng, Tia Sáng, Ngôn Luận, Tiếng Chuông, Sàigòn Mới…). Những tờ báo này luôn có mục thư tín liên lạc với người viết và người đọc để trao đổi ý kiến với họ như những tờ báo hiện nay ở nước Mỹ.
Gần 1 thế kỷ sống dưới chế độ Cộng Sản, người ta thay đổi mà không biết rằng mình thay đổi dù đó là những vị trí thức, khoa bảng, nói gì đến người dân thường.
Để kết thúc câu chuyện, tôi xin phép được trích đoạn văn của FB Mạnh Kim mới đăng mấy hôm gần đây:
“Làm thế nào có thể nói đến việc xây dựng một xã hội có Văn Hóa hơn, trong khi chính những cơ quan báo chí, đại diện Văn Hóa lại ngày càng vô văn hóa!”
____
Mời xem lại: Tư duy “ao làng” của VTV và sự sòng phẳng của Youtube (DV/ BS). – VTV đã vi phạm bản quyền (Trương Nhân Tuấn/ BS).
Nguồn BA SÀM