Vũ Thạch
Vũ Thạch: "Việc các nhà hoạt động xã hội dân sự ra ứng cử quốc hội còn đánh dấu một bước tiến lớn trong nhận thức về tiến trình đấu tranh chung cho tương lai đất nước. Rõ ràng mọi nỗ lực tạo đổi thay tích cực cho xã hội, nếu muốn bền vững và không dựa vào từ tâm của vài cá nhân đang nắm quyền, thì các đổi thay đó phải được LUẬT HÓA và phải có một hệ thống công quyền bị ràng buộc thi hành luật pháp. Nếu không đạt được 2 điều kiện nền tảng đó, các nỗ lực của xã hội dân sự, dù có thành công, chỉ mang tính giai đoạn, chóng tan biến. Nói cách khác, mọi con đường tạo đổi thay tích cực và lâu bền cho toàn xã hội, sớm muộn gì, cũng đều dẫn đến các nỗ lực mang tính chính trị và tiến vào đấu trường chính trị."
Những tia hy vọng cuối cùng vào Đại Hội 12 vừa tắt lịm thì tin tức dồn dập
nổi lên về mức tụt hậu mới của đất nước. Theo chỉ số thống kê trên nhiều mặt
vào đầu năm 2016, Việt Nam nay không chỉ thua Thái Lan, Phi, Mã Lai, Nam Dương,
mà còn rớt xuống một tầng thấp mới -- chính thức thua cả Lào và Campuchia. Rất
đông người Việt Nam đang túa sang 2 nước này để tìm kiếm "tương lai".
Chính vì thế mà việc một số những người có lòng với đất nước, từng tích cực
hoạt động xã hội dân sự, tích cực phản đối TQ xâm lược, quyết định ra tự ứng cử
vào Quốc Hội, đã như một ly nước lạnh mát cho cơn khát của dân tộc. Đại đa số
dân cư mạng lập tức ủng hộ, khen ngợi, khuyến khích, và hân hoan tiếp tay.
Tuy nhiên, đó đây vẫn vang lên một vài tiếng nói quan tâm. Các quan tâm này
không phải không có lý và có thể rút về 2 điều lo lắng: (1) Việc
tham gia ứng cử có làm loãng đi những kêu gọi tẩy chay màn kịch bi hài
"đảng cử dân bầu" hiện nay không? (2) Việc tham gia vào tiến trình
bầu bán có vô tình tạo thêm tính chính danh cho cái "cuốc hội công
cụ" của đảng CSVN không?
Trước hết, có lẽ cần thừa nhận tác động không nhiều của việc tẩy chay bỏ
phiếu. Ai cũng biết mọi chế độ độc tài đều dùng công thức: người bỏ phiếu không
quan trọng, chỉ cần kẻ đếm phiếu. Nghĩa là dù người dân có bầu hay không và bầu
với tỉ số bao nhiêu thì chế độ độc tài vẫn tuyên bố thắng cử gần như tuyệt đối
cho các ứng viên của họ. Đó là thực tế của nhiều năm qua mà chẳng ai làm được
gì. Trong khi đó, nếu nay có nhiều người dân cố tình ra ứng cử và biết trước
Đảng sẽ dùng mọi mánh khóe để gạt họ ra, dân tộc ta sẽ có cả một chồng hồ sơ
bằng chứng để cả thế giới thấy trò hề bầu cử tại Việt Nam và nhận chân một sự
thật là hệ thống cầm quyền hiện nay KHÔNG đại diện cho dân tộc Việt Nam. Trong
các cuộc bầu cử quốc hội trước, đã có vài trường hợp ứng cử rất can đảm cho mục
tiêu vừa nêu, như Ls. Lê Quốc Quân, Ls. Lê Công Định, ... nhưng còn quá hiếm.
Lần này sẽ khác!
Cũng vậy, việc những người dân vừa có lòng vừa có khả năng ra ứng cử không
hề tạo thêm tính chính danh cho "cuốc hội công cụ", mà ngược lại họ
cho toàn dân cơ hội so sánh. Trong lúc các đại biểu quốc hội gốc
đảng hiện nay chẳng ai dám đụng đến TQ xâm lược, chẳng ai biết gốc
rễ tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng hiện nay, chẳng ai dám chỉ ra
nguồn gốc các tệ nạn xã hội hiện nay chứ chưa nói gì đến giải pháp, ... thì
từng ứng viên ngoài đảng đã công bố ý hướng, hoài bão, và chương trình hành
động của mình. Họ không phải là những người hứa hão nhưng đã thực sự là những
người biểu tình chống TQ dù phải bước đi một mình tại một quốc gia Đông Nam Á
xa lạ; Họ biết rõ cách thức kiện TQ trước tòa quốc tế và sẵn sàng làm điều đó
khi có vai trò đại diện quốc gia; Họ đã từng là các nhà nghiên cứu cấp quốc gia
và làm kinh tế rất thành công; Họ là những người từng đi băng bó xã hội, từng
đi giúp những người cùng khổ tìm công lý, ...
Tóm lại, chỉ với số người tự ứng cử hiện nay, người dân đã có thể thấy câu
ngụy biện xưa nay "Không có đảng CSVN thì lấy ai lãnh đạo, dẫn dắt đất
nước!" là điều cực kỳ phi lý. Rõ ràng bên ngoài đảng hiện có rất nhiều
người có thể điều hành đất nước hơn xa các quan chức đảng. Và còn quan trọng
hơn nữa, chỉ khi nào đất nước được điều hành bởi những người ngoài đảng thì đất
nước mới mong đi ngược lại hướng lạc hậu hiện nay; mới thoát ra khỏi thảm trạng
cứ mò mẫm đi về hướng CNXH mà không biết nó là gì, ở đâu; để rồi càng ngày càng
suy bại và lệ thuộc ngoại bang.
Việc các nhà hoạt động xã hội dân sự ra ứng cử quốc hội còn đánh dấu một bước
tiến lớn trong nhận thức về tiến trình đấu tranh chung cho tương lai đất
nước. Rõ ràng mọi nỗ lực tạo đổi thay tích cực cho xã hội, nếu muốn bền
vững và không dựa vào từ tâm của vài cá nhân đang nắm quyền, thì các đổi thay
đó phải được LUẬT HÓA và phải có một hệ thống công quyền bị ràng buộc thi hành
luật pháp. Nếu không đạt được 2 điều kiện nền tảng đó, các nỗ lực của xã
hội dân sự, dù có thành công, chỉ mang tính giai đoạn, chóng tan biến. Nói cách
khác, mọi con đường tạo đổi thay tích cực và lâu bền cho toàn xã hội, sớm muộn
gì, cũng đều dẫn đến các nỗ lực mang tính chính trị và tiến vào đấu trường
chính trị.
Thực tế đó dẫn đến nhu cầu nhận thức lại về vai trò của các đảng phái chính
trị. Thử nhìn rộng ra các nước dân chủ trên thế giới, người ta có thể thấy các
đảng phái chính trị ra đời không nhất thiết chỉ vì thèm khát và muốn giành cho
được cái ghế cai trị cao nhất để hưởng độc quyền độc lợi cho mình. Cách nhìn đó
quá hạn hẹp và chỉ phản chiếu hoàn cảnh sống quá lâu trong tình trạng độc đảng
bất thường tại Việt Nam. Phần lớn người dân Việt chỉ có một nền tảng để phóng
chiếu là đảng CSVN và cách hành xử của họ.
Thật ra, các đảng phái chính trị tại các nước khác có nhiều vị trí và đóng
nhiều vai trò khác nhau. Họ dám đứng ra gồng gánh đất nước trong những ngày
tháng vừa phôi thai ra đời như các đảng chính trị tại Israel, Singapore; hay
trong những giai đoạn thập tử nhất sinh như các đảng chính trị tại Âu Châu
trong thế chiến 2. Có những đảng chính trị chỉ muốn tạo thay đổi bền vững về
một lãnh vực mà họ cho là cực kỳ hệ trọng nhưng các đảng xanh, chuyên tranh đấu
cho môi sinh, tại Âu Châu. Có những đảng chính trị chấp nhận nhiều hy sinh chỉ
vì muốn đưa đất nước ra khỏi tình trạng ngập tràn bất công và thù hận như đảng
của ông Nelson Mandela tại Nam Phi; ra khỏi tình trạng tụt hậu, chia rẽ chủng
tộc, và lệ thuộc ngoại bang như đảng của bà Aung San Suu Ki, ....
Do đó, đã đến lúc cần nhìn đúng đắn rằng đảng phái chính trị đơn thuần là
những nhóm hoạt động có tổ chức hữu hiệu trong môi trường chính trị. Có đảng
xấu xa, ác độc, xử dụng đất nước như bệ ngồi, nhưng cũng có đảng rất lý tưởng,
vị tha, và trung thành với dân tộc. Không nên gộp chung tất cả đảng phái chính
trị thành một loại và đồng hóa với đảng CSVN.
Với các định nghĩa rút từ thực tế nêu trên, khó có ai còn làm cái việc vô
lý là tự vạch lằn ranh giữa các nhóm hoạt động XHDS với các nhóm vận động dân
chủ, vận động thay đổi guồng máy cầm quyền. Sự phân vùng ấy vừa là hành động tự
trói tay chân vốn còn rất yếu của mình, vừa rơi vào cái bẫy phân hóa tinh vi
của chế độ độc tài.
Năm 2016 quả là năm sôi nổi ngay từ những ngày đầu.
Nếu Đại Hội XII vừa đánh dấu một bước thụt lùi lớn của đảng CSVN, thì việc xuất
hiện hàng loạt các ứng viên bên ngoài tầm tay của đảng lại đánh dấu một bước
tiến rất lớn, mang tính bộc phá, trong nỗ lực cứu lấy đất nước của dân tộc
Việt.