Công nhân đang làm việc tại một công ty dệt may Việt Nam tại TPHCM. Ảnh minh hoạ: Thu Nguyệt |
(TBKTSG
Online) – Năm 2015, xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia vào thị trường
Liên minh châu Âu (EU) đã lần đầu tiên vượt qua Việt Nam, trở thành nước có
thị phần xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 5 tại EU. Đây có thể là một cảnh
báo về năng lực cạnh tranh của Việt Nam kém đi do đồng nội tệ định giá theo
đồng đô la Mỹ vốn đã tăng giá so với hầu hết mọi đồng tiền của các nước.
Thống kê được Hiệp hội Dệt
may Việt Nam (VITAS) tổng hợp từ nguồn Eurostat và Trademap cho thấy trong
cả năm 2015, hàng dệt may Campuchia xuất khẩu sang EU đạt kim ngạch 3,27 tỉ
đô la Mỹ, tăng 9,95% so với năm 2014, chiếm 3,64% trong tổng kim ngạch nhập
khẩu hàng dệt may của EU.
Trong khi đó, trong năm
2015, hàng dệt may Việt Nam xuất sang EU chỉ đạt 3,11 tỉ đô la Mỹ, tăng 5%
so với năm trước đó, chiếm 3,45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của
thị trường này.
Việt Nam hiện là nước xuất
khẩu hàng dệt may lớn thứ sáu vào thị trường EU, xếp sau Trung Quốc,
Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Campuchia.
Số liệu thống kê trong 5
năm qua được VITAS tổng hợp cho thấy, trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu
hàng dệt may của Campuchia sang EU chỉ bằng một nửa của Việt Nam sang EU
nhưng do có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định hơn nên đã nhanh chóng bắt
kịp Việt Nam trong năm 2014.
Theo ông Phạm Xuân Hồng,
Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TPHCM (AGTEK) kiêm Phó chủ tịch VITAS,
Campuchia có lợi thế là hàng hoá nước này lâu nay được nhiều nước nhập khẩu
cho hưởng chính sách ưu đãi thuế quan (như quy chế ưu đãi tối huệ quốc –
Most Favoured Nation - MFN), đặc biệt là tại thị trường châu Âu. Do đó, nhà
đầu tư từ Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc,… đầu tư rất nhiều tại Campuchia,
giúp gia tăng sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước
này.
Ngoài ra, tại Campuchia,
doanh nghiệp chủ yếu làm những đơn hàng không cao cấp – những đơn hàng này
thường đòi hỏi sản lượng lớn. Do đó, có lẽ vì những yếu tố này mà dù trước
đây có sản lượng xuất khẩu hàng dệt may thấp nhưng hiện Campuchia đã vượt
qua Việt Nam tại thị trường châu Âu, ông Hồng cho biết.
Ông Hồng cũng cho biết
thêm, chi phí nhân công tại Campuchia thấp hơn nhiều so với Việt Nam, mặc
dù nhìn chung tay nghề công nhân, năng suất cũng như chất lượng quản lý tại
đây có thể chưa bằng.
Về phía doanh nghiệp,
ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May
Sài Gòn (Garmex Saigon), hôm 1-3 cho TBKTSG
Online biết, trước đây công ty xuất khẩu mạnh sang thị trường
châu Âu, nhưng hiện đơn hàng châu Âu có sụt giảm và công ty chủ yếu đẩy mạnh
xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Giải thích về việc này,
ông Hùng cho biết, trong vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế châu Âu xấu
đi, và đồng euro mất giá so với đô la Mỹ. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt
Nam xuất khẩu sang EU với đồng tiền được thanh toán là đô la Mỹ, nên việc mất
giá của đồng euro khiến cho giá thực hiện đơn hàng dệt may của doanh nghiệp
Việt Nam trở nên cao hơn.